Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Phá Vỡ Những Hàng Rào Ngăn Cách

Công-vụ các Sứ-đồ 10:34-43

"Bất cứ dân tộc nào, hễ ai kính sợ Chúa và làm điều công chính, Chúa đều tiếp nhận" (c. #35,TKHD). Câu hỏi suy ngẫm: Trong sứ mạng bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời, những bức tường ngăn cách nào được Chúa Giê-xu triệt hạ? Bằng cách nào và với sức mạnh nào? Sự phân biệt đối xử, kỳ thị, thành kiến giữa các cá nhân, giữa các chủng tộc, giữa các giáo phái vẫn còn tồn tại trong xã hội cũng như trong Hội Thánh. Làm sao để loại trừ những tệ nạn này? Chúa Giê-xu đến thế gian như là Đầy Tớ của Đức Chúa Trời để bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời. Sự công chính của Đức Chúa Trời chính là năng lực ban sự sống. Qua Chúa Giê-xu, năng lực đó được ban cho những ai tiếp nhận, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, văn minh, văn hóa, trình độ, khả năng. Sự cứu rỗi của Chúa là một hồng ân mang tính phổ quát. Phi-e-rơ đã xác nhận chân lý này trong bài giảng, "Đức Chúa Trời chẳng bao giờ thiên vị ai, nhưng hễ ai kính sợ Ngài và làm điều công chính thì nấy được đẹp lòng Ngài." Trong sứ mạng bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, trước hết là sự phá vỡ mọi hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc (c. #34-37). Chính Chúa Giê-xu đã ngồi chuyện trò với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước. Ngài cũng đã truyền mệnh lệnh cho các môn đồ là rao truyền Phúc Âm cho "tất cả mọi dân tộc." Tuy nhiên lời nói và việc làm của Ngài không phải là dễ thuyết phục Phi-e-rơ để ông nhận thức rằng Chúa Giê-xu đã phá vỡ hàng rào chủng tộc. Phải trải qua một thời gian khá dài với những kinh nghiệm, khải tượng, phép lạ để cuối cùng thành kiến của ông về dân ngoại mới bị phá vỡ và ông mới nói được rằng "Bây giờ, tôi biết chắc chắn Thượng Đế không thiên vị ai" (c. #35). Trong bài giảng này Phi-e-rơ cho thấy Chúa Giê-xu, qua sự chết của Ngài, đã phá vỡ bức tường ngăn cách của tội lỗi vốn phân rẽ chúng ta với Đức Chúa Trời (c. #38, 39, 43). Phi-e-rơ nhấn mạnh đến sự cần thiết của thập tự giá. Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu trở thành sinh tế chuộc tội chúng ta hầu cho bức tường ngăn trở của tội lỗi bị cất đi. Màn trong đền thờ bị xé đôi khi Chúa tắt hơi trên thập tự là dấu hiệu cho thấy tội lỗi không còn ngăn cách chúng ta với Đức Chúa Trời. Vì thế, "hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài" (c. #43). Cùng với sự phá vỡ của bức tường tội lỗi là sự phá vỡ bức tường sự chết (c. #40-42). Nhằm cố gắng thuyết phục người nghe về nhu cầu cần đến Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ đã kể câu chuyện cuộc đời của Ngài để cuối cùng nhấn mạnh đến sự kiện quan trọng và độc đáo, đó là Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết. Sự chết không còn cầm quyền trên Ngài nữa. Sự phục sinh của Chúa bảo đảm cho ta sự sống lại và sự sống đời đời. Nói cách khác, bức tường của sự chết vốn phân rẽ ta với sự sống đời đời đã bị phá vỡ. Chúa Giê-xu với sứ mạng của Người Đầy Tớ đã phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời và với nhau. Hàng rào này phải được phá vỡ để dẫn con người vào con đường sự sống mà chính Chúa Giê-xu mở ra bằng cái chết và sự sống lại của Ngài. Lạy Chúa, xin giúp con nắm bắt được chân lý về sự hòa giải với Chúa và với nhau để nhờ đó phá vỡ được những thiên vị, những thành kiến, những tội lỗi thường cản trở con nhận được sự sống và sự sống phong phú. A-men.

(c) 2024 svtk.net