Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 63 | Chương 65 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ Tít

 

 

Luận về Hội Thánh ở đảo Cơ-rết

 

Tít. Tân Ước chỉ nói về ông như vầy: Ông là người Hy-lạp, theo Phao-lô lên thành Giê-ru-sa-lem, và Phao-lô nhất định kháng cự, không chịu để họ làm phép cắt bì cho ông (Ga-la-ti 2:3-5). Có lẽ ông là công dân thành An-ti-ốt. Ông là một trong những người do Phao-lô dắt đưa về tin Chúa.

Mấy năm sau, ông xuất hiện với Phao-lô tại thành Ê-phê-sô, và được cử đi thành Cô-rinh-tô để giàn xếp một vài vụ lộn xộn và để mở cuộc lạc quyên giúp các thánh đồ nghèo tại thành Giê-ru-sa-lem (II Cô-rinh-tô 8:7, 10); có lẽ ông đi theo phái đoàn đem thơ I Cô-rinh-tô, hoặc một thơ gởi sớm hơn (I Cô-rinh-tô 5:9). Từ Cô-rinh-tô trở về, ông gặp Phao-lô tại xứ Ma-xê-đoan; và sau khi giải thích tình hình cho Phao-lô hay, ông lại được sai đến thành Cô-rinh-tô trước Phao-lô, đem theo thơ II Cô-rinh-tô , để dọn đường cho Phao-lô tới nơi và để thâu đủ số tiền lạc quyên (II Cô-rinh-tô 2:3, 12, 13; 7:5, 6, 13, 14; 8:16, 17, 18, 23; 12:14, 18). Việc lựa chọn Tít để giải quyết tình hình rối loạn tại Cô-rinh-tô, chứng tỏ rằng Phao-lô chắc coi ông là một thủ lãnh Tin Lành rất có khả năng, khôn ngoan và khéo léo.

Chúng ta còn nghe về ông 7 hoặc 8 năm sau, trong thơ tín gởi cho Tít nầy, khoảng 65 S.C.. Ông đang ở đảo Cơ-rết. Mấy chữ: "Ðể con ở lại Cơ-rết" (1:5) tỏ ra rằng Phao-lô đã ở đó với ông. Trong hành trình tới La-mã, tàu của Phao-lô ghé bờ phía Nam của đảo Cơ-rết, nhưng ít có lẽ rằng Phao-lô để Tít ở lại lúc đó. Ý kiến được nhiều người công nhận là sau khi Phao-lô được phóng thích khỏi khám tù La-mã, khoảng năm 63 S.C., thì ông trở lại Ðông phương, và hành trình gồm cả đảo Cơ-rết. Sau khi lập lại trật tự trong các chi hội Cơ-rết, Tít phải trao công việc lại cho A-tê-ma hoặc Ti-chi-cơ, vì Phao-lô bảo ông hãy tới gặp mình tại Ni-cô-bô-li, ở miền Tây Hy-lạp (Tít 3:12).

Lời chép cuối cùng về Tít ở thơ II Ti-mô-thê 4:10, tại đó có nói rằng ông đã từ La-mã đi xứ Ða-ma-ti. Rõ ràng lắm, ông đã tới gặp Phao-lô, ở cùng Phao-lô khi Phao-lô bị bắt, rồi theo Phao-lô về tới kinh thành La-mã. Chúng ta không biết hoặc ông đã vì nguy hiểm hăm dọa mà bỏ Phao-lô trong giờ tối tăm và cô đơn đó, hay là Phao-lô đã sai ông đi hoàn tất công cuộc rao giảng Tin Lành ở bờ biển Tây Bắc Hy-lạp. Chúng ta hãy hy vọng rằng điều thứ hai là đúng, vì ông là một người tốt, một bậc vĩ nhân. Theo truyền thoại, thì Tít trở thành Giám mục ở đảo Cơ-rết, sống lâu và qua đời bình an.

