Thời cơ quan trọng xuất hiện khi con người hoặc chọn tìm kiếm Ðức Chúa Trời hằng sống hoặc chọn “làm thỏa mãn” khát vọng này bằng cách quay sang một thần hay nhiều thần nào đó, để làm vơi đi lương tâm của họ. Có thể bây giờ bạn nghĩ, Tôi sống ở Phương Tây, thờ cúng các thần không phải là một phần văn hóa của chúng ta. Xin hãy kiên nhẫn với tôi; tôi sẽ chỉ cho thấy Phương Tây có nhiều ông thần khác nhau, không khác gì bất cứ nền văn hóa nào khác. Các thần này có nguồn gốc thế nào? Chúng ta phải nhớ loài người đã tạo ra tất cả các thần thánh và thần tượng. Con người bị buộc phải làm thỏa mãn cái nhận thức bẩm sinh về ông Trời, cộng với việc muốn làm hòa với ông Trời. Nếu một phiên bản thay thế của thần thánh được tạo ra, thì người làm ra nó sẽ quyết định điều nào là cần thiết để làm hài lòng thần ấy, và thần đó sẽ cung ứng hay cho phép bất cứ điều gì mà người tạc ra thần đó muốn - tất cả là chỉ nhằm làm thỏa mãn cái nhu cầm bẩm sinh là phải tôn thờ ai đó.
Bây giờ hãy nghe những gì Phao-lô nói tiếp: Vì họ đã biết Ðức Chúa Trời nhưng không tôn vinh cảm tạ Ngài là Ðức Chúa Trời, trái lại họ suy tưởng những chuyện hư không và lòng dạ ngu dốt của họ ra tăm tối. Tự cho mình là khôn ngoan, họ đã trở thành ngu dại, đổi vinh quang của Ðức Chúa Trời bất diệt ra giống như hình tượng của loài người hư nát, của chim trời, của thú đồng và loài bò sát. (Rô-ma 1:21-23). Ở đây không tập trung nói đến chuyện tạc các tượng thờ, mà trọng tâm là hậu quả của một nan đề sâu hơn - không thờ phượng Ngài là Ðức Chúa Trời. Ðến đây thì điều quan trọng là chúng ta cần xác định thế nào là sự “thờ phượng” thật. Nếu chúng ta suy nghĩ về ban hướng dẫn thờ phượng của hội thánh hát dẫn một “bài hát chậm rãi,” chúng ta sẽ hoàn toàn bỏ qua sứ điệp ở đây.
Ðịnh nghĩa đúng nhất về sự thờ phượng thật không phải là âm nhạc hay ca hát mà là sự vâng lời. Là tác giả đã viết một số cuốn sách, tôi biết khi tôi giới thiệu một thuật ngữ khá lạ lẫm trong một cuốn sách, tôi phải đưa ra định nghĩa của nó khi giới thiệu, bằng cách định nghĩa trực tiếp hoặc dùng cách nào để minh họa đầy đủ ý nghĩa của từ đó. Bất kỳ tác giả nào cũng đều như thế, Chúa cũng không khác biệt. Nếu bạn xem lần đầu tiên chữ “thờ phượng” xuất hiện trong Kinh Thánh thì đó là Sáng Thế 22:5. Áp-ra-ham nói với người đầy tớ của ông, cho họ biết điều mà ông và Y-sác sẽ làm trên núi. Áp-ra-ham nói: “Ta và Y-sác sẽ lên đó thờ phượng Chúa, rồi sẽ trở lại.” Ông đi lên đó để làm gì? Có phải để hát cho Chúa nghe một bài hát chậm rãi hay tụ họp một số nhạc sĩ và ca sĩ lại để hướng dẫn một buổi nhóm thờ phượng tại hội thánh không? Không phải. Ông lên đó để vâng theo những gì Chúa bảo ông làm ba ngày trước đó - dâng đứa con duy nhất của ông. Bản dịch NLT dùng từ “thờ phượng” trong Rô-ma 1:21, trong khi đó một số bản dịch khác dùng từ “tôn vinh” hay “tôn trọng.” Tất cả những chữ này có liên quan với nhau. Chúng ta tôn vinh Chúa và tôn trọng Ngài hay thẩm quyền của Ngài khi chúng ta vâng lời. Chúng ta hạ thấp hay không tôn trọng khi chúng ta không vâng lời. Chúng ta có thể dâng cho Chúa sự thờ phượng bằng môi miệng, có thể hãnh diện và ca ngợi, viết những bài hát và vân vân, nhưng nếu chúng ta không làm những gì Chúa muốn, chúng ta xúc phạm Ngài, tức là không thờ phượng hay tôn trọng Ngài.
