“Vì tôi đã thấy Đức Chúa Trời mặt đối mặt nhưng mạng sống tôi vẫn được bảo toàn.” (Sáng 32:30)
Thay đổi là dấu hiệu của sự sống. Muốn có mới thì phải bỏ cũ. Không những bỏ cũ mà còn bỏ luôn những gì có ảnh hưởng đến cái cũ đó. Sáng Thế Ký 32 ghi lại câu chuyện về đời sống biến đổi của Gia-cốp, một nhân vật được Ðức Chúa Trời đổi tên, đổi nhân cách, để phục vụ Chúa và làm vinh hiển danh Ngài. Đời sống Gia-cốp ngày xưa có những nét rất giống con người chúng ta ngày nay để chúng ta học hỏi theo.
1. Mỗi Người Cần Ðược Ðổi Tên. Ðối với người Do Thái trong thời xưa và nay, đặt tên cho con là một việc rất quan trọng vì mỗi đứa con đều mang một ý nghĩa có liên hệ đến hoàn cảnh sống, tâm trạng vui buồn của cha mẹ, hay niềm mơ ước của cha mẹ cho con cái của mình ở tương lai. Sáng thế ký 32:28 chép: “Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng làm Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng.” (32:28). Tên “Gia-cốp” có nghĩa nắm gót hay chiếm đoạt. (Sáng 25:25-26). Tên gọi đó gắn liền với phẩm chất của con người Gia-cốp. Ông là người luôn tìm cách chiếm đoạt, và muốn là người thắng cuộc chứ không phải thua cuộc. Tên của Gia-cốp đã gắn liền với con người của ông. Ông là người gạt anh mình là Ê-sau để cướp quyền trưởng nam, gạt cha mình là Y-sác để hưởng phước lành. Hậu quả là Gia-cốp phải lánh xa Êsau và phải xa cha mẹ của ông cho đến khi mẹ mất.
Tên Gia-cốp không có gì đẹp cả cho đến khi tên gọi đó được Chúa để tâm đến và thay đổi tên gọi của ông. Ðức Chúa Trời đổi tên Gia-cốp hai lần. Lần thứ nhất trong đoạn 32:28. Lần thứ hai trong đoạn 35:9-10. Tên Ysơraên mà Ðức Chúa Trời đặt cho ông có nghĩa là hoàng tử của Chúa hay người nhẫn nại của Chúa. Cũng giống như Gia-cốp, chúng ta ngày nay chẳng có gì tốt đẹp cả. Kinh Thánh cho biết rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. ” (Rôma 3:23). Kinh Thánh cho biết tên của chúng ta được thay đổi từ tạo vật của Chúa trở thành con cái Chúa (Giăng 1:12). Tên của chúng ta còn được gọi là môn đồ của Chúa sau khi tin nhận Ngài (Mathiơ 28:19-20). Tên của chúng ta cũng còn được người khác gọi là Cơ Ðốc nhân (Công Vụ 11:26b).
Sau khi tin nhận Chúa Giê-su làm Chúa và Chủ đời sống mình, bạn và tôi cũng đã được Ngài đổi tên. Bạn có sống xứng đáng với tên gọi con cái Chúa, môn đồ Chúa, và Cơ Ðốc nhân chưa? Tên gọi thuộc thể của chúng ta không quan trọng cho lắm, nhưng tên gọi thuộc linh khi chúng ta được sanh lại lần hai trong Chúa mới là quan trọng hơn.
2. Mỗi Người Cần Ðược Ðổi Bản Tánh. Gia-c ốp nói:“Vì tôi đã thấy Đức Chúa Trời mặt đối mặt nhưng mạng sống tôi vẫn được bảo toàn.” (Sáng 32:30) Câu nói “Mạng sống tôi vẫn được bảo toàn” cho biết Gia-cốp kể từ giờ phút nầy trở nên một con người mới. Ông không tự mình giải cứu lấy, nhưng được Ðức Chúa Trời can thiệp giải cứu lấy ông. Một số nhà giải kinh giải thích rằng, Gia-cốp có lẽ đã dùng mánh lới để vật lộn với thiên sứ Chúa, và khi thiên sứ Chúa không thể thắng được ông bèn đánh vào sườn của ông. Việc đánh vào sườn Gia-cốp cho biết Chúa bắt phục ông và kể từ nay ông phải vâng phục Ngài, không còn tiếp tục bản tánh cũ đi chiếm đoạt nữa. Gia-cốp đã được biến đổi từ một người lừa gạt trở thành một người tốt lành, chân thật.
