Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Thể Hiện Lòng Nhân Từ Khi Bị Thương Tổn (1)

Ma-thi-ơ 18:15-20

“Nếu có một anh chị em có lỗi với con, hãy đến gặp riêng người mà khuyên bảo. Nếu người nghe lời thì con được lại anh chị em” (câu 15 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu dạy làm gì để đối với người gây thương tổn cho mình? Việc làm này dễ hay khó? Tại sao dễ, tại sao khó? Thực hiện được điều Chúa dạy bạn sẽ nhận được điều gì?

Bài học Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu đã dạy dỗ lẽ thật về cách thể hiện lòng thương xót theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Có nhiều cách để chúng ta phản ứng khi bị người khác làm tổn thương như nổi giận, trả thù ngay lập tức hay tìm cách để trả đũa cho hả giận, hoặc cắt đứt mối liên hệ với người đã gây ra chuyện buồn phiền. Nhưng là con cái Chúa, đã thừa hưởng ân hồng của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể hành xử như con cái của thế gian được. Tiêu chuẩn hành động mà Chúa đưa ra là phải nhớ lại ân tha thứ Đức Chúa Trời đã làm gì trên cuộc đời của mình như thế nào, qua đó sẽ giúp chúng ta thể hiện lòng nhân từ đối với người gây nên thương tổn cũng như vậy. “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời tha thứ anh chị em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

Bởi thế, Đức Chúa Giê-xu đã phán dạy về sự tương xứng giữa cách chúng ta hành xử cùng người anh em khi phạm tội với cách Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta khi chúng ta phạm tội cùng Ngài (Ma-thi-ơ 18:18). Trước hết, Chúa dạy dỗ chúng ta phải (a) gặp riêng người phạm tội để đặt vấn đề với người ấy, nhưng chúng ta phải chất vấn trong thái độ hiền hoà bằng tình thương chân thật. Khi gặp gỡ cách riêng tư như vậy, đối phương có cơ hội lắng nghe, nhìn nhận những sai phạm của mình đã gây ra và bày tỏ tinh thần hối lỗi; (b) nhưng sau khi gặp gỡ cách riêng tư như thế, người ấy không ăn năn, thì chúng ta cần đem theo hai hay ba người làm chứng để tiếp tục khuyên giải và mong người ấy tìm đến sự tha thứ phục hồi; (c) nếu người ấy vẫn không nhận lỗi ăn năn, thì lúc ấy mới đem người ấy ra giữa Hội Thánh để hội chúng phân xử. Tuy vậy, chúng ta vẫn mong người sớm nhận lỗi để giảng hoà giữa đôi bên, cầu mong sự tha thứ và phục hồi mối liên hệ đã bị tạm gián đoạn vì những buồn phiền xảy ra trong thời gian qua; (d) ngược lại, nếu người ấy vẫn không chịu nghe lời khuyên giải và thuận theo phương cách giải quyết của hội chúng, thì lúc ấy chúng ta mới cắt đứt mối thông công giữa người ấy với Hội Thánh, nhưng chỉ xem người ấy như ‘kẻ ngoại và người thâu thuế.’

Đức Chúa Giê-xu đòi hỏi chúng ta phải đi qua một tiến trình như thế để thể hiện lòng nhân từ khi bị thương tổn có quá đáng không? Xin thưa: không! Vì sao? Dù những bước đối chất dường như phức tạp, dài dòng, nhưng trọng điểm vẫn là mong đưa người gây nên chuyện thương tổn tìm đến sự tha thứ phục hồi. Điều này đòi hỏi cúng ta nhẫn nại chờ đợi để giúp họ quyết định không những thay đổi về một quan điểm sống, mà còn đưa họ đến một hành động của sự hạ mình nhìn nhận lỗi lầm và tìm kiếm sự tha thứ cùng phục hồi mối liên hệ đã bị rạn nứt. Lắm khi lại không đạt được kết quả như lòng mong đợi bởi còn tùy nhận thức của mỗi người có nhìn nhận lỗi lầm, sai trật hay không. Phi-e-rơ đã xác chứng tấm lòng kiên nhẫn thể hiện sự nhân từ của Đức Chúa Trời khi Ngài trì hưỡn sự tái lâm của Chúa Giê-xu, “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phi-e-rơ 3:9).

Làm thế nào để tôi có thể đối xử nhân từ với người khác?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ đến lòng nhân từ của Ngài đối với con, dù Ngài đã tha thứ tội lỗi con, nhưng con vẫn tái phạm hoài, vì không muốn để con chết mất nên Ngài vẫn chưa trở lại xét đoán tội lỗi của con và của thế gian để con có cơ hội ăn năn. Con biết ơn Ngài vô cùng.

(c) 2024 svtk.net