(Xuất Ê díp tô ký 17: 1-13).
Người ta nói rằng: "Cuộc sống là trường đời, nghĩa là vào tuổi nào cũng phải học luôn luôn." Cuộc đời trần thế đã như vậy thì cuộc đời theo Chúa càng phải học nhiều hơn.
Có chuyện vui kể rằng Thầy giáo kia đăng quảng cáo dạy học trò như sau: "Chuyên dạy lớp 5. Kết quả chắc chắn." Một phụ huynh đến:
- Nhờ Thầy dạy dùm con tôi lớp 7.
- Không được, tôi chuyên dạy lớp 5 thôi.
- Tại sao vậy?
- Tại vì hồi nhỏ học ba năm lớp 5, nên tôi chỉ thuộc bài lớp 5 mà thôi!
Sau khi dân Y sơ ra ên vượt qua Biển Ðỏ, vào đồng vắng Ma ra, họ gặp một bài học lớp 5. Ðó là họ chỉ tìm ra được nước đắng. Họ không biết làm sao học thuộc bài học nầy. Họ oán trách Môi se. Ðức Chúa Trời bảo Môi se ném cây gỗ xuống nước. Nước trở nên ngọt. Họ xử dụng được. Vậy họ học được bài học là Ðức Chúa Trời có quyền năng cung cấp nhu cầu cho họ.
Khi dân Y sơ ra ên đến đồng vắng Sin, Ðức Chúa Trời cho họ gặp bài học khó khăn khác xem họ có nhớ bài học cũ biết nhờ cậy Chúa không? Họ thiếu thịt ăn. Họ nhớ nồi thịt. Họ không biết làm sao học được bài học nầy. Họ oán trách Môi se nữa. Ðức Chúa Trời khiến vô số chim cút đáp trên mái trại họ bắt làm thịt ăn, và Ngài mưa ma na từ trời cho họ có bánh ma na ăn.
Sau đó Ðức Chúa Trời dẫn họ đến Rê-phi-đim. Ðức Chúa Trời dạy họ bài học cũ: Họ không có nước. Họ cũng chưa thuộc bài là Ðức Chúa Trời có quyền năng. Trong hoàn cảnh nầy đáng lẽ họ nhớ lại quyền năng của Chúa, họ họp chung nhau lại cầu nguyện với Chúa, Ngài sẽ giải quyết khó khăn cho họ. Nhưng họ lại oán trách Môi se và A-rôn nữa. Họ nói: "Sao người khiến chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, hầu cho chúng tôi, con và các bầy súc vật phải chịu chết khát thế nầy?" (Xuất Ê díp tô ký 17: 3). Thật sự thì Ðức Chúa Trời khiến họ ra khỏi Ê díp tô, chớ không phải Môi se. Như vậy họ đã oán trách Chúa.
Bị dân Y sơ ra ên trách móc, Môi se không biết tính sao, Ông phải khẩn nguyện với Chúa rằng: "Lạy Chúa, con phải xử thế nào cùng dân nầy? Thiếu điều họ ném đá con!" (Xuất Ê díp tô ký 17: 4).
Tại sao dân Y sơ ra ên thiếu điều ném đá Môi se? Tại vì họ thiếu cầu nguyện với Chúa. Khi thiếu sự thông công với Chúa, không được Ðức Thánh Linh dắt dẫn, người ta thích làm theo ý riêng của mình, tức là làm những việc trái với ý của Chúa, "Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt." (Galati 5:17).
Môi se ngày xưa thiếu điều bị ném đá, còn chúng ta ngày nay có bị ném đá không? Quý vị là những người yêu mến Chúa, tình nguyện hầu việc Chúa. Sẵn sàng gia nhập Ban Chấp sự Hội Thánh, gia nhập Ban Phụ nữ, Ban Tiếp tân, Ban Trị sự Thanh niên, Ban Hướng dẫn Thiếu niên, Ban Hướng dẫn Thiếu Nhi v.v…. Quý vị hết lòng và hăng say hầu việc Chúa, nhưng đôi khi Quý vị bị ném đá… Tại sao vậy? Tại vì có những người rất khó tánh và thích làm theo tánh xác thịt. Họ ngồi nhìn người khác làm việc rồi chê, rồi trách. Có người đòi Chấp sự phải làm như vầy, như vầy…. Họ nói nghe có vẽ họ giỏi lắm. Nhưng thật sự thì khi đụng việc, họ thấy chính mình cũng gặp khó khăn!
