Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 83 | Chương 85 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 5

Các Hội Nghị Toàn Thể Tư Giáo

(Conciles oecuméniques)

Nicée (325 S.C.). Lên án Phản tam vị nhất thần luận (arianisme).

Constantinople (381). Ðược triệu tập để giải quyết tà thuyết Cơ đốc vô nhân tánh luận.

Ê-phê-sô (431). Ðược triệu tập để giải quyết tà thuyết Cảnh giáo (nestorianisme).

Chacédoine (451). Ðược triệu tập để giải quyết tà thuyết Nhị tánh hợp nhứt luận (eutychianisme).

Constantinople (553). Giải quyết tà thuyết Duy nhứt tánh luận (monophysisme).

Constantinople (680). Giải quyết tà thuyết về Ðấng Christ có hai ý chí.

Nicée (787). Phê chuẩn sự thờ lạy hình tượng.

Constantinople (869). Ðông phương và Tây phương đoạn tuyệt với nhau. Ðây là Hội nghị toàn thể tư giáo sau chót. Những Hội nghị sau đây chỉ riêng của Giáo hội La-mã.

La-mã (1123). Quyết định rằng các Giám mục phải do Giáo hoàng đề cử.

La-mã (1139). Cố gắng chấm dứt sự đoạn tuyệt giữa Ðông phương và Tây phương.

La-mã (1179). Thi hành kỷ luật trong Giáo hội và trong hàng giáo phẩm.

La-mã (1215). Ðể thi hành mạng lịnh của Giáo hoàng Innocent III.

Lyon (1245). Ðể giàn xếp cuộc tranh chấp giữa Giáo hoàng và hoàng đế.

Lyon (1274). Lại cố gắng liên hiệp Ðông phương với Tây phương.

Vienne (1311). Diệt trừ các đoàn viên của phòng vệ giáo đường (Templiers).

Constance (1414-1418). Ðể cứu vãn sự ly khai do Giáo hoàng gây nên. Lên án thiêu chết ông Huss.

Bâle (1431-1449). Ðể cải cách Giáo hội.

La-mã (1512-1518). Lại cố gắng cải cách.

Trente (1545-1563). Ðể chống lại cuộc cải chánh Tin Lành.

Vatican (1869-1870). Tuyên bố rằng Giáo hoàng vô ngộ (infaillibilité).

 

Khổ Tu Chủ Nghĩa

Ðây là một phản ứng chống lại tinh thần ham mến thế gian ở trong Hội Thánh, và có lẽ một phần là "phó sản" của duy tri chủ nghĩa (gnosticisme) vốn dạy rằng vật chất là tội ác. Phong trào nầy do Antoine (250-350 S.C.) phát khởi ở Ai-cập; ông đã bán hết sản nghiệp, lui vào đồng vắng và ở cô độc. Rất đông người theo gương ông. Họ được gọi là tu sĩ (ermite). Quan niệm của họ là phải đạt tới sự sống đời đời bằng cách tránh khỏi thế gian và hành hạ xác thịt theo lối khổ hạnh. Phong trào nầy lan tới xứ Pa-lét-tin, Sy-ri, Tiểu-Á-tế-á và Âu-châu. Ở Ðông phương, mỗi người ở trong hang đá, hoặc túp lều, hoặc trên cây trụ riêng của mình. Ở Âu-châu, họ sống trong những cộng đồng, gọi là tu viện, chia thì giờ ra để làm công việc và hành đạo. Họ tăng số rất đông đúc, và có nhiều dòng tu sĩ cùng nữ tu sĩ dấy lên. Các tu viện Âu-châu đã làm công việc tốt nhứt của Giáo hội đương thời Trung cổ trong ngành bác ái theo tinh thần Ðấng Christ, ngành văn chương, giáo dục và canh nông. Nhưng khi các tu viện trở nên giàu có, thì đổi ra hủ hoại, vô đạo một cách thô lỗ. Ðương thời Cải chánh, tại các nước theo đạo Tin Lành, chẳng bao lâu các tu viện biến mất; còn trong các nước theo Công giáo, thì nó cũng giảm sút lần lần.

 

Các Cuộc Viễn Chinh Của Thập Tự Quân

Ðây là giới tín đồ Ðấng Christ cố gắng chiếm lại Xứ Thánh nơi tay người Hồi giáo. Có bảy cuộc viễn chinh của Thập-tự-quân:

Thứ nhứt (1095-1099).-- Chiếm Giê-ru-sa-lem.

Thứ hai (1147-1149).-- Trì hoãn sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem.

Thứ ba (1189-1191).-- Ðạo quân không tiến đến Giê-ru-sa-lem được.

Thứ tư (1201-1204).-- Chiếm và cướp phá thành Constantinople.

Thứ năm (1228-1229).-- Chiếm Giê-ru-sa-lem, nhưng chẳng bao lâu lại bị chiếm mất.

Thứ sáu (1248-1254).-- Thất bại.

Thứ bảy (1270-1272).-- Tất cả là công dã tràng.

Các cuộc viễn chinh của Thập-tự-quân cùng sự thất bại không đạt tới mục đích đã có ảnh hưởng cứu được Âu-châu khỏi tay người Thổ-nhỉ-kỳ, cùng mở đường liên lạc thương mại, trí thức giữa Âu-châu và Ðông phương. Như vậy, mở đường cho cuộc Phục hưng Văn nghệ.

 

Hồi Giáo

Mahomet.-- Sanh tại thành La Mecque, năm 570 S.C., là cháu nội của quan Tổng đốc. Chức vụ nầy chắc sẽ về tay ông, nhưng bị một người khác chiếm mất. Lúc thanh niên, ông đi viếng xứ Sy-ri, tiếp xúc với tín đồ Ðấng Christ và người Do-thái, nên đầy lòng kinh tởm sự thờ lạy hình tượng. Năm 610, ông tự tuyên bố là tiên tri; bị chối bỏ tại La Mecque; năm 622, chạy tới thành Médine, và được dân chúng tiếp nhận. Ông trở thành một chiến sĩ, và bắt đầu dùng gươm để truyền bá đạo lý. Năm 630, ông cầm đầu một đạo quân, trở về thành La Mecque, hủy diệt 360 hình tượng, và đầy lòng hăng hái muốn tiêu diệt sự thờ lạy hình tượng. Qua đời năm 632. Các người kế tiếp ông gọi là "Calife."

Bành trướng mau lẹ.-- Khoảng năm 634, xứ Sy-ri bị chinh phục; năm 637, thành Giê-ru-sa-lem; năm 638, xứ Ai-cập; năm 640, xứ Ba-tư; năm 689, Bắc-phi; năm 711, Tây-ban-nha. Như vậy, trong một thời gian ngắn, cả Tây bộ Á châu và Bắc phi, là nơi phát sanh đạo Ðấng Christ, trở theo Hồi giáo. Mohamet xuất hiện nhằm lúc Hội Thánh đã ngẫu tượng hóa vì có sự thờ lạy ảnh tượng, thờ lạy thánh vật, các thánh tử đạo, các thánh và thiên sứ. Các thần Hy-lạp đã bị thay thế bởi hình tượng của Ma-ri và của các thánh. Theo một phương diện, Hồi giáo là cuộc khởi nghĩa chống sự thờ lạy hình tượng của "thế giới Cơ-đốc-giáo," và là sự hình phạt giáng trên một Giáo hội hư hoại, thoái hóa. Tuy nhiên, đối với các quốc gia bị nó chinh phục, nó đã tự tỏ ra là một tai họa tệ hại hơn. Nó là tôn giáo nêu cao sự thù ghét, được truyền bá bằng cây gươm, khuyến khích chế độ tôi mọi, chủ nghĩa đa thê và sự bại hoại của phụ nữ.

Trận Tours, trên đất Pháp (năm 732), là một trong những trận quyết liệt của thế giới. Charles Martel đánh bại đạo quân Hồi giáo đang quét sạch thế giới như một ngọn thủy triều. Nếu chẳng có trận thắng ấy, thì có lẽ đạo Ðấng Christ đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Người Ả-rập cầm quyền trên thế giới Hồi giáo từ 622-1058. Thủ đô được dời qua Ða-mách (661), rồi qua Bagdad (750), và cứ ở đó cho tới năm 1258. Thời đại hoàng kim của Hồi giáo đã thực hiện dưới đời Haroun-Al-Rashchild (786-809), là người đồng thời với Charlemagne ở Tây phương.

Người Thổ-nhĩ-kỳ cai trị thế giới Hồi giáo từ năm 1058 cho tới đầu thế kỷ nầy. Họ kỳ thị tôn giáo và tàn ác còn hơn người Ả-rập bội phần. Họ đối xử tín đồ Ðấng Christ ở xứ Pa-lét-tin một cách rất dã man, nên đã gây ra các cuộc viễn chinh của Thập-tự-quân.

Người Mông cổ ở Trung bộ Á-châu, dưới sự lãnh đạo của Thành cát Tư hãn (1206-1227), đã chận đứng quyền thống trị của người Thổ-nhĩ-kỳ. Chỉ huy những đạo quân đông đúc, Thành cát Tư hãn đã cầm gươm và bó đuốc mà dong ruổi trên một phần lớn Á-châu; 50.000 đô thị và thị trấn đã bị thiêu đốt; 5 triệu dân đã bị tàn sát; ở Tiểu-Á-tế-á, 630.000 tín đồ Ðấng Christ đã bị "làm thịt." Á-châu không bao giờ phục hồi lên được nữa. Ðó là "tai họa khủng khiếp hơn hết từng giáng trên loài người"." Dưới đời Tamerlan (1336-1402), một luồng gió lốc tàn diệt tương tự quét sạch khắp nơi, kết quả đồng ruộng bị tàn phá, làng mạc bị đốt cháy, và huyết chảy thành sông. Hắn có thói quen chất đống hàng chục ngàn đầu người ở cổng mỗi đô thị; tại Bagdad, hắn đã chất đống 90 ngàn đầu lâu.

Thành Constatinople sụp đổ (1453), sa vào tay người Thổ-nhĩ-kỳ, do đó Ðông đế quốc La-mã suy vong, khiến Âu-châu một lần nữa lại bị Hồi giáo đe dọa đô hộ; tuy nhiên, nền đô hộ ấy bị Jean Sobieski, vua Ba-lan, chận đứng tại trận Viene, năm 1683.