Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Cầu Nguyện cho Mọi Người

I Ti-mô-thê 2:1-8

"Vậy, trước hết ta khuyên dặn con phải dâng lời khẩn nguyện, cầu xin, cảm tạ và cầu thay cho mọi người" (câu 1 BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy những điều nào liên quan đến sự cầu nguyện? Vì sao phải cầu nguyện cho mọi người; không chỉ cho cá nhân, Hội Thánh, và những người mình quen biết? Hội Thánh và cá nhân bạn thường cầu nguyện về những điều gì?

Có thể chúng ta tự hỏi: Có ích gì khi mình cầu nguyện cho những người láng giềng, cộng đồng địa phương, và những người lãnh đạo đất nước? Với Sứ đồ Phao-lô, những lời cầu nguyện này là kết quả trực tiếp của Phúc Âm. Ông nói về năng quyền biến đổi của sự cầu nguyện, và dâng lời tôn ngợi "Vua … Đức Chúa Trời duy nhất" (1:17). Theo đó, ông đưa ra lời khuyên phải cầu nguyện và cảm tạ cho mọi người, đặc biệt những người lãnh đạo đất nước. Ông nêu lên một số lý do: Đức Chúa Trời muốn mọi người đều được cứu (câu 4). Ngài là Đấng Trung Bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người (câu 5). Đấng Cơ Đốc đã chết vì mọi người (câu 6).

Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người được cứu rỗi và có cơ hội để làm chứng. Họ là đối tượng được chuộc bằng chính sự sống của Con Đức Chúa Trời. Chúng ta cầu nguyện cho đất nước và các nhà lãnh đạo vì Phúc Âm không chỉ nói về sự cứu rỗi cá nhân, mà cả sự biến đổi trong tương lai của toàn thể tạo vật. Trong thế kỷ thứ nhất, từ Hy Lạp "euangelion" nói về tin mừng trong ý nghĩa quốc gia chứ không chỉ cá nhân. Nó được loan báo bởi "người truyền giảng" (câu 7). Sứ điệp của chúng ta là: Một ngày nào đó, Đức Chúa Trời sẽ biến đổi cả vũ trụ. Là những người đã thuộc về thế giới mới đó, chúng ta hành động và cầu nguyện sao cho mọi người rời bỏ thế giới cũ để tiến vào thế giới mới. Sự bình an, tin kính, và tình yêu thương là những đặc điểm của thế giới tương lai đó.

Sứ đồ Phao-lô biết xã hội có thể chống đối Phúc Âm và Hội Thánh. Do đó, ông kêu gọi con dân của Đức Chúa Trời cầu nguyện để họ có thể sống "yên ổn, bình an" (câu 2) với xã hội. Phúc Âm là dành cho Dân Ngoại cũng như người Do Thái (câu 7), và cho sự biến đổi của xã hội cũng như sự cứu rỗi của mỗi người.

Hãy xét lại đời sống cầu nguyện của bạn, dựa trên những lời dạy của Sứ đồ Phao-lô trong phân đoạn Kinh Thánh này. Sự cầu nguyện của bạn có bao gồm thế giới mà Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến để cứu không?

Lạy Chúa, xin mở rộng tầm nhìn và những lời cầu nguyện của con. Xin giúp con hiểu thế nào là cầu nguyện thật, không chỉ vì những nhu cầu cá nhân con, mà vì thế giới Ngài đã đến để cứu chuộc.

(c) 2024 svtk.net