Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 21

6:19-24 - CỦA CẢI, ÁNH SÁNG VÀ NÔ LỆ

19 Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; 20 nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. 21 Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó. 

22 Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; 23 nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao! 

24 Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma-môn nữa.

 

1. Xin cho biết ba phần của phân đoạn trên và ý chính của mỗi phần

2. “Chứa” nghĩa là gì? “Của cải” nói đến điều gì?

3. Người ta thường chứa của cải ở dưới đất như thế nào?

4. Làm thế nào để chứa của cải trên trời?

5. Sâu mối, ten rét và kẻ trộm nói đến điều gì?

6. Xin diễn tả câu 21 bằng lời riêng của Bạn.

7. Chúa Giê-xu dạy chúng ta nguyên tắc gì trong câu 22-23?

8. Điểm Chúa muốn nhấn mạnh trong câu 24 là gì?

9. Tại sao ma-môn lại được dùng để đối chiếu với Đức Chúa Trời?

 

Carson gọi Ma-thi-ơ 6:19-24 là “những hình ảnh dùng để so sánh lòng trung thành của chúng ta đối với những giá trị của Nước Trời.” Nói khác đi, Chúa Giê-xu dùng ba hình ảnh để dạy chúng ta nhìn thấy giá trị đích thực của Nước Chúa để chúng ta sống và đeo đuổi những giá trị đó. Ba hình ảnh đó là của cải (c. 19-21), ánh sáng (c. 22-23) và nô lệ (c. 24).

Chứa mang ý nghĩa dồn chứa, cất giữ như người cất giữ vào kho tàng. Chữ của cải tiếp theo trong nguyên văn chính là chữ “kho tàng.” Chứa của cải vì vậy hàm ý cất giữ thật cẩn thận những gì chúng ta cho là quý giá, có giá trị như người chôn giấu vàng bạc, châu báu chỗ kín đáo. Dưới đất nói về trần gian, đời nầy. Chứa của cải dưới đất vì vậy nghĩa là tích trữ những gì chúng ta cho là giá trị trên đời nầy và sống cho những giá trị đó. Động từ chứa ở đây mang ý nghĩa đang tiếp diễn và mang ý nghĩa nhấn mạnh. Câu nầy có thể dịch là: “Đừng tiếp tục dồn chứa của cải cho mình trên trần gian nầy nữa!” Lý do chúng ta không nên dồn chứa của cải trên trần gian nầy là vì tính cách mong manh và tạm bợ của trần gian, nơi có sâu mối, ten rét làm hư và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Sâu mối, ten rét và kẻ trộm là những yếu tố làm cho của cải trần gian mất giá trị. Của cải người xưa thường tích trữ là y phục đắt tiền hay ngũ cốc trong vựa lẫm (Gia-cơ 5:2; Lu-ca 12:18). Những thứ đó sẽ bị hư hỏng vì sâu mối. Ten rét không chỉ nói đến rỉ sét của kim loại nhưng cũng mang ý nghĩa bị chuột bọ hay côn trùng đục khoét. Đào ngạch khoét vách mô tả nhà cửa xây bằng gạch từ đất bùn, kẻ trộm có thể đào khoét dễ dàng. Của cải trần gian chắc chắn bị mai một từ yếu tố bên trong (sâu mối, ten rét) cũng như yếu tố bên ngoài (kẻ trộm), không an toàn, không có gì đảm bảo cả. Chứa của cải ở dưới đất cũng nói đến đời sống hưởng thụ vật chất, sống xa hoa trên đời nầy. Lối sống theo chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân ích kỷ cũng là những hình thức chứa của cải ở dưới đất, là những điều sẽ qua đi, sẽ phai tàn, không còn giá trị.

Ngược lại, chúng ta phải chứa của cải ở trên trời, nói về đời sống hướng thượng, tích trữ cho những giá trị trường cửu. Câu nầy không hàm ý chúng ta làm nhiều việc thiện ở đời để tích trữ công đức cho mình ở thiên đàng vì như vậy đi ngược lại với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về cứu rỗi bởi ân sủng và đức tin. Những thứ có giá trị đời đời không có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy mà chúng ta phải dồn chứa là “phát triển một đời sống giống như Chúa, gia tăng đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương là những thứ còn lại đời đời” (John Stott). Câu kết luận của phần nầy cho thấy rõ điều đó, Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó. Lòng bao gồm tâm trí, tình cảm và ý chí. Những gì chúng ta cho là quý nhất, giá trị nhất, cả con người chúng ta sẽ hướng về đó. Chứa của cải ở thiên đàng sẽ giúp chúng ta hướng về thiên đàng và sống cho những giá trị cao đẹp. Trong các câu 19-20, Chúa Giê-xu dùng chữ các ngươi nhưng trong câu 21, Chúa nói ngươi, cho thấy đây là điều chúng ta cần phải áp dụng riêng cho bản thân mình.

Hình ảnh trong câu 22-23 là đối chiếu giữa người sáng và người mù hay giữa bóng tối với ánh sáng. Chúa Giê-xu dùng hình ảnh con mắt, cho thấy đó là bộ phận soi sáng, dẫn dắt đời sống thể xác. Mắt tốt, chúng ta sẽ đi đứng sinh hoạt tốt. Nếu mắt bị đau hay nhìn không rõ, toàn thân chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Tương tự như vậy với đôi mắt tâm linh hay là cái nhìn, nhận định của chúng ta về những giá trị tâm linh. Chúng ta cần có cái nhìn vào sự việc theo cái nhìn của Chúa, của người tin Chúa, người được Chúa soi sáng. Không có cái nhìn đúng đó, chúng ta sẽ lầm đường lạc lối. Điều quan trọng là chúng ta phải biết rõ mình có cái nhìn đúng, nếu nhìn không đúng mà nghĩ là mình đúng (sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm) thì hậu quả sẽ vô cùng kinh khiếp (sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao).

Hình ảnh thứ ba Chúa Giê-xu dạy là hình ảnh của người nô lệ (c. 24). Nguyên tắc ở đây là người nô lệ chỉ có thể phục vụ một chủ mà thôi. Chủ đây là chủ nô lệ, sở hữu chủ, không phải người chủ chúng ta làm công. Làm tôi hay làm nô lệ tức là thuộc quyền sở hữu của người chủ. Những chữ ghét/yêu, trọng/khinh nói lên ý nghĩa trọn lòng hay hết lòng. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải “hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (22:37). Chúng ta không thể yêu Chúa hay hầu việc Chúa nửa vời, vì vậy chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai chủ: Đức Chúa Trời hay ma-môn. Ma-môn phiên âm từ tiếng A-ram (ngôn ngữ của người Do-thái lúc bấy giờ) nghĩa là của cải hay tài sản. Chữ được không mang ý nghĩa được phép nhưng là không thể được, một việc bất khả thi, không thể xảy ra. Làm nô lệ cho hai chủ cùng một lúc là điều không thể xảy ra! “Có tiền không phải là tội, để cho tiền làm chủ, đó mới là tội” (Morris).