"Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền"(câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Tác giả gọi"người công bình"chúc tạ Chúa thế nào? Bản tính nào của Đức Chúa Trời được tác giả nêu lên ở Thi-thiên này? Bản tính của Chúa có tương quan nào với sự tạo dựng và bảo tồn vũ trụ này? Bạn cảm nhận thế nào khi"mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người kính sợ NgàiÙ? Bạn làm gì, sống thế nào với sự kính sợ đó?
Câu mở đầu của Thi-thiên 33, cũng chính là câu kết thúc của Thi-thiên 32. Câu nầy kêu gọi mọi người ca ngợi Chúa. Trong tinh thần ca ngợi đó, Thi-thiên 33 có thể chia làm bốn phần như sau:
1. Câu 1-3: Lời kêu gọi thờ phượng.
2. Câu 4-12: Chúa là Đấng Tạo Hóa quyền năng.
3. Câu 13-19: Chúa là vị Quan Án thấu suốt mọi vấn đề.
4. Câu 20-22: Lòng tin cậy và hy vọng của tác giả.
Tác giả kêu gọi mọi người ca ngợi Chúa vì những lý do:
1. Lời Chúa là ngay thẳng."Ngay thẳng"nghĩa là thật, đúng, đáng tin cậy. Chúa không bao giờ nói dối, cũng không bao giờ thất hứa. Vì Chúa là Đấng Chân Thật, chúng ta phải ca ngợi Ngài.
2. Việc làm của Chúa là thành tín."Thành tín"là giữ đúng lời hứa, không thay đổi. Những việc Chúa đã làm cho thấy rõ tính cách không thay đổi đó. Chúa luôn luôn làm đúng như lời Ngài phán.
3. Chúa công bình, chính trực và nhân từ."Công bình, chính trực"nói lên đức thánh khiết của Chúa."Nhân từ"có nghĩa Ngài là Đấng Yêu Thương.
4. Chúa là Đấng Tạo Hóa quyền năng (c.6-12). Chúa có quyền trên thế giới vật chất và trên mọi lãnh vực chính trị. Niềm tin, niềm vui và hy vọng của người theo Chúa không đặt vào một đối tượng mơ hồ nhưng vào chính Thượng Đế quyền năng. Ngài đã tạo dựng và đang bảo vệ, chăm sóc mỗi chúng ta. Điều nầy đã được xác nhận qua lời của Ngài là lời ngay thẳng, đã được minh chứng qua việc làm của Ngài là việc làm thành tín. Tình yêu, quyền uy và đức thánh khiết của Ngài thể hiện khắp nơi trong thiên nhiên, trong tình hình chính trị thế giới và trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Hãy yên lặng, chiêm ngưỡng Chúa và ca ngợi Ngài, chúng ta sẽ tìm được niềm vui và hy vọng đích thực.
Sau khi mô tả Chúa là Đấng Tạo Hóa quyền năng, tác giả cho thấy Ngài cũng là Đấng thấu suốt mọi vấn đề. Những chữ"ngó xuốngÙ,"nhìn thấy"và"xem xét"là lối nói nhân cách hóa, ngụ ý Chúa là Đấng Toàn Năng, hiểu biết tất cả. Chúa biết rõ lòng mỗi người, không ai có thể che giấu Ngài điều gì. Cái nhìn thấu suốt của Chúa chẳng những là sự kiện nhắc chúng ta sống thánh khiết, tránh xa tội lỗi nhưng cũng là điều an ủi chúng ta vì biết rằng Chúa nhìn thấy và thông cảm với chúng ta.
Tác giả mở đầu bài thơ bằng lời ca ngợi Chúa và kết thúc bằng những lời bày tỏ nguyện vọng của đời mình. Nguyện vọng đó là trông đợi Chúa (c.20) và tìm thấy niềm vui nơi Ngài (c.21)."Khiên"hay"thuẫn"là vật dùng để chống đỡ. Tác giả gọi Chúa là"cái khiên của chúng tôi"hàm ý Chúa là Đấng bảo vệ, che chở.
Thi-thiên 33 nhắc chúng ta nhớ Chúa là Thượng Đế quyền năng và yêu thương, vẫn để ý và chăm sóc những người thuộc về Ngài. Ý thức điều nầy, chúng ta hãy cùng dâng lên Chúa lời nguyện ước như tác giả ngày xưa.
Lạy Chúa, linh hồn con trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài là sự tiếp trợ và là cái khiên của con. Lòng con sẽ vui vẻ nơi Ngài vì con đã để lòng tin cậy nơi Danh thánh của Ngài.
(c) 2024 svtk.net