Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 11 | Chương 13 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

I Sa-mu-ên

 

Tổ chức vương quốc
Sa-mu-ên -- Sau-lơ -- Ða-vít
Sa-mu-ên là điểm nối liền Các quan xét với chế độ vương quốc
Niên hiệu: Khoảng 1100-1050 T.C.
Sân khấu của chức vụ Sa-mu-ên

 

 

Ra-ma cách thành Giê-ru-sa-lem chừng 6 dặm về phía Bắc, là nơi Sa-mu-ên ra đời, thi hành quyền tư pháp và được an táng (1:19; 7:17; 25:1).

Bê-tên, cách Ra-ma chừng 5 dặm về phía Bắc, là văn phòng của Sa-mu-ên ở phía Bắc. Bê-tên là một trong bốn điểm cao nhứt trong xứ, ba nơi kia là Ê-banh, Hếp-rôn và Mích-ba. Từ Bê-tên, ta thấy phong cảnh của xứ đẹp tuyệt. Tại đây, 800 năm trước, Gia-cốp đã thấy chiếc thang bắc lên trời. Về sau, Bê-tên trở thành trung tâm thờ lạy con bò con bằng vàng (I Các vua 12:28, 29).

Mích-ba, cách Ra-ma 3 dặm về phía Ðông, ở trên núi Neby Samwil (nghĩa là "đấng tiên tri Sa-mu-ên), là văn phòng phía Tây của Sa-mu-ên. Tại đây, Sa-mu-ên dựng phiến đá "Ê-bên-Ê-xe" (7:12). Trên sườn phía Bắc của núi nầy là Ga-ba-ôn, tại đây lâu lắm về trước, Giô-suê đã làm cho "mặt trời dừng lại."

Ghi-bê-a (ngày nay tên là Tell-el-Ful), ở khoảng giữa Ra-ma và Giê-ru-sa-lem, là quê hương của Sau-lơ.

Bết-lê-hem cách Ra-ma 12 dặm về phía Nam, là nơi Ða-vít sanh ra, và về sau là nơi Ðức Chúa Jêsus giáng sanh.

Si-lô cách Ra-ma chừng 15 dặm về phía Bắc, là nơi đặt Ðền tạm từ đời Giô-suê đến đời Sa-mu-ên; cũng là nơi Sa-mu-ên hầu việc Ðức Chúa Trời lúc còn thơ ấu.

Ki-ri-át-Giê-a-rim cách Ra-ma chừng 8 dặm về phía Tây nam, là nơi đặt hòm giao ước sau khi từ xứ Phi-li-tin trở về.

 

Ðoạn 1-2:11 -- Sa-mu-ên sanh ra

Cha mẹ ông là người Lê-vi (I Sử ký 6:33-38). Mẹ ông, là An-ne, đáng được ta tôn kính hết sức. Bà treo gương từ mẫu cao quí, và con trai bà đã trở thành một nhơn vật cao thượng và thanh khiết nhứt trong lịch sử.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Si-lô (1:3)

Giô-suê đặt Ðền tạm tại Si-lô (Giô-suê 18:1).

Từ năm nầy qua năm khác, dân Y-sơ-ra-ên lên Si-lô để dâng tế lễ (I Sa-mu-ên 1:3).

Ða-vít đem hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem (II Sa-mu-ên 6:15), khoảng 1000 năm T.C..

Giê-rê-mi (7:12-15), chừng 600 năm T.C., chép rằng Si-lô đã bị phá hủy.

Các khúc sách trên đây hàm ý rằng Si-lô là một đô thị quan trọng từ đời Giô-suê đến đời Ða-vít, nhưng sau đó, vào khoảng 600 năm T.C., nó đã bị hủy phá, trở thành hoang vu, và không còn nữa.

Năm 1922-1931, một phái đoàn Ðan-mạch tìm thấy trong di tích của thành Si-lô những mảnh đồ gốm khoảng 1200-1050 T.C., làm chứng cho nền văn hóa Y-sơ-ra-ên, nhưng không một chứng cớ nào tỏ ra có người ở trước đó và sau đó, mãi tới khoảng 300 năm T.C. mới có. Albright cho rằng Si-lô bị hủy phá vào khoảng 1050 năm T.C.. Vậy, các cuộc đào bới phù hợp với những lời Kinh Thánh chép về thành Si-lô.