Có lần Chúa đã phán với dân sự của Ngài, “Ta ghét, Ta khinh các ngày lễ của các ngươi, Ta không đẹp lòng các buổi nhóm họp trọng thể. Hãy cất xa khỏi Ta tiếng ca hát ồn ào, Ta chẳng muốn nghe tiếng đàn hạc của các ngươi! Nhưng hãy để cho sự xét xử công bình trào lên như nước, sự chính trực như dòng sông không hề cạn!” (A-mốt 5:21, 23-24). Ðời sống công bình là vâng theo thẩm quyền của Ngài, chứ không phải những gì chúng ta quyết định đời sống tin kính là phải thế. Vào thời Cựu Ước, Chúa chỉ bảo Môi-se về các của lễ nào được Ngài chấp nhận. Có rất nhiều loại của lễ mà dân sự Chúa có thể dâng Ngài như một hình thức thờ phượng: một con chiên (xem Xuất Hành 29:39-41), một con bò đực (xem Xuất Hành 29:10-14), của lễ chay (xem Xuất Hành 29:41), và nhiều của lễ khác. Họ cũng có thể dâng hương thánh là nhũ hương trong đền tạm và đền thờ như là một hình thức thờ phượng (xem Lê-vy Ký 2:2). Thế nhưng có lần Chúa phán: Tay Ta đã làm ra tất cả những vật này, vì thế chúng đều hiện hữu. Chúa tuyên bố như vậy. Ðây là kẻ Ta xem trọng: Người nhu mì, tâm thần hối cải và run sợ vì lời Ta phán. “Còn người giết một con bò để tế cũng giống như giết một người; Kẻ dâng một con chiên làm sinh tế giống như bẻ cổ một con chó; Người dâng tế lễ chay giống như dâng máu heo; Kẻ dâng hương tưởng niệm giống như người thờ tượng thần. Vì chúng đã chọn con đường riêng của mình và linh hồn ưa thích những điều ghê tởm”. (Ê-sai 66:2)
Ngài bắt đầu khi nói rõ rằng những người sẽ nhận phước hạnh của Ngài, tức những người run sợ trước Lời Ngài. Ðiều này mô tả một người đặt sự vâng lời là một vấn đề vô cùng quan trọng. Họ sẽ là những người mà Chúa sẽ để ý đến. Rồi Ngài quay sang những người chọn thờ phượng (vâng lời) Ngài theo ý riêng. Không chỉ hành động thờ phượng của họ bị khước từ, mà hành động đó tương đương với việc tế người (giết người máu lạnh), dâng một con chó, con heo và cầu phúc cho thần tượng. Những hành động này là ghê tởm trong mắt Chúa. Nếu ai đó thật sự dâng những thứ gớm giếc này hay phạm tội giết người, thì họ sẽ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng Y-sơ-ra-ên hay phải chịu hình phạt sự chết. Ðiều này rất nặng nề và mang tính quyết đoán! Vậy rõ ràng sự thờ phượng của họ không phải là sự thờ phượng, ngay cả là nó có phù hợp với những lời dạy về sự thờ phượng được ban bố trong sách Xuất Hành và Lê-vi-ký. Bản dịch The Message diễn ý thế này, “Hành động thờ phượng của các ngươi là hành động tội lỗi.” Hãy nhớ đây là dân sự giao ước của Ngài, những người đã nhận các lời hứa của Ngài. Tại sao họ lại nghe những lời báo trước như thế? Vì cớ họ thờ phượng theo cách của họ và không vâng lời Chúa.
Chúng ta cũng như vậy: Chúng ta có thể hát những bài hát cho Chúa, tham dự các buổi nhóm thờ phượng hay tuyên bố trung thành với Chúa, thậm chí làm theo các cách thức được quy định của Tân Ước. Nhưng nếu chúng ta không có nền tảng là sự vâng lời, thì sự thờ phượng của chúng ta thật sự không phải là thờ phượng. Chẳng phải chúng ta được dạy “Anh chị em phải sống như con cái vâng lời của Chúa” sao (1 Phi-e-rơ 1:14)? Vấn đề cốt lõi khác mà Phao-lô đề cập là họ không tạ ơn Chúa hay không biết ơn Chúa. Nếu chúng ta tin mình xứng đáng phải sống lối sống như thế, xứng đáng hưởng các lợi lộc vật chất hay mong ước có được một địa vị nào đó trong giáo hội thì chúng ta là chỉ sống chú tâm bản thân và rốt cuộc chúng ta thành người vô ơn. Nói cho cùng, chúng ta đã làm việc chăm chỉ, đã lên kế hoạch, đề ra những mục tiêu, đạt được những thành quả mơ ước, vì thế chúng ta có cảm giác tự mãn về công trạng của mình.
John Bevere (Giải Độc Siêu Nhân)