Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Cách Mạng từ Bên Trong

I Cô-rinh-tô 1:18-31

“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc” (Rô-ma 1:16).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Sứ đồ Phao-lô chỉ rao giảng thập tự giá của Chúa Giê-xu? Thập tự giá có mang tính chất cách mạng không? Cách mạng của thập tự giá khác với cách mạng của người đời như thế nào?

Những cuộc cách mạng bạo lực của thế gian chỉ nhằm mục đích để đoạt được chính quyền. Khi đã có quyền bính trong tay, thì những gì xấu xa của chế độ cũ lại dần dần hiện nguyên hình trong lớp cầm quyền mới, ở một số phương diện có thể tốt hơn một chút, nhưng ở nhiều mặt khác có khi còn tồi tệ hơn. Điều đó không có gì lạ vì Kinh Thánh nói rằng: “Lòng con người là dối trá hơn muôn vật và rất xấu xa” (Giê-rê-mi 17:9). Khi tấm lòng con người không thay đổi thì dù họ ở đâu, sớm muộn gì cái xấu cũng sẽ lộ diện.

Ngược lại, Đức Chúa Trời có một phương thức cách mạng khác cho con người. Vũ khí của Ngài không phải là xe tăng, đại bác mà là thập tự giá của Chúa Giê-xu. Thập tự giá là tiếng sét tình yêu của Đức Chúa Trời đánh vào linh hồn con người khiến họ choàng tỉnh nhận thức được bản chất ô dơ tối tăm của mình, không còn ngông nghênh tự phụ, mà tìm đến ơn tha thứ, quyền năng tẩy sạch của Đức Chúa Trời. Bởi quyền năng ấy, tấm lòng họ được thay đổi và họ trở nên con người mới: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này, mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Cuộc cách mạng được thực hiện từ trong bản thân họ, sẽ bày tỏ ra trong cuộc sống, và từ đó sẽ làm thay đổi thế giới xung quanh.

Ông William Wilberforce (1759-1833) là một thanh niên học thức giàu có, sớm thành công trong chính trường, mới 25 tuổi đã là một nghị sĩ của Anh quốc. Ông sống khá phóng túng theo nếp sống xã hội thượng lưu bấy giờ. Vào năm 1785, ông được biến cải sau khi đọc quyển sách của Mục sư Philip Doddridge về đời sống tâm linh. Từ đó ông được Chúa thúc giục dấn thân vào công cuộc đấu tranh bài trừ nạn buôn nô lệ. Chấm dứt tệ buôn nô lệ thời đó là việc rất khó khăn vì nô lệ là nguồn lợi tức lớn cho các thương thuyền và chủ đồn điền mía ở West Indies cũng như cho ngân sách nhà nước. Tuy vậy, ông đã kiên trì suốt 26 năm, vận dụng mọi phương tiện nghị trường, báo chí, hội đoàn, nhà thờ, để Nghị Định về Buôn Bán Nô Lệ được thông qua vào năm 1807. Sau đó ông lại tiếp tục vận động 20 năm nữa để chấm dứt hẳn chế độ nô lệ, cho đến khi ông bị bệnh phải về nhà an dưỡng. Ba ngày trước khi từ trần, ông được báo tin mừng là Nghị Định Bãi Bỏ Chế Độ Nô Lệ đã được thông qua. Cuộc cách mạng âm thầm của ông cùng với những công dân cùng chí hướng nhằm giải thoát tầng lớp bị áp bức, song song với cuộc phấn hưng Tin Lành biến cải vô số tội nhân thời bấy giờ, đã góp phần cứu nước Anh khỏi cuộc cách mạng bạo lực đang nhen nhúm trong lòng xã hội Anh quốc. Đời sống của ông William Wilberforce cho thấy, khi tấm lòng của một người được kéo lại gần với Chúa, thì họ cũng muốn bày tỏ tấm lòng của Ngài cho thế giới này.

Lạy Chúa, xin Chúa làm mới lại trong con một thần linh ngay thẳng và đặt trong con lòng yêu thương của Ngài để con có thể bày tỏ tấm lòng của Ngài cho người khác một cách cụ thể trong đời sống của con.

(c) 2024 svtk.net