"Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên Ta; vậy nên, kẻ nộp Ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa" (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: "Tội trọng" mà Chúa Giê-xu nói ở đây là gì (câu 11)? Tâm trạng của Phi-lát ra sao khi biết rõ Chúa Giê-xu vô tội nhưng không dám thả Ngài? Có khi nào bạn sống ngược với sự công chính trong khi bạn là con của Đấng Công Chính? Để bước đi cách công chính bạn cần làm gì?
Trước đó Giăng nói về nghi lễ hình thức mà giới lãnh đạo tôn giáo tuân giữ, đó là "không vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế, và cho được ăn lễ Vượt Qua" (câu 18:28). Thật không thể tưởng tượng được những người am hiểu luật pháp và cho mình là đạo cao đức trọng lại dùng bạo lực đẩy người vô tội vào tòa án với mức án khủng khiếp là chết trên cây thập tự, rồi sau đó xem như không có gì để vui mừng, hỉ hả ăn lễ Vượt Qua.
Trong phân đoạn này Giăng cho thấy một tội khác không chỉ của những người này, mà của cả đám đông cuồng dại đi theo họ. Đó là tội giả hình. Vì sao là tội giả hình? Có thể nói người Giu-đa rất thù ghét người La Mã, bởi đế quốc La Mã thống trị và áp đặt sưu cao thuế nặng trên họ, nên những người làm việc cho đế quốc La Mã, đặc biệt là các viên chức thu thuế bị người Giu-đa căm ghét. Trong lịch sử có những cuộc nổi loạn chống La Mã nhưng bị dập tắt. Họ mong ước Đấng Mết-si-a đến làm vua hầu giải phóng họ khỏi sự thống trị của đế quốc La Mã. Vì muốn mượn tay nhà cầm quyền La Mã để làm hại người vô tội, họ dám tuyên xưng rằng: "Chúng tôi không có vua nào khác chỉ có Sê-sa mà thôi" (câu 12). Tội trọng của họ là chối bỏ Đức Chúa Trời mà tôn xưng con người là vua của mình.
Về phần Phi-lát, ông tỏ ra dao động, vì đã đi ra, đi vào đến bảy lần để gạn hỏi Chúa Giê-xu và tiếp xúc với đám đông. Lương tâm của một quan tòa biết rõ bị cáo vô tội và muốn tha nhưng cuối cùng sự nhẫn tâm của một nhà chính trị vì muốn được lòng dân, dù biết rõ dân sai, đã chiến thắng. Vì thế Phi-lát không ngần ngại cùng đám đông giày đạp lên công lý. Ông đã hạ lịnh đem Chúa Giê-xu đi đóng đinh. Có thể nói khi ông hỏi Chúa Giê-xu "Lẽ thật là cái gì?", Phi-lát đã ở cận kề vương quốc Đức Chúa Trời, bởi Chúa Giê-xu là lẽ thật đứng trước mặt ông. Nhưng buồn thay ông đã hy sinh lẽ thật vì sự an toàn và lợi ích của bản thân.
Ngày nay cũng có rất nhiều điều trước mắt, những ích lợi cho bản thân khiến chúng ta sống thỏa hiệp với những bất công, làm lơ chân lý. Không khó để chúng ta đặt lợi ích của mình trên lợi ích của người khác.
Bạn rút ra nguyên tắc nào từ bài học này để áp dụng hằng ngày? Giữ nguyên tắc ấy dễ hay khó? Làm sao bạn thực hiện?
Lạy Chúa, xin giúp con biết sống với sự công chính, chân lý, không vì bất cứ lợi ích nào mà thông đồng với những sự bất chính.
(c) 2024 svtk.net