Kinh Thánh, Sách Tin Lành Giăng, có chép một câu chuyện như sau:
Bấy giờ, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dẫn lại cho Ngài một người đàn bà
đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm, họ để người đứng giữa đám đông, mà nói cùng
Đức Chúa Jesus rằng: Thưa thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm.
Vả trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng
người như vậy, còn thầy, thầy nghĩ sao?
Họ nói vậy đặng thử Ngài: Hầu cho có thể kiện Ngài.
Nhưng Đức Chúa Jesus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng:
Ai trong các ngươi, là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.
Rồi Ngài lại lấy tay viết trên mặt đất. Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra,
những người có tuổi đi trước, Đức Chúa Jesus ở lại một mình với người đàn bà,
người vẫn đương đứng chính giữa đó. Đức Chúa Jesus bấy giờ lại ngước lên,
không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những người
cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?
Người thưa rằng: Lạy Chúa không ai hết. Đức Chúa Jesus phán rằng:
Ta cũng không định tội ngươi, Hãy đi và đừng phạm tội nữa.
(Giăng 8: 3-11)
Câu chuyện: Không chỉ nhắc cho người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, mà còn nhắc cho mỗi chúng ta khi học câu chuyện nầy: biết chúng ta là ai? Để học biết cách sống nhu mì với người khác. Chúng ta sẽ cùng học với nhau ba điều sau:
- Con người và đồ vật
- Lời Đức Chúa trời
- Một cơ hội nữa
I.CON NGƯỜI VÀ ĐỒ VẬT
Đang khi Chúa Jesus ngồi dạy dỗ dân chúng thì các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dẫn một người phụ nữ, mà họ gọi là bị bắt vì tội ngoại tình, đến và nói với Chúa Jesus rằng:
Người phụ nữ nầy bị bắt quả tang về tội ngoại tình.
Luật pháp Môi-se thì truyền: ném đá những hạng người như vậy.
Còn thầy: thầy nghĩ sao?
(Giăng 8: 3-5)
Họ hỏi như vậy, để gài bẫy Ngài:
Tội ngoại tình: bị xử phạt rất nghiêm khắc trong xã hội Y-sơ-ra-en. Sách Lê-vy ký chép:
Nếu người nam nào phạm tội tà dâm cùng vợ người khác,
hay là phạm tội tà dâm với vợ người lân cận mình, người nam và người nữ
đó đều phải bị xử tử.
(Lê-vy ký 20:10)
Điều nầy cũng được nhắc lại trong sách Phục truyền:
Khi người ta gặp một người nam nằm cùng một người nữ có chồng,
thì người nam luôn với người nữ, cả hai đều phải bị chết.
Ấy, ngươi sẽ cất sự ác ra khỏi Y-sơ-ra-en là như vậy.
(Phục truyền 22:22)
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si có một cơ hội rất quí báu để gài bẫy Chúa:
Những người Pha-ri-si đưa một người bị kết tội chết đến với Chúa để thử Ngài vì biết:
“Ngài không muốn cho một người nào chết mất,
nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn”
(II Phi 3:9)
Án cho người phạm tội đã được họ định sẵn, họ phát biểu:
“Luật Môi-se: thì truyền ném đá hạng người như vây. Còn thầy: thầy nghĩ sao?
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si chờ đợi Chúa phản đối án phạt đối với người phụ nữ nầy, để kết án: Chúa chống lại luật pháp.
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si gọi người phụ nữ phạm tội là: “Hạng người như vậy”.
“Hạng người như vậy” ở đây là: Một phụ nữ không có tên, không tuổi tác, không quê quán, hoàn cảnh xã hội của bà cũng mờ mịt không ai biết. Người Pha-ri-si cho biết: bà bị bắt quả tang về tội ngoại tình, nhưng ngoại tình với ai, và tại sao người nam ngoại tình với bà không bị bắt, thì cũng không rõ.
Đối với người Pha-ri-si: chuyện tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh xã hội, nguyên nhân phạm tội… không có gì đáng kể. Điều đáng kể nhất của họ là: Họ đang có trong tay một vũ khí vô cùng lợi hại để gài bẫy Chúa Jesus.