 

Ðoạn 2:12-36 -- Báo cáo thay đổi ban thầy tế lễ

Câu 31-35 dường như ứng dụng trực tiếp cho Sa-mu-ên, là người kế vị Hê-li làm Quan xét và cũng tạm quyền thầy tế lễ nữa (7:9; 9:11-14); nhưng mấy câu nầy dường như cũng chỉ về một ban thầy tế lễ sẽ còn "luôn luôn" (câu 35).

Mấy câu nầy được ứng nghiệm khi Sa-lô-môn cất chức A-bia-tha, thuộc gia đình Hê- li, mà trao cho Xa-đốc, thuộc một nhánh khác của gia tộc A-rôn (I Các vua 2:27; I Sử ký 24:3, 6).

Nhưng mấy câu nầy được ứng nghiệm tối hậu trong chức Thầy tế lễ đời đời của Ðấng Christ. Trong đoạn 8, 9, 10, chúng ta thấy thể nào Sa-mu-ên đã khởi xướng một cuộc cải cách chánh thể từ chế độ Các quan xét qua chế độ quân chủ. Dưới chế độ quân chủ, chức vua và chức thầy tế lễ được phân biệt rõ rệt. Ở câu 35 đây có hứa cho một ban thầy tế lễ đời đời thể nào, thì cũng một thể ấy, ở II Sa-mu-ên 7:16, Ða-vít được Ðức Chúa Trời hứa ban cho ngôi vua đời đời. Cả chức Thầy tế lễ đời đời và ngôi Vua đời đời chỉ trước về Ðấng Mê-si, -- hai chức nầy hiệp một trong Ðấng Christ, vì chính Ngài trở nên Thầy tế lễ đời đời và Vua đời đời của loài người.

Sự tạm thời hiệp nhứt chức Quan xét và chức thầy tế lễ trong cá nhơn Sa-mu-ên đang khi từ chế độ Quan xét chuyển qua chế độ quân chủ, dường như là một hình bóng lịch sử về sự hiệp nhứt tối hậu của hai chức vụ ấy trong Ðấng Christ.

 

Ðoạn 3. -- Sa-mu-ên được kêu gọi làm tiên tri

Sa-mu-ên là một "tiên tri" (3:20). Ông hành chức thầy tế lễ, vì đã dâng của lễ (7:9). Ông cũng "đoán xét" dân Y-sơ-ra-ên (7:15-17), tuần hành tới Bê-tên, Ghinh-ganh, Mích-ba, và đặt văn phòng chánh tại Ra-ma. Ông là "Quan xét" sau chót, là "Tiên tri" thứ nhứt, và là người sáng lập "nền quân chủ;" ông là người duy nhứt cầm quyền cai trị từ đời Hê-li đến đời Sau-lơ. Sứ mạng chánh yếu của ông là tổ chức vương quốc.

Chánh thể dưới đời các Quan xét đã thất bại (xem lời chú giải mở đầu sách Các quan xét). Trải 300 năm, dân Y-sơ-ra-ên ít tấn bộ trong sự phát triển quốc gia. Vậy nên Ðức Chúa Trời dấy Sa-mu-ên lên để thống nhứt quốc gia dưới quyền của một vua (xem thêm các đoạn 8, 9, 10).

 

Các Tiên tri

Danh từ "Tiên tri" thường dùng trước thời Sa-mu-ên, tỉ như ở Sáng thế ký 20:7 và Xuất Ê-díp-tô ký 7:1. Nhưng dường như Sa-mu-ên là người sáng lập một ban tiên tri chánh thức, và có mở trường hoặc "thần đạo học viện" trước nhứt tại Ra-ma (I Sa-mu-ên 19:20); về sau, có những trường như vậy tại Bê-tên, Giê-ri-cô, và Ghinh-ganh (II Các vua 2:3, 5; 4:38). Ban thầy tế lễ đã hoàn toàn bại hoại; vậy, đồng thời với sự tổ chức vương quốc, Sa-mu-ên mở những trường nầy dường như để kiểm soát phần đạo đức của các thầy tế lễ và các vua.

