Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 920

Trách Nhiệm Của Một Quản Gia

Tôi thường nhớ lại câu nói: "Được sinh ra để tiếp tục sinh sản". Đức Chúa Trời đã ban cho con cái Ngài một phương pháp kỳ diệu gọi là sự nhân bội thuộc linh để đem sứ điệp của tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài trong Đấng Christ đến cho mọi người đang sống. Khuôn mẫu đáng kinh ngạc của cây dâu minh họa tuyệt vời cho quan niệm này. Vươn ra từ cành chính là nhiều mầm xanh dẻo dai gíống những cánh tay hướng ra mọi ngã. Mỗi một mầm mảnh khảnh nầy vươn ngang qua sáu inch đất cho đến khi nó thâm nhập được vào đất và tự tạo rễ cho mình. Vì vậy mỗi cuống trở nên một cây dâu mới. Cho đến khi cây non nầy tự nuôi được mình, nó nhận sự sống và chất dinh dưỡng từ cây mẹ qua một cành nối. một khi nó đã tự đứng vững và tăng trưởng, cây non đó bắt đầu nẩy ra các cành nối riêng của nó, tự tái tạo gấp nhiều lần hơn.

Sự nhân bội thuộc linh chỉ đơn giản có nghĩa chinh phục người khác cho Đấng Christ, gây dựng họ trong đức tin Cơ Đốc, rồi sai họ đi ra để chinh phục và môn đồ hóa người khác cho Đức Chúa Giê-xu Chúa chúng ta từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Câu chuyện của hai gia đình giáo sĩ định cư tại Oregon Territory năm 1836 truyền giáo cho những người dân da đỏ Cayuse và Nez Perce đưa ra một gương mẫu cảm động.

Cơn Thức Tỉnh Vĩ Đại Thứ Nhì vào đầu thế kỷ 19 và việc khai mở các vùng định cư phía tây sản sinh ra những nhà truyền giáo dũng cảm dâng mình cho việc truyền bá Phúc Âm giữa vòng những người da đỏ. Được dẫn dắt bởi một tinh thần phiêu lưu và cương quyết, gia đình Whitmans và Spauldings là tiêu biểu cho các nhà tiên phong đức tin nầy. Hướng về Oregon vào mùa xuân 1836, họ nóng lòng trông đợi việc cải đạo cho những người da đỏ ở Mỹ. Chuyến hành trình gian khổ làm họ hầu như mất hết hành lý. Khi đã đến Oregon rồi gia đình Whitmans định cư tại Waiilatpu, một thung lũng xanh tốt và là quê hương của những người da đỏ Cayuse. Gia đình Spauldings định cư giữa vòng người Nez Perce tại Lapwai, một vùng núi khô khan hoang vắng.

Thoạt đầu, cả hai cặp vợ chồng đều chẳng có nhiều thời gian cho việc truyền giảng. Sống cách xa nhau, họ tận dụng thời gian xây dựng chỗ trú ẩn cho những tháng mùa đông sắp đến. Một khi đã định cư rồi, gia đình Whitmans và gia đình Spauldings bắt đầu công tác truyền giáo cùa họ. Đúng lúc ấy gia đình Whitmans lãng quên sự kêu gọi của mình và trở nên những nông gia thịnh vượng. Những cánh đồng được canh tác tốt trong đồn điền của họ nổi bật lên so với công cuộc truyền giáo khiêm tốn của gia đình Spauldings.

Do nhu cầu của những người di cư da trắng. Marcus Whitman bán sản phẩm của mình cho họ khi họ đi ngang qua. Vợ ông, Narcissa, mất sự hứng khởi và sự sốt sắng ban đầu dành cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và trở nên trầm lặng và phiền muộn. Mặc dầu Marcus làm việc một cách hi sinh giữa vòng những người da đỏ với tư cách mục sư và bác sĩ, họ ganh tị sự thịnh vượng của ông. Ngay cả khi ông cố gắng giúp đỡ người Cayuse khi một trận dịch tàn phá làng mạc của họ thì họ lại tin rằng ông ấy cố ý đầu độc họ. Cuối cùng, một chiều tháng Mười Một ảm đạm năm 1847 những người da đỏ tấn công trang trại Whitman và tàn sát mười bốn trong số bảy mươi hai người sống ở đó. Marcus và Narcissca thuộc trong số những người bỏ mạng đó. Trong khi đó, Henry Spaulding đã thiết lập được một hội thánh phát triển giữa vòng những người Nez Perce. Vợ ông, Eliza, điều hành một trường dành cho trẻ em và soạn những sách tô màu bằng tay cùng dịch thánh ca sang ngôn ngữ của họ. Dầu bị chống đối trong chức vụ, họ gặt được một mùa gặt linh hồn. Tuy nhiên, do vụ thảm sát, quân đội Mỹ ra lệnh cho mọi nhà truyền giáo phải ra khỏi vùng lãnh thổ nầy. Mãi đến hai mươi bốn năm sau Henry Spaulding mới có thể trở lại cánh đồng truyền giáo. Công khó của ông giữa vòng những người da đỏ sanh nhiều bông trái, chẳng bao lâu sau dẫn đến một cuộc phục hưng. Một trường huấn luyện được thiết lập và cuối cùng người Nez Perce bắt đầu truyền giáo cho các bộ tộc da đỏ khác. Một quản gia trung tín sẽ không đi trệch khỏi sự kêu gọi của mình. Thay vào đó, người ấy sẽ khôn ngoan và rộng lượng đầu tư nguồn tài nguyên Đức Chúa Trời đã ban cho việc mở mang vương quốc.

