Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Tha Thứ Chính Mình

Ma-thi-ơ 26:73-27:5

"Lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những người còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình" (II Cô-rinh-tô 5:15).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Phi-e-rơ đã làm gì trong lần chối Chúa thứ ba? Thử tượng tượng tâm trạng của ông ra sao khi ông nghe gà gáy? So sánh phản ứng của ông Phi-e-rơ và của ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Điều này cho thấy niềm tin của hai nhân vật này về Chúa Giê-xu khác nhau ra sao?

Sống tha thứ bao gồm cả sự tha thứ chính mình. Trường hợp của ông Phi-e-rơ và của ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt cho thấy hai kết cuộc khác nhau khi con người đối diện với vấn đề này.

Lời chối cuối của ông Phi-e-rơ trở nên nặng nề hơn hai lần trước. Kinh Thánh chép: "Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu!" (câu 74). Từ một lời chối vô tội vạ, đến lời thề, rồi sau cùng đến lời rủa, ông Phi-e-rơ càng lún sâu vào tội chối thầy của mình. Động từ "rủa" thông thường phải có một đối tượng đi kèm, nhưng tại đây lại bị bỏ trống. Có hai trường hợp: Một là, ông Phi-e-rơ rủa chính mình, hay đặt chính mình dưới lời thề này, tức là nếu ông có nói dối thì mọi tai vạ sẽ đổ lên đầu ông. Thứ hai, ông Phi-e-rơ rủa chính Chúa Giê-xu, để cho thấy ông không có liên hệ gì đến người này. Đặt mình vào vị trí của ông Phi-e-rơ, chúng ta cảm nhận được sự đau đớn, cay đắng, ăn năn của ông là thể nào, khi ông đã làm một điều rất sỉ nhục cho một người thầy ông rất yêu kính. Có lẽ ông tự hỏi chính mình tại sao ông lại có thể làm điều hèn hạ đến như vậy? Tại sao ông lại chất thêm sự đau đớn cả thể chất lẫn tinh thần trên thân thể của Chúa Giê-xu?

Cùng lúc đó, ông Giu-đa buồn rầu hối hận khi thấy Chúa bị kết án. Ông nhận thấy hậu quả kinh khủng của việc mình làm đối với Chúa Giê-xu. Ông ném bạc vào Đền Thờ để cho thấy ông ước gì đã không nhúng tay vào việc này. Tuy nhiên, ông đã không thể tha thứ cho chính mình. Ông tự hình phạt chính mình về những tội lỗi mình đã phạm.

Ngược lại, ông Phi-e-rơ đã trông mong sự tha thứ của Chúa và bằng lòng chấp nhận sự tha thứ này. Chúa đã phục hồi địa vị cho ông cách riêng tư cũng như giữa các môn đệ của Ngài (Giăng 21:1-17).

Sự dằn vặt của tội lỗi khiến một người không thể tha thứ chính mình và cũng không bằng lòng nhận sự tha thứ từ người khác. Dùng những lời lẽ có vẻ cao thượng, họ nói rằng: "Tôi sẽ trả giá này!" hoặc "Tôi không xứng đáng được tha thứ! Tôi đáng bị hình phạt!" Dĩ nhiên, mỗi người đều đáng bị hình phạt khi đứng trước mặt Chúa, nhưng điều nguy hiểm ở đây là người này không chấp nhận ngay cả sự tha thứ của chính Chúa cho những lầm lỗi của mình.

Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là tin mừng và hy vọng cho những người đang chiến đấu với sự tha thứ cho chính mình. Chúa Giê-xu đã gánh mọi hình phạt cho chúng ta, để chúng ta không phải gánh lấy. Ngài đã chết để chúng ta không phải chết. Hơn nữa, Ngài là Đấng vô tội và là Đức Chúa Trời Ngôi hai nên sự chết của Ngài có giá trị đền tội cho bất cứ tội lỗi nào con người đã phạm. Tập trung vào chính mình để tìm lối thoát sẽ dẫn đến sự tự hủy diệt, nhưng nếu ngửa trông lên Chúa và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, chúng ta sẽ được thương xót.

Lạy Chúa, xin cho con thấy những dấu hiệu nào trong đời sống con bày tỏ rằng con đã không tha thứ cho chính mình. Con xin nhận lấy sự tha thứ của Ngài cho chính con và tin rằng Ngài có quyền tha thứ mọi tội lỗi con đã phạm.

(c) 2024 svtk.net