Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 34 | Chương 36 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Mi-chê

 

Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sắp sửa suy sụp
Ðấng Mê-si sẽ sanh tại Bết-lê-hem

 

 

Mi-chê nói tiên tri dưới đời trị vì của Giô-tham (749-734 T.C.), A-cha (741-726 T.C.) và Ê-xê-chia (726-697 T.C.). Giô-tham và Ê-xê-chia là hai vua hiền đức, nhưng A-cha xấu thậm tệ. Như vậy, Mi-chê chứng kiến chánh phủ bội đạo rồi được phục hưng. Quê hương ông ở Mô-rê-sết, trên biên giới Phi-li-tin, gần Gát, cách Giê-ru-sa-lem chừng 30 dặm về phía Tây-nam. Ông đồng thời với Ê-sai và Ô-sê, giảng ở miền Tây nước Giu-đa điều mà Ê-sai giảng ở Giê-ru-sa-lem và Ô-sê giảng ở nước phía Bắc.

Mi-chê giảng cho cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, và trước nhứt cho thủ đô của hai nước nầy, là Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem. Ba ý tưởng chánh yếu trong bài giảng của ông là: Tội lỗi của họ, họ bị hủy diệt, rồi họ được khôi phục. Trong sách Mi-chê, ba ý tưởng nầy lẫn lộn nhau, và nhiều lần đột nhiên chuyển từ sự hoang vu hiện tại qua sự vinh hiển tương lai. Nhiều câu dường như không liên lạc với nhau. Cùng những ý tưởng ấy đã lặp đi lặp lại mãi ở các khung cảnh khác nhau, và có thêm chi tiết.

 

Ðoạn 1 -- Sa-ma-ri bị phán xét

Sa-ma-ri là thủ đô của nước phía Bắc. Các người cai trị nó phải trực tiếp chịu trách nhiệm về sự bại hoại lan tràn khắp nước (câu 5). Vì cớ bội đạo, bỏ Ðức Giê-hô-va, nên 200 năm trước, họ đã chọn theo sự thờ lạy bò con, sự thờ lạy Ba-anh cùng nhiều hình tượng khác của người Ca-na-an, Sy-ri, A-si-ri, và những thói tục kèm theo sự thờ lạy các hình tượng đó. Ðức Chúa Trời đã sai Ê-li, Ê-li-sê và A-mốt để khiến họ xây bỏ hình tượng, nhưng vô ích. Họ đã gần chín mùi để chịu một đòn chí tử. Mi-chê đã sống để thấy lời mình truyền giảng được ứng nghiệm (câu 6). Năm 734 T.C., quân A-si-ri bắt hết dân ở phía Bắc Y-sơ-ra-ên đi làm phu tù, và năm 721 T.C., chính Sa-ma-ri trở thành "một đống đổ nát" (câu 6). Những chỗ nêu tên ở câu 10-15 ở phía Tây nước Giu-đa và dọc theo biên giới Phi-li-tin; đó chính là vùng quê hương của Mi-chê. Những chỗ nầy đã bị quân A-si-ri xâm lăng và tàn phá cùng một lúc nước phía Bắc bị lật đổ.

 

Ðoạn 2 -- Sự tàn ác của những kẻ cai trị

Thêm vào sự thờ lạy hình tượng (1:5-7), giai cấp cầm quyền còn đối xử với người nghèo chẳng chút thương xót, tịch thâu ruộng đất của họ, cả quần áo họ, và trục xuất đờn bà có con nhỏ ra khỏi nhà họ. Trên hết mọi sự, giai cấp cầm quyền còn tụ tập các tiên tri giả, là kẻ dung thứ những hành động bất công và tàn ác của chúng (câu 6, 11). Mi-chê đã nói đến cảnh phu tù (1:16), tới đây, ông đột nhiên mô tả sự khôi phục của họ, có Ðức Chúa Trời đi đầu (2:12-13).

 

Ðoạn 3 -- Sự tàn ác của những kẻ cai trị

Tiếp tục tố cáo sự tàn ác, phóng túng, vô nhân đạo của giai cấp cầm quyền, và đặc biệt nói đến thành Giê-ru-sa-lem (câu 10) cùng các thủ lãnh tôn giáo (câu 5-7, 11). Lời tiên tri nầy chắc đã nói ra dưới đời trị vì của vua A-cha gian ác, mặc dầu dưới đời trị vì tốt lành của Giô-tham và Ê-xê-chia, những ti ác ấy đã bị trừ bỏ một phần nào. Tới tuyệt điểm bài tố cáo tội lỗi của họ, Mi-chê tuyên bố sự phán xét Giê-ru-sa-lem (câu 10), cũng như ông đã tuyên bố sự phán xét Sa-ma-ri ở 1:6.

