Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Lòng Vui Mừng

Phi-líp 4:4-9

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi” (câu 4).

Câu hỏi suy ngẫm: Vui mừng có giá trị thế nào? Vì sao Phao-lô dạy chúng ta: Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn? Sự vui mừng trong Chúa có giá trị thế nào? Giúp gì cho đời sống bạn? Điều gì làm tắc nghẽn niềm vui? Làm sao giữ được niềm vui bất tận?

Vui mừng là điều ai cũng thích. Chúng ta luôn muốn lòng mình được vui tươi, và chúng ta thích tiếp xúc gần gũi với những người vui vẻ. Vui vẻ là một liều thuốc bổ dưỡng cho cơ thể. Những người vui vẻ thường khỏe mạnh, sống lâu hơn, còn những người buồn rầu thì dễ lâm bệnh và có khi phải chết sớm (Châm Ngôn 17:22). Sứ đồ Phao-lô thường kêu gọi con dân Chúa hãy vui mừng. Vấn đề là làm sao chúng ta có sự vui mừng?

Người đời thường dựa vào những yếu tố khách quan để có được niềm vui. Có người mua vui qua những cách giải trí không lành mạnh như uống rượu, đánh bạc, hay qua những giải trí lành mạnh như thể thao, nghe nhạc, xem văn nghệ, ngắm cảnh, v.v... Người ta cũng có những phút vui tươi khi thành đạt điều gì; chẳng hạn như kiếm được nhiều tiền, đỗ đạt, được thăng quan tiến chức, v.v... hoặc vui khi hoàn tất những công việc có giá trị tốt. Tuy nhiên, những điều ấy chưa bảo đảm được niềm vui lâu dài, sâu sắc. Niềm vui lâu dài và sâu sắc phát xuất từ nội tâm.

Ga-la-ti 5:22 cho biết vui mừng là trái cuœa Thánh Linh. Đây là niềm vui của Chúa như Lời Ngài đã dạy: “Ta nói những điều này cho các ngươi, hầu cho sự vui mừng của Ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” (Giăng 15:11). Nói cách khác, chính Chúa là nguồn vui bất tận trong nội tâm chúng ta. Cho nên điều kiện đầu tiên để có niềm vui bất tận là tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Từ đó, chúng ta có Chúa Thánh Linh ngự trong lòng và có nguồn vui bất tận trong tâm hồn ngay tức khắc. Thật vậy, sau khi tin Chúa nhiều người cảm thấy nhẹ nhàng, dù hoàn cảnh bên ngoài chưa có gì thay đổi. Nhưng rồi tháng ngày trôi qua, niềm vui ấy đáng lẽ dâng tràn lai láng như hình ảnh dòng sông trong Ê-xê-chi-ên 47 thì nó lại yếu dần đi. Dòng sông bị tắc nghẽn, khô cạn. Lý do tại sao, và làm cách nào cho dòng sông vui mừng tuôn chảy trở lại?

Nguyên nhân làm tắc nghẽn dòng sông vui mừng trong chúng ta: Tội lỗi. Vua Đa-vít đã trải nghiệm điều này. Sau khi phạm tội, ông nói: “Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu tàn, Và tôi rên siếc trọn ngày” (Thi-thiên 32:3). Ông không hưởng được niềm vui cho đến khi ông xưng tội và ăn năn với Chúa (Thi-thiên 51:12). Cho nên, chúng ta cần phải ăn năn khi phạm tội thì mới có thể tiếp tục hưởng được niềm vui của Chúa.

Lo lắng. Chúng ta cần quan tâm đến những sự việc chung quanh mình để có thể đáp ứng thích hợp và hoàn tất những gì Chúa giao phó. Tuy nhiên, chúng ta không để cho mối quan tâm biến thành lo lắng. Điều này xảy ra khi chúng ta để mối quan tâm chiếm hết tâm tư của mình. Khi lo lắng tràn ngập, vui mừng sẽ không còn chỗ để nẩy nở. Bí quyết để dẹp lo lắng là cầu nguyện và cảm tạ (Phi-líp 4:6). Khi cầu nguyện, chúng ta mời Chúa trở lại ngự trị tâm tư mình, và chúng ta giao phó các âu lo của mình cho Ngài. Ngài sẽ cất đi các âu lo để vui mừng có thể tuôn chảy trong chúng ta.

Buồn giận, cay đắng. Điều này xảy ra khi chúng ta có lòng ganh tỵ, không tha thứ, không chấp nhận sự sắp xếp, tể trị, cho phép của Chúa. Ca-in buồn giận, cay đắng A-bên mà cúi gầm nét mặt. Sau-lơ buồn giận, cay đắng Đa-vít mà mất đi vui vẻ bình an. Người buồn giận cay đắng cần nhờ Chúa để tha thứ, để nhổ các rễ đắng của mình, thì vui mừng của Chúa mới có chỗ tuôn chảy trong tâm hồn. Bí quyết để nhổ các rễ đắng là biết tin cậy và chấp nhận sự tể trị của Chúa. Thời niên thiếu ông Giô-sép bị nhiều ngược đãi. Các anh ganh ghét và bán ông cho người nước ngoài để làm nô lệ. Ông cũng bị vu cáo và bị tù oan uổng. Trong tù, ông đã giải mộng cho các vị quan, nhưng cũng chẳng được đền ơn đáp nghĩa. Hoạn nạn, thất vọng, nhưng Giô-sép không cay đắng, giận hờn trả thù những người đã hại mình; vì ông tin tưởng nơi sự tể trị của Chúa và nghiệm thấy bàn tay sắp đặt diệu kỳ của Ngài.

Xa nguồn là nguyên nhân cuối cùng khiến dòng sông vui mừng của bạn tắc nghẽn. Mối quan hệ giữa bạn với Chúa không còn mặn mà nữa. Bạn không có gì lầm lỗi, không cay đắng giận hờn ai, không lo lắng gì, nhưng bạn không còn tương giao gần gũi với Chúa. Vì bận rộn, hay vì vô tâm, bạn không dành thì giờ để thường xuyên tương giao với Chúa. Vì vậy, dòng sông vui mừng của bạn bị khô cạn.

Bạn hưởng được niềm vui của Chúa thế nào? Có gì làm tắt nghẽn sự vui mừng của Chúa trong bạn? Bạn cần làm gì để khơi nguồn vui mừng trở lại?

Lạy Chúa Thánh Linh, xin cho con luôn ở trong Ngài để sự vui mừng luôn hiện diện trong đời sống con.

(c) 2024 svtk.net