Thưa Quý vị, vì yêu Chúa, yêu Hội Thánh của Ngài, xin Quý vị hết lòng dâng công dâng sức mình hầu việc Chúa. Xin nhớ Quý vị sẽ bị chỉ trích, sẽ bị chê là dỡ là kém…. Xin đừng ngã lòng. Ðiều quan trọng là khi gặp Chúa, Ngài sẽ khen Quý vị rằng: "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; …hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi." (Mathio 25:21). Xin nhớ rằng người ta nói gì về mình không quan trọng bằng Chúa nói gì về mình.
Khi Ðức Chúa Jesus đang giảng đạo thì các thầy thông giáo dẫn một người phạm tội tà dâm đến yêu cầu Ngài xử người nầy. Họ nói theo luật, người nầy sẽ bị ném đá cho đến chết. Ðức Chúa Jesus không trả lời. Họ hỏi nữa. Ngài phán: "Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người." (Giang 8:7). Họ đi hết, vì họ tự xét lấy mình thấy rằng chính mình cũng không trọn vẹn. Ðức Chúa Jesus bảo người bị cáo đó: "Hãy đi, đừng phạm tội nữa." (Giăng 8: 11).
Thật sự Ðức Chúa Jesus không muốn cho ai ném đá ai hết. Vì người ném đá cũng là người bất toàn như người kia mà thôi. Nhưng lạ thay, người ta chẳng những hay ném đá mà còn ném đá giấu tay! Quý vị có bị ai ném đá giấu tay chưa? Ném đá giấu tay Chúa không đẹp lòng.
Mỗi lần gặp khó khăn Môi se đều cầu xin Ðức Chúa Trời giải quyết. Tại vì Ông hết lòng tin cậy Chúa. Trong đời sống theo Chúa của chúng ta, chúng ta có hết lòng tin cậy Chúa như Môi se không? Hay là chúng ta tin cậy vào tiền của, tin cậy vào quyền chức? Hay tin cậy vào tài giỏi của mình? Xin nhớ rằng chỉ có Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn năng và chỉ một mình Ngài là Ðấng xứng đáng để chúng ta tin cậy mà thôi.
Ðức Chúa Trời đáp cùng Môi se rằng: "Hãy cầm gậy của ngươi đã đập dưới sông, dẫn theo những trưởng lão Y-sơ-ra-ên, rồi đi trước mặt dân sự. Nầy ta sẽ đứng đằng trước ngươi, ở trên hòn đá tại Hô-rếp kia, ngươi hãy đập hòn đá, thì nước từ đó chảy ra, dân sự sẽ uống lấy." (Xuất Ê díp tô ký 17: 5-6).
Cây gậy của Môi se tượng trưng cho quyền năng của Ðức Chúa Trời, và Chúa muốn các trưỡng lão thấy rõ ràng phép lạ của Chúa, để họ thuật lại cho con cháu biết về quyền năng vô biên của Ngài.
Ðề cập đến Hòn đá nầy, Phao lô nói, dân Y sơ ra ên đã: "…uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình và đá ấy tức là Ðấng Christ." (1 Cô rinh tô 10:4). Hòn Ðá là hình bóng Ðức Chúa Jesus. Ngày xưa nước từ Hòn đá chảy ra cứu sống dân Y sơ ra ên trong một thời gian. Nhưng ngày nay Ðức Chúa Jesus đổ huyết ra để cứu sống chúng ta đời đời được ở trong Thiên quốc của Ðức Chúa Trời. Cảm tạ ơn Chúa Giê su.
Bây giờ dân Y sơ ra ên có nước uống. Họ vui quá, nhưng bổng nhiên lại có kẻ thù là dân A-ma-léc đến khêu chiến. Xin nhớ Ma quỷ thường tấn công chúng ta ngay sau khi chúng ta nhận được phước của Chúa. Cho nên sau khi được ơn phước nào của Chúa ban, chúng ta phải nhờ cậy Chúa nhiều hơn, cầu nguyện với Chúa nhiều hơn. Vì lúc đó là lúc Ma quỷ thường đến để tìm cách cám dỗ chúng ta.
Chúng ta theo Chúa trên đất cũng giống như dân Y sơ ra ên đi theo Chúa trong đồng vắng, khi kẻ thù đến họ phải chiến đấu. Chúng ta phải chiến đấu luôn luôn, chiến đấu với hoàn cảnh, chiến đấu với sự yếu đuối của chính mình và cũng phải chiến đấu với kẻ thù. Phi e rơ nói: "….kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được." (1 Phiero 5:8).
Kẻ thù của dân Y sơ ra ên lúc nầy là dân A-ma-léc. Dân A-ma-léc là con cháu của Ê sau (Xem Sáng thế ký 36:12). Còn dân Y sơ ra ên là con cháu của Gia cốp. Ê sau là anh ruột của Gia cốp. Vậy thì dân A-ma-léc và dân Y sơ ra ên là anh em bà con. Dân A ma léc muốn hại bà con anh em của mình, thật là tệ! Có lần Phao lô buồn vì Ông bị "nguy với anh em giả dối." (2 Corinhto 11:26).