 

Ðoạn 4 -- Si-ôn trị vì cả thế giới

Ðoạn 3 luận về Si-ôn tàn ác, hung bạo, bại hoại và bị hoang vu. Ðoạn 4 luận về thế giới không chiến tranh, có hạnh phước, thạnh vượng, kính sợ Ðức Chúa Trời, và có Si-ôn đứng đầu. Thật là mâu thuẫn biết bao! Mi-chê 4:1-3 cũng y như Ê-sai 2:2-4. Ðây là những lời tuyệt vời, vĩ đại, rất đáng được lặp lại. Giữa bài ca tụng tương lai đó, đột nhiên tiên tri quay lại cảnh hoạn nạn đương thời mình và sự phán xét Giê-ru-sa-lem mà ông vừa mới nói đến (3:12). Ông báo cáo rằng dân chúng sẽ bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn (4:10). Thật là một lời tiên tri lạ lùng! Lúc đó, đế quốc A-si-ri đang xô đổ mọi vật ở trước mặt nó. Lời tiên tri nầy nói ra 100 năm trước khi đế quốc Ba-by-lôn dấy lên. Thật vậy, Giê-ru-sa-lem đã sống sót trước sự tấn công ồ ạt của quân A-si-ri, và cứ sống cho tới khi A-si-ri bị Ba-by-lôn lật đổ; chính bởi tay Ba-by-lôn mà Giê-ru-sa-lem suy sụp (năm 606 T.C.), và nhân dân Giê-ru-sa-lem bị bắt đi Ba-by-lôn làm phu tù.

 

Ðoạn 5 -- Vua hầu đến của Si-ôn

Ðoạn 4 luận về Si-ôn đứng đầu thế giới. Ðoạn 5 luận về một Vua phát xuất từ Bết- lê-hem, sẽ đứng đầu Si-ôn. 4:1-8 luận về sự vinh hiển tương lai; 4:9-10 quay lại luận về cảnh phu tù; 4:11-12 quay lại thời của tiên tri và sự vây hãm thành Giê-ru-sa-lem bởi quân A-si-ri bấy giờ đang diễn ra. 4:13 tiến mau tới tương lai. Rồi 4:14 lại trở về sự vây hãm Giê-ru-sa-lem. Ðó là khung cảnh cho Ðấng Giải Cứu xuất hiện từ Bết-lê-hem (câu 1-5). Ðối với chơn trời của Mi-chê, đó là sự giải cứu khỏi tay A-si-ri (câu 5-6); nhưng bên kia chơn trời, ở cõi xa mù mịt, thoáng hiện hình ảnh oai nghiêm của Vua Mê-si hầu đến. Từ cõi đời đời, Ngài đã do đường Bết-lê-hem mà xuất hiện. Theo một vài phương diện, sự giải cứu Si-ôn khỏi tay A-si-ri bởi thiên sứ của Ðức Chúa Trời (Ê-sai 37:33-37) chính là bức tranh tiên tri về sự giải cứu tương lai lớn lao hơn bởi Cứu Chúa của loài người. Nhiều dự ngôn trong Cựu Ước về Ðấng Christ đã bị lu mờ bởi những tình hình lịch sử đương thời tiên tri, song lại rõ ràng quá, không sao lầm lẫn được. Không còn nghi ngờ chi nữa, Vua đời đời xuất hiện từ Bết-lê-hem (câu 1) chính là Con Trẻ Lạ Lùng ở Ê-sai 9:6-7, đây là khúc sách độc nhứt trong Cựu Ước có nói đến rõ rằng Ðấng Christ sẽ sanh tại Bết-lê-hem (xem ở dưới Ma-thi-ơ 2:22).

 

Ðoạn 6 -- Ðức Giê-hô-va tranh luận với dân Ngài

Lại nói đến các tội lỗi đương thời Mi-chê: Nào quên ơn Ðức Chúa Trời, nào làm bộ sùng đạo, nào bất lương, nào thờ lạy hình tượng. Chắc chắn có hình phạt.

 

Ðoạn 7 -- Sự đắc thắng chung kết của Si-ôn

Mi-chê than vãn vì tình trạng phản phúc, hung bạo và khát máu lan tràn. Ông lại cảnh cáo sẽ có sự hình phạt. Kết luận, có sự hiện thấy về tương lai, là lúc Ðức Chúa Trời cùng dân Ngài sẽ chiếm địa vị cao cả, và lời hứa cho Áp-ra-ham sẽ được ứng nghiệm đầy trọn.