Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 15

Yêu Kẻ Thù Mình

(Love Your Enemies)

Rôma 12:17-21

www.vietnamesehope.org

 

 

“Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng. Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người. Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.”

 

 

Sống ở đời này, làm gì đi nữa, ai trong chúng ta cũng muốn đạt được sự toàn hảo và trọn vẹn; ai cũng muốn mình là No. “1,” chứ không ai mong mình được No. “10” hết, phải không? Chẳng hạn như làm việc trong các công xưởng, chúng ta muốn mình luôn là “Employee of the month” (nhân công ưu tú mỗi tháng). Chúng ta luôn muốn con cái mình học phải “straight A;” nó nhỡ mà bị một con “B” thì chúng ta sẽ không hài lòng ngay. Các bạn trẻ ai cũng muốn làm quen được với người bạn gái xinh nhất, bạn trai sang và đô con nhất trong trường. Làm kinh doanh, ai cũng muốn là người thương mại giỏi nhất trong ngành. Tất cả mọi điều ước này đều là tốt cả, nhưng là con cái Chúa, còn phần thuộc linh của chúng ta thì sao? Chúng ta có ước mong là những người cơ đốc trọn vẹn, không chỗ trách được trước mặt Chúa không? Nếu muốn thì chúng ta phải tìm hiểu một số những tiêu chuẩn cao đẹp của Chúa Giê-xu cho mình là gì và sống theo đó. Một trong những tiêu chuẩn cao đẹp trọn vẹn nhất của người cơ đốc đó là “hãy yêu kẻ thù mình.” Tiêu chuẩn này cao hơn cả luật vàng, hay những mạng lệnh trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời liên quan đến mối liên hệ bề ngang. Mạng lệnh “yêu kẻ thù” này sẽ không còn dành cho những trẻ thơ cơ đốc còn ở bậc sơ đẳng; nhưng cho những ai trưởng thành muốn đạt sự toàn hảo và trọn vẹn làm môn đồ của Đấng Christ.

 

 

1) Tiêu chuẩn cao đẹp (trọn vẹn) “yêu kẻ thù mình” là gì?

 

Muốn hiểu tiêu chuẩn cao đẹp này, chúng ta phải bắt đầu bằng sự hiểu biết Chúa là ai và chúng ta là ai. Trong sách 1 Phiêrơ 2:9 có chép – “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” Chúng ta giờ đây là dân chọn, thánh, và thuộc riêng của Chúa là Đấng trọn vẹn; nghĩa là chúng ta không còn sống theo tiêu chuẩn riêng của mình nữa. Chữ “thánh” không phải chỉ mang ý nghĩa “tinh sạch, không bị nhiễm trùng, hay ô uế,” nhưng còn có nghĩa là “biệt riêng ra” cho Chúa xử dụng theo tiêu chuẩn của Ngài. Như vậy con cái Chúa là những người “thánh” có những tiêu chuẩn sống khác biệt với người đời, là những tiêu chuẩn cao hơn, có sự ảnh hưởng rộng hơn: Không phải chỉ giới hạn trong những “vòng” gia đình, những người thân yêu, anh em trong Chúa, bạn bè, những người cùng sở thích, yêu mến mình, nhưng kể cả những người “lân cận” ở vòng ngoài nhất, đó là những kẻ thù của mình nữa.

 

Nền tảng của mọi tiêu chuẩn Chúa đều luôn dựa trên “sự yêu thương.” Trong Mathiơ 22:36-39 Chúa Giê-xu tóm tắt hai luật pháp quan trọng nhất là gì khi một người hỏi Chúa - “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.” Trong Cựu Ước sách Lêviký 19:18 cũng có chép một luật pháp cho người Do Thái như sau: “… hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình…” Chúng ta phải hiểu những người “lân cận” lời Chúa dạy ở đây cũng chính là kẻ thù mình. Mạng lệnh yêu người lân cận này dễ hay khó làm, tùy theo chính tự mình định nghĩa/giới hạn “người lân cận” là ai mà thôi? Nếu người lân cận chỉ là những người mình thích hay những ai yêu mình thì sự yêu thương này không mấy là khó làm.

 

 

2) Ai là kẻ thù của chúng ta?

 

a) Thứ nhất, kẻ thù của chúng ta chính là những ai chống nghịch lại cùng Chúa của chúng ta. Trong Mathiơ 12:30 Chúa Giê-xu có phán: “Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta; ai không thâu hiệp với ta, thì tan ra.” Như vậy satan, ma quỉ, anti-christ, giáo sư gỉa, tiên tri gỉa, những người từ chối không tin nhận Chúa… là kẻ thù của mình theo ý nghĩa thiêng liêng. Họ chống Chúa thì họ là kẻ thù của Ngài, thì cũng là kẻ thù của chúng ta, vì chúng ta thuộc của Chúa, điều này không có gì là khó hiểu hết.

 

b) Trong bài giảng trên núi của Chúa Giê-xu giúp định nghĩa thêm cho thấy “kẻ thù” còn có thể là ai nữa: Trong sách Mathiơ 5:43-48 - “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.  Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” Kẻ thù ở đây là những người bắt bớ chúng ta, những kẻ dữ, kẻ độc ác, cố ý làm hại chúng ta (theo lẽ công bình hay không, ai đúng hay sai chưa nói đến). Trong sách Luca 6:27-29 có chép thêm nữa: “Nhưng ta phán cùng các ngươi, là người nghe ta: Hãy yêu (agape) kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình. Ai vả ngươi má bên nầy, hãy đưa luôn má bên kia cho họ; còn nếu ai dựt áo ngoài của ngươi, thì cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong.” Kẻ thù của chúng ta là những người rủa mình, sỉ nhục mình, vả má mình, hay là dựt áo mình (nghe giống như những cán bộ cộng sản sau thời 30/4/75’s khi họ vào chiếm miền Nam?). Sống ở bên Mỹ đây, thường chúng ta không bị ai bắt bớ, nhưng kẻ thù của mình có thể là những người nói xúc phạm đến danh dự/tự ái của mình, bêu xấu hay vu oan, thiên vị, lên án, moi móc quá khứ đau thương của mình? Tóm lại kẻ thù của chúng ta là tất cả những ai không yêu mình, là những ai ghét mình, hay là những người mình không thích.

 

Bây giờ mỗi người hãy tự làm một điều, lấy ra vài giây suy nghĩ – có ai đang ghét mình không? Hay có ai mình đang không thích không? [Mỗi người chỉ tự xét mà thôi. Đừng bận tâm, nếu không có ai hết!]

 

 

3) Chúng ta phải đối xử với kẻ thù mình như thế nào theo lời Chúa dạy, vì mình là con cái của Đấng Trọn Vẹn?

 

a) Trước hết chúng ta phải hết lòng cảm tạ Chúa cho lời của Ngài là sự hướng dẫn cho đời sống chúng ta biết phải làm gì, đối xử như thế nào trong mọi vấn đề, kể cả cho kẻ thù mình. Trong Thi Thiên 119:105 có chép: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.” Trong sách 2 Tim. 3:16-17 có chép: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” Khi đọc lời Chúa, chúng ta phải hiểu nhiều điều Chúa dạy trong Kinh Thánh sẽ không theo lẽ tự nhiên, hay gọi là “ngược đời,” có thể khác với sự suy nghĩ riêng của mình, như là “yêu kẻ thù mình,” nhưng chúng ta vẫn phải tuân theo.

 

b) Trong Kinh Thánh chúng ta thấy Đức Chúa Trời, Cha chúng ta đối xử như thế nào với những kẻ thù của Ngài? Trong sách Mathiơ 5:45b có chép: “bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác,” đương nhiên cho tới lúc sự phán xét cuối cùng đến theo thời điểm của Chúa. Chính Chúa Giê-xu đã đối xử với kẻ thù mình như thế nào? Trong sách Luca 23:34 có chép: “Song Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì. Đoạn, họ bắt thăm chia nhau áo xống của Ngài.” Chúa đang ở đâu đây khi cầu nguyện điều này? Chúa đang bị treo trên cây thập tự giá thì lại cầu nguyện cho những người đã lên án và đóng đinh mình. Ngày xưa chấp sự Êtiên, là môn đồ của Chúa Giê-xu, đối xử với kẻ thù mình như thế nào? Trong Công Vụ 7:58 có chép: “Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ.”

 

c) Có lẽ có người tự nghĩ, như vậy sự “công bằng” ở đâu? Những tội phạm sẽ không bị kết án sao? Còn bọn khủng bố 911 thì sao? Yêu họ là không kết án tội họ sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải ý thức Chúa là Đấng Công Bình, Ngài không thể xem việc ác là lành được. Trong Châm Ngôn 17:15 có chép: “Ai xưng kẻ ác là công bình, và kẻ nào lên án cho người công bình, Cả hai điều lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va.” Trong sách Rôma 12:9 cũng chép: “Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.” Yêu thương kẻ thù không có nghĩa là chấp nhận những điều ác là lành, điều dữ là tốt được. Luật pháp công bình của một quốc gia đã định chung và sẵn, cần có để bảo vệ kẻ yếu và người vô tội, theo đó mà người ta phải kết án/hình phạt  những kẻ phạm pháp một cách công bình. Nhưng đây không phải là những “vấn đề cá nhân” mà Chúa Giê-xu dạy mình không được phép trả thù theo ý riêng mình. Chúng ta có thể cầu xin và ao ước cho sự công bình được bày tỏ khi đối diện với một điều mình tự nghĩ là bất công, như trong sách Khải Huyền 6:9-11, nhưng chúng ta không có quyền trả thù, phải dành “cơn thạnh nộ, sự báo thù và trừng phạt” cho Chúa - “Khi Chiên Con mở ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có những linh hồn của kẻ đã chịu giết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã làm. Chúng đều kêu lên lớn tiếng rằng: Lạy Chúa là Đấng thánh và chân thật, Chúa trì hoãn xét đoán và chẳng vì huyết chúng tôi báo thù những kẻ ở trên đất cho đến chừng nào? Có kẻ bèn cho họ mỗi người một cái áo trắng dài; và có lời phán rằng phải ở yên ít lâu nữa, cho đến khi được đủ số người cùng làm việc và anh em mình phải bị giết như mình vậy.” Chúng ta chỉ có thể cầu xin trong lời cầu nguyện, và chờ đợi sự công bình của Chúa sẽ đến theo thời điểm của Ngài; nhưng không được tự “ra tay” làm điều ác, kể cả đến kẻ thù của mình, vì cơn thạnh nộ báo thù thuộc của Chúa mình.

 

 

4) Ba điều chúng ta phải làm cho kẻ thù mình?

 

a) Thứ nhất, trong câu 18, chúng ta phải hiểu đặc tánh căn bản của con cái Chúa phải luôn là những người cố gắng hết sức giữ sự hòa thuận với mọi người – “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.” Trong sách Mathiơ 5:9 cũng chép: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” Hay đọc ngược lại là nếu ai được gọi là con cái Chúa thì phải là những người hay làm cho người hòa thuận, phải không? Trong câu 17 có chép đặc tánh của con cái Chúa đó là: “Chăm tìm điều thiện.”

 

b) Câu 20, lời Chúa dạy đừng tìm cơ hội trả đũa, nhưng sẵn sàng làm việc thiện cho kẻ thù mình, vì nay chúng ta không còn là người ngoại đạo nữa. Cá tánh tự nhiên của “người đời” là “ăn miếng trả miếng,” ai thương mình thì mình thương lại; ai ghét mình, kệ mặc họ. Có câu chuyện 2 người thương gia gây gỗ nhau vì khách hàng, thì có bà tiên hiện ra và hứa cho mỗi người được một điều ao ước; với điều kiện, người thứ nhất xin gì, thì người thứ hai được gấp đôi. Người thứ nhất suy nghĩ một chút và nói: “Xin bà tiên cho tôi bị chột một mắt!” Đó là cá tánh tự nhiên của người đời; nhưng câu hỏi là chúng ta là người đời hay là con cái Chúa? Nếu chúng ta sống trong tiêu chuẩn “ăn miếng trả miếng” này, chúng ta chẳng khác chi hay gọi là giống hệt như những người đời (như Chúa Giê-xu dùng thí dụ của những kẻ thâu thuế), và chưa được gọi là “con cái Chúa.” Người Mỹ có câu Châm Ngôn rất hay: “If you kill, you like beast; if you get even, you like man; but if you forgive, you like God.” Khi chúng ta còn muốn trả đũa thì Chúa Giê-xu chưa thật sự làm Chủ mình, nhưng những điều ác còn điều khiển mình. Chúng ta phải hiểu là dân thánh của Đức Chúa Trời, mình có năng lực của tình yêu “agape” từ Chúa Giê-xu để làm phước cho kẻ thù mình. Tình yêu “agape” không phải loại “có qua có lại,” đổi chác, nhưng là vô điều kiện. Câu 20 chép những việc phải làm thực tế cho kẻ thù mình như là sự đói hay khát.

 

Giải thích thêm câu 20 có phần như sau: “lấy than lửa đỏ mà chất lên đầu người” nghĩa là gì? Trong sách Châm Ngôn 25:21-22 có chép: “Nếu kẻ thù nghịch con có đói, hãy cho nó ăn; Nếu có khát, hãy cho nó uống; Vì như vậy con chất than cháy đỏ trên đầu nó, Và Đức Giê-hô-va sẽ báo lại cho con.” Đây không phải là một việc làm ác trả đũa, nhưng là một truyền thống của người Aicập ngày xưa cho những ai ăn năn về tội phạm/lỗi lầm của mình, thì sau đó họ mang trên đầu than lửa đỏ để biểu lộ điều đó. Điều Chúa Giê-xu muốn dạy ở đây đó là qua những việc thiện may ra làm cho kẻ thù mình ý thức những điều ác họ đang làm mà biết ăn năn sửa đổi, hay là “đội than đỏ trên đầu họ.” Câu chuyện “chicken soup” của một người tín đồ lỡ để mấy con gà nuôi của mình đi qua sân người hàng xóm là người không thích những người có đạo. Người hàng xóm lấy cơ hội, bắt con gà, vặn cổ nó chết rồi quăng lại bên hàng rào của người tín đồ. Khi người tín đồ nhìn thấy qua cửa sổ thì cứ thản nhiên đem gà chết mình vào nhà và nấu một nồi chicken soup, rồi đem chia một nửa, qua nhà người hàng xóm, gõ cửa, xin lỗi, và cùng biếu chicken soup để họ dùng. Quí vị nghĩ sao về gương mặt của người hàng xóm khi thấy và nghe những lời đó? Chắc chắn người đó sẽ “đội than đỏ trên đầu mình.”

 

c) Việc thứ hai – trong sách Rôma 12:14 có chép: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa.” Yêu kẻ thù mình thì phải chúc phước cho họ. Sự chúc phước liên hệ đến những lời nói lành về kẻ thù mình, nhưng là thành thật. Lời nói có sức mạnh ảnh hưởng, tốt cũng như xấu. Trong sách Châm Ngôn 18:21 chép – “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi; Kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó.” Trong sách Giacơ 3 nói rõ về sự ảnh hưởng của cái lưỡi là lời nói kinh khủng như thế nào. Một lời nói lành chúc phước, một lời bênh vực nhau quí hơn là một món quà đắt tiền (không có nghĩa là quà không quí). Làm sao nói được lời lành? Phải bắt đầu bằng những ý nghĩ tốt về kẻ thù của mình. Ai trong chúng ta cũng có những điều hay, điểm tốt cần được nghĩ đến. Có một bà Masơ hầu việc trong một trại cùi mà được những người đến phỏng vấn hỏi: “Động cơ nào bà lại có thể bỏ cả cuộc đời mình với những người nghèo, người cùi này?” Bà masơ chẳng trả lời ngay, chỉ lấy ra một tờ giấy trắng và vẽ những đốm hình tròn màu đen, sau đó hỏi: “Các ông thấy gì?” Họ trả lời là họ chỉ thấy hình của những đốm đen. Sau một hồi, bà Masơ đáp lời: “Tại sao các ông chỉ thấy những ‘đốm đen’ thôi? Còn tờ giấy trắng đâu?” Chúng ta cũng vậy thường chỉ dễ thấy những ‘đốm đen’ của người khác, nhưng lại khó thấy “tờ giấy trắng” của họ, nhất là cho kẻ thù của mình?

 

d) Việc thứ ba – trong sách Luca 6:28 có chép: “… và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.” Trong sự cầu nguyện, đừng quên tự xét lấy chính mình trước. Đôi khi sự nghịch thù, xích mính là vì chính mình là “trouble maker” gây ra mà lại vô tình không biết chăng? Sau đó cầu nguyện cho kẻ thù mình. Đây là “1st test” để mỗi người thử coi mình có thật yêu kẻ thù không? Cầu nguyện xin Chúa thương xót họ, giúp họ biết “tỉnh ngộ” khỏi những việc ác, biết ăn năn, tìm kiếm Chúa và được cứu. Cầu nguyện xin Chúa giúp họ mềm lòng và bằng lòng bước đến sự hòa giải, dẫn đến sự hòa thuận với mình. Hãy suy nghĩ lại những người tôi đã hỏi hồi nãy: “Có ai mình không thích hay có ai đang ghét mình không?” và bây giờ tự xét chính mình có bao giờ cầu nguyện cho những người này chưa? Nếu chưa làm được “1st test” này thì làm sao nói đến chuyện “chúc phước hay làm điều thiện” cho kẻ thù mình được? Tất cả sẽ chỉ là “foreign languages” ngôn nghữ lạ chúng ta nghe nhưng sẽ chẳng hiểu chi hết mà thôi!

 

          Như vậy sự khác biệt giữa chúng ta là cơ đốc nhân với người đời ở chỗ nào? Có sự khác biệt gì không? “Con có giống Cha không?” Có đang chăm làm điều thiện không? Có đang yêu kẻ thù mình không? Có đang cầu nguyện, chúc phước và làm việc thiện cho kẻ thù mình không? “Yêu kẻ thù mình” như lời Chúa dạy cũng là phương cách đề phòng hay nhất để tránh biết bao những đổ vỡ nhưng giữ được sự hòa thuận trong nhiều các mối liên hệ. Hãy nhờ cậy Đức Thánh Linh để sống theo tiêu chuẩn trọn vẹn toàn hảo này, mà được gọi là con cái của Đức Chúa Trời. Amen!

 

 

Love Your Enemies

(Romans 12:17-21)

 

“Do not repay anyone evil for evil. Be careful to do what is right in the eyes of everyone. 18 If it is possible, as far as it depends on you, live at peace with everyone. 19 Do not take revenge, my dear friends, but leave room for God’s wrath, for it is written: “It is mine to avenge; I will repay,” says the Lord. 20 On the contrary: “If your enemy is hungry, feed him; if he is thirsty, give him something to drink. In doing this, you will heap burning coals on his head.” 21 Do not be overcome by evil, but overcome evil with good.”

 

Some of the teachings of Jesus are not normal or soothing to the ears, such as “love your enemies.” However, because we are His “chosen” people, no longer being “gentiles,” we must obey His teachings. Enemies can be defined as all of those we dislike or do not love us. These can range from those who persecute, curse, mistreat, slap our cheek, or take our coat. First, we should love our enemies simply because God loves them. But loving our enemies doesn’t mean to say “evil is good.” Many general laws in a country are needed to protect the innocents and weaks, but for private matters, there is only one law to deal with our enemies is to love them. Three things we should do to love our enemies: to do good, to bless, and to pray for them. You may think this is impossible, but remember we have the power of the “agape” love living in us. Also, asking yourself: “Am I just like the world, or a child of the perfect God?” Is there any difference between God’s children and the world? Yes, there is if we learn to love our enemies.

  Pastor Vinh Nguyen

Vinh.nguyen@c-ka.com