Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 64 | Chương 66 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ Phi-lê-môn

 

 

Liên quan đến một người tôi mọi bỏ trốn

 

Phi-lê-môn là một tín đồ thuộc Hội Thánh Cô-lô-se, do Phao-lô dẫn về tin Chúa, và rất giàu có. Có một chi hội nhóm họp trong nhà ông. Dường như ông và Phao-lô là bạn thiết. Dầu Kinh Thánh không chép, nhưng rất có thể Phao-lô đã thăm viếng Cô-lô-se trong khoảng 3 năm rưỡi hầu việc Chúa tại Ê-phê-sô.(Công vụ các sứ đồ, đoạn 19).

Ô-nê-sim là tên một người tôi mọi của Phi-lê-môn. Có lẽ anh là một thanh niên rất tài năng. Nhưng khi chinh phạt, quân đội La-mã thường bắt các thanh niên, thiếu nữ xuất sắc nhứt và tốt nhứt, đem về bán làm tôi mọi.

Cơ hội viết thơ tín nầy. Chừng 4, 5 năm sau khi Phao-lô dời khỏi địa phương đó và đi về phía Tây để ngồi tù tại kinh thành La-mã, thì dường như Ô-nê-sim ăn cắp một số tiền của chủ, là Phi-lê-môn và chạy trốn qua La-mã. Ðang khi ở đó, có lẽ anh tiêu hết số tiền ăn cắp, bèn tìm tới Phao-lô. Có lẽ anh đã sanh lòng kính mến ông khi ở trong nhà chủ, từ mấy năm trước. Không có lẽ anh đã tình cờ tìm thấy ông trong một đô thành gồm 1 triệu rưỡi người. Phao-lô khiến anh quyết định tin nhận Cứu Chúa, rồi gởi anh trở về với chủ, cầm theo bức thơ ngắn ngủi , kỳ diệu nầy.

Mục đích của thơ nầy là nài xin Phi-lê-môn hãy tha thứ người tôi mọi đã chạy trốn và tiếp nhận người như một anh em trong Chúa. Chính Phao-lô nhận trả lại số tiền người đã ăn cắp. Bức thơ nầy là một viên ngọc quí trọn vẹn, vì tỏ ra lễ độ, khôn khéo, tế nhị và rộng rãi lên tới tuyệt điểm khi Phao-lô dịu dàng kêu gọi Phi-lê-môn "hãy nhận lấy" Ô-nê-sim "như chính mình tôi vậy" (câu 17).

Sự tiếp nhận người tôi mọi. Kinh Thánh không ngụ ý rằng khi người tôi mọi quay về, chủ đã tiếp đón người thể nào. Nhưng theo một truyền thoại, thì chủ thật đã tiếp đón người, hiểu ngụ ý của Phao-lô, và trả tự do cho người tôi mọi. Dó là cách hành động của Tin Lành. Ðấng Christ ở trong lòng người tôi mọi, khiến người nhìn nhận các tập tục của xã hội đương thời mình mà quay về với chủ, quyết định làm một người tôi mọi tốt và sống trọn cuộc đời tự nhiên của kẻ làm tôi mọi. Ðấng Christ ở trong lòng ông chủ, khiến ông nhìn nhận người tôi mọi là một anh em trong Chúa, và trả lại quyền tự do cho người. Cũng theo một truyền thoại khác, sau đó, Ô-nê-sim làm Giám mục của Hội Thánh tại Bê-rê, 50 năm sau, Thánh Ignace có chép về một người, tên là Ô-nê-sim, làm Giám mục tại thành Ê-phê-sô.

"Áp-bi" (câu 2) có lẽ là vợ của Phi-lê-môn. "A-chíp" (câu 2) có lẽ là Mục sư của chi hội đó. "Ô-nê-sim" (câu 10) nghĩa là "có ích lợi". Hãy chú ý, Phao-lô dùng lời song quan (jeu de mots) ở đây. Chữ "mãi mãi" (câu 15) ngụ ý rằng tình thân hữu trần gian sẽ tồn tại đời đời. "Ê-pháp-ra" (câu 23) là một người Cô-lô-se bị cầm tù tại La-mã. Các lời chào thăm (câu 24) có ghi tên những thiết hữu của Phi-lê-môn.