Trong tay các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, người phụ nữ không tên tuổi nầy không phải là một con người: Bà đã được biến thành là một đồ vật, phục vụ cho mục đích gài bẫy con Đức Chúa Trời.
Con người là tạo vật siêu phàm của Đức Chúa Trời:
“Chúa làm loài người kém Đức Chúa Trời một chút
Đội cho người sự vinh hiển sang trọng
Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm”
(Thi 8: 5-6)
Biến con người, tạo vật siêu phàm của Đức Chúa Trời, thành một đồ vật, là điều chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời.
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chế độ nô lệ đã là một vết đen khó tẩy rửa, ở đó con người, cụ thể là người nô lệ, đã trở thành vật sỡ hữu của chủ nô, họ đã phải sống một đời sống đọa đày, không phải đời sống của một con người.
Biến con người thành đồ vật là chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời, nên hiển nhiên đó cũng là cách đối xử phi cơ đốc. Chúng ta thử nhìn lại cách mà một thánh nhân cơ đốc đã đối xử với một người nô lệ:
Sứ đồ Phao Lô đã đem người nô lệ trốn chủ là Ô-nê-sim về với Chúa, gỡ bỏ ách nô lệ tội lỗi cho người nô lệ đáng thương nầy, và coi người nô lệ là: con của mình trong Đấng Christ. Sau đó Phao lô cũng đã gửi gắm người tín hữu mới nầy lại cho Phi-lê-môn, người chủ cũ của Ô-nê-sim:
“Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm.
Song vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn:
Tôi, Phao Lô, đã già rồi, hiện nay lại vì Đức Chúa Jesus Christ chịu tù nữa.
Tôi đã vì con tôi sanh ra trong xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh:
Ngày trước người không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ ích lắm,
và cũng ích cho tôi nữa: Tôi sai người về cùng anh: Người như lòng dạ tôi vậy.
Tôi vốn muốn cầm người ở lại cùng tôi, đặng thế cho anh mà giúp việc tôi
trong cơn vì tin lành mà chịu xiềng xích.
Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý,
hầu cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, bèn là bởi lòng thành.
Vả, có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lại người mãi mãi,
không phải nhận lại như một nô lệ nữa, nhưng hơn hẳn một nô lệ: như người
anh em thân yêu, rất thân yêu đối với tôi, huống chi đối với anh thì càng thân
yêu hơn biết bao, cả về tình người, lẫn tình trong Chúa
(Phi-lê-môn: 8-16)
Đẹp biết bao tình yêu và cách xử sự của vị sứ đồ yêu dấu của Chúa Jesus!
Thực ra không chỉ người Pha-ri-si biến con người thành đồ vật, chính chúng ta, những người nghĩ mình là cơ đốc nhân, vẫn thường phạm những sai lầm như vậy:
Đem con ra đánh để chửi hàng xóm, để cạnh khóe với người khác, há không phải là biến con mình thành đồ vật sao? Đối xử lạnh nhạt, không hề quan tâm, không biết đến cá tính, nhu cầu của người chung quanh, dù cố ý hay không cố ý cũng có thể xem là cách biến con người thành đồ vật.
MS Cho Yonggi kể chuyện vợ chồng của ông như sau:
Vợ của MS Cho Yonggi là con gái bà MS Jashil Choi, một phụ tá của ông tại Yoido Full Gospel Church: đẹp người, đẹp nết, giỏi âm nhạc để có thể giúp ông trong chức vụ.
Ai cũng nghĩ rằng: đây thực sự là một hôn nhân lý tưởng, ai cũng nghĩ: cuộc sống vợ chồng của hai người nhất định phải tốt đẹp. Thế nhưng, hôn nhân đó không diễn tiến tốt đẹp như mọi người nghĩ.
MS Cho Yonggi kể: Ông vốn say sưa trong việc đem tin lành đến với người dân Đại hàn dân quố,c nên cứ sáng thứ hai ông vác va ly quần áo, sách vở, rồi cùng với các cộng sự đi hết quân nầy đến quận kia của thành phố Seoul rao giảng phúc âm, chỉ đến chiều thứ bảy mới trở về nhà, vội vã sửa soạn bài giảng cho ngày chúa nhật, rồi thứ hai đến, vòng tuần hoàn cũ diễn ra.