Muốn có bản tánh mới tốt đẹp nầy thì phải trải nghiệm sự gặp gỡ Chúa Giê-su. Bài hát “Gặp Gỡ Chúa Giê-su” có câu như sau: “Gặp gỡ Chúa Giê-su biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Chúa Giê-su đón nhận ơn tái sinh…” Bản tánh mới chỉ về đời sống được tăng trưởng lên đến giai đoạn nên thánh. Sự cứu rỗi của Chúa ban cho con người gồm có 4 giai đoạn. Thứ nhất, tái sanh. Thứ nhì, xưng công nghĩa. Thứ ba, nên thánh. Thứ tư, được vinh hiển. Bản tánh mới chỉ về một đời sống đặt Chúa Giê-su làm trọng tâm, ngồi trong chiếc ngai lòng của mình và để Ðức Thánh Linh điều khiển hoàn toàn.
Có người nói rằng nếu bạn không thích con người của bạn ở hiện tại thì hãy thay đổi nó đi. Ai cũng có thể làm sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi bản tánh mới không thể tự mình làm được mà phải nhớ quyền năng của Thánh Linh Chúa. Bản tánh mới nầy hay đời sống nên thánh nầy không thể có được một cách nhanh chóng tức thời, qua đêm được. Ðời sống nên thánh là một tiến trình. Tín đồ Mỹ có câu nói rằng: “It takes time to build a godly man. ” Ðời sống nên thánh nầy hay bản tánh mới thì có thể xảy đến cho mọi con dân Chúa, chứ không phải chỉ dành riêng cho một thành phần tu sĩ nào cả! Kinh Thánh cho biết rằng Ðức Chúa Trời ưa thích và đẹp lòng khi nhìn thấy đời sống nên thánh của con dân Ngài.
Như vậy, mỗi chúng ta đều cần mang bản tánh mới. Mỗi chúng ta đều cần tăng trưởng đến giai đoạn nên thánh. Và mỗi chúng ta đều cần tập tành sự tin kính mỗi ngày để kinh nghiệm sự nên thánh trong những ngày trên đất và trông đợi sự vinh hiển trong Thiên quốc Chúa (1 Timôthê 4:7-10).
3. Mỗi Người Ðược Biến Ðổi Ðể Phục Vụ Chúa. Sáng-thế Ký từ chương 32 cho đến 50 thuật lại đời sống phước hạnh của Gia-cốp. Ông trải nghiệm một đời sống mới, biết xây dựng gia đình và chăm lo sự nghiệp. Ông đã làm hòa lại với anh mình là Êsau. Ông đã có những lời dạy dỗ cho các con trai của mình cách rất khôn ngoan. Các con & cháu của Gia-cốp trở thành 12 chi phái hùng mạnh của dân Ysơraên sau nầy.
Kinh Thánh cho biết sự cứu rỗi luôn đi song song với sự phục vụ. Sự phục vụ là kết quả của đời sống đức tin đặt tăng trưởng trong Chúa (Gia-cơ 2:7, 26). Trong công việc nhà Chúa, ta không thể phục vụ Chúa và phục vụ người với bản tánh cũ của mình được. Phục vụ lẫn nhau đòi hỏi tình yêu thương chân thành, lòng tha thứ thật tình, và sự chấp nhận hoàn toàn. Khi phục vụ người chúng ta cần có 9 mỹ đức của Trái Thánh Linh trong Galati 5:22.
Trong hành trình đi Phi Châu năm 1700, Ông John Newton được Chúa thay đổi quan niệm kỳ thị chủng tộc đối với ngườI nô lệ da đen và sống bằng nghề buôn nô lệ. Sau đó, ông đã đầu phục Chúa hoàn toàn và cảm tác bài hát “Amazing Grace”. Người được Chúa biến đổi để phục vụ luôn nhận thấy rằng mỗi năm thái độ phục vụ của mình khác hơn và cách làm việc của mình cũng khác hơn. Mình không giải quyết vấn đề giống như xưa nữa!
Bạn có kinh nghiệm được Chúa biến đổi để phục vụ người không? Tôi mong rằng có. Vì nếu không, quý vị và các bạn rất khó phục vụ tha nhân cách lâu dài được. Gia-cốp đã được Chúa biến đổi tên, bản tánh, và sự phục vụ thể nào khi xưa thì chúng ta ngày nay cũng cần được quyền năng Chúa biến đổi thể ấy. Mong lắm thay.
Mục sư Lê Hồng Phúc
Địa chỉ liên lạc:
Hội Thánh Báp Tít Đức Tin
11312 Shiloh Rd., Dallas, TX 75228
(972) 270-1557
Facebook: Viet Faith Dallas; www.VietFaith.org
Email: mspeterhongle@gmail.com
Lễ Thờ Phượng lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật
Quản Nhiệm: Mục sư Peter Lê Hồng Phúc