Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 97 | Chương 99 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 19

Hội Thánh Tin Lành

Sự phân chia của Hội Thánh Tin Lành. Phong trào Tin Lành là sự cố gắng của một phần Hội Thánh Tây phương để tự giải phóng khỏi quyền hành của La-mã và để giành cho mọi người cái quyền thờ phượng Ðức Chúa Trời tùy theo lương tâm mình chỉ bảo. Lúc khởi đầu, chắc không tránh khỏi, cuộc tranh đấu giành tự do chia làm nhiều nhánh khác nhau, nhấn mạnh vào những điểm khác nhau, và vương theo một vài điểm sai lầm của La-mã. Ngày nay, phong trào gần được 400 năm, và đã phát triển rất nhiều cùng cải tiến hiển nhiên. Có một tinh thần hợp nhất ngày càng gia tăng, và người ta hiểu đạo Ðấng Christ rõ ràng hơn. Mặc dầu có mọi sự phân chia đó, đạo Tin Lành vẫn tốt hơn đạo của Giáo hoàng một ngàn lần. Dầu còn rất xa bậc trọn lành, dầu có những "dòng nước ngược" và nhược điểm, song không còn nghi ngờ chi nữa, Hội Thánh Tin Lành thể hiện đạo Ðấng Christ thuần túy hơn hết trong thế giới ngày nay; chắc hẳn đó là hình thức thuần túy hơn hết mà Hội Thánh từng biết từ thế kỷ thứ tư đến bây giờ. Về toàn thể, trên thế giới không có đoàn người nào cao thượng hơn các Mục sư Tin Lành.

Các Hội Thánh bổn quốc.-- Bất cứ nơi nào đạo Tin Lành đắc thắng, thì một Hội Thánh bổn quốc dấy lên: Hội Thánh Luthérienne ở Ðức, Hội Thánh Episcopale ở Anh, Hội Thánh Trưởng lão (Presbytérienne) ở Tô-cách-lan, v.v... Cuộc thờ phượng cử hành bằng tiếng bổn quốc, trái với lệ dùng tiếng La-tinh trong Giáo hội La-mã ở khắp mọi nơi. Bao giờ cũng vậy, hễ Hội Thánh ở nước nào giành được quyền tự do khỏi tay Giáo hoàng, thì liền bắt đầu tấn tới trong sự tự làm cho trong sạch.

Nước Mỹ, năm 1607, có tín đồ Thanh giáo Anh quốc đến định cư tại tiểu bang Virginia; năm 1615, có tín đồ cải chánh Hòa-lan đến định cư tại tiểu bang Nữu-ước; năm 1620, có tín đồ Thanh giáo đến định cư tại tiểu bang Massachusette; năm 1634, có tín đồ Công giáo Anh quốc đến định cư tại tiểu bang Baltimore, _ những người nầy chỉ được đặc hứa trạng (charte) sau khi chịu cho mọi tôn giáo khác được tự do; năm 1639, có tín đồ Baptiste đến định cư tại tiểu bang Rhode Island, dưới sự lãnh đạo của vị tiền phong, là Roger Williams, và hứa khoan dung vô giới hạn tất cả tôn giáo khác; năm 1681, có tín đồ Quakers đến định cư tại Pennsylvania, vì sự tự do tín ngưỡng ở nước Mỹ đã hấp dẫn họ đến đó. Như vậy, nước Mỹ đã thành lập trên những nguyên tắc khoan dung tôn giáo cho mọi người, và Hội Thánh tuyệt đối phân rẽ với nhà nước. Ngày nay, những nguyên tắc nầy dầm thấm mọi chánh phủ trên thế giới, đến nỗi mấy năm gần đây, rất nhiều nước, kể cả  các nước theo Công giáo, đã ra sắc lịnh phân chia Giáo hội với nhà nước (mặc dầu chính lúc nầy, dường như hai cơ quan ấy lại muốn liên hiệp). Ðó là cuộc đắc thắng lớn lao, vì các Giáo hội trở thành thuần túy hơn một khi được đài thọ bằng số tiền dâng tình nguyện, chớ không phải bằng tiền thuế, và chân lý phát triển dưới các cơ quan tự do thì tốt đẹp hơn là dưới các hệ thống tín ngưỡng bắt buộc.

Tương lai của phong trào Tin Lành tùy thuộc thái độ của phong trào ấy đối với Kinh Thánh. "Cùng với hình thức truyền thống của đạo Ðấng Christ, có truyền lại chính bản văn thánh của một nguồn trí thức thiên thượng, không hề bị hủy hoại, nhờ đó Hội Thánh có thể phân biệt đạo Ðấng Christ nguyên thủy với mọi sự thêm vào sau; như vậy, Hội Thánh có thể tiến hành công việc tự giữ mình trong sạch cho tới khi hoàn tất."