Vợ ông: sau những ngày vui vẻ ngắn ngủi, bắt đầu héo tàn như cây không được tưới nước. Từ một cô gái yêu kiều trở thành ủ rủ: Vào ra trong nhà như chiếc bóng.
Cho đến một ngày Bà Jashil Choi gặp ông Cho Yonggi để nói với ông về tình trạng gia đình ông:
- Ông Cho ơi, ông có nghĩ rằng cách sống của ông có thể dẫn đến chỗ ông mất vợ không?
- Ồ mẹ nói gì lạ vậy? Con có sai trật gì đâu? Mẹ xem vợ con có thiếu thốn gì đâu: Áo quần, đồ ăn, thức uống…Quả thật nàng không thiếu thốn gì, Làm sao mà con mất vợ?
- Ông Cho ơi, ông lầm rồi, nếu ông cưới một cái tủ làm vợ thì không sao, nhưng đằng nầy ông cưới một con người chứ không phải một cái tủ làm vợ. Mà con người thì cần nhiều thứ hơn là đồ ăn, thức uống, áo quần…
Cho Yonggi điếng người nhận ra sai lầm của mình: Trong một thời gian dài ông đã chẳng quan tâm gì đến người phối ngẩu của mình: Ông đã đối xử với người yêu thương của ông như là một đồ vật, chứ không phải như một con người.
Trước mặt Đức Chúa Trời thì: Con người luôn luôn là con người, con người dù xấu đẹp cũng là con người, con người dù tốt hay hư hỏng, sai trật vẫn là con người: Chúa Jesus đã đến, đã chịu thương khó, chịu chết không phải cho đồ vật, nhưng cho con người.
II. LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
Kinh thánh là: Lời Đức Chúa Trời.
Người Pha-ri-si dùng lời Kinh thánh khi gài bẫy Ngài:
Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên
ném đá những hạng người như vây, còn thầy, thầy nghĩ sao?
Các thầy thông giáo gọi luật pháp của Đức Chúa Trời là luật pháp Môi-se. Có thể đây là cách gọi cho tiện, tuy nhiên về lâu dài cách gọi nầy khiến con người lẫn lộn Lời Đức Chúa Trời với lời con người:
Luật pháp được ban bố bởi Môi-se, nhưng luật pháp không phải là luật của Môi-se: Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải lời Môi-se
“Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại trên núi Sinai,
bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra”
(Xuất Ê-dip-tô ký 31:18).
Ngài xác định rõ ràng rằng:
“Hai bảng đá đó là việc Đức Chúa Trời làm ra
Chữ cũng là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên bảng”
(Xuất 32:16)
Khi cho rằng luật pháp được ghi trong kinh thánh là luật Môi-se, chứ không phải là luật pháp của Đức Chúa Trời: Các thầy thông giáo hạ thấp giá trị của Lời Đức Chúa Trời, đánh đồng Lời Đức Chúa Trời với lời loài người.
Cách đánh đồng Lời Chúa với lời loài người, dẫn con người đến chỗ lẫn lộn giữa thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời với luật lệ của loài người: Người Y-sơ-ra-en xưa hình thành những luật riêng của mình gọi là luật truyền thống và cưỡng đoạt thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời về cho các luật truyền thống nầy. Thánh kinh tân tự điển viết:
Giữa giai đoạn Cựu ước và Tân ước có nhiều lời giải nghĩa kinh thánh cựu ước được các Rabi (thường là các thầy thông giáo và người Pha-ri-si) thêm vào, Các giải nghĩa nầy được truyền dạy từ thầy qua trò để cuối cùng nó được nhiều người xem ngang hàng với kinh thánh.Việc làm cho lời giải nghĩa của con người ngang bằng với lời mặc khải thiên thượng đã bị Chúa Jesus lên án: Truyền thống của người Do Thái đã làm cho Lời của Đức Chúa trời bị: vi phạm, bị vô hiệu hóa, bị để qua một bên, bị chối bỏ: (Ma-thi-ơ 15:3, 6, Mác 7:8,9,13). Kinh thánh gọi truyền thống đó là: Điều răn của loài người (Ma-thi-ơ 15:9, Mac 7:6-7)[1].
