Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 87 | Chương 89 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Sử Ký Hội Thánh 9

Danh Sách Các Giáo Hoàng Và Chế Ðộ Giáo Hoàng 4

" Quyền cai trị của bọn đờn bà xấu nết" 

Sergius III (904-911) có một tình nhân, tên là Marozia. Nàng, mẹ nàng là Théodora (vợ hoặc vợ góa của một nguyên lão nghị viên La-mã), và chị nàng "đã làm cho ghế của Giáo hoàng đầy dẫy hư hoại, khiến cung điện của Giáo hoàng trở thành một ổ bất lương." Lịch sử gọi tình trạng đó là xướng kỹ chánh trị (pornocratie), hoặc "quyền cai trị của bọn đờn bà xấu nết."

Anastase III (911-913). Lando (913-914). Jean X (914-28) đã được Théodora (vốn có nhiều tình nhân khác nữa) đem từ Ravenne về La-mã để được tôn làm Giáo hoàng, ngõ hầu thỏa mãn dục vọng của nàng một cách thuận lợi hơn. Ông bị Marozia bóp cổ đến chết, rồi nàng đưa nhiều người của mình nối tiếp nhau lên ngôi Giáo hoàng, tức là Léon IV (928-929), Etienne VII (929-931), và Jean XI (931-936), là con trai riêng của nàng. Một con trai khác của nàng đã cử bốn người sau đây làm Giáo hoàng: Léon VII (936-939), Etienne VIII (939-942), Martin III (942-946), và Agapet II (946-955).

Jean XII (955-963), cháu nội của Marozia, "đã phạm hầu hết các trọng tội; hãm hiếp trinh nữ và bà góa thuộc về thượng lưu hoặc hạ lưu; chung sống với tình nhân của cha mình; biến cung điện Giáo hoàng thành một nhà hoan lạc; đang phạm tội tà dâm với một mụ đờn bà, thì bị chồng mụ ấy hạ sát trong cơn giận dữ."

 

Chế độ Giáo hoàng hư hoại cùng tột

Léon VIII (963-965). Jean XIII (965-972). Bénédict VI (972-974). Donus II (974). Bénédict VII (975-983). Jean XIV (983-984).

Boniface VII (984-985) hạ sát Giáo hoàng Jean XIV và "ngồi vững trên ngôi Giáo hoàng vấy huyết nhờ cách phân phát rộng rãi tiền bạc đã ăn cắp được." Luận về Jean XII, Léon VIIIBoniface VII, vị Giám mục thành Orléans gọi họ là "ác quỉ, bốc mùi hôi thúi của huyết và ô uế, là Antichrist ngồi trong Ðền thờ Ðức Chúa Trời."

Jean XV (985). Jean XVI (985-996). Grégoire V (996-999). Sylvestre II (999-1003). Jean XVII (1003). Jean XVIII (1003-1009). Sergius IV (1009-1012).

Bénédict VIII (1012-1024) nhờ hối lộ công khai mà được chức vị Giáo hoàng; sự trạng nầy gọi là "simonie," tức là mua bán chức thánh trong Giáo hội lấy tiền.

Jean XIX (1024-1033) đã mua chức vị Giáo hoàng. Ông vốn là người không có phẩm tước Giáo hội, và đã trải qua hết thảy phẩm tước Giáo hội trong một ngày.

Bénédict IX (1033-1045) đã được chức vị Giáo hoàng khi mới là một cậu con trai 12 tuổi, nhờ cuộc trả giá tiền bạc cho các gia tộc có quyền thế đang cai trị tại La-mã. Ông nầy "còn gian ác hơn Jean XII; phạm tội sát nhân và tà dâm giữa ban ngày; bắt cóc những kẻ đến hành hương nơi phần mộ các thánh tử đạo; ông là một kẻ sát nhân đáng ghê tởm, nên dân chúng đã đuổi ông khỏi thành La-mã."

Grégoire VI (1045-1046) đã mua chức vị Giáo hoàng. Có ba Giáo hoàng kình địch nhau, là Bénédict IX, Grégoire VII Sylvestre III. "Thành La-mã đầy dẫy những kẻ giết người mướn; tiết hạnh của các tín nữ đến hành hương bị xâm phạm; thậm chí các nhà thờ cũng bị phàm tục hóa vì cớ đổ huyết."

Clément II (1046-1047) được Henry III, hoàng đế nước Ðức cử làm Giáo hoàng, vì "không thể tìm thấy tại La-mã một giáo phẩm nào chẳng bị ô uế bởi sự bán chức thánh và tội gian dâm." Tình hình đáng phẩn nộ đó đòi hỏi một cuộc cải cách.

Damase II (1048). Có những người lớn tiếng phản đối sự ô uế và xấu xa của Giáo hoàng. Tiếng kêu đòi hỏi cải cách đã được Hildebrand hưởng ứng, và ông đứng ra lãnh đạo cuộc cải cách.