Quản Lý Thì Giờ, Khả Năng, Tài Sản Một quản gia trung tín cũng quản lý thì giờ, khả năng và tài sản để đạt được hiệu quả tối đa trong việc làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện về người nông dân nói với vợ là mình sẽ đi cày lô "bốn mươi phía nam". Ông dậy sớm để tra dầu cho máy kéo. Cần nhiều dầu hơn, vì vậy ông đi ra tiệm để mua. Trên đường đi ông thấy mấy con heo cần được cho ăn. Ông đi vào kho thóc tại đó ông tìm được ít bao cám heo. Mấy túi cám heo nầy nhắc ông rằng khoai tây đang nẩy mầm. Rồi sau đó khi ông bắt đầu đi lại chỗ hầm khoai tây, ông đi ngang qua một đống củi và nhớ rằng vợ mình cần một ít củi trong nhà. Khi ông nhặt mấy que củi, một con gà bịnh chạy qua. Ông bỏ củi xuống và bắt con gà lên. Khi đêm đến, người nông dân nản chí nầy thậm chí còn chưa đến được chỗ cái máy kéo, huống hồ nói đến cánh đồng. Bạn có bao giờ dự định làm một điều gì đó bạn biết là quan trọng nhưng lại thấy mình bị lôi cuốn bởi những nhiệm vụ khác, khiến bạn không thể hoàn tất được mục tiêu chính của mình không ?

Thời gian là một món quà tặng của Chúa, và chúng ta phải sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Lời Ngài ghi lại trong Ê-phê-sô 5, "Hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu" (Ê-phê-sô 5:15-16). Đức Chúa Trời biết điều chúng ta phải hoàn tất ngày hôm nay. Tôi thích bắt đầu mỗi ngày trên đầu gối mình. nhận biết rằng Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa của cuộc đời tôi và vì vậy là Chúa của thì giờ tôi. Tôi xin Ngài giúp đỡ tôi đánh giá và sắp xếp các ưu tiên của mình.

Chức vụ quản gia về khả năng của chúng ta cũng quan trọng tương tự. Đức Thánh Linh đã ban cho mỗi một chúng ta ít nhất một ân tứ thuộc linh (I Cô-rinh-tô 12:7). Chúng ta hẳn là những quản gia tồi nếu bỏ qua khả năng đặc biệt đó.

Thường thường người ta từng hỏi tôi: "Sự khác biệt giữa một ân tứ thuộc linh và khả năng tự nhiên là gì?" Sự khác biệt không phải lúc nào cũng rõ ràng. Mọi ân tứ thuộc linh và khả năng tự nhiên đều đến từ Đức Chúa Trời. Dầu khả năng của chúng ta có bắt nguồn từ một ân tứ thuộc linh hay là từ một khả năng tự nhiên thì cũng không mấy quan trọng. Đức Chúa Trời trông mong chúng ta phát triển ân tứ hay tài năng đó đến hết mức qua sự kiểm soát và ban quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngài đòi hỏi chúng ta thực thi nhiều kỷ luật và làm việc chăm chỉ khi sử dụng khả năng của mình theo ý chỉ của Đức Chúa Trời và vinh hiển Ngài. Có lẽ Ma-thi-ơ 6:21 ghi lại lẽ thật đơn giản nhất về sự cam kết của chúng ta cho chức vụ quản gia : Của cải các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó. Một người có thể xác định nhiều về đời sống thiêng liêng của một Cơ Đốc Nhân qua những điều người ấy chất chứa. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc cho thấy rõ ràng sự cam kết thuộc linh của mình vì tấm lòng của chúng ta ở đâu thì tài sản chúng ta sẽ đi theo đó.

BILL BRIGHT