Những tiên tri nầy hành chức trải qua 300 năm trước thời kỳ các Tiên tri viết 17 quyển sách cuối cùng của Cựu Ước. Họ được gọi là "Tiên tri nói" để phân biệt với các "tiên tri viết" sách.

Những tiên tri "nói" quan trọng nhứt là: Sa-mu-ên, người tổ chức vương quốc; Na- than, cố vấn của Ða-vít; A-bi-gia, cố vấn của Giê-rô-bô-am; Ê-li và Ê-li-sê, hai người đã tranh đấu kịch liệt chống sự thờ tà thần Ba-anh.

Ðoạn 4, 5, 6, 7 -- Hòm giao ước bị quân Phi-li-tin bắt lấy và được trả lại

Sau khi bị quân Phi-li-tin bắt lấy, thì hòm giao ước không hề được đưa về Si-lô nữa. Từ đó trở đi, Si-lô không còn là một nơi quan trọng nữa. Hòm giao ước ở các đô thị Phi-li-tin 7 tháng; trong thời gian đó, nhiều tai vạ giáng trên người Phi-li-tin, nên chúng quyết định trả lại cho dân Y-sơ-ra-ên.

Hòm giao ước được đưa về Bết-sê-mết, rồi về Ki-ri-át-Giê-a-rim, và hòm ở tại đây 20 năm (7:2). Về sau, Ða-vít thỉnh hòm về Giê-ru-sa-lem, và dựng cho hòm giao ước một cái trại (II Sa-mu-ên 6:12; II Sử ký 1:4), và hòm giao ước cứ ở đó cho đến khi Sa-lô-môn xây xong Ðền thờ. Sau khi Nê-bu-cát-nết-sa hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, thì ta không biết chi về lịch sử hòm giao ước nữa.

Sau khi hòm giao ước dời khỏi Si-lô, thì Ðền tạm lúc ở Nóp (21:1; Mác 2:26), lúc ở Ga-ba-ôn (I Sử ký 21:29), cho đến khi Sa-lô-môn đưa vào trong Ðền thờ (I Các vua 8:4).

Sau khi hòm giao ước từ xứ Phi-li-tin trở về, thì do Ðức Chúa Trời trực tiếp giúp đỡ, Sa-mu-ên đã đánh cho quân Phi-li-tin đại bại tại chính chỗ chúng đã chiếm hòm giao ước (4:1; 7:12).

 

Ðoạn 8, 9, 10 -- Tổ chức vương quốc

Cho tới lúc nầy, chánh thể của quốc gia Y-sơ-ra-ên là "Thần chánh" (Théocratie). Trong một thế giới tham tàn mà mọi dân tộc chuyên nghề cướp bóc và chỉ có luật pháp của bạo lực được thừa nhận, một quốc gia muốn tồn tại tất phải khá hùng mạnh. Vậy, chiều theo lề thói của loài người, Ðức Chúa Trời đã để cho dân Ngài Thống Nhứt dưới quyền cai trị của một vua, y như các dân khác. Vua thứ nhứt, là sau-lơ, đã thất bại. Nhưng vua thứ hai, là Ða-vít, đã thành công mỹ mãn.

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Nhà của Sau-lơ ở Ghi-bê-a (10:26)

Năm 1922-23, ông Albright tìm thấy di tích của thành trì mà Sau-lơ đã xây cất tại Ghi-bê-a, trong địa tằng 1000 năm T.C..


Bản đồ số 37

 


Ðoạn 11, 12, 13, 14, 15 -- Sau-lơ làm vua

Sau-lơ thuộc về chi phái Bên-gia-min; đương thời các Quan xét, chi phái nầy đã gần bị tuyệt diệt; ông sanh trưởng tại thành Ghi-bê-a, là nơi tai họa khủng khiếp đã nhóm lên.

Cao lớn, đẹp đẽ và khiêm tốn, Sau-lơ đã bắt đầu đời trị vì bằng một trận toàn thắng dân Am-môn. Mọi sự nghi ngờ đối với "dòng vua mới" đã tiêu tan. Quốc gia dường như cứ đà ấy tiến tới bậc hùng cường.

Rồi Sa-mu-ên long trọng cảnh cáo dân và vua chớ có quên bỏ Ðức Chúa Trời, lời cảnh cáo nầy được xác nhận bằng một trận bão tố có sấm sét lạ lùng (đoạn 12).

