"Kỷ niệm người công bình được khen ngợi, nhưng tên người gian ác rục đi" (Châm Ngôn 10:7).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ép-ba-phô-đích là ai? Tinh thần và cách phục vụ của ông Ép-ba-phô-đích ra sao? Sứ đồ Phao-lô đã khen ngợi ông thế nào? Chúng ta học được gì từ cách phục vụ của ông?
Hội Thánh Phi-líp là nguồn an ủi động viên rất lớn cho chức vụ của Sứ đồ Phao-lô. Nghe tin ông bị tù, Hội Thánh đã cử ông Ép-ba-phô-đích đến động viên và giúp đỡ ông Phao-lô trong thời gian hoạn nạn đó. Nhưng ông Ép-ba-phô-đích không thể giúp ông Phao-lô nhiều vì "người mang bệnh rất nặng, đến nỗi gần chết." Hội Thánh Phi-líp nghe tin ông Ép-ba-phô-đích bệnh nặng, họ rất quan tâm. Chính Sứ đồ Phao-lô cũng quan tâm đến tình trạng sức khỏe của người anh em đồng lao này nên có ý định gưœi ông về cho Hội Thánh chăm sóc, vì ông không thể chăm sóc ông Ép-ba-phô-đích trong hoàn cảnh tù tội của mình (câu 28).
Trong chốn lao tù đó, nếu Đức Chúa Trời không can thiệp đến tình trạng sức khỏe của ông Ép-ba-phô-đích, thì Sứ đồ Phao-lô sẽ khổ tâm dường nào. Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy tấm lòng và tâm tình của ông Ép-ba-phô-đích bên cạnh Sứ đồ Phao-lô. Dù rất nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ Hội Thánh, dù tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ, nhưng ông Ép-ba-phô-đích không hề có ý nghĩ trốn trách nhiệm được Hội Thánh tín nhiệm ủy thác cho. Ông không yêu cầu Sứ đồ Phao-lô cho ông trở về, ông không than thở về tình trạng sức khỏe của mình, chính Sứ đồ Phao-lô thấy đó là việc cần phải làm. Sứ đồ Phao-lô nhìn thấy tinh thần hy sinh phục vụ của ông Ép-ba-phô-đích lớn quá, "Bởi, ấy là vì công việc của Đấng Cơ Đốc mà người đã gần chết, liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi" (câu 30).
Dù không có gì ràng buộc phải ở lại trong tình cảnh đó, nhưng khi phục vụ, ông Ép-ba-phô-đích chỉ nghĩ đến Chúa, đến người khác, đến trách nhiệm được giao, không hề nghĩ đến bản thân. Từ tấm lòng hy sinh của ông Ép-ba-phô-đích mà Sứ đồ Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Phi-líp với lời nhắn nhủ "mỗi người trong anh chị em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi người khác nữa" (Phi-líp 2:4).
Những điều ông Ép-ba-phô-đích làm không khoe trương, nhưng Sứ đồ Phao-lô hiểu, và hơn hết, Chúa thấy. Nên dù ông Ti-mô-thê được sai đến Hội Thánh Phi-líp, ông Ép-ba-phô-đích cũng đáng được nghỉ ngơi vì công khó của người đã đóng góp, vì sự hy sinh người đã chịu. Khi gửi ông Ép-ba-phô-đích trở về, Sứ đồ Phao-lô không quên kèm theo lời nhắn nhủ "Hãy lấy sự vui mừng trọn vẹn mà tiếp rước người trong Chúa, và tôn kính những người như vậy" (câu 29).
Công việc làm từ lòng say mê, yêu Chúa sẽ không bao giờ bị quên lãng. Công khó và sự hy sinh của những người phục vụ Chúa sẽ được bù đắp cách xứng đáng. Sứ đồ Phao-lô đã từng khích lệ tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô rằng: "Thế thì, anh chị em yêu dấu của tôi, hãy vững lòng, chớ lay chuyển, hãy luôn luôn hết sức phụng sự Chúa, hãy nhớ rằng công lao của anh chị em vì Chúa không phải là vô ích đâu" (2 Cô-rinh-tô 15:58, BDM).
Cách phục vụ của ông Ép-ba-phô-đích có tác động gì trong lòng bạn không? Bạn so sánh gì giữa thái độ phục vụ của ông Ép-ba-phô-đích và mình?
Con cám ơn Chúa, vì Ngài không bao giờ bỏ quên công khó của những người phục vụ Ngài, phần thưởng dành cho người phục vụ Ngài lớn lắm.
(c) 2024 svtk.net