Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 201

Nhịn Nhục Chịu Khổ

Từ bài giảng luận "Lòng Thương Xót và Nhân Từ"

CN May 24, 2015 - Hội Thánh North Hollywood

Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. (Gia-cơ 5:11a)

[đọc Gia-cơ 5:7-11]

Không có gì để nói thêm về lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ Ngài đã chọn để riêng ra giữa thế gian này, nhất là đối với những ai bền lòng, nhịn nhục chịu khổ, giữ lòng trung tín với Chúa cho đến cuối cùng. Vấn đề của tôi không chỉ gói gọn trong hai chữ "nhịn nhục", mà là tôi có sẵn sàng đối diện hoàn cảnh khắc nghiệt với lòng nhịn nhục chịu khổ vì Danh Chúa, đó mới là điều phải quan tâm.

Trước nhất, đây không phải là lâu lâu gặp chuyện vặt vãnh không thuận ý, hay đôi khi phải đối diện với vài trường hợp chẳng lành, mà tôi có cả một cuộc đời luôn chuẩn bị trong tư thế nhịn nhục để gánh lấy cái khổ nạn của người được biệt riêng ra cho Chúa; đó là điều được Gia-cơ diễn tả là : "hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến", "hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi" (câu 7a, câu 8). Tôi không biết là bao giờ Chúa sẽ trở lại trên thế gian này, phần tôi cũng như những người mang danh Chúa khác, phải luôn học tập nhịn nhục chịu khổ cho đến khi được gặp Chúa, sớm hay muộn tùy theo sự nhân từ và thương xót của Ngài. Không dễ dàng cho một cuộc đời gian truân như vậy.

Trong tinh thần đó, hãy xem các gương, cũng có thể là những cung bậc từ căn bản đến nâng cao, được nêu ra trong lời khuyên răn khá đặc biệt này, hi vọng mọi người sẽ đồng ý với tôi rằng Cơ-Đốc Nhân không phải chỉ đơn thuần "nhịn nhục" mà là "nhịn nhục chịu khổ".

"Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quý báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa" (câu 7). Tôi biết chắc là công khó của tôi trong Chúa không bao giờ vô ích, sẽ có một kết quả có hậu, Chúa dành phần thưởng ở cuối đường chạy tâm linh cho tôi rồi. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không thể chủ động đó là lúc nào ở tương lai. Tôi không thể hoạch định theo ý muốn, không thể thúc hối Chúa sớm kết thúc hay gia hạn thêm cho công trình của riêng tôi. Tất cả với Chúa đều có kỳ đã định, chính vì thế phần tôi phải luôn nhịn nhục chờ đợi. Khổ lắm! càng phải chờ càng có nhiều dịp để lòng tôi không bền, để trái nhịn nhục trong tôi bị sâu mọt làm cho suy thoái. Đó cũng là cái khổ.

"Hỡi anh em, chớ oán trách nhau, hầu cho khỏi bị xét đoán; kìa, Đấng xét đoán đứng trước cửa" (câu 9). Tôi là một phần chi thể của Đấng Christ, tôi không sống an nhiên tự tại riêng mình một cõi, tôi có một tương quan vô cùng mật thiết với anh em tôi trong Chúa. Vì thế mới nảy sinh nhiều tình huống mà tôi phải sẵn sàng chấp nhận với thái đội nhịn nhục và chịu khổ vì anh em. Hơi khó hơn rồi đó.

Tiến thêm một bước, "hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình" (câu 10). Ngày nay, không phải ai hầu việc Chúa đều là những người phải chịu khổ, nhưng hãy nhìn đến các tiên tri của Chúa trước kia được nhắc đến trong Thánh Kinh. Họ là những người phải nói lại những điều sẽ xảy đến ở tương lai và không hay ho gì với một dân sự cứng đầu cứng cổ. Tôi tớ Chúa vâng theo lời dạy của Chúa để đi ra, và họ cũng sẵn sàng nhịn nhục chịu khổ khi một mình đối đầu với những thế lực không thân thiện. Tôi không thể trốn tránh những công việc Chúa giao cho tôi làm trong nhà Chúa, tôi cũng là một đầy tớ nhỏ được Chúa sai góp phần trong chương trình quá tầm hiểu biết của tôi. Và như thế, tôi cũng phải học nhịn nhục chịu khổ như các đấng tiên tri đi trước, để trung tín và không một lời than vãn với Chúa khi gặp nghịch cảnh trong mức độ Chúa cho phép. Có nhiệm vụ thì sẽ phải nhịn nhục chịu khổ hơn.

Còn đây mới là tuyệt đỉnh của sự nhịn nhục chịu khổ: "Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp" (câu 11b). Tôi không gộp chung phần kết thúc của biến cố này, bởi có thể lắm tôi sẽ có cớ để nhịn nhục chịu khổ chỉ với mục đích thu lợi về gấp đôi những gì tôi chịu khó bỏ ra ngay bây giờ. Tôi muốn nói đến việc chịu khổ, nhịn nhục chịu khổ mà chẳng hề biết lý do tại sao Chúa lại đối xử với mình đến mức tàn tệ như thế, nói theo cách suy diễn rất là loài người của tôi. Câu trả lời Đức Chúa Trời dành cho Gióp là Chúa có toàn quyền hành động theo ý muốn của Ngài, và điều đó luôn quá sức tưởng tượng của tôi. Nếu một sự cố nghiêm trọng đến độ có thể đánh gục sự bền lòng nhịn nhục chịu khổ của tôi, tôi sẽ không để cho một thoáng suy nghĩ hay lời lẻ thường tình khiến tôi phạm tội với Đấng Toàn Năng? Nói thì dễ, nhưng nếu ở trong hoàn cảnh của Gióp, khó ai mà chịu cho thấu. Đức Chúa Trời sẽ không đưa tôi vào những hoàn cảnh quá sức chịu đựng của tôi, so ra thì nhẹ nhàng hơn nhiều lần, nhưng tôi có học được sự nhịn nhục chịu khổ như tiền bối?

Còn một điều nữa, cũng khổ lắm đây: "Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước". Tiêu chuẩn "phước" trong Chúa không giống như kiểu cách thế gian này và tôi mong đợi. Tôi phải thay đổi tư duy thôi để hợp với điều Chúa răn dạy. Khi tôi thật sự đặt trọn cuộc đời mình trong tay Chúa, tôi sẽ sống được, sống tốt, và sống có kết quả bằng năng lực từ lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời, và tôi xem việc nhịn nhục chịu khổ là lẽ đương nhiên vì mọi sự đều là sự cho phép của Chúa để ích lợi hơn cho người được gọi và được Chúa yêu thương.