Lầm lỗi thứ nhứt của Sau-lơ (đoạn 13).-- Sự thành công của ông đã bốc lên đầu ông rất mau chóng. Sự khiêm tốn nhường chỗ cho sự kiêu căng. Ông dâng của lễ, là việc dành riêng cho các thầy tế lễ. Ðó là dấu hiệu thứ nhứt tỏ ra Sau-lơ tự thị và tự cho là quan trọng.

Lầm lỗi thứ hai của Sau-lơ (đoạn 14).-- Ông dại dột ra lịnh cấm quân đội ăn và dại dột lên án xử tử Giô-na-than, tỏ cho nhơn dân thấy vua của họ khờ khạo dường nào!

Lầm lỗi thứ ba của Sau-lơ (đoạn 15).-- Ông cố ý không vâng lời Ðức Chúa Trời trong vấn đề người A-ma-léc. Vì cớ ấy, ông nghe Sa-mu-ên tuyên án khủng khiếp rằng: "Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Ðức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi, không cho ngươi làm vua" (câu 23).

 

Ðoạn 16 -- Ða-vít được bí mật xức dầu làm vua

Không thể xức dầu cho Ða-vít công khai, e Sau-lơ giết ông. Mục đích sự xức dầu nầy là hiến cho Ða-vít cơ hội tự huấn luyện làm vua. Từ ngày đó trở đi, Ðức Chúa Trời chăm lo cho Ða-vít (câu 13).

Ða-vít là người nhỏ thấp, da dẻ hồng hào, vẻ mặt xinh đẹp, có sức khỏe lạ lùng và cá tánh rất hấp dẫn. Ông là một chiến sĩ, nói năng khôn khéo, rất can đảm, rất có khả năng về âm nhạc, và rất sùng đạo.

Vì ông nổi danh nhạc sĩ, nên Sau-lơ chú ý đến ôn; vả lúc đó, Sau-lơ không biết rằng Ða-vít đã được xức dầu để kế vị mình. Ông được dùng làm người vác binh khí cho Sau-lơ. Do đó, ông được giao thiệp với vua và các cố vấn của vua, được cơ hội học tập thuật cai trị và chiến tranh.

 

Ðoạn 17 -- Ða-vít và Gô-li-át

Dường như lần đầu tiên, Ða-vít chỉ ở triều đình của Sau-lơ ít lâu và ông đã trở về Bết-lê-hem; mấy năm trôi qua, trong thời gian ấy mặt mày Ða-vít đổi khác đến nỗi Sau-lơ không nhận biết ông nữa (câu 55-58).

Sô-cô, nơi Gô-li-át đóng trại, cách Bết-lê-hem chừng 15 dặm về phía Tây. Gô-li-át cao chừng 2 thước 70 phân, và bộ giáp trụ của hắn cân nặng chừng 70 cân tây, riêng mũi cây lao của hắn cân nặng hơn 8 cân tây. Với cây gậy và cái trành ném đá, Ða-vít tính hạ Gô-li-át, thì thật là một hành động vô cùng táo bạo và tuyệt đối tin cậy Ðức Chúa Trời. Sự đắc thắng của ông làm cho toàn dân sửng sốt, kinh ngạc. Lập tức Ða-vít được làm phò mã của Sau-lơ, thống suất quân đội, và trở nên vị anh hùng được toàn dân quí mến.

 

Ðoạn 18, 19, 20 -- Sau-lơ ganh ghét Ða-vít

Ða-vít được nhơn dân hâm mộ, nên Sau-lơ xây qua chống nghịch ông. Nhiều lần Sau- lơ toan giết ông đi. Ða-vít chạy trốn, và lẩn tránh trong vùng núi non suốt mấy năm.

Tình bằng hữu của Giô-na-than với Ða-vít (đoạn 20).-- Giô-na-than là người sẽ được kế ngôi vua. Chàng đã toàn thắng quân Phi-li-tin (đoạn 14) và có tâm tình cao thượng; đó là bằng cớ xác đáng tỏ ra chàng sẽ là một bậc minh quân. Nhưng chàng biết Ðức Chúa Trời đã phong cho Ða-vít làm vua. Một cách tuyệt mỹ, chàng đã tự xóa bỏ mình đi, không màng quyền kế vị, và một cách vô kỷ, chàng đã tận tụy với địch thủ của mình, -- những cái đó tạo thành một truyện tình bằng hữu cao thượng nhứt và tốt đẹp nhứt trong lịch sử.

