Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 40

“HÃY RA NGOÀI TRẠI QUÂN” (13:9-15)

9 Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình, vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy. 10 Chúng ta có một cái bàn thờ, phàm kẻ hầu việc trong đền tạm không có phép lấy gì tại đó mà ăn. 11 Vả, huyết của con sinh bị thầy tế lễ thượng phẩm đem vào nơi thánh để làm lễ chuộc tội, còn thân thể nó thì đốt đi bên ngoài trại quân. 12 Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Giê-xu đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh.

13 Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại quân, đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu điều sỉ nhục. 14 Vì dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến. 

15 Vậy, hãy cậy Đức Chúa Giê-xu mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra. 16 Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời.

 

1. “Đạo lạ” (c. 9a) chỉ về gì?

2. Tại sao tác giả đối chiếu giữa “ân điển” và “đồ ăn” (c. 9)?

3. Tác giả muốn cho thấy liên hệ gì giữa câu 11 và 12?

4. “Hãy ra ngoài trại quân” (c. 13a) hàm ý bảo chúng ta làm gì?

5. “Thành hầu đến” (c. 14b) chỉ về gì?

6. Theo câu 15, tế lễ của người tin Chúa là gì?

7. Xin cho biết một hình thức tế lễ khác trong câu 16.

 

Những lời khuyên cuối cùng của tác giả:

o  Trước hết liên quan đến các anh chị em trong Chúa (c. 1-3)

o  Kế đến là những lời khuyên phải giữ mình trước cám dỗ về tình và tiền (c. 4-6)

o  Nhắc nhở độc giả noi gương những người lãnh đạo đã về Nước Chúa (c. 7-8)

Bây giờ là lời khuyên liên quan đến việc đối phó với tà giáo bên ngoài:

 Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình (c. 9a)

Đạo lạ nói đến những dạy dỗ, giáo huấn không đến từ Lời Chúa. Ông nói: MỌI THỨ đạo lạ, hàm ý tà giáo có nhiều, còn chân lý chỉ có một. Động từ dỗ dành nghĩa đen là bị nước cuốn trôi, hàm ý bị lừa dối, bị hướng dẫn sai lạc. Một người nếu không vững vàng trong đức tin sẽ bị tà giáo dẫn đi sai lạc.

Tác giả cho thấy, để được vững mạnh, không bị tà giáo lôi cuốn, chúng ta cần nhờ đến ân điển của Chúa:

Lòng nhờ ân điển được vững bền (c. 9b)

Bởi ân sủng của Chúa, nhờ ơn Chúa chúng ta mới có thể đứng vững như lời của sứ đồ Phao-lô: “Tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 15:10a).

Tác giả cũng nhấn mạnh lòng hay tấm lòng: LÒNG nhờ ân điển được vững bền. Lòng là nơi quyết định mọi suy nghĩ, thái độ và hành động của chúng ta. Để không bị hướng dẫn sai lạc, chúng ta cần giữ vững tấm lòng của mình, bởi ơn của Chúa.

Trong lời khuyên, Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình (c. 9a), chúng ta thấy tác giả đối chiếu giữa ân điểnđồ ăn:

Vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy (c. 9b)

Tác giả đối chiếu như vậy có lẽ vì những đạo lạ (“giáo huấn khác lạ,” BHĐ) có những chủ trương liên quan đến quy luật về thức ăn mà họ cho rằng, nhờ tuân giữ những quy luật đó đức tin sẽ vững bền. Nhưng tác giả cho thấy, nhờ ơn Chúa chứ không phải nhờ những thức ăn đó:

Tấm lòng nhờ ân điển được vững mạnh là tốt, chứ không phải nhờ các quy định về thức ăn, là điều không ích lợi cho những người tuân giữ chúng (c. 9b, BHĐ)

Một lần nữa, tác giả đối chiếu giữa hệ thống tế lễ cũ với việc Chúa Giê-xu chịu chết một lần là đủ:

Chúng ta có một cái bàn thờ, phàm kẻ hầu việc trong đền tạm không có phép lấy gì tại đó mà ăn (c. 10)

Chữ bàn thờ trong câu nầy nói đến sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và kẻ hầu việc trong đền tạm chỉ về các thầy tế lễ trong hệ thống tế lễ cũ. Ý của tác giả là các thầy tế lễ của Do-thái giáo không thể dự phần vào bàn thờ mới (nói đến cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá) như cách họ được ăn của tế lễ trong hệ thống tế lễ cũ (Lê-vi ký 7:28-36).

