Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 34

Mùa Xuân Đến, Gẫm Suy Về Thời Gian Và Đời Người

Vậy là mùa Xuân lại về với đất trời, với con người theo đúng chu kỳ của Tạo Hoá đã ấn định cho nó. Chẳng ai có thể chắn được "nẻo Xuân sang", không cho Xuân đến để khỏi thêm tuổi, thêm già, và cũng chẳng ai có khả năng "níu mùa Xuân ở lại" để Xuân không qua mau mà còn vui chơi cho thoả thích.

Thi sĩ Chế Lan Viên ngày xưa đã từng cố gắng hô hào, kêu gọi mọi người:

"Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!"

nhưng... "lực bất tòng tâm", nên mùa Xuân vẫn cứ đều đặn mà đến với con người chúng ta rất đúng hẹn theo như luật định của Tạo Hoá.

Sau Lễ Giáng sinh là đến ...Tết. Giáng sinh vừa trôi qua và nay mọi người đang hân hoan đón chào năm mới 2016 và Xuân Bính Thân. Mùa Xuân đang đứng trước cửa nhà, cửa lòng của chúng ta. Ai nấy đều háo hức, rạo rực đón Xuân về. Và xuân đã về thật rồi trong sự vui mừng đón chào của nhiều người, trừ một số người không thích mùa xuân như thi sĩ họ Chế ngày nào:

"Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau."

Tôi thích mùa Xuân lắm. Còn bạn có thích mùa Xuân không?

Dù thích hay không, thì chúng ta cũng đều phải đón Xuân sang thôi phải không bạn?

Lại một năm nữa vừa trôi qua và lại một năm mới nữa lại đến với chúng ta.

Đứng trước thềm năm mới, bạn có nghĩ suy gì về cuộc đời của chính mình hay không nhỉ? Có nghĩ suy gì về thời gian đã qua và thời gian đang tới trong cuộc đời của mình chăng? Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi con người chúng ta có một bộ óc, ấy là để nghĩ suy về chính mình, về những sự vật, thế giới chung quanh mình và đặc biệt là nghĩ suy về Đấng Tạo Hoá đấy bạn ạ.

Đứng trước thềm năm mới 2016, tôi muốn mời bạn cùng tôi dành vài phút lắng lòng để suy niệm về thời gian và đời người.

Thời gian và đời người là hai khái niệm lớn và đáng suy gẫm lắm cho chúng ta, nhất là vào những dịp vui Xuân đón Tết như thế nầy.

Cuộc đời con người luôn gắn với thời gian. Khi nói đến cuộc đời một con người, người ta thường nghĩ đến trước nhứt là thời điểm mà con người đó có mặt trên đời nầy. Có nghĩa là người đó ra đời vào năm nào? Cái năm của người đó cất tiếng khóc chào đời đánh dấu sự hiện diện của họ trên cuộc đời nầy. Và từ cái năm đó trở đi, họ bắt đầu một cuộc đời mới trên trần gian, khác với cuộc đời ngắn ngủi "9 tháng 10 ngày" trong "thế giới bụng mẹ" trước đó. Sau con số của năm họ chào đời đó là một cái gạch nối nhỏ nhoi chờ đợi để rồi sau đó một thời gian (mà không ai biết và ngay cả chính họ cũng không biết là bao nhiêu lâu nữa) kết nối với con số của năm họ chấm dứt cuộc sống trên cõi đời nầy. Cái gạch nối tuy nhỏ nhoi giữa hai con số năm đó, ấy thế mà ...quan trọng biết bao, vì nó nói lên số tuổi của con người đó có được. Số tuổi của mỗi người đều khác nhau, có người ít, có người nhiều, có người ngắn, có người dài. Điều đó cũng không do họ quyết định được và cũng không một ai có quyền quyết định cho họ cả. Điều đó vượt khỏi tầm tay của mọi người. Kinh Thánh cho biết số tuổi ít, nhiều, ngắn, dài của mỗi một con người đều do Đức Chúa Trời quyết định. Kinh Thánh khẳng định rằng: "Ngài nắm trong tay sự sống của mọi sinh vật, và hơi thở của mọi người."(Gióp 12: 10)

Số tuổi của mỗi người ít nhiều, ngắn dài khác nhau tuỳ theo quyết định khôn sáng của Đức Chúa Trời trên cuộc đời của mỗi người trong chúng ta.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã nói:

"Giang sơn còn nặng gánh tình
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi
Bao giờ Trời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi."

Dường như ngày xa xưa, con người sống thọ lắm lắm. Sống đến bảy, tám trăm tuổi là bình thường, thậm chí đến chín trăm tuổi hơn nữa kia.

Tương truyền, bên Trung Hoa, có ông Bành Tổ, tức là quan đại phu Tiền Kiên, cháu 6 đời của Hoàng đế Chuyên Húc. Bành Kiên sống trải qua các triều Hạ, Ân, Thương, Chu. Do được đất phong ở vùng Bành Thành (nay là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) nên sử thường chép là "Bành Tổ". Người ta nói tuổi thọ của ông đến 767 tuổi (gần 8 thế kỷ). Ông có ...49 bà vợ và 50 con trai.

