Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 158

Cơn Rét

Từ bài giảng luận "Gương Phục Vụ"

CN July 27, 2014 - Hội Thánh North Hollywood

Đức Chúa Giê-xu ra khỏi nhà hội, vào nhà Si-môn. Bà gia Si-môn đang đau rét nặng lắm. Người ta xin Ngài chữa cho, Ngài bèn nghiêng mình trên người, truyền cho cơn rét, rét liền lìa khỏi. Tức thì người chờ dậy hầu việc. (Lu-ca 4:38,39)[đối chiếu với Ma-thi-ơ 8:14,15 và Mác 1:29-31]

Một mẫu tin ngắn nhưng tường thuật đầy đủ về phép lạ Đức Chúa Giê-xu chữa lành bệnh rét cho bà gia của Si-môn Phi-e-rơ, thật tròn trịa với những thông tin chính xác. Tôi được nghe nhắc lại tinh thần phục vụ của người được chữa lành và nhất là sự làm việc không ngừng nghỉ của Đức Chúa Giê-xu. Không có nhiều chi tiết để mô tả phép lạ này, không có những lời hỏi, lời phán, Ngài chỉ "truyền cho cơn rét"; cũng chẳng thấy người bệnh bày tỏ đức tin của mình, chỉ có kết quả "tức thì người chờ dậy hầu việc". Mọi việc xảy ra có thể diễn tả bằng hai chữ được dùng trong câu chuyện gói gọn với vài ba câu ngắn ngủi này: " tức thì". Dầu vậy, điều đó không đủ mạnh để làm cho tôi tập trung, đôi mắt tôi lưu lại trên hai chữ khác: "đau rét". Căn bệnh thể xác của bà gia Phi-e-rơ có can dự gì đến tôi? Cơn rét đó có thể hiện đang hoành hành trong tôi, không phải trong thể xác mà nó làm tinh thần, tâm thần tôi kiệt quệ.

Cơn rét không hủy hoại thói quen hay tinh thần lăn xả vào công việc của người phụ nữ đảm đang này. Nó cũng chẳng làm suy giảm chút nào tài nghệ tề gia nội trợ của bà; cũng không làm sứt mẻ lòng hiếu khách, quý mến người thầy đáng kính ghé bước vào nhà mình sau một ngày bận rộn. Cơn rét chỉ khiến bà không làm sao chổi dậy khỏi giường và cứ phải vật vả với cái lạnh buốt từng cơn từ bên trong cơ thể. Cơn rét tâm linh lại không hạ gục tôi ngay khi thâm nhập, nó cứ từ từ tiệm tiến, chậm rải thẩm thấu vào mọi ngỏ ngách của lòng tôi, gặm nhắm nhây nhưa làm tôi yếu dần. Không ào áo kéo đến như giông bảo, cơn rét đó nhỏ nhẹ như những giọt nước tí tách kiên nhẫn rơi từng giọt từng giọt, để về lâu về dài làm loang lổ vầng đá trung tín, bào mòn sự kiên trì và làm cạn kiệt năng lực cống hiến của tôi cho công việc nhà Chúa.

Tôi sẽ hơi cường điệu và sẽ lập luận hồ đồ một chút khi nói về chứng đau rét tâm linh này. Tôi sẽ không gọi nó với một định danh hay có định hình cụ thể nào khác ngoài hai chữ khá tượng hình "cơn rét". Thánh Kinh sẽ nói thay cho tôi qua vài con người được nhắc đến, để tôi dựa vào đó mà luận cổ suy kim.

Đại tiên tri Ê-li từng một mình trực diện và đấu với cả một tập đoàn hùng hậu của các tiên tri Ba-anh, người đã chiến thắng vẻ vang để chứng minh trước toàn dân về sự hiện hữu đáng kính sợ của Đức Giê-hô-va. Thế mà sau đó, chỉ nghe một lời hù dọa của hoàng hậu Giê-sa-bên, "Ê-li sợ hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình" (1Các Vua 19:3). "Cơn rét" chợt đến làm thay đổi tất cả. Ê-li, tiên tri của Đức Chúa Trời sẵn sàng quên thân mình để danh Giê-hô-va được tôn cao trước mặt dân sự, lại chạy trốn để cứu lấy mạng sống mình. Còn khó hiểu hơn nữa, sợ chết dưới tay hoàng hậu gian ác kia, lại nằng nặc đòi Chúa cất lấy mạng sống mình đi với lý do "đã đủ rồi!". Tôi không dám sánh mình với tôi tớ lớn của Chúa, nhưng trong một phạm trù nhỏ hơn với những biến cố nhẹ nhàng hơn, tôi vẫn không thoát khỏi "cơn rét" mà đại tiên tri đã từng trải.

Tôi cũng muốn nhắc đến tiên tri Giô-na. Hãy nghe lời người nói với Chúa Giê-hô-va: "Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ" (Giô-na 4:2) và ông yêu cầu được chết vì "chết còn hơn sống". Tôi cũng chưa bao giờ phải ở trong hoàn cảnh như tiên tri ương ngạnh này, nhưng không ít khi tôi chẳng hiểu được Đức Chúa Trời mà tôi hết lòng kính thờ. Tôi chỉ nghỉ đến cái tôi to đùng rồi cứ "sống gần như chết", cho dù tôi không mất gì đáng kể trong sự cho phép của Chúa. "Cơn rét" làm tôi nguội lạnh với xung quanh rồi. Than ôi!

Một hình ảnh khác rõ ràng hơn, tôi đọc lại chuyện "Người Sa-ma-ri nhân lành". Không chỉ như một ẩn dụ, hay một câu chuyện của tưởng tượng, nhưng đó có thể là một hoàn cảnh thực tại không quá hiếm thấy. Tôi vô tâm như thấy tế lễ kia, hay phớt lờ như người Lê-vi nọ trước một việc phải động lòng, lưu ý và có hành động thích ứng? "Cơn rét" vô cảm được tôi biện minh bằng những lý do rất hợp lý để phủi bỏ trách nhiệm. Tôi nhìn và biết hết, nhưng tôi chẳng muốn chạm tay vào vì nghỉ rằng đó là công việc của người khác, hay mình không làm thì anh em cũng sẽ làm thôi. "Cơn rét" khiến mọi ân tứ tôi sở hữu đều ngưng đọng.

Và nếu lại nói đến các thấy thông giáo và người Pha-ri-si, "cơn rét" khiến họ bị Đức Chúa Giê-xu lên án hết sức nặng nề, đã được ghi chép trong Phúc âm Ma-thi-ơ đoạn 23. Có bao giờ tôi muốn nhắc đến những hạng người như thế, nhưng tôi ơi! Trong một chừng mực, tôi hành động chẳng khác gì họ bao nhiêu.

Tóm lại, "cơn rét" làm tôi bó tay. Nếu may mắn tôi có được anh em "tức thì thưa với Chúa về chuyện của tôi" (Mác 1:30), Chúa sẽ đến đứng bên giường bệnh, "Ngài bèn nghiêng mình trên người, truyền cho cơn rét, rét liền lìa khỏi". Tôi tin như vậy!