Luật truyền thống nầy: không chỉ có trong cộng đồng người Y-sơ-ra-el, nhưng cũng được hình thành trong lòng các giáo hội cơ đốc. Các luật truyền thống nầy cưỡng đoạt thẩm quyền của Kinh Thánh, khinh thường chân lý, đặc biệt khi luật truyền thống ban cho những phẩm trật: quyền vô ngộ. Bởi các luật truyền thống nầy mà chân lý bị chà đạp, con người bị bạo lực bức hiếp giết chóc: Ga-li-lê bị cầm tù, Bruno bị hỏa thiêu khi công nhận hệ nhật tâm “Quả đất quay quanh mặt trời”, vì điều nầy trái với chủ trương lúc đó của giáo hội Thiên Chúa Giáo[2]
Những con cái thật của Chúa, những người sống và thuận phục thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh, đã bị những luật truyền thống của loài người bức hại:
Jan Hus sinh năm 1369 tại Husinec, Bô-hê-mia và bị xử tử hình bởi tòa án giáo hôi Thiên chúa giáo La-mã ngày 6 tháng 7 năm 1415 tại Konstanz (ngày nay thuộc Đức).
Khi trẻ, Hus học tại đại học Karlova: Nhận bằng cử nhân năm 1393 và bằng Thạc sĩ năm 1402.
Năm 1400 ông được tấn phong linh mục và đảm nhiệm chức vụ linh mục tại giáo đường Betlehem, là giáo đường dành cho vua và hoàng gia tại Praha, ông cũng là Viện trưởng viện đại học Karlova từ năm 1402.
Jan Hus chịu ảnh hưởng các ý tưởng cải chính giáo hội của Wicliffe: một nhà cải chính giáo hội người Anh. Wicliffe chống lại giáo lý: Giáo hoàng vô ngộ, giáo lý Biến thể thuyết, đồng thời cũng chống lại cách sống xa xỉ, bại hoại của các tầng lớp tăng lữ lúc bấy giờ.
Đối với Wicliffe: Thẩm quyền cao nhất trong đời sống đức tin của người tín hữu là Kinh thánh, chứ không phải ở nơi các phẩm trật của giáo hội.
Cảm phục cách sống và các ý tưởng của Wicliffe, Jan Hus đã truyền bá các ý tưởng nầy tại giáo đường Betlehem cũng như tại đại học Karlova
Wencelaus: Hoàng đế của Thánh quốc La-mã (cũng là vua Bô-hê-mia)[3] yêu mến Jan Hus và các ý tưởng cải cách của ông nên luôn ủng hộ ông.
Tuy nhiên, áp lực từ phía Giáo hội Thiên chúa giáo rất nặng nề: Giáo hội ép buộc chính quyền phải lên án các tác phẩm của Wicliffe và ngăn cấm sự dạy dỗ của Jan Hus.
Ngày 20 tháng 12 năm 1409 Giáo Hoàng Alexander V ra chiếu chỉ ủy quyền cho Tổng Giám muc Zbynek của địa phận Praha tiến hành các biện pháp chống Jan Hus. Theo đó: Jan Hus và các học trò thân tín của ông phải bị dứt phép thông công, các tác phẩm của Wicliffe phải bị thiêu hũy.
Vua Wencelaus vốn yêu mến Jan Hus đã bảo vệ ông: Jan Hus vẫn được tiếp tục giảng dạy tại thánh đường Betlehem một thời gian nữa, nhưng sau đó do áp lực của Giáo hoàng, vua Wencelaus đã phải đưa Jan Hus tạm lánh về Kozi Hradek.
Năm 1413 từ Hradek, Jan Hus viết cuốn “De Ecclesia”: trích lược hầu hết các ý kiến của Wicliffe và đưa về Praha để đọc trong giáo đường Betlehem. Ý tưởng cải chánh giáo hội qua đó lan truyền mạnh mẽ đến nhiều nơi: Ba Lan, Hungary, Áo…
Lo sợ ảnh hưởng của các ý tưởng cải chánh, Giáo hội Thiên Chúa Giáo quyết định dứt khoát phải loại trừ Jan Hus.