 

Hoàng kim thời đại của thế lực Giáo hoàng

Hildebrand người thấp nhỏ, vẻ mặt thô kịch, tiếng nói yếu ớt, nhưng trí tuệ thông minh, tinh thần sốt sắng; ông là người quả quyết, "người bằng máu và sắt," hăng hái binh vực quyền hành chuyên chế của Giáo hoàng. Ông gia nhập phái chủ trương cải cách, và đưa chế độ Giáo hoàng tới Hoàng Kim Thời Ðại (1049-1294). Ông kiểm soát nền hành chánh của năm Giáo hoàng kế tiếp nhau, ngay trước khi chính mình ông lên nắm quyền hành chánh.

Léon IX (1049-1054). Victor II (1055-1057), vị Giáo hoàng người Ðức cuối cùng. Etienne IX (1057-1058). Nicolas II (1059-1061). Dưới nền hành chánh của ông nầy, sự tuyển cử Giáo hoàng không còn ở tay hoàng đế nữa, nhưng do các Hồng y Giáo chủ. Cũng từ đây trở đi, trừ ra một ít trường hợp (các Giáo hoàng đóng tại Avignon), con thì các Giáo hoàng đều được lực chọn trong vòng Giáo phẩm La-mã. Alexandre II (1061-1073).

Grégoire VII, tức Hildebrand (1073-1085). Mục đích cao cả của ông là cải cách giáo phẩm (clergé). Hai tội lan tràn nhiều nhứt trong vòng giáo phẩm là hành vi hủ hoại và mua bán chức thánh. Ðể cứu chữa sự hủ hoại của họ, Grégoire cương quyết đòi họ phải ở độc thân. Và để cứu chữa sự mua bán chức thánh trong nhà thờ của họ, ông chống lại đặc quyền hoàng đế đề cử các chức quyền Giáo hội. Về thực tế, hết thảy Giám mục và thầy cả đã trả tiền mua chức vị; ấy vì Giáo hội có phần nửa tất cả tài sản cùng lợi tức rất lớn, nên họ được cơ hội sống trong xa hoa. Các vua thường bán chức vị trong Giáo hội cho người nào trả giá cao nhứt, bất cứ họ có tư cách hoặc tâm tính xứng đáng hay không. Tình trạng nầy đưa Grégoire đến chỗ tranh đấu kịch liệt với Henri IV, hoàng đế Ðức. Henri bèn truất phế Grégoire. Ðối lại, Grégoire dứt phép thông công và truất phế Henri. Cuộc chiến tranh xảy ra. Suốt mấy năm, xứ Ý-đại-lợi bị tàn phá bởi những đạo quân thù địch. Rốt lại, Grégoire bị đuổi khỏi thành La-mã và chết tha hương. Nhưng ông đã làm cho chế độ Giáo hoàng được độc lập phần lớn đối với quyền hành của hoàng đế. Ông nhiều lần tự xưng là "bá chủ (suzerain) của các vua chúa." Và ông đã thực hiện được yêu sách của mình.

Victor III (1086-1087). Urbain II (1088-1099) tiếp tục giao chiến với hoàng đế; làm thủ lãnh phong trào Thập tự quân viễn chinh. Do đó, Giáo hoàng càng ngày càng lãnh đạo giới tín đồ Ðấng Christ.

Pascal II (1099-1118) tiếp tục giao chiến với hoàng đế Ðức để giành quyền đề cử các phẩm chức Giáo hội.

Galasius II (1118-1119). Calixte II (1119-1124), do hòa thân điều ước (concordat) ký tại Worms, đã thỏa hiệp được với hoàng đế Ðức, và hòa bình trở lại sau 50 năm chiến tranh.

Honorius II (1124-1130). Innocent II (1130-1143) dùng quân lực duy trì chức vị của mình, chống lại Giáo hoàng giả Anaclet II, là người đã được mấy gia tộc quyền thế tại La-mã lựa chọn.

Célestin II (1143-1144). Lucius II (1144-1145). Eugène III (1145-1153). Anastase IV (1153-1154). Adrien IV (1154-1159). Ðây là người Anh duy nhứt làm Giáo hoàng. Ông đem đảo Ái-nhĩ-lan tặng vua nước Anh, và cho phép vua nầy nhận lấy. Giáo hoàng kế tiếp, là Alexandre III, lại cho phép ấy, song đến năm 1171 mới thi hành.

Alexandre III (1159-1181). Vị Giáo hoàng oai hùng nhứt ở giữa khoảng Grégoire VIIInnocent III. Ông giao tranh với 4 Giáo hoàng giả, và lại khai chiến với hoàng đế Ðức để giành ngôi bá chủ. Sau 5 năm chiến tranh và nhiều trận đánh ác liệt giữa quân của hoàng đế Frédéric Barbarossa và của Giáo hoàng (thêm vào đó có các liên minh của cả đôi bên), diễn ra cảnh tàn sát khủng khiếp, thì hoàng đế ký hòa ước Venise (năm 1177). Alexandre bị dân chúng đuổi khỏi La-mã, và chết tha hương, y như số phận của nhiều Giáo hoàng khác,

Lucius III (1181-1185). Urbain III (1185-1187). Grégoire VIII (1187). Clément III (1187-1191). Célestin III (1191-1198).