Tác giả giải thích thêm:

Vả, huyết của con sinh bị thầy tế lễ thượng phẩm đem vào nơi thánh để làm lễ chuộc tội, còn thân thể nó thì đốt đi bên ngoài trại quân (c. 11)

Đây là hình ảnh của ngày đại lễ chuộc tội (Lê-vi ký 16) và tác giả dùng điều nầy để so sánh với sự chết của Chúa Giê-xu. Thân thể con sinh bị đốt bên ngoài trại quân thể nào thì thân thể Chúa Giê-xu cũng đã bị treo bên ngoài thành và chịu chết như vậy (Giăng 19:17-18):

Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Giê-xu đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh (c. 12)

Với so sánh đó, tác giả đưa là lời khuyên:

Vậy nên chúng ta hãy ra ngoài trại quân, đặng đi tới cùng Ngài, đồng chịu điều sỉ nhục (c. 13)

Ngoài trại quân (c. 11b) là nơi con sinh trong thời Cựu Ước bị đốt, nói đến chỗ ô uế, hổ nhục. Tương tự như vậy, Chúa Giê-xu đã chịu khổ hình ngoài cửa thành, cũng là nơi ô uế, hổ nhục nhưng nhờ cái chết của Chúa tại đó mà chúng ta được nên thánh (c. 12b).

Độc giả Thư Hê-bơ-rơ là tín hữu Do-thái, còn nhiều ràng buộc với Do-thái giáo, cho nên lời kêu gọi, Hãy ra ngoài trại quân, hàm ý kêu gọi họ dứt khoát với những lễ nghi Do-thái. Chúa Giê-xu đã chịu sỉ nhục trên thập tự giá ngoài cửa thành thể nào thì họ cũng chịu sỉ nhục như vậy khi theo Ngài. Đó là ý nghĩa của việc đồng chịu điều sỉ nhục (c. 13b).

Trong tiến trình ra ngoài trại quân (dứt khoát với Do-thái giáo) độc giả có thể không còn nơi nương tựa và vì vậy, tác giả nhắc cho họ nhớ điều sau đây:

Dưới đời nầy, chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến (c. 14)

Ý niệm về thành hầu đến được nhắc đến nhiều lần trong Thư Hê-bơ-rơ (11:10, 16) nói đến hy vọng của người tin Chúa. Người tin Chúa là người sống bởi đức tin nên “thành phố” thật của chúng ta, quê hương thật của chúng ta không ở trên trần gian nầy nhưng ở thiên đàng là thành hầu đến.

Trong ý thức đó, tác giả đưa ra lời khuyên sau:

Vậy, hãy cậy Đức Chúa Giê-xu mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra (c. 15)

Đây là câu dạy về sự thờ phượng mới trong Chúa Giê-xu, không qua hệ thống tế lễ cũ của Do-thái giáo. Tác giả nói, Hãy cậy Đức Chúa Giê-xu (c. 15a) nghĩa là qua Chúa Giê-xu, nhờ cái chết chuộc tội của Ngài.

Trong sự thờ phượng nầy, của lễ của người tin Chúa là lời ngợi khen (c. 15b). Lời ngợi khen nói đến bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra (c. 15c).

Bông trái của môi miếng là hình ảnh trong Cựu Ước (Ô-sê 14:2; Thi thiên 63:3) nói đến lời xưng tụng qua miệng lưỡi của chúng ta để ca ngợi Danh Chúa và nói về Chúa cho người khác.

Song song với của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời bằng lời ngợi khen, sự thờ phượng của người tin Chúa cũng thể hiện qua những việc lành của mình:

Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời (c. 16)

Tác giả gọi việc lành và lòng bố thí (c. 16a) là sự tế lễ (c. 16b) cho nên “làm việc lành và chia sẻ cho người khác” (BHĐ) là những hình thức thờ phượng khác làm Chúa vui lòng:

Các tế lễ như thế làm hài lòng Đức Chúa Trời (c. 16c, BHĐ)