Từ bài giảng luận "Đức Tin Của Cha"
CN June 21, 2015 - Hội Thánh North Hollywood
Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình (Hê-bơ-rơ 11:17)
[đọc Sáng-thế ký 22:1-19]
Khi vừa bước vào thánh đường, lần lượt hết người này đến người khác nói với tôi những lời chúc mừng một ngày quốc lễ vui vẻ. Đề tài giảng luận "Đức Tin Của Cha" lại dựa trên một phân đoạn của sách Sáng-thế ký, kể lại sự kiện Áp-ra-ham vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời đi hiến tế đứa con yêu dấu duy nhất của mình trên núi thuộc xứ Mô-ri-a. Hai việc trái ngược nhau khơi dậy trong tôi một hướng suy tư khá tiêu cực. Có người sẽ nói với tôi rằng hãy vui vẻ nhìn vào cái kết cục có hậu kia, nhưng trong trường hợp nếu tôi chưa biết như vậy, và nếu đặt tôi vào vị trí của một người làm cha, tôi có bình tỉnh đủ để sẵn lòng tiến hành mọi công việc một cách lớp lang thứ tự như người cha đức tin Áp-ra-ham?
Ngay từ khởi đầu, tôi đã có một thắc mắc lớn rồi, tại sao Đức Chúa Trời lại ra một mệnh lệnh quá khắc nghiệt như thế? Cho dù thời đó chưa có luật pháp rõ ràng, nhưng giết một con người đâu phải là việc có thể dễ dàng chấp nhận. Người ta sẽ cho tôi một câu trả lời rằng Đức Chúa Trời muốn tôi dâng cho Ngài điều gì tôi yêu quí nhất, hãy nghe lời Chúa từ Thánh Kinh: "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn Ta thì cũng không đáng cho Ta" (Ma-thi-ơ 10:37); và đây cũng chỉ là một thử thách đức tin thôi: "Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham" (câu 1). Đức Chúa Trời toàn tri, Ngài biết hết mọi sự, đâu cần gì phải dùng đến phép thử hay nghiệm lại cho chắc. Với tôi, đây là điều Đức Chúa Trời cho phép ghi chép xuống để dạy cho tôi biết rằng Ngài có những tôi tớ xứng đáng như vậy đó, họ sẵn sàng đến mức Ngài rất vừa ý đặt họ vào một vị trí quan trọng trong chương trình cứu rỗi vĩ đại Ngài dành cho thế gian này. Không có Áp-ra-ham thứ hai, nhưng Đức Chúa Trời còn có nhiều người thuộc về Ngài sẵn lòng hi sinh cho công việc chung, để Chúa hãnh diện mà khoe rằng: "Ngươi có nhìn thấy tôi tớ của Ta chăng? Trên đất chẳng có ai giống như người, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác; lại người bền đỗ trong sự hoàn toàn mình, mặc dầu... " (Gióp 2:3). Chúa sẽ không đặt tôi vào hoàn cảnh giống như của một Áp-ra-ham, một Gióp, một Đa-ni-ên, một sứ đồ Phao-lô hay một trưởng lão Giăng ngày trước; nhưng Chúa luôn muốn tôi học theo trong khả năng của chính mình, để từ sự yếu đuối của tôi Chúa được sáng danh, bởi vì Chúa sẽ ở cùng và chẳng có điều gì quá sức tôi cả.
Tôi không khai thác theo kiểu suy đoán nội tâm của Áp-ra-ham trong ba ngày nặng nề đó. Nhìn vào Thánh Kinh, sau khi người đã được nghe lời Đức Chúa Trời phán riêng với mình, Áp-ra-ham đã có những động thái đơn giản, chính xác và đủ để thi hành thiên lệnh. Tôi không tìm thấy một sự bức rức, phiền lòng hay những lời xa gần muộn phiền bộc lộ một nỗi đau xé nát tâm can. Vài câu nói được ghi chép lại, hết sức nhẹ nhàng, bình tỉnh, rất tình cảm như chẳng có điều gì khuấy động. Tôi lại chú ý đến lời nói của Áp-ra-ham khi Y-sác hỏi người về chiên con cần cho việc tế lễ. Người trả lời: "Con ơi! chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu" (câu 8). Áp-ra-ham đâu có biết trước đoạn kết quá đẹp của câu chuyện đau lòng này tính đến thời điểm đó, như vậy, người đã chọn câu trả lời vô thưởng vô phạt để đánh lạc hướng con mình sao? Đó không phải tính cách của một người đầy ơn, còn nếu đúng là vậy, thì với tôi, điều này sẽ trở nên một vết rạn trên bề mặt đức tin toàn hảo mà Đức Chúa Trời muốn chọn ra để làm gương cho hậu thế. Không thể như thế được! Thiết nghĩ, người của Chúa luôn có sẵn một ơn tiên tri kín dấu, điều sẽ đến được Đức Chúa Trời đặt vào trong lòng mà chính người cũng chưa thể hiểu trọn vẹn cho đến khi việc xảy ra. Đó là ân tứ, là linh năng, là một cái gì đó hơn cả bình thường mà Đức Chúa Trời ân sủng, để tôi tớ Chúa làm trọn trọng trách được giao cho. Hãy đọc lại phần tiếp theo sau đó, thiên sứ của Đức Giê-hô-va chẳng hề chỉ cho Áp-ra-ham "con chiên đực sừng mắc trong bụi cây", nhưng người thấy và biết phải làm như thế nào rồi. Người chịu nghe lời phán của Đức Chúa Trời, người phó thác trọn đời sống mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sẽ có được sự hướng dẫn trực tiếp và đủ khôn ngoan để làm mọi sự theo ý muốn tốt lành của Chúa.
Cho dù đây là hình bóng cho chương trình cứu rỗi mai sau, nhưng liền khi đó Đức Chúa Trời phán một lời trọng thưởng cho Áp-ra-ham: "Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn Ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước" (câu 18). Trong vị trí hạn hẹp của tôi ngày nay, tôi cũng có thể được ban cho lời hứa tốt lành nếu tôi trung tín với Chúa. Tôi sẽ mang lại phước hạnh không chỉ cho gia đình, nhưng tôi còn có thể trở nên nguồn phước cho những người chung quanh, cho anh em tôi trong Chúa và cho cả cộng đồng mà Chúa phê chuẩn.
Tôi là một trong tập thể những người được chọn. Nếu tôi sống trọn tình trọn nghĩa với Đức Chúa Trời Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Tại; biết đâu tôi sẽ lại một lần nữa được chọn để Danh Chúa được bày tỏ cách vinh hiển, và Lời Chúa là nước thiêng tôi đã trân trọng đón nhận, "sẽ thành một mạch nước trong tôi văng ra cho đến sự sống đời đời" (Giăng 4:14). Chỉ có thể bắt đầu với: "Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn Ta".