Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 895

Đừng Bao Giờ Bỏ Cuộc

Tại sao Phaolô lại nói về thế hệ chúng ta ? Tại sao ông nhắm tới những biểu hiện này trong việc mô tả thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử khi bước đi với Chúa ? Câu kế tiếp cung cấp câu trả lời: "Giữ hình thức tin kính bề ngoài, nhưng lại chối bỏ quyền năng của đức tin" (2Ti 3:5). Phaolô nói khó khăn lớn nhất bắt nguồn từ những "tín hữu" thoả hiệp lẽ thật. Cùng với các trước giả khác của Tân ước, sứ đồ cảnh báo trước rằng, vào thời đại chúng ta, một phần trăm rất lớn cơ đốc nhân xưng là "được tái sanh" sẽ không đứng vững trong ân điển Chúa. Họ sẽ bám lấy sự thật rằng họ được cứu bởi ân điển, tuy nhiên họ từ chối quyền năng của ân điển biệt riêng họ ra làm những chiến sĩ trung kiên của Nước Chúa.

Những người này là những người "gác chèo". Họ có thể cố chèo ngược dòng, nhưng họ lại xuôi theo dòng đời. Còn tệ hơn nữa, khải tượng tôi thấy có các thuyền bạn chở đầy những người này. Niềm tin khắn khít của họ làm cho sự lừa dối càng nguy hiểm hơn và thuyết phục hơn. Họ không chỉ tự lừa dối họ mà cũng dẫn dụ người khác và khiến cho nhiều tín đồ thành thật vấp ngã. Đây là khó khăn Phaolô nói đến.

Ngày nay chúng ta đối diện với một cuộc chiến khác. Tôi tin cuộc chiến khốc liệt nhất mà chúng ta đối diện trong những ngày sau cùng này là việc vô luật pháp. Việc vô luật pháp giảng dạy một sự cứu rỗi mà không mong đợi sự thay đổi lối sống. Người ta sống đời sống cơ đốc nhân không khác gì trước lúc họ chưa tin Chúa, nhưng bây giờ họ là một phần của "câu lạc bộ", mang cùng một "cái mác", nói cùng ngôn ngữ của câu lạc bộ, như các thuyền bạn nhắm chèo xuôi dòng. Chúng ta không còn kiên định trong đức tin nơi Chúa và trong sự vâng theo đường lối Ngài nữa.

Chúa Giê-su cảnh cáo rằng trong những ngày sau cùng, "Vì sự gian ác sẽ gia tăng nên tình yêu thương của nhiều người cũng phải nhạt dần. Nhưng ai kiên trì chịu đựng cho đến cùng sẽ được cứu rỗi" (Mat 24:12-13). Nhưng khoan đã ! Tội lỗi (sự gian ác) lan tràn khi Chúa Giê-su phán những lời này. Điều gì khiến thời đại chúng ta khác trước đây ? Sự thật gây sốc là Chúa Giê-su không nói về xã hội nói chung; Ngài đang nói về những ai xưng là theo Chúa. Ngài làm chứng rằng tội lỗi sẽ tràn lan giữa vòng những người tự xưng là cơ đốc nhân trong thời đại chúng ta. Tại sao Ngài kết thúc lời phán này bằng câu "nhưng ai kiên trì chịu đựng cho đến cuối cùng sẽ được cứu rỗi"? Bạn không thể nói với người không tin, "Nếu anh chị chạy xong cuộc đua thì anh chị sẽ được cứu," vì người đó đâu có ở trong cuộc đua đâu. Tuy nhiên, bạn sẽ nói với những tín hữu đã ở trong đức tin rồi, tức những người đã bắt đầu cuộc đua, "Nếu anh chị chạy xong cuộc đua thì... " Từ quan trọng Chúa Giê-su dùng là kiên trì chịu đựng. Mà kiên trì chịu đựng nghĩa là có sự chống đối, sự kháng cự hay sự khó khăn bám theo lẽ thật. Chúng ta phải không nao sờn để kết thúc tốt đẹp.

