Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

ĐỒNG TÂM, HIỆP Ý, KHIÊM NHƯỜNG (2:1-4)

 

Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, 2 thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. 3 Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. 4 Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa.

 

1. Những chữ “nếu” trong câu 1 mang ý nghĩa gì?

2. Những chữ “hiệp ý” “đồng tình yêu thương” “đồng tâm” “đồng tư tưởng” (c. 2) có đồng nghĩa với nhau không? Tại sao Phao-lô dùng tất cả những từ nầy trong lời khuyên của ông?

3. Thế nào là “hư vinh” (c. 3a)?

4. Thế nào là “coi người khác như tôn trọng hơn mình” (c. 3b)?

5. Xin cho một ví dụ về việc không chăm lợi riêng nhưng chăm về lợi của người khác?

6. Tóm lại một lời, Phao-lô khuyên chúng ta điều gì trong phần Kinh Thánh nầy?

 

Phi-líp 1:27 – 2:4 là phần sứ đồ Phao-lô đưa ra những lời kêu gọi thiết thực cho Hội Thánh:

(1) Kêu gọi ăn ở xứng đáng với niềm tin (1:27-30).

(2) Kêu gọi sống khiêm nhường và hài hòa với mọi người (2:1-4).

Chữ Vậy ở đầu Chương 2 nối tiếp với ý của 1:27, do đó, những chữ nếu trong câu 1 không mang nghĩa “giả sử” nhưng đây là những điều có thật. Cấu trúc văn phạm trong nguyên ngữ cũng được hiểu như vậy. Cho nên câu 1 có thể dịch như sau:

 Trong Đấng Christ thật sự có điều yên ủi, lòng yêu thương, thật sự có điều cứu giúp, thật sự có sự thông công nơi Thánh Linh, thật sự có lòng yêu mến và lòng thương xót!

Như vậy, dựa vào điều yên ủi, lòng yêu thương, sự thông công cùng với lòng yêu mến và thương xót mà Phao-lô kêu gọi độc giả sống hòa hợp và khiêm nhường.

Trong Đấng Christ có điều yên ủi nào nghĩa là vì tin nhận Chúa, vì ở trong Chúa, các tín hữu tại Phi-líp có lý do để khích lệ người khác.

Lòng yêu thương có điều cứu giúp nào. Chữ cứu giúp mang ý nghĩa “an ủi” (BHĐ). Yêu thương có điều cứu giúp nào hàm ý vì yêu thương nhau, các tín hữu tại Phi-líp có thể an ủi nhau.

Thông công (koinonia) là một trong những giáo lý quan trọng của Phúc Âm mang ý nghĩa tương quan, liên hệ, kết hợp làm một. Người tin Chúa phải hiệp ý với nhau vì chúng ta có chung một mối thông công trong Thánh Linh, như các chi thể trong một thân thể.

Lòng yêu mến là từ Phao-lô dùng trong 1:8 (tríu mến). Đây là tình yêu sâu đậm, phát xuất từ đáy lòng.

Thương xót nói đến sự thông cảm, thể hiện ra vì có tình yêu sâu đậm bên trong.

Vì ở trong Chúa, có tình yêu thương, có mối thông công, có lòng tríu mến và cảm thông mà Phao-lô đưa ra lời khuyên:

Anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn (c. 2)

Bốn điều trong lời khuyên nầy là:

(1) Hiệp ý.

(2) Đồng tình yêu thương.

(3) Đồng tâm.

(4) Đồng tư tưởng.

Phao-lô dùng nhiều từ khác nhau nhưng ý chính của ông là vấn đề hiệp một. Ông muốn nói đến hiệp nhất trên mọi phương diện: suy nghĩ cùng một điều, yêu thương nhau với cùng một tình yêu, có cùng một tinh thần (chữ ý và chữ tư tưởng là cùng một chữ trong nguyên văn).

Những chữ, Làm cho tôi vui mừng trọn vẹn được đặt ở đầu câu trong nguyên văn cho thấy tầm quan trọng của lời khuyên nầy. Ý của Phao-lô là, Điều đem lại niềm vui cho tôi là sự hiệp một của anh chị em!

Khai triển ý hiệp một, Phao-lô nói thêm:

Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình (c. 3)

Trên phương diện tiêu cực: không làm điều gì vì tranh cạnh hay hư vinh. Tích cực: khiêm nhường, coi người khác tôn trọng hơn mình.

Tranh cạnh mang ý nghĩa tham vọng ích kỷ, tinh thần bè phái (1:17) đưa đến việc chia rẽ, thiếu hiệp một. Nguyên nhân sâu xa của tinh thần nầy là hư vinh, tìm kiếm vinh quang giả tạo hay những điều không giá trị để có tiếng cho mình (hư danh).

Ngược lại, Phao-lô bảo các tín hữu phải khiêm nhường. Khiêm nhường mang ý nghĩa tùy thuộc vào Chúa, không coi mình là quan trọng (Công vụ 20:19). Đó là thái độ coi người khác tôn trọng hơn mình, tôn trọng người khác.

 Tích cực hơn nữa, Phao-lô khuyên:

Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa (c. 4)

Bản tính thông thường của con người là đeo đuổi chăm lo cho bản thân và không để ý đến nhu cầu hay phúc lợi của người khác. Chữ quan trọng ở đây là chăm, nghĩa là nhắm vào, coi đó là mục đích. Điều người tin Chúa cần chăm vào không phải là phúc lợi cho riêng mình nhưng cho người khác:

Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa (c. 4, BHĐ)

Đây nói đến cách đối xử với nhau từ trong gia đình đến cộng đồng. Nếu ai cũng biết quan tâm, nghĩ đến phúc lợi của người khác, xã hội nầy sẽ tốt đẹp biết bao!