Tôi đọc Kinh Thánh và thấy Kinh Thánh ghi lại có những con người đã sống đến trên... 900 năm mới chết. Thật là thọ nghe đến khiếp luôn! Cụ thể như con người đầu tiên trên trần gian nầy là A-đam đã sống 930 tuổi. Hay ông Giê-rệt sống được 962 tuổi. Và người được Đức Chúa Trời cho sống lâu nhất trong suốt cả cõi lịch sử của con người là ông Mê-tu-sê-la sống đến 969 tuổi mới...chịu chết cho (Sáng-thế-ký 5). Cũng Kinh Thánh cho biết, càng về sau, tuổi thọ của con người càng giảm dần. Đến thời của ông Môi-se là một lãnh tụ vĩ đại của người Do-thái, thì con người sống chừng trên dưới 100 tuổi mà thôi. Chính Môi-se đã xác nhận: "Tuổi tác chúng tôi thọ được bảy mươi, nếu mạnh khoẻ thì tám mươi. Nhưng sự kiêu căng của chúng chỉ là lao khổ và buồn thảm. Vì đời sống thoáng qua, rồi chúng tôi bay mất đi."(Thi-thiên 90: 10). Và từ thời ông Môi-se cho đến ngày nay, tuổi thọ của con người được Đức Chúa Trời ấn định trong vòng trên dưới 100 năm.

Đại thi hào Cao Bá Quát của Việt Nam thời xưa đã từng có mấy câu thơ nổi tiếng nói về tuổi thọ của con người rất hay mà không mấy ai không biết:

"Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông nghĩ cũng nực cười."

"Ba vạn sáu ngàn ngày" tính ra là 100 năm của cuộc đời một con người chúng ta.

Nhà lãnh tụ Môi-se của người Do-thái ngày xưa có nói một câu nghe như một triết lý: "Đời sống thoáng qua, rồi chúng tôi bay mất đi". Vâng, cuộc đời của một con người so với cõi đời đời thì thật là ngắn ngủi. 100 năm so với cõi đời đời không là gì cả, chỉ là "cảnh phù du", chỉ là một khoảnh khắc thôi phải không bạn?

"Đời sống thoáng qua". Đúng như vậy! 100 năm của cuộc đời một con người chỉ như một cái chớp mắt so với cõi đời đời, nhưng đó lại là một khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa cho con người chúng ta, vì nó quyết định cho số phận đời đời của con người sau khi kết thúc cuộc đời nầy. Sống bao lâu không quan trọng bằng sống như thế nào? Độ dài của đời sống không quan trọng bằng ý nghĩa của đời sống. Tôi nhớ có ai đó đã nói rất hay rằng: "Một con người có thể sống đến 60 tuổi, nhưng thực sự đã chết lúc 30 tuổi rồi." Vấn đề quan trọng không phải là sống lâu, không phải là độ dài của đời sống đâu, mà bèn là cuộc sống của bạn có ý nghĩa không? Bạn đã sống như thế nào mới là quan trọng.

Sống có ý nghĩa là sống góp phần xây dựng quê hương, đất nước mình đang sống cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn cả về phương diện vật chất lẫn phương diện tinh thần. Sống có ý nghĩa là sống đem lại lợi ích cho nhiều người khác, chứ không phải chỉ "chăm về lợi riêng mình".

Sống có ý nghĩa đích thực, trên hết và trước hết là phải sống trong tinh thần biết ơn Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên mình, Đấng đã ban cho mình sự sống kỳ diệu để mình sống và cho mình còn sống đến thời điểm nầy. Như một người con biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục nên mình, thì phải luôn luôn tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ thể nào, thì con người biết ơn Đấng Tạo Hoá cũng thể ấy, con người phải thờ phượng Ngài, phải vâng lời Ngài dạy trong Kinh Thánh. Sống trong tinh thần kính Chúa yêu người. Đó chính là một đời sống có ý nghĩa đúng đắn nhất vậy. Một người con có thể sống tốt với mọi người chung quanh, làm vui lòng mọi người, nhưng nếu không làm vui lòng cha mẹ bằng cách tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ một cách phải lẽ, thì người con đó vẫn là người con bất hiếu. Một người có thể sống một đời sống đạo hạnh, làm lành lánh dữ, đóng góp nhiều điều ích lợi cho nhân quần xã hội, nhưng nếu không tỏ bày lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá bằng cách thờ phượng Ngài như lời Kinh Thánh dạy, thì người đó vẫn là tội nhân đáng chết trước mặt Đức Chúa Trời.

Cuộc đời của con người trong khoảng thời gian 100 năm là ngắn ngủi, thoáng qua, nói như thi sĩ Nguyễn Công Trứ là "như thoi đưa, như bóng sổ, như gang tay". Nhưng chính cái khoảng thời gian ngắn ngủi ấy lại quyết định số phận của một con người trong cõi đời sau lâu dài, vĩnh cửu. Đời nầy là tạm bợ, đời sau là lâu dài. Đời nầy là chóng qua, đời sau là còn lại mãi mãi. Đời nầy có thể thay đổi được quyết định, nhưng đời sau thì không thể thay đổi được quