Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Sự Đoán Phạt và Lời Hứa

Ê-sai 27:1-13

"Trong ngày đó, các ngươi khá hát bài nói về vườn nho sinh ra rượu nho!" (câu 2 BTT).

Câu hỏi suy ngẫm: Lê-vi-a-than tượng trưng cho điều gì? Dân Chúa được giải cứu và phục hồi như thế nào? Khi suy ngẫm phân đoạn này, bạn học được những điều hữu ích nào?

Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Tiên tri Ê-sai chỉ về thời gian cuối cùng của thế giới tội ác. Ông Ê-sai dùng hình ảnh của Lê-vi-a-than là con rắn xưa để mô tả thế lực hung tàn của A-si-ri. Lê-vi-a-than tượng trưng cho thế lực gian ác trên thế gian sẽ bị Đức Chúa Trời khuất phục trong "ngày đó" là ngày Chúa đoán phạt toàn thế gian (câu 1).

Ở giữa sự đoán phạt, dân Đức Chúa Trời được giải cứu và Ít-ra-ên được phục hồi. Hình ảnh "cây nho sai trái" tượng trưng cho sự phục hồi của người Ít-ra-ên. Đức Chúa Trời chẳng còn giận dân Ngài nữa. Chúa chỉ giận chà chuôm, gai góc là kẻ thù của dân Ngài. Dù giận nhưng Ngài không muốn tuyệt diệt họ, trái lại Ngài muốn họ làm hòa lại với Ngài (câu 5). Một lần nữa, ông Ê-sai tiên tri rằng, những người bị lưu đày sẽ trở về Ít-ra-ên. Xứ sở họ thật sự có sự bình an. Sự bình an ở đây không chỉ là không có kẻ thù và chiến tranh, mà còn bao gồm sự công chính và những chuẩn mực đạo đức được tìm thấy trong thời kỳ của Đấng Mết-si-a.

Khi đọc lại phân đoạn này, chúng ta thấy rằng những điều Tiên tri Ê-sai nhìn thấy cũng liên quan đến chúng ta ngày nay: Hội Thánh Chúa cũng đang bị "đập" và làm cho sạch (câu 12-13). Giống như Ít-ra-ên thời xưa, chúng ta cũng đang thất bại vì sinh ra rất ít "trái." Kết quả rao truyền Phúc Âm của chúng ta ngày càng giới hạn. Chúng ta giống như phụ nữ quặn thắt khi sinh con, nhưng chẳng đem lại sự sống mới (26:16-18). Tuy nhiên, không phải vì thế mà mất tất cả hay không tìm thấy hy vọng, bởi Đức Chúa Trời đang hành động để hoàn thành mục đích của Ngài. Điều chúng ta cần làm là cứ giữ hy vọng và nhớ rằng "công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu" (I Cô-rinh-tô 15:58).

Khải tượng của Tiên tri Ê-sai khích lệ chúng ta nhìn xa hơn hiện tại để thấy được tương lai tốt lành, tương lai mà Đức Chúa Trời sẽ cai trị. Sự bình an mà Kinh Thánh nói đến bao gồm một cộng đồng lành mạnh sống vui mừng, thỏa nguyện, và an bình (32:16, 18). Đó là những gì mà Tiên tri Ê-sai nhìn thấy xảy ra cho dân tộc ông, dù hiện thời họ đang bị tan lạc, lưu đày, và thất vọng.

Bạn làm gì để thật sự vui mừng, thỏa nguyện, và bình an? Mục sư Billy Graham nói: "Chỉ có Chúa Giê-xu là đem lại sự bình an trường cửu: Sự bình an với Đức Chúa Trời, sự bình an ở giữa con người và các dân tộc, sự bình an trong lòng chúng ta."

Lạy Chúa, con đang trông đợi ngày giải cứu của Ngài. Xin giúp con có được sự bình an trường cửu mà Ngài hứa ban để con luôn phục vụ Chúa cách dư dật.

(c) 2024 svtk.net