Tôi tin cuộc chiến khốc liệt nhất mà chúng ta đối diện trong những ngày sau cùng này là việc vô luật pháp. Theo ánh sáng này, thư tín thứ hai Phaolô gởi Timôthê đáng cho chúng ta để ý :

Trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Chúa Cứu Thế Giê-su, là Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, khi Ngài trở lại làm vua tể trị vũ trụ, ta long trọng truyền bảo con : Hãy kiên trì rao giảng lời Chúa, dù gặp thời hay không, khi thì nài khuyên thuyết phục, khi thì khiển trách, khích lệ; hãy dạy dỗ với tất cả lòng nhịn nhục và quảng đại. Vì sẽ đến thời kỳ người ta không chịu nhận giáo lý chân chính, nhưng chiều theo dục vọng mà quy tụ nhiều giáo sư quanh mình để dạy những điều êm tai. Họ ngoảnh tai đi không chịu nghe chân lý nhưng lại hướng về chuyện hoang đường. (2Ti 4:1-4). "Trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Chúa Cứu Thế Giê-su,... ta long trọng truyền bảo con." Phaolô nói cho đệ tử của ông biết không có mạng lệnh nào trọng yếu hơn mạng lệnh này. Mạng lệnh này là gì ? Công bố và giảng dạy Lời Đức Chúa Trời. Không phải là giảng dạy triết lý, nguyên tắc lãnh đạo thế tục, những kỹ năng sống hay bất kỳ sách vở nào hợp thời. Không, mạng lệnh là phải giảng Lời đời đời.

Tại sao ? Vì thời hầu đến (và tôi tin thời kỳ này đã đến hiện nay) khi những người lừa dối và những kẻ bị lừa dối không chịu nghe giáo lý của Kinh Thánh. Buồn thay, tôi đã chứng kiến nền tảng thuộc linh (Kinh Thánh) của chúng ta bị chuyển đổi để hợp với trào lưu và thời đại. Điều này vượt khỏi tầm kiểm soát khi mà một mục sư của hội thánh lớn đứng trước hội chúng tuyên bố rằng ông là người đồng tính, và nhận được sự ủng hộ. Một mục sư khác tuyên bố Chúa không còn chữa lành và tín đồ ông tin ông hơn là tin Lời Chúa. Một mục sư khác nữa là tác giả của một cuốn sách tuyên bố mọi người cuối cùng đều được lên thiên đàng – không một người nào bị thiêu đốt trong hồ lửa đời đời – và ông này vẫn là "ngôi sao sáng" trong cơ đốc giáo. Một mục sư khác thách thức sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh và sự tái lâm của Chúa Giê-su mà vẫn được người ta tung hô là nhà lãnh đạo của đức tin cơ đốc. Ngày càng có nhiều người như thế nổi lên giữa vòng "cơ đốc nhân".

Những cuộc khảo cứu mới đây giúp chúng ta hiểu thêm những chuyện sai lạc này. Theo một cuộc khảo cứu quốc gia, chỉ 46 phần trăm cơ đốc nhân được tái sanh tin lẽ thật tuyệt đối. Hơn 50 phần trăm tín đồ tin lành tin người ta có thể lên thiên đàng qua con đường khác hơn là sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-su. Chỉ 40 phần trăm cơ đốc nhân được tái sanh tin satan là có thật.

Sao mà chuyện này xảy ra được ? Câu trả lời được tìm thấy trong lời Phaolô viết cho Timôthê : "Họ không thích nghe giáo lý Kinh Thánh."

Chân lý không thay đổi để "chiều theo" những ai muốn phạm tội. Chân lý không hùa theo tham dục, sự tiện lợi hay "mánh khoé" của con người. Ngược lại Con Đức Chúa Trời công bố, "Cổng hẹp và đường nhỏ dẫn đến sự sống" (Mat 7:14). Bây giờ người ta thích giữ cho mình những giáo sư lìa bỏ giáo lý Kinh Thánh. Những người giảng dạy xảo trá này đã tạo ra một tin lành nhằm hòa đồng với băng hoại đạo đức của nền văn hóa của chúng ta. Chân lý không còn nhào nặn đời sống tín hữu nữa, nhưng trái lại nó bị nhào nặn và giải nghĩa theo những trào lưu văn hóa. Tại sao ? Vì tai của họ thích nghe những lời cho phép chúng ta "làm bạn" với thế gian hơn là "ra khỏi nó và phân rẽ khỏi nó" (2Cô 6:17). Nhiều tín đồ cảm nhận sự thôi thúc của Thánh Linh khi lúc đầu họ bắt đầu đùa giỡn với sự thoả hiệp. Tuy nhiên, do vô số người trôi theo dòng trên các thuyền bạn, nên cuối cùng nhiều người dập tắt tiếng nói của Thánh Linh, đóng tai họ lại và trở nên chậm nghe chân lý. Không ai bắt bạn bỏ cuộc; bạn là người duy nhất đưa ra quyết định đó. Nên đừng bỏ cuộc.

Phần thưởng cho sự chiến thắng, cả ở đời này lẫn đời sau, còn lớn hơn nghịch cảnh hay khó khăn bạn đối diện. Như Chúa Giê-su nói, "Kiên trì đến cuối cùng sẽ được cứu rỗi."

JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)