Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Sự Mầu Nhiệm của Đấng Christ

Cô-lô-se 4:2-18

“Hãy cư xử một cách khôn ngoan với những người ngoại” (câu 5a BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở Hội Thánh Cô-lô-se những điều gì về sự cầu nguyện? Theo ý Sứ đồ Phao-lô, thế nào là “cư xử khôn ngoan với những người ngoại” (câu 5)? Cách cư xử của bạn với “những người ngoại” có gì khác với điều Sứ đồ Phao-lô dạy?

Sứ đồ Phao-lô thúc giục tín hữu Cô-lô-se dốc lòng cầu nguyện (câu 2). Có hai mục đích trong sự cầu nguyện. Thứ nhất, sự cầu nguyện đem lại sự sáng suốt thuộc linh. Đời sống cầu nguyện của chúng ta thường yếu đuối và không có kỷ luật, khiến chúng ta bối rối về đời sống đức tin của mình. Thứ hai, cầu nguyện là sự chuẩn bị cho sứ mệnh.Trong việc thúc giục tín hữu Cô-lô-se cầu nguyện cho sự rao giảng Phúc Âm (câu 3), Sứ đồ Phao-lô cũng thôi thúc họ hiểu biết sâu sắc về Phúc Âm và tham gia rao giảng Tin Mừng dù đó là một nhiệm vụ có thể đưa chúng ta vào vòng xiềng xích. Điều chúng ta công bố không phải là một hệ thống triết học hay một hệ tư tưởng, mà là “sự mầu nhiệm của Đấng Christ” (câu 3). Đối với Sứ đồ Phao-lô, trái với các tôn giáo huyền bí trong thời đó, sự mầu nhiệm của Đấng Christ là một bí mật được công khai tuyên bố cho mọi người. Nhưng khả năng hùng biện hoặc mọi phương thức biểu đạt của con người đều không đủ khả năng công bố sự mầu nhiệm này. Phúc Âm phải được truyền đạt trong sự đồng công với Chúa Giê-xu, Ngôi Lời nhập thể.

Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta phải khôn ngoan trong cách cư xử với người ngoại (câu 5). Chúng ta thường ít quan tâm đến những người mình cho là “khác” với chúng ta. Nếu chúng ta còn giữ khoảng cách với người ngoại, chúng ta sẽ không thể hiểu họ. Để hiểu người ngoại, chúng ta cần phải chấp nhận họ và trở thành láng giềng tốt của họ. Mục đích chính của Phúc Âm là biến người lạ trở thành láng giềng. Đây chính là chân lý mà Chúa Giê-xu muốn dạy qua ẩn dụ về sự phán xét sau cùng; qua đó, nhiều người bị kết án vì không tiếp rước “khách lạ” (Ma-thi-ơ 25:31-46). Trong phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy Sứ đồ Phao-lô có đủ loại bạn bè với những lai lịch tôn giáo và xã hội khác nhau (câu 7-14). Phúc Âm cần được chia sẻ cho mọi người trong sự khiêm nhường và tinh thần cởi mở.

Ai là “những người ngoại” hay “khách lạ” mà bạn biết? Hãy cầu xin Chúa hướng dẫn bạn cách tạo tình “láng giềng” với họ.

Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng của một đầy tớ, và giúp con làm một quản gia trung tín với những ân tứ mà Ngài đã ban cho con. Xin giúp con đến với “những người ngoại” ở quanh con.

(c) 2024 svtk.net