 

Ðoạn 21 đến 27 -- Ða-vít trốn khỏi Sau-lơ

Thầy tế lễ ở thành Nóp ban bánh thánh cho Ða-vít đang trốn tránh, và Ðức Chúa Jêsus đã nhắc đến việc ấy ở sách Ma-thi-ơ 12:4. Ðoạn, Ða-vít trốn qua khu vực của người Phi-li-tin và giả dạng điên. Cảm thấy nguy hiểm, ông lại chạy tới hang đá A-đu-lam, ở miền Tây lãnh thổ của chi phái Giu-đa, rồi tới xứ Mô-áp, rồi trở lại miền Nam đất Giu-đa, tại Kê-hi-la, Xíp và Ma-ôn. Ông đã tụ tập được 600 đồ đệ, và Sau-lơ vẫn đuổi theo ông bén gót, nhưng ông luôn luôn thoát khỏi. Ông đã viết nhiều Thi Thiên trong thời kỳ nầy.

Tại Ên-ghê-đi, Sau-lơ mắc bẫy; nhưng Ða-vít tha chết cho Sau-lơ, vì không chịu lên ngôi vua bằng cách làm đổ huyết. Ða-vít cũng tha chết cho Sau-lơ một lần nữa tại Xíp. Sau-lơ nhìn nhận mình là kẻ "điên cuồng" (26:21), nhưng ông cứ điên cuồng mãi.

Tại Ma-ôn, A-bi-gia-in, một người nữ giàu có, khôn khéo và phong nhã, đã trở thành vợ của Ða-vít. Rốt lại, Ða-vít lại đi ẩn náu trong xứ Phi-li-tin, và cứ ở đó cho tới khi Sau-lơ qua đời.

 

Ðoạn 28, 29, 30, 31 -- Sau-lơ qua đời

Quân Phi-li-tin xâm lăng xứ Y-sơ-ra-ên, và đóng trại tại Ghinh-bô-a. Một vua chúa Phi-li-tin muốn Ða-vít và đồ đệ của ông đi cùng với họ. Nhưng các quan trưởng khác không tin cậy Ða-vít. Vậy, Ða-vít ở lại hậu phương, và cùng 600 chiến sĩ phòng vệ miền Nam, chống lại người A-ma-léc.

Trong khi ấy, Sau-lơ hoàn toàn khiếp sợ, bèn nhờ một bà bóng ở Ên-đô-rơ làm trung gian để phỏng vấn thần linh của Sa-mu-ên. Bài tường thuật đơn sơ và thành thật dường như ngụ ý rằng thần linh của Sa-mu-ên thật đã hiện về. Tuy nhiên, người ta có ý kiến khác nhau, kẻ cho rằng sự hiện hồn đó là thật, kẻ cho là giả. Dầu sao, Sau-lơ đã bỏ mạng trong trận đánh nầy. Ông đã trị vì 40 năm (Công vụ các sứ đồ 13:21).

 

Bí Chú Khảo Cổ:  Binh khí của Sau-lơ (31:10)

Câu Kinh Thánh trên đây chép rằng "chúng để binh khí của Sau-lơ tại trong đền thờ Át-tạt-tê" ở Bết-san, và ở I Sử ký 10:10 chép rằng "đầu người thì đóng đinh treo trong chùa Ða-gôn."

Bết-san (Beisan) ở ngay phía Ðông núi, ở chỗ thung lũng sông Giô-đanh và thung lũng Rít-ghê-ên gặp nhau, trên ngã tư những con đường chính cao hơn hai thung lũng ấy. Năm 1921-30, tại Bết-san, trong địa tằng 1000 năm T.C., phái đoàn của Bảo tàng viện Ðại học đường Pennsylvania khám phá được di tích của một miễu thờ Át-tạt-tê và một miễu thờ Ða-gôn, -- chính là hai nơi mà binh khí và đầu của Sau-lơ đã bị treo. Ít ra, đó cũng là bằng cớ tỏ ra có những miễu thờ như vậy tại Bết-san đương thời Sau-lơ.