"Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy." (câu #21) Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao có người cho Đạo của Chúa là rồ dại? Phao-lô giải thích thế nào về sự khác biệt giữa Đạo Chúa với quan điểm của người Do Thái và người Hy Lạp? Bằng cách nào bạn giải thích cho người chưa tin hiểu rằng cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là quyền phép và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? Phao-lô nói cho các tín hữu tại Cô-rinh-tô biết rằng ông chỉ làm phép báp-têm cho một vài người để không có nhiều người khoe rằng họ đã nhân danh ông mà chịu báp-têm. Phao-lô cũng cho biết Chúa chọn ông để giảng Phúc Âm chứ không phải để làm báp-têm, và khi giảng Phúc Âm, ông không dùng tài năng để thuyết phục người khác. Vì theo ông nếu làm vậy, cái chết của Chúa trên cây thập tự là vô ích. Với một số người ở đời, Đạo Chúa có vẻ như khờ dại, vì chỉ cần tin vào cái chết của Chúa Giê-xu là được cứu. Vì thế Phao-lô đã giải thích tại sao Thượng Đế lại dùng lời giảng dạy có vẻ như khờ dại của chúng ta để cứu người mà không dùng những lời hùng biện hay đường lối nào khác. Ông nói: "Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời" (câu #21 a). Vì con người ỷ vào sự khôn ngoan của mình nên Chúa đã dùng điều có vẻ như khờ dại để cứu rỗi nhân loại. Hai hạng người Phao-lô nêu ra ở đây là Giu-đa (Do Thái) và Gờ-réc (Hy Lạp). Người Do Thái thì thích phép lạ, đòi phải có phép lạ thì mới tin (Ma-thi-ơ 12:38; Giăng 2:18). Người Hy Lạp thì thích suy luận và triết lý; họ có những triết gia nổi tiếng như Socrates, Plato, Aristotle. Đạo của Chúa không trình bày phép lạ, cũng không lý luận triết học nhưng chỉ trình bày Chúa Giê-xu chịu chết trên cây thập tự. Đối với người Do Thái, một người bị treo trên mộc hình là điều hổ nhục và là sự rủa sả của Thượng Đế (Ga-la-ti 3:13); còn đối với các dân tộc khác, tin vào một người chịu chết trên cây thập tự là chuyện ngu xuẩn. Tuy nhiên, với chúng ta, người đã tin Chúa, thì Chúa Giê-xu chính là hiện thân của "quyền phép và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời" (câu #24 b). Khi nói về Chúa cho người chưa tin, nếu chúng ta bị chê cười hoặc bị cho là mù quáng thì hãy nhớ rằng chỉ những ai đến với Chúa, với lòng tin trọn vẹn mới có thể gặp Ngài, còn ai ỷ lại vào tài năng hoặc kiến thức sẽ không thấy được chân lý mầu nhiệm của Chúa. Hơn nữa, xưa nay Chúa vẫn thường dùng những người tầm thường làm nên những việc lớn để chứng tỏ rằng sức mạnh và sự khôn ngoan của loài người chẳng có giá trị gì trước mặt Ngài. Tạ ơn Chúa vì "những điều có vẻ khờ dại của Chúa còn khôn ngoan hơn loài người, những điều có vẻ yếu đuối của Chúa còn mạnh mẽ hơn loài người."
(c) 2024 svtk.net