Cơ-rết. Là một hòn đảo, cũng gọi là Candie, ở phía Ðông nam Hy-lạp, trên biên giới giữa biển Egée và Ðịa-trung-hải, dài chừng 150 dặm, và rộng từ 7 đến 30 dặm. Ðảo nầy có nhiều núi non, nhưng các thung lũng thì phì nhiêu, đông dân và trù phú. Ðây là "đảo có một trăm đô thị." Cũng là trung tâm của một nền văn minh thượng cổ và hùng cường, đã đổi ra thành truyện thần tiên lúc lịch sử Hy-lạp bắt đầu. Núi cao nhứt của đảo nầy, là núi Ida, nổi danh vì là nơi sanh trưởng của Zeus, thần của người Hy-lạp. Ðây cũng là quê hương của Minos, con trai Zeus, là nhà lập pháp nửa thần thoại, nửa thật có, cũng là quê hương của Minotaure, một nhân vật hoang đường. Nhân dân có bà con với dân Phi-li-tin, và người ta cho rằng họ giống như dân Kê-rê-thít (I Sa-mu-ên  30:14). Họ là những thủy thủ gan dạ, có tài bắn cung, nhưng về phần đạo đức, thì nổi tiếng rất xấu. Ðương thời Tân Ước, có rất nhiều người Do-thái ở đảo nầy.

Có lẽ Hội Thánh ở đảo Cơ-rết đã phát khởi do những "người Cơ-rết" có mặt tại Giê-ru-sa-lem trong ngày Lễ Ngũ tuần (Công vụ các sứ đồ 2:11). Ngoài cuộc viếng thăm của Phao-lô trên đường đi La-mã (Công vụ các sứ đồ 27) và cuộc viếng thăm ngụ ý trong thơ Tít nầy, thì Tân Ước không còn chép về một Sứ đồ nào viếng thăm đảo Cơ-rết nữa. Vì Phao-lô có ý tránh không xây dựng trên nền của người khác, nên dường như phần nhiều các chi hội trên đảo Cơ-rết đã do ông sáng lập. Bằng không, chắc ông chẳng cầm quyền trên họ như thơ tín nầy đã tỏ ra. Có lẽ các chi hội ấy là kết quả do công việc của ông tại Cô-rinh-tô hoặc Ê-phê-sô, -- cả hai thành nầy ở gần và giao thương với đảo Cơ-rết. Kết quả ấy bởi môi giới của những tín đồ mà ông đã dắt đem về tin Chúa, hoặc bởi một cuộc viếng thăm của ông mà Kinh Thánh không chép.

Giống như thơ I Ti-mô-thê. Người ta cho rằng thơ Tít và thơ I Ti-mô-thê đã viết gần như cùng một lúc, khoảng năm 65 S.C.. Hai thơ nầy giải luận cùng một tổng đề, là chỉ định những thủ lãnh xứng đáng cho các chi hội Tin Lành: Tít ở đảo Cơ-rết và Ti-mô-thê ở thành Ê-phê-sô. Vấn đề khó khăn ở hai nơi nầy gần giống nhau.

 

Ðoạn 1 -- Các Trưởng Lão

"Trông cậy sự sống đời đời" (câu 2). Phao-lô cũng như Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 1:3-5), khi gần đi hết đường đời, thì mắt nhìn chăm vào Thiên đàng. Thiên đàng là sứ điệp mà ông rao truyền luôn và là cớ tích vĩ đại duy nhứt của đời ông: Nào sự vinh quang của đời sống khi thân thể sẽ được cứu chuộc (Rô-ma 8:18, 23); nào sự vui mừng khôn xiết trong ngày mà "thể hay chết nầy" sẽ "mặc lấy thể không hay chết" (I Cô-rinh-tô 15:51-55); nào ông mong ước được nhà "không phải bởi tay người làm ra" (II Cô-rinh-tô 5:1-2); nào quyền công dân thiên thượng của ông, có thân thể giống như thân thể Cứu Chúa (Phi-líp 3:20-21); nào sự vui mừng của ông khi nghĩ rằng mình được cất lên để ở cùng Chúa đời đời( I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18); nào mũ triều thiên công bình mà ông sẽ nhận được "trong ngày đó" (II Ti-mô-thê 4:6-8).

Tư cách của một trưởng lão (1:5-9). "Trưởng lão" (câu 5) và "giám mục" (câu 7) là hai danh từ ở đây dùng giống nhau để chỉ về cùng một chức vụ. Về thực tế, tư cách của họ kể ra ở đây cũng giống như tư cách mô tả ở thơ I Ti-mô-thê 3:1-7 (xin xem khúc sách nầy).

Các giáo sư giả (1:10-16). Các chi hội ở đảo Cơ-rết bị các giáo sư giả bao vây, giống như các giáo sư giả mà thơ II Phi-e-rơ và thơ Giu-đe nói đến; chúng là kẻ "đáng ghét" và "trái nghịch" (câu 16). "Cả nhà người ta" (câu 11) có lẽ chỉ về toàn thể nhiều chi hội, vì thời ấy Hội Thánh nhóm họp tại các nhà riêng. Câu 12 trưng dẫn lời một thi sĩ của đảo Cơ-rết, tên là Epiménide (năm 600 T.C.). "Phải bịt miệng" bọn giáo sư giả, không phải bằng võ lực, nhưng bởi sự mạnh mẽ tuyên bố lẽ thật (câu 11).

