Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Nhỏ Nhưng Đầy Năng Lực

Gia-cơ 3:3-8

"Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ mà khoe được những việc lớn." (c. #5)

Câu hỏi suy ngẫm: Theo Gia-cơ cái lưỡi có sức mạnh ra sao? Hình ảnh "hàm thiếc" và "bánh lái" cho thấy tác dụng nào của lưỡi? Tại sao Gia-cơ ví sánh lưỡi như lửa? Những vấp phạm của chúng ta trong lời nói đưa đến hậu quả ra sao? Làm sao chúng ta có thể trị phục cái lưỡi để tránh được những hậu quả này?

Có thể có người cãi lại Gia-cơ là đừng quá sợ hãi cái lưỡi như vậy, vì nó chỉ là một phần nhỏ của thân thể, không cần quan trọng hóa nó đến thế. Nhằm bài bác lý luận đó, Gia-cơ dùng hai hình ảnh.

1. Chúng ta tra một cái hàm thiếc vào miệng ngựa vì biết rằng nếu chúng ta có thể kiểm soát được cái miệng thì có thể kiểm soát toàn thân con ngựa. Cũng vậy, nếu chúng ta kiểm soát được cái lưỡi thì cũng điều khiển được toàn thân; nhưng nếu không kiểm soát được cái lưỡi thì cả đời sống của chúng ta sẽ bị đưa vào con đường sai.

2. Cái bánh lái vốn thật nhỏ so với cả chiếc tàu thật lớn, thật nặng nề, thế nhưng, chỉ cần đẩy nhẹ chiếc cần lái, người hoa tiêu có thể thay đổi hướng đi của chiếc tàu. Cái bánh lái thì nhỏ, lại chỉ được gắn vào phần cuối của chiếc tàu, nhưng nó có sức mạnh đến nỗi nhờ bánh lái nhỏ đó và nhờ sức của một người chỉ đẩy nhẹ một cái, cả chiếc tàu lớn kia sẽ chuyển hướng. Cái lưỡi cũng nhỏ, nhưng có thể điều khiển toàn diễn biến đời sống con người.

Gia-cơ không hề biện hộ cho một sự im lặng hèn nhát nhưng biện hộ cho việc sử dụng lời ăn tiếng nói một cách khôn ngoan.

Sự tai hại do lưỡi gây ra cũng giống như sự tàn hại do lửa cháy rừng. Đến mùa khô thì số cỏ hiếm hoi và những bụi gai, bụi rậm mọc thấp đều khô như chất bồi. Khi chúng bị đốt, ngọn lửa tràn lan như một lượn sóng, chẳng có gì ngăn chặn nổi. Có hai lý do để có thể ví sánh sự tàn hại do cái lưỡi gây ra với lửa.

1. Nó lan tràn nhanh chóng. Cơ nguy của cái lưỡi là nó có thể gây tàn hại rất xa. Một tiếng nói bất ngờ thốt ra tại một đầu này trong xứ hay trong thành phố có thể mang lại kết quả là làm tàn hại, gây buồn khổ tổn thương, đau lòng cho tận đầu kia. Người ta có thể né tránh một đòn tấn công bằng tay, vì kẻ đánh phải đứng ngay trước mặt mình. Nhưng một người có thể tuôn ra một lời nói xảo quyệt, một lời gièm pha hay một câu chuyện bịa đặt, về một người mà mình chưa hề biết mặt, một người ở cách xa mình hàng trăm dặm và gây tàn hại, tổn thương khôn lường cho người ấy.

. Nó hoàn toàn không kiểm soát được. Khi rừng cháy thì hầu như không còn cách gì dập tắt nổi cũng vậy không ai kiểm soát, ngăn chận nổi những tai hại do cái lưỡi gây ra. "Có ba điều không bao giờ lấy lại được, cây tên bắn đi, một lời đã nói ra và một cơ hội đã qua rồi". Chẳng có gì khó dập tắt cho bằng một tiếng đồn, chẳng có gì khó xóa bỏ hơn một câu chuyện không đâu nhưng tinh quái. Vậy hãy suy nghĩ trước khi nói vì dù không thể lấy nó lại được, thì điều gần như chắc chắn là chúng ta phải trả lời cho lời nói đó.

Theo Gia-cơ, loài người đã khéo léo thuần hóa được mọi loài thú dữ, chỉ có cái lưỡi là không thể chế ngự được. Thuần hóa có nghĩa là kiểm soát, cai trị được, khiến chúng thành hữu dụng, có ích, nhưng Gia-cơ bảo chưa hề có ai tự gắng sửa để thuần hóa cái lưỡi một cách thành công được.

Chúa ơi xin giúp con luôn nhớ và thấy sự nguy hại của môi miệng mà biết gìn giữ miệng lưỡi mình.

(c) 2024 svtk.net