Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 81

CHẤP NHẬN

Người đáp lại rằng: Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình. (Gióp 2:10)

 

Cuộc đời của một Cơ-Đốc nhân cũng trải qua nhiều thăng trầm như bất cứ một người nào sống trong thế gian này. Không phải ở trong Chúa là mọi thứ hanh thông, bình tịnh, chẳng có gì phải bận lòng; điều khác nhau là tôi đón nhận mọi sự một cách bình thản hơn, có thể đủ sức mạnh của một đức tin khá vững vàng, cũng có thể là cam chịu theo ý muốn của Chúa. Tuy nhiên, nếu ở vào hoàn cảnh của tiền bối Gióp thì chắc tôi khó có thể giử được một tinh thần không một chút xao động trước mọi tấn công vây quanh.

Tôi nhắm mắt lại để thấy mình như đang đứng trước một ông Gióp bệnh hoạn, ung nhọt từ đầu đến chân, ông ngồi trên đống tro và dùng mảnh sành để gãi ngứa. Một ngày, hai ngày, rồi một tuần, một tháng … mỗi ngày ông phải sống trong ngứa ngáy và đớn đau như bất tận. Bệnh tật chẳng cần phải nguy kịch nhưng kéo dài có thể làm cho tinh thần tôi nao núng rồi suy sụp dần. Ngay khi chớm thấy mình lâm bệnh hay có nguy cơ mắc bệnh, tôi đã lập tức cầu xin với Chúa cho được thoát ra khỏi. Rồi ngày qua ngày, nếu tôi phải sống cùng bệnh tật, một bệnh kéo dài hay một căn bệnh nan y, hi vọng được chữa lành của tôi mỏn dần và tôi chỉ còn hi vọng bám víu vào một phép lạ. Tôi không dám trách cứ Chúa như người đời này, nhưng trong nín lặng, lòng tôi có những lời than vãn, nghi vấn hay phiền muộn vì hình như là Chúa chẳng nghe lời cầu xin khẩn thiết của tôi. Nếu tôi là Gióp, chắc tôi sẽ càng bị giao động hơn. Tôi là người kính thờ Chúa hết lòng, tôi là người được ơn trong đời sống, tôi được tôn trọng giữa mọi người … bây giờ tôi không hơn gì một tên ăn mày hôi hám, bệnh tật và hình như là vì một lỗi nào đó tôi đang bị Chúa trừng phạt. Trong hoàn cảnh thay đổi hoàn toàn như vậy, tôi làm sao tránh khỏi “phạm tội bởi môi miệng mình”.

Lòng kính yêu Chúa của tiền bối Gióp càng được bày tỏ kiên định khi phải sử dụng đến quyền gia trưởng của mình. Lúc phu nhân ông có một để nghị trái khuấy, lập tức ông lên tiếng răn dạy ngay: “ngươi nói như một người đàn bà ngu muội”. Khi còn trong tay mọi thứ trên đời này, cái uy quyền đó được mọi người cung kính phục tùng; đến khi thân bại danh liệt thì khó lắm mà lớn tiếng với ai. Trong hoàn cảnh thê thảm của ông Gióp, chắc chắn là phải nhờ đến một tay vợ mình để quán xuyến mọi việc, kể cả chăm sóc cho mình; ngày qua ngày sức mạnh gia trưởng có thể giảm dần đi. Điều đó đã không xãy ra với gia đình Gióp, và khi phải có một quyết định quan trọng, ông vẫn đứng về phía Đức Chúa Trời của ông không một chút nhân nhượng. Lòng kính yêu Chúa của tôi có được như vậy không nếu phải đối diện với nghịch cảnh?

Tôi phải học tập nhiều lắm để được như Gióp. Bây giờ tôi vẫn còn có cơ hội để sửa mình trong những bài tập nhỏ của Chúa. Có lẽ nên lấy lời của tiền bối để làm một châm ngôn nhắc nhở tôi luôn mỗi ngày: Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?

Tôi phải có một lòng kính yêu Chúa như tiền bối Gióp xưa kia để được Chúa khoe rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng? (đọc thêm Gióp đoạn 1 và 2).