Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 89 | Chương 91 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 11

Danh Sách Các Giáo Hoàng Và Chế Ðộ Giáo Hoàng 6

 

Sự ly khai giữa các Giáo hoàng

Kéo dài 40 năm (1377-1417), trong khoảng đó có hai lớp Giáo hoàng, một ở La-mã, một ở Avignon, cả hai cùng tự nhận là "Ðại diện Ðấng Christ," và bên nầy hung hăng rủa sả bên kia.

Urbain VI (1378-1389). Dưới đời ông nầy, cung điện Giáo hoàng được tái lập tại La-mã.

Boniface IX (1389-1404). Innocent VII (1404-1406). Grégoire XII (1406-1409). Alexandre V (1409-1410).

Jean XXIII (1410-1415) thường được gọi là tên sát nhân bại hoại hơn hết từng ngồi trên ngôi Giáo hoàng; khi ông làm Hồng y Giáo chủ ở Boulogne, 200 thiếu nữ, nữ tu sĩ và thiếu phụ đã làm nạn nhân cho mối tình thầm vụng của ông. Làm Giáo hoàng, ông đã hãm hiếp nhiều trinh nữ và nữ tu sĩ; ông phạm tội ngoại tình với chị dâu mình; cũng phạm tội vĩ gian và nhiều tật xấu kinh khủng. Ông dùng tiền bạc mua chức vị Giáo hoàng và bán chức Hồng y Giáo chủ cho con cái những gia đình giàu có; lại công khai chối không có đời sau.

Martin V (1417-1431). Dưới đời ông nầy, sự ly khai giữa các Giáo hoàng chấm dứt, nhưng dân chúng Âu châu đã coi sự ly khai đó là một điều ô nhục, do đó Giáo hoàng mất uy tín,không sao cứu vãn được.

Eugène IV (1431-1447).

 

Các Giáo hoàng đương thời Phục hưng Văn nghệ (1447-1549)

Nicolas V (1447-1455) cho phép vua Bồ-đào-nha khai chiến với các dân tộc Phi châu để cướp tài sản của họ và bắt họ làm tôi mọi.

Calixte III (1455-1458). Pie II (1458-1464) có rất nhiều con không chánh thức, công khai nói về các phương pháp mình dùng để cám dỗ phụ nữ, khuyến khích thanh niên phóng túng, và thậm chí đề nghị dạy họ những cách thức phóng túng.

Paul II (1464-1471). "Nhà ông đầy dẫy vợ bé."

Sixte IV (1471-1484) phê chuẩn Tôn giáo Pháp đình thiết lập tại Tây-ban-nha; ký sắc lịnh tuyên bố rằng tiền bạc sẽ giải cứu linh hồn khỏi nơi luyện tội; bị dính díu trong cuộc mưu sát Lorenzo de Médicis và nhiều người khác chống đối chánh sách của mình; dùng chức vị Giáo hoàng để làm giàu cho mình và bà con mình; phong cho 8 người cháu làm Hồng y Giáo chủ trong lúc một số người ấy còn là thiếu nhi; phóng túng, chơi bời ngang với các hoàng đế La-mã (Sê-sa); còn về giàu có, xa hoa, thì chẳng bao lâu ông và bà con ông hơn cả các quí tộc La-mã thời xưa.

Innocent VIII (1484-1492) có 16 con do mấy phụ nữ đã có chồng; gia tăng rất nhiều chức vị trong Giáo hội, đem bán lấy những số tiền lớn; ra sắc lịnh tuyệt diệt giáo phái Vaudois và cử binh đi đánh họ; cử tên Thomas de Torquemada hung bạo làm trưởng đoàn chánh phẩm Tôn giáo Pháp đình ở Tây-ban-nha, và truyền lịnh hết thảy quan quyền phải nộp kẻ theo tà giáo cho tên ấy; cho phép bò mộng đấu với người tại công trường Thánh Phi-e-rơ, làm bội cảnh cho Savonarole chống lại sự bại hoại của Giáo hoàng như sấm sét.

Alexandre VI (1492-1503) hư hoại nhứt trong số các Giáo hoàng của thời Phục hưng Văn nghệ; phóng túng, biển lận, bại hoại; lập lên nhiều Hồng y Giáo chủ mới để lấy tiền; có một số con không chánh thức mà ông công khai thừa nhận và phong cho chức vị cao trong Giáo hội từ khi chúng còn là thiếu nhi; cùng với cha chúng, bọn con nầy hạ sát những Hồng y Giáo chủ và nhiều người khác dám cản trở họ; có một tình nhân là em gái của vị Hồng y Giáo chủ sẽ kế vị ông.

Pie III (1503). Alexandre VI đã gởi nhiều tặng phẩm cho ông nầy để ông nguôi giận về chuyện trên đây.