* * *

Tít 2

Ðoạn 2 Và 3 -- Các Việc Lành

Thơ tín nầy nhấn mạnh vào "các việc lành". Chúng ta được cứu không phải bởi làm lành, nhưng bởi sự thương xót của Ngài (3:5), và được xưng công bình bởi ân điển Ngài (3:7). Nhưng chính vì cớ đó, chúng ta tuyệt đối buộc phải "có lòng sốt sắng về các việc lành" (2:14), "làm gương về việc lành" (2:7), "sẵn sàng làm mọi việc lành" (3:1), "lo chăm chỉ làm việc lành" (3:8), và "chuyên làm việc lành, đặng giùm giúp khi túng ngặt" (3:14). Một trong những cáo trạng bọn giáo sư giả là chúng "không thể làm một việc lành nào hết" (1:16).

Quyền phép của những cuộc đời tốt đẹp (2:1-14). Các ông già, bà già, thiếu phụ, bà mẹ, thanh niên và tôi mọi đều được khuyên bảo hãy trung tín với những phận sự tự nhiên của địa vị mình, ngõ hầu kẻ chỉ trích đạo của họ phải ngậm miệng (2:8).

Các tôi mọi rất đông trong Hội Thánh đầu tiên, được Phao-lô khuyên bảo hãy vâng phục, siêng năng, trung tín, ngõ hầu đời sống của họ "làm cho tôn quí đạo" mà mình nhận tin, và chủ họ vốn thờ thần tượng buộc phải nghĩ rằng: "Nếu đạo Ðấng Christ làm được như vậy cho kẻ tôi mọi, thì chắc trong đó phải có một cái gì."

Sự trông cậy hạnh phước (2:11-14). Sự tái lâm của Chúa là cớ tích cho chúng ta ăn ở tin kính trong đời nầy. Sự tái lâm của Chúa được ghi nhắc trong hầu hết mỗi quyển sách Tân Ước.

Sự vâng phục các bậc cầm quyền (3:1-2) là một đức tánh ưu tú của tín đồ Ðấng Christ. Công dân Thiên đàng đáng phải là công dân tốt đối với chánh quyền trần gian đang cai trị họ (Rô-ma 13:1-7; I Phi-e-rơ 2:13-17).

"Những gia phổ" (3:9) nói đến ở đây và ở I Ti-mô-thê 1:4, dường như đứng hàng đầu giáo lý của các giáo sư giả khuấy phá Hội Thánh ở đảo Cơ-rết và thành Ê-phê-sô đương thời ấy. Có lẽ chúng đòi quyền giảng dạy vì dựa vào chỗ mình là con cháu của Ða-vít, có bà con với Ðức Chúa Jêsus, và lại am hiểu Tin Lành. Hoặc giả chúng dạy giáo lý kỳ lạ dựa trên sự giải thích bí hiểm những đoạn Kinh Thánh chép về gia phổ.

"Kẻ theo tà giáo" (3:10). Sau khi cố gắng hợp lý để sửa lại một giáo sư giả, thì hãy tránh xa hắn. "A-tê-ma" không được nói đến ở một chỗ nào khác. Theo truyền thoại, ông đã trở thành Giám mục ở Lít-trơ. "Ti-chi-cơ" (câu 12) ở cõi "A-si" (Công vụ các sứ đồ 20:4). Hoặc Ti-chi-cơ hay là A-tê-ma đã thay thế Tít tại đảo Cơ-rết. "Ni-cô-bô-li" (câu 12) ở xứ Hy-lạp, cách thành Cô-rinh-tô chừng 100 dặm về phía Tây bắc. Xem lời chú giải về các di chuyển sau cùng của Phao-lô ở dưới Công vụ các sứ đồ 28:31. "Xê-na" (câu 13) không được nhắc đến ở chỗ nào khác. Ông là một thầy thông giáo Do-thái, hay là một luật sư Hy-lạp. "A-bô-lô" (câu 13), -- xem ở Công vụ các sứ đồ, đoạn 18. Dường như trong hành trình tới một nơi ta không biết, A-bô-lô và Xê-na đã đem thơ tín nầy cho Tít.