Ngày 1 tháng 11 năm 1414 Giáo hội triệu tập Hội Đồng Konstanz (ngày nay thuộc Đức): Dù được vua Hungary là Sigismund (em vua Wencelaus) đảm bảo an ninh, nhưng Jan Hus cũng đã viết sẵn di chúc trước khi lên đường dự hội đồng.
Đúng như ông dự đoán: Tháng 12 năm 1414 Sau khi đến Konstanz it lâu, Jan Hus bị bắt giam.
Tại phiên tòa ngày 8 tháng 6 năm 1415: Jan Hus bị kết tội dạy tà giáo, tòa buộc ông công khai nhận tội. Jan Hus đã bác bỏ điều nầy ông tuyên bố:
“Hãy chỉ cho tôi biết: Nếu trong những điều tôi giảng dạy
có điều nào không đúng với bản văn Kinh Thánh,
tôi sẽ vui mừng nhận sự chỉ dạy của quí vị”
Ngày 6 tháng 7 năm 1415: Jan Hus bị hỏa thiêu.
Hơn 100 năm sau, năm 1521: Martin Luther cũng đứng trước tòa Worm: John Eck quan tư pháp của tuyển đế hầu xứ Saxe đòi hỏi Martin Luther thiêu hủy các tác phẩm của ông. Luther cũng đã từ chối rằng:
“Tôi sẽ không nhường cho Giáo hoàng hay cho các Giáo hội nghị
quyền xét đoán lòng tín ngưỡng của tôi, bởi vì Giáo hoàng
và các Giáo hội nghị đã nhiều lần sai lầm: đã biểu quyết các lẽ đạo
tương phản nhau. Thế thì nếu chẵng viện Kinh Thánh mà chỉ ra chỗ tôi sai lầm
và ràng buộc lương tâm tôi bởi Lời Đức Chúa Trời, thì tôi chẳng thể thiêu hủy bất cứ
sách vở nào của tôi, vì điều đó phản lại lương tâm tôi”.[4]
Jan Hus, Martin Luther bị kết tội vì điều gì? Họ bị kết tội vì: Nói, viết, giảng dạy căn cứ trên Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh chứ không phải căn cứ trên Hiến chương, giáo lệnh từ những phẩm trật của các tổ chức tôn giáo mà họ phục vụ.
Con người, dù là các thầy thông giáo và người Pha-ri-si ngày xưa trong xã hội Y-sơ-ra-el, hay các tổ chức tôn giáo cơ đốc ngày nay, đã tạo ra các hệ thống tổ chức, mỗi hệ thống đó có hiến chương, điều lệ, giáo lý…Và sau một thời gian con người thường có khuynh hướng đặt các hiến chương, điều lệ của họ cao hơn Lời Đức Chúa Trời: Tai hại ở chỗ, những con người cầm quyền hầu như chẳng bao giờ cân nhắc điều nầy, chẳng bao giờ ăn năn về việc cưỡng đoạt thẩm quyền của Đức Chúa Trời và Lời Ngài trên đời sống tín hữu xưa cũng như nay.
Quay lại với diễn tiến câu chuyện: Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si thúc giục chúa Jesus trả lời câu hỏi của họ:
“Còn thầy, thầy nghĩ sao?” (Giăng 8: 5b)
Trước mắt họ: Hẳn là Chúa Jesus đang bị dồn vào thế bí.
Kinh thánh chép:
“Nhưng Đức Chúa Jesus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất.
Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên mà phán rằng:
Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.
Rồi Ngài lại cúi xuống, cứ viết trên mặt đất”.
(Giăng 8: 6-8)
Chúa Jesus đang ngồi dạy dân chúng, bấy giờ Ngài cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất.
Nhiều người thắc mắc không biết Chúa viết gì trên mặt đất vậy? câu trả lời thật ra rất đơn giản:
Chúa Jesus là Ngôi Lời, bất cứ Lời nào Ngài nói, bất cứ chữ nào Ngài viết ra đều là: Lời Đức Chúa Trời. Điều đáng chú ý ở đây là: Ngài đã dùng ngón tay viết Lời Ngài trên mặt đất.
Ngày xưa Môi-se nhận một bảng luật pháp: Bởi ngón Tay Đức Chúa Trời viết ra. Môi-se ban bố luật nầy cho người Y-sơ-ra-el. Người Y-sơ-ra-el vô cùng hãnh diện, họ hãnh diện là phải, vì chỉ có dân tộc đặc biệt nầy mới nhận được một luật pháp lạ lùng như vậy: Chẳng có quốc gia nào, dân tộc nào trong thế giới cổ đại lại có một luật pháp đầy vinh hiển vượt không gian, thời gian như luật pháp mà Môi-se công bố. Thực ra Luật được công bố cho người Y-sơ-ra-el, nhưng không phải chỉ cho dân Y-sơ-ra-el: Luật pháp là luật của Đức Chúa Trời, luật là luật cho mọi dân trên đất: chính vì vậy Luật mới có giá trị vững bền vượt trên không gian và thời gian:
“Vì Ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm,
một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn”
(Ma-thi-ơ 5:18)
Bởi bảng luật pháp Môi-se nhận được:
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: Ngón tay Đức Chúa Trời viết ra Lời Ngài.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: Lời Đức Chúa Trời thành văn.
Khi Chúa Jesus đến: Lời Đức Chúa Trời trở nên xác thịt và Khi Chúa Jesus dùng ngón tay viết Lời Ngài trên đất: Lời Đức Chúa Trời được khắc ghi trên mặt địa cầu:
Lời Chúa bây giờ được khắc ghi trên đất người sống, Lời không phải được cất vào hòm bảng chứng nữa, nhưng là Lời sống, lời có thẩm quyền tối hậu cho mọi con người sống trên đất
Nói về luật pháp Đức Chúa Jesus phán:
“Dẩu trời đất qua đi thì một chấm, một nét của luật pháp
sẽ không qua cho đến khi mọi sự được trọn”
(Ma-thi-ơ 5:18)
Nhưng với Lời của chính Ngài thì:
“Trời đất sẽ qua, nhưng Lời ta chẳng bao giờ qua đi”
(Ma-thi-ơ 24:35)
Lời “không bao giờ qua đi”: chắc chắn là Lời mang thẩm quyền tối hậu đối với bất kỳ con người nào đã sống, đang sống và còn đến trên đất.
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nghĩ rằng họ đang là những người có quyền: Đặc biệt là quyền trừng phạt người khác: Quyền, dù là quyền ở bất cứ tổ chức nào của con người, đều được Đức Chúa Trời ban cho, và được dùng cải hóa người khác: Đem người khác từ chỗ sai trật đến sự ăn năn, thay đổi cách sống để trở thành người tốt. Trừng phạt là một khía cạnh của quyền: Nhưng đó không phải là điều cốt yếu: Không phải lúc nào con người có quyền cũng chăm chăm hành quyền bằng cách trừng phạt.
Đang cúi xuống viết Lời Đức Chúa Trời trên đất, Chúa Jesus ngước lên, nhìn thẳng vào mặt các thầy thông giáo và người Pha-ri-si: Những người, cho đến lúc đó, vẫn tưởng mình là những con người: trọn vẹn, tốt đẹp, cao quí, xứng đáng.
“Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người”
(Giăng 8: 7)
Lời phán của Chúa không chỉ nói về tội ngoại tình của người phụ nữ, Lời uy quyền ấy bày tỏ cho những người kiện cáo một nguyên tắc về thi hành luật: Chỉ những người vô tội mới có quyền trừng phạt người phạm tội. Lời uy quyền ấy cũng đặt những người kiện cáo vào chỗ phải tự nhìn lại chính mình:
“Vì Lời của Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi,
thấu vào đến đổi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng, và ý định trong lòng.
Chẳng có vật nào giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra
trước mặt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”.
(Hê-bơ-rơ 4:12-13)
Lời sống của Đức Chúa Trời làm bàng hoàng những kẻ kiện cáo:
“Ai trong các ngươi là người vô tội?”
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si phải tự trả lời cho mình và cho người khác về điều nầy: Họ phải đối diện với Lời Đức Chúa Trời để nhận ra mình. Các thầy thông giáo không xa lạ với lời nầy:
“Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế.
Chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không”
(Thi thiên 14:3)
Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nhìn quanh: Họ biết mình và cũng biết những đồng bạn của mình: “Chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không”.
Kinh Thánh viết tiếp:
“Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước”
(Giăng 8: 9a)
It nhất cũng có một điều, mà các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nêu gương tốt ở đây: Đối diện với Lời Đức Chúa Trời, họ thánh thật nhận ra mình là ai?
III.MỘT CƠ HỘI NỮA
Kinh thánh ghi tiếp:
“Nghe vậy, họ lần lượt bỏ đi từng người một, người cao tuổi đi trước,
để Ngài ở lại một mình với người phụ nữ đang đứng đó.
Đức Chúa Jesus đứng lên hỏi: Nầy, mấy người kia đâu cả rồi?
không ai kết tội chị sao?. Người phụ nữ trả lời: “Thưa ông, không ai cả,”
Đức Chúa Jesus phán: ta cũng không kết tội chi, chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa”
(Giăng 8: 9-11)
“Chỉ một mình Chúa Jesus còn lại”: Vì chỉ một mình Ngài là Đấng vô tội trong thế gian nầy. Và vì vậy chỉ một mình Ngài mới là Đấng có thẩm quyền định tội trên con người.
Tuy nhiên nếu Luật pháp chỉ cho con người biết tội và luật pháp định tội trên con người, thì Chúa Jesus, Cứu Chúa của thế gian đến không phải để định tội, mà để chuộc tội cho con người:
“Ta cũng không định tội ngươi”
Đa số chúng ta hay lầm khi cho rằng: Chúa Jesus tha tội cho một người phụ nữ phạm tội nầy một cách dễ dàng quá.
Thực ra không phải vậy: Chúa không hủy bỏ sự xét đoán, Chúa không phán rằng: Ồ chị yên tâm, không sao đâu, không có gì đâu.
Ngài không nói như vậy: Ngài phán: “Hãy đi”, điều nầy có nghĩa là: “Hãy tiếp tục sống” nhưng thêm điều kiện: “Và đừng phạm tội nữa”
Chúa không tha tội, nhưng Ngài ban cho người phụ nữ nầy một cơ hội nữa để sống, để ăn năn tội ,để sửa chữa lỗi lầm.
Cứu Chúa của thế gian lên án tội lỗi, nhưng nhơn từ với tội nhân: Trước mặt Ngài: tội nhân vẫn cứ còn một cơ hội: Quả thật nếu Đức Chúa Trời đoán phạt chúng ta ngay khi chúng ta phạm tội, thì ai trong chúng ta còn cơ hội để sống, để để biết ăn năn, để nếm trải sự nhơn từ của Đức CHúa Trời.
Tình yêu luôn luôn lên tiếng: Vẫn còn một cơ hội cho từng con người trên đất.
[1] Howard Marshall, Thánh kinh tân tự điển, NXB Phương đông, 2009, 1915
[2] Hơn ba trăm năm sau, năm 1992 Giáo hội Roma mới rút lại án lệnh đối với Ga-li-lê.
[3] Thánh quốc La-mã bao gồm bảy công quốc: Mayence, Treves, Cologne, Palatin du Rhin, Bô-hê-mia, Brandebourg, Saxe: (Các công quốc nầy ngày nay đa số thuộc Đức, Cộng hòa Sec, Slovakia, Hungaria). Hoàng Đế của Thánh quốc phải là vua của một trong bảy công quốc và thường là vua giàu mạnh nhất trong số đó.Trên danh nghĩa Hoàng đế có quyền cao nhất nhưng trong thực tế quyền của Giáo hoàng Giáo hội Thiên Chúa giáo tại Roma còn lớn hơn quyền của Hoàng đế.
[4] John Drange Olsen, Sử ký Hội Thánh tập 3, NXB Tin Lành, 1957,59