Dân Y sơ ra ên ở trong Ai cập không phải là những chiến sĩ, họ chỉ là những người nô lệ. Nay bị khêu chiến, trong hoàn cảnh sanh tử nầy, họ phải chiến đấu. Môi-se bảo Giô-suê rằng: "Hãy chọn lấy tráng sĩ cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân A-ma-léc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Ðức Chúa Trời trong tay." (Xuất Ê díp tô ký 17: 9-10). Cây gậy trong tay nhắc chúng ta rằng Môi se chiến đấu không bằng sức riêng, nhưng bằng quyền năng sức mạnh của Ðức Chúa Trời.
Giô suê vâng lời Môi se. Còn Môi se thì cầm cây gậy đi với A rôn và Hu rơ lên đầu nổng để nhìn rõ chiến trường và cầu nguyện xin quyền năng của Ðức Chúa Trời giúp đỡ.
Kinh Thánh ghi lại: "… hễ đang khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn. Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ bèn lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê lấy lưỡi gươm đánh bại A-ma-léc và dân sự người." (Xuất Ê díp tô ký 17: 11-13).
Trận giặc nầy, dù ra quân lần đầu tiên, nhưng dân Y sơ ra ên đã thắng kẻ thù. Tại sao họ thắng? Kiểm điểm để rút bài học, chúng ta thấy:
- Môi se cầm gậy Ðức Chúa Trời trong tay. Ðiều nầy quan rất trọng. Vì cây gậy của Môi se là biểu hiệu quyền năng Ðức Chúa Trời. Cũng vậy trong cuộc chiến thuộc linh, nếu không nhờ cậy quyền năng của Chúa, chúng ta sẽ thất bại. Chỉ có quyền năng Ðức Chúa Trời, Ngài là Ðấng Chiến thắng.
- Giô suê thi hành bổn phận của mình.
- A-rôn và Hu rơ hết lòng cộng tác cùng Môi se chung lo công việc Chúa.
Trong cuộc chiến nầy, dĩ nhiên Ðức Chúa Trời là Ðấng Chiến thắng, nhưng Ðức Chúa Trời đã ban trách nhiệm khác nhau cho những con dân của Chúa là Môi se, Giô suê, Arôn và Hu rơ và những chàng trai trẻ trong dân sự. Cảm tạ ơn Chúa, những người nầy đều đã làm tròn trách nhiệm Chúa giao cho mình.
Nếu các chàng chiến sĩ nói, tôi không ra trận, thì ai sẽ chiến đấu? Nếu Môi se không đưa cây gậy lên, trận chiến sẽ ra sao? Kẻ thù sẽ thắng.
Trong trận chiến nầy công tác của hai Ông A-rôn và Hu rơ là dễ hay khó? Họ đi tìm đá kê cho Môi se ngồi. Dễ hay khó? A-rôn là anh của Môi se, đã 83 tuổi. Nếu Ông nói với Môi se: "Anh là anh của chú mà đi khiêng tảng đá cho chú ngồi sao? Chú đi tìm đá cho anh ngồi chớ!" Nếu Hu rơ nói: "Tôi đâu có phải là đầy tớ của Môi se mà đi khiêng đá cho Ông ta ngồi?"
Nếu hai người nầy không cộng tác với Môi se thì kết quả sẽ ra sao?
Thưa Quý vị, ngày nay, Hội Thánh của Ðức Chúa Trời đang nhờ cậy Ðức Chúa Trời chống cự với ma quỷ để sống còn, để rao truyền Danh Chúa Cứu Thế Giê su. Nếu Môi se, Arôn, Hu rơ, Giô suê trong Hội Thánh ngày nay rút lui hết thì Hội thánh của Chúa sẽ ra sao?
Xin chúng ta noi gương của Môi se, Arôn, Hu rơ, Giô suê… hiệp một cùng nhau lo công việc Chúa trong Hội Thánh của Ngài. Ðôi khi có người nói: "Thờ phượng Chúa chỗ nào cũng là được," rồi không đi nhà thờ nữa. Nếu ai cũng không đi nhà thờ nữa thì Hội Thánh của Chúa sẽ ra sao? Xin đừng bỏ ra đi. Nếu thấy điều gì yếu trong Hội Thánh thì chúng ta hiệp lực góp ý nhau nhờ ơn Chúa làm làm cho điều đó trở nên mạnh mẽ hơn.
Cầu xin Ðức Chúa Trời dạy mỗi chúng ta biết vâng lời Chúa làm công cụ đắt lực để Chúa dùng chúng ta xây dựng Hội Thánh của Chúa làm vinh hiển Danh Ngài. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành