17 Vậy, nầy là điều tôi nói và điều tôi nhân danh Chúa mà rao ra: ấy là anh em chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa, họ theo sự hư không của ý tưởng mình, 18 bởi sự ngu muội ở trong họ và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. 19 Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế. 20 Nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy, 21 vì anh em đã nghe đạo Ngài, và được dạy dỗ trong Ngài (y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jêsus) 22 rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, 23 mà phải làm nên mới trong tâm chí mình 24 và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.
1. Xin cho biết lý do tại sao chúng ta không nên “ăn ở như người ngoại đạo” (c. 17-19)?
2. Thế nào là “Học cho biết Đấng Christ” (c. 20)?
3. Xin cho biết hai điều người tin Chúa cần phải làm (c. 22-24)?
4. Những chữ “thoát lốt” (c. 22) và “mặc lấy” (c. 24) nói lên hình ảnh gì? Người tin Chúa “thoát lốt người cũ” và “mặc lấy người mới” như thế nào?
5. “Làm nên mới trong tâm chí mình” (c. 23a) nghĩa là thế nào?
Chương 4:1 – 6:9 là phần áp dụng thực tế của Thư Ê-phê-sô nhưng áp dụng nầy vẫn xây dựng trên nền tảng thần học như chúng ta đã thấy trong 4:4-13. Chữ Vậy (c. 17) nối tiếp với chữ Vậy trong câu 1. Câu 1-3 nói về cách xử sự của người tin Chúa trong Hội Thánh, bây giờ Phao-lô nói đến áp dụng trong đời sống cá nhân:
Vậy, nầy là điều tôi nói và điều tôi nhân danh Chúa mà rao ra: ấy là anh em chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa (c. 17)
Rao ra là ngôn ngữ của tòa án, nhằm ý nhấn mạnh (“khuyên nài,” BHĐ). Chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa nghĩa là “đừng tiếp tục sống như người ngoại nữa” (BHĐ). Phao-lô chẳng những nói nhưng ông cũng kêu gọi, khuyên nài các tín hữu đừng tiếp tục nếp sống tội lỗi cũ. Ông cũng cho thấy, ông nhân danh Chúa mà kêu gọi, khuyên nài, hàm ý với thẩm quyền của Chúa.
Nếp sống của người ngoại đạo là nếp sống theo sự hư không của ý tưởng mình (c. 17b). Hư không thường được dùng trong Cựu Ước để nói về thần tượng, thờ hình tượng và tính cách vô nghĩa của đời sống (Truyền Đạo 1:2). Đời sống con người được xây dựng trên những điều mình suy nghĩ (lý tưởng sống). Lý tưởng sống của người không có Chúa là hư không (Rô-ma 1:22), được Phao-lô mô tả như sau:
Họ theo sự hư không của ý tưởng mình, bởi sự ngu muội ở trong họ và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế (c. 17b-19)
Thứ tự của những điều trong lời mô tả nầy theo Bản Hiệu Đính như sau:
Tâm trí họ tối tăm, xa lạ với sự sống của Đức Chúa Trời vì sự ngu muội ngự trị trong họ và lòng họ chai cứng. Họ đã mất cả ý thức, buông mình trong trụy lạc, tham muốn làm mọi thứ ô uế (c. 18-19, BHĐ)
Như vậy, hai nguyên nhân đưa đến sự hư không của ý tưởng là:
1. Tâm trí tối tăm.
2. Xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.
Sở dĩ họ xa cách sự sống của Đức Chúa Trời là vì:
(1) Sự ngu muội ngự trị trong họ.
(2) Lòng họ chai cứng.
Khi lòng chai cứng thì họ:
· Mất cả ý thức
· Buông mình trong trụy lạc
Buông mình trong trụy lạc nghĩa là “tham muốn làm mọi thứ ô uế.”
Như vậy, đời sống tội lỗi của con người bắt nguồn từ tâm trí tối tăm và thiếu sự sống của Đức Chúa Trời. Phao-lô kêu gọi các tín hữu đừng tiếp tục sống như vậy nữa! Trái lại:
… phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình và mặc lấy người mới (c. 22-24a)
Cách ăn nết ở ngày trước là ăn ở như người ngoại đạo (c. 17). Đây là cách ăn nết ở bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành (c. 22b) tức là nếp sống băng hoại vì sự lừa dối của lòng ham muốn xấu xa. Những chữ thoát lốt người cũ và mặc lấy người mới là hình ảnh của người cởi bỏ áo quần dơ bẩn để mặc quần áo sạch sẽ. Đây là hành động dứt khoát với đời sống tội lỗi cũ! Giữa việc thoát lốt người cũ và mặc lấy người mới là phải làm nên mới trong tâm chí mình. Động từ làm nên mới trong tâm chí mình ở thể tiệm tiến, nói lên một hành động liên tục, cần có hàng ngày.
Làm nên mới trong tâm chí là điều cần thiết để đối lại với nếp sống cũ là nếp sống hư không của ý tưởng (c. 17b) – tâm chí và ý tưởng: cùng một từ trong nguyên văn (noos). Để cho ý tưởng không còn hư không, ý tưởng hay tâm trí đó phải được đổi mới, sự đổi mới đó bắt đầu từ trong tâm trí (Rô-ma 12:2).
Phao-lô cho thấy lý do người tin Chúa phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước là:
Nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy, vì anh em đã nghe đạo Ngài và được dạy dỗ trong Ngài – y theo lẽ thật trong Đức Chúa Giê-xu (c. 20-21)
Lý do người tin Chúa phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước là vì đã học cho biết Đấng Christ (c. 20). Học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy nghĩa là: “Đó không phải là những gì anh em học từ Đấng Christ” (BHĐ): Chúa không bao giờ dạy chúng ta sống một đời buông mình trong trụy lạc như vậy. Câu nầy nhằm nhấn mạnh rằng đây là điều không thể xảy ra vì Chúa không thể dạy chúng ta sống đời tội lỗi. Trái lại, Phao-lô cho thấy sự dạy dỗ của Chúa là lẽ thật trong Đức Chúa Giê-xu. Những gì Chúa dạy là chân lý, đây không phải là chân lý trừu tượng nhưng là chân lý thể hiện trong Chúa Giê-xu, qua đời sống của Ngài. Chân lý nầy là điều các tín hữu Ê-phê-sô đã nghe và đã được dạy dỗ. Ý Phao-lô muốn nói là, họ đã được nghe và được dạy về chân lý trong Chúa Giê-xu thì phải sống như điều ông nói trong câu tiếp theo (c. 22-24).
Người mới hay y phục mới mà người tin Chúa phải mặc là:
… người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật (c. 24b)
A-đam thường được chỉ về người cũ, đối chiếu với Chúa Giê-xu là người mới. Người tin Chúa là người mặc lấy Chúa Giê-xu (Rô-ma 13:14), trở nên giống như Ngài (c. 13). Lẽ thật hay chân lý được nhắc lại với hai đặc tính công bình và thánh sạch. Đời sống của người sống theo chân lý vì vậy là đời sống công chính (theo tiêu chuẩn của Chúa, được Chúa chấp nhận) và thánh sạch (khác với trần gian, không giống nếp sống tội lỗi cũ).
Ê-phê-sô 4:17-24 đối chiếu hai nếp sống: nếp sống buông thả, trụy lạc của đời sống cũ và nếp sống thánh sạch của đời sống mới trong Chúa. Người tin Chúa dễ bị lôi cuốn trở về với nếp sống cũ nên Phao-lô nhân danh Chúa, nghiêm nghị kêu gọi chúng ta dứt khoát với đời sống cũ, cũng như người mặc áo quần dơ bẩn, phải cởi bỏ và mặc vào y phục mới, là chính Chúa Giê-xu, để cho Ngài hành động và làm chủ đời sống. Phao-lô cũng cho thấy tâm trí là nơi phát xuất, điều khiển và chi phối tất cả, cho nên thường xuyên để Chúa làm tâm trí trở nên mới là bí quyết để sống thánh sạch mỗi ngày.