Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Dâng Của Lễ

E-xơ-ra 3:1-7

" Sau đó, họ dâng lễ thiêu thường lệ, lễ vật ngày trăng non và các ngày lễ khác của Chúa. Lễ vật tự nguyện của nhân dân cũng được dâng cho Chúa" (E-xơ-ra 3:5 TKHĐ)

Câu hỏi suy ngẫm: Dân chúng dâng những của lễ nào cho Chúa? Có ý nghĩa gì? Tại sao những của lễ này được dâng trước khi đặt nền đền thờ? Đối với chúng ta ngày nay "dâng của lễ" là gì? Điều này quan trọng thế nào đối với bạn?

Câu E-xơ-ra 3:3 cho biết họ sợ dân của xứ nên lập lại bàn thờ trên nền cũ nó. Theo nhiều học giả, thì ngoài một số ít người Do Thái nghèo khổ không bị lưu đày, còn người Sa-ma-ri và dân ngoại khác sinh sống trong vùng khi họ trở về. Những dân tộc này cũng lập những nơi thờ tự nên dân Y-sơ-ra-ên hồi hương sợ họ đến quấy nhiễu. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy ý nghĩa thuộc linh trong câu này. Tổ phụ họ đã chối bỏ Chúa Hằng Hữu, không tuân theo lời phán dạy, ăn cắp năm sa-bát, thờ cúng thần tượng nên Chúa cho phép Nê-bu-cát-nết-sa đến đánh phá, đốt đền thờ và bắt họ đưa đi lưu đày (II Sử-ký 36:17-21). Bấy giờ, những người này trở về, muốn xây dựng lại những gì đã mất đó, việc đầu tiên họ cần làm là xây lại bàn thờ Chúa Hằng Hữu và cần xây ngay trên nền cũ. Đây là điểm then chốt của đức tin. Họ đã mất Chúa tại đâu, cần trở lại ngay nơi đó. Chúa nhắc Hội Thánh Ê-phê-sô "Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình" (Khải-huyền 2:5). Hơn thế nữa, khi làm mọi việc đúng theo lời Chúa đã phán dạy trước đây (E-xơ-ra 3:2,4) khẳng định họ muốn tuyệt đối vâng theo mệnh lệnh Chúa Hằng Hữu.

Câu [dc E-xơ-ra 3:3-5 cho biết họ dâng lên Chúa những lễ thiêu buổi sáng, buổi chiều mỗi ngày đúng theo điều Chúa dặn biểu. Ngoài ra, họ cũng dâng lễ vật tự nguyện do dân chúng dâng lên Chúa (E-xơ-ra 3:5). Xây dựng lại bàn thờ cho Chúa Hằng Hữu là khởi đầu, nhưng dâng của lễ cách vui lòng, tự nguyện và theo đúng điều Chúa dạy quan trọng hơn. Theo gương con dân Chúa người Y-sơ-ra-ên hồi hương, chúng ta có thể làm ba điều cần yếu:

1. Lập bàn thờ cho Chúa qua việc thiết lập giờ tĩnh nguyện mỗi ngày là khởi điểm quan trọng. Nhưng điều cần là tiếp tục mỗi ngày dâng lễ trên bàn thờ ấy bằng cách giữ đúng giờ tương giao với Chúa qua việc đọc Kinh Thánh, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện Chúa Hằng Hữu với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng, vui vẻ và khát khao trông đợi gặp Chúa là điều cần thiết và ý nghĩa.

2. Họ dâng lên Chúa lễ thiêu có mùi thơm làm đẹp lòng Chúa Hằng Hữu. Lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa mỗi ngày cũng cần mang tinh thần đó. Cha Thiên Thượng chắc sẽ vui nhận những lời cầu nguyện cảm tạ, ca ngợi, cầu thay, xưng tội và cầu xin hơn là chỉ kêu xin một chiều.

3. Ngoài phần qui định họ còn dâng lên Chúa lễ vật tự nguyện. Bên cạnh giờ tĩnh nguyện, chúng ta có thể dành thêm thì giờ đặc biệt để mối tương giao với Chúa trở nên đậm đà, sâu sắc hơn. Chúng ta cũng cần dâng lên Chúa những lễ vật bằng công sức, tiền của với lòng biết ơn Chúa để xây dựng Nước Chúa và góp phần đẩy mạnh công tác truyền bá Phúc Âm.

Mời bạn suy niệm, nhìn lại 20 năm qua của đời sống cá nhân, gia đình, Hội Thánh và hướng về những năm tới, ghi ra những lễ vật có thể dâng lên Chúa hôm nay và đến thưa với Ngài trong ngày đặc biệt này.

(c) 2024 svtk.net