 

Các Giáo hoàng đương thời Luther

Jules II (1503-1513) đã mua chức vị Giáo hoàng, vì ông là Hồng y Giáo chủ giàu nhứt, thâu lợi tức rất lớn do nhiều địa phận Giám mục và nhiều bất động sản của Hội Thánh. Lúc làm Hồng y Giáo chủ, ông tuy ở độc thân, song rất phóng túng; dính líu vào nhiều vụ tranh chấp vô tận về chủ quyền trên các đô thị và tiểu quốc, nên đã duy trì và tự mình điều khiển những đạo quân đông đúc; được gọi là Giáo hoàng Chiến sĩ; cấp phát phiếu ân xá (indulgences). Ðương thời Giáo hoàng nầy, Luther thăm viếng thành La-mã và kinh khủng về những điều mắt mình được thấy.

Léon XIII (1513-1521) làm Giáo hoàng khi Martin Luther khởi cuộc Cải chánh Tin Lành. Léon là con trai Lorenzo de Médicis; được phong chức Tổng Giám mục lúc mới 8 tuổi; làm Hồng y Giáo chủ lúc 13 tuổi; chưa đầy 13 tuổi, đã được cử làm 27 chức khác nhau trong Giáo hội, tức là có lợi tức rất lớn; được dạy bảo coi chức vị trong Giáo hội hoàn toàn như một nguồn lợi; trả giá để được chức vị Giáo hoàng; bán nhiều phẩm tước trong Giáo hội; hết thảy chức vị trong Giáo hội đều đem bán lấy tiền, và còn đặt ra nhiều chức vị mới nữa; cử nhiều con nít mới lên 7 tuổi làm Hồng y Giáo chủ; điều đình vô tận với các vua chúa; dùng thủ đoạn để được quyền thế đời nầy; hoàn toàn lãnh đạm đối với hạnh phước thiêng liêng của Giáo hội; duy trì triều đình xa hoa và phóng đãng nhứt Âu châu; các Hồng y Giáo chủ của ông ganh đua với vua chúa trong những cung điện huy hoàng và những cuộc hoan lạc, có rất đông tôi tớ hầu hạ; nhưng con người dâm đãng nầy tái quyết bản sắc lịnh "Unam Sanctam," trong đó có tuyên bố rằng mọi người phải đầu phục Giáo hoàng La-mã, thì mới được cứu rỗi; cấp phát phiếu ân xá để lấy những số tiền đã được ấn định; tuyên bố sự thiêu đốt kẻ theo tà giáo là do Ðức Chúa Trời chỉ định.

Adrien VI (1522-1523). Clément VII (1523-1534). Paul III (1534-1549) có nhiều con không chánh thức; là kẻ thù không đội trời chung của tín đồ Tin Lành, ông đã hiến vua Charler V một đạo quân để đánh họ.

 

Giáo phái Jésuite bước vào sân khấu

Giáo hoàng đối phó với sự ly khai của phái Luther bằng Tôn Giáo Pháp Ðình dưới sự điều khiển của giáo phái JÉSUITE. Ðây là giáo phái do Ignace de Loyola (1491-1556), người Tây-ban-nha sáng lập, trên nguyên tắc Vâng Phục Giáo hoàng tuyệt đối và vô điều kiện. Mục đích của họ là chiếm lại những lãnh thổ đã bị tín đồ Tin Lành cùng người Hồi giáo chiếm mất, và chinh phục cả thế giới ngoại đạo cho Giáo hội Công giáo La-mã. Mục đích tối cao của họ là tiêu diệt tà giáo (tức là nghĩ điều chi khác với điều Giáo hoàng bảo phải nghĩ). Ðể đạt tới mục đích ấy, bất cứ phương pháp nào cũng là chánh đáng, kể cả sự lừa gạt, hủ hoại, tật xấu và mưu sát nữa. Khẩu hiệu của họ là :"Ðể Ðức Chúa Trời được vinh hiển nhiều hơn!" Phương pháp của họ là: Trường học, đặc biệt tìm cách dạy dỗ con cái của giới cầm quyền; trong bất cứ trường học nào, họ cũng nhằm mục đích tuyệt đối cai trị học trò. Sự xưng tội, nhứt là đối với các vua chúa và nhà cầm quyền hành chánh, dung túng cho họ phạm đủ mọi điều hư xấu và trọng tội, cốt để được ân huệ của họ. Võ lực, thuyết phục các nhà cầm quyền thi hành những bản án của Tôn giáo Pháp đình. Tại Pháp, họ chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát St-Barthélemy, về sự hủy bỏ sắc chỉ Nantes khoan dung tôn giáo, và về cuộc cách mạng Pháp. Tại Tây-ban-nha, Hòa-lan, Nam bộ nuớc Ðức, xứ Bohême, Áo, Ba-lan và nhiều nước khác, họ chỉ huy cuộc tàn sát không biết bao nhiêu dân chúng. Bởi những phương pháp ấy, họ chận đứng cuộc Cải chánh ở Nam Âu, và thật đã cứu chế độ Giáo hoàng khỏi tiêu diệt.