 

Trường Chúa Nhật

Sáng lập năm 1780 bởi Robert Raikes, một nhà làm báo ở thành phố Gloucester, nước Anh, cốt để dạy đạo Ðấng Christ cho những trẻ em nghèo khó, không được đi học. Sáng lập như một ngành truyền giáo của Hội Thánh, nó đã phát triển mạnh mẽ, và ngày nay trở thành một phần thường xuyên của cuộc sanh hoạt Hội Thánh. Nguyên thủy, hoc sanh trường Chúa nhật buộc phải nhóm họp thờ phượng Chúa sau khi học. Nhưng ngày nay, với một mực độ kinh khủng, trường Chúa nhật đã thay thế cuộc thờ phượng ở nhà thờ(1). Giá trị lớn lao của trường Chúa nhật là nó khuyến khích học Kinh Thánh, và phát triển sự lãnh đạo của những người không có phẩm chức Hội Thánh; với thời gian, sự lãnh đạo nầy sẽ cứu đạo Tin Lành khỏi những lạm dụng của giới phẩm chức chuyên chế, sự chuyên chế nầy đã làm cho Giáo hội La-mã bị tàn hại biết bao!

 

Các Hội Truyền Giáo Khắp Thế Giới Ngày Nay

Ðó là phong trào quan trọng hơn hết trong lịch sử. Nó cung hiến một số truyện tích cảm động hơn hết trong cả nền văn chương, vang động vì đầy sanh lực, chí anh hùng và hữu ích. Các nhà Truyền đạo và các giáo sư trường Chúa nhật đều không chú ý đầy đủ đến đời sống của giáo sĩ. Mỗi chi hội đáng phải nghe đi nghe lại truyện tích của Livingstone, là bậc anh hùng vô song trên thế giới; của Carey, Morrison, Judson, Moffat, Martin, Paton và nhiều người khác, đã đem Tin Lành Ðấng Christ đi các xứ xa, đã lập những cơ quan giảng đạo, giáo dục và bác ái theo nguyên lý Tin Lành, hiện đang biến cải thế giới. Khi lịch sử chấm dứt và có thể thấy phối cảnh tổng quát của cả truyện tích loài người, thì ta chắc sẽ nhận biết rằng Phong trào Truyền giáo khắp thế giới trong thế kỷ trước đây, với tất cả ảnh hưởng của nó trên các nước, thật là Chương Vẻ Vang Hơn Hết Của Lịch Sử Loài Người.

 

Giáo Hội Hi-Lạp, Hoặc Chánh Thống Ðông Phương

Ðạo Ðấng Christ thiết lập trước nhứt ở đông bộ, hoặc vùng Hi-lạp, của đế quốc La-mã. Trải qua 200 năm, tiếng Hi-lạp là ngôn ngữ của đạo Ðấng Christ.

Năm 330 S.C., hoàng đế Constantin dời thủ đô đế quốc La-mã qua Constantinople; từ đó trở đi, Constantinople cạnh tranh với La-mã.

Năm 395, đế quốc La-mã chia làm Ðông đế quốc và Tây đế quốc. Constantinople là thủ đô của Ðông đế quốc, và La-mã là thủ đô của Tây đế quốc.

Năm 632-638, ba trung tâm đạo Ðấng Christ ở Ðông phương, là các xứ Sy-ri, Pa-lét-tin và Ai-cập, bị Hồi giáo chiếm mất, chỉ còn Constantinople mà thôi.

Ðến Giáo hội nghị toàn thế giới lần thứ 8 (năm 869), thì Giáo hội Hi-lạp và Giáo hội La-tinh ly khai nhau dứt khoát. Ấy là lần thứ nhứt mà Ðông phương không chịu thừa nhận ưu thế của La-mã.

Thỉnh thoảng người ta đã thử tái hợp hai Giáo hội; song mọi sự cố gắng chỉ là vô ích, vì Ðông phương không chịu nhìn nhận quyền hành của Giáo hoàng.

Giáo hội Hi-lạp ngày nay là Giáo hội vùng Ðông nam Âu-châu và nước Nga, nó là một trong ba nhánh lớn của đạo Ðấng Christ, gồm 150 triệu tín đồ, đối với 340 triệu tín đồ Công giáo và 210 triệu tín đồ Tin Lành, hoặc hơn 1 phần 5 tổng số tín đồ Ðấng Christ trên thế giới.

Giáo hội Hi-lạp có nhiều thói tục giống như Giáo hội La-mã. Họ không bắt buộc các thầy cả phải ở độc thân. Giáo hội bị nhà nước kiểm soát, nên không có cuộc đấu tranh với các bậc cầm quyền hành chánh, như Giáo hoàng vẫn đấu tranh với các hoàng đế ở Tây phương.

 

 



(1) Ðây là nói về nhiều Hội Thánh ở Âu, Mỹ; ở Việt-nam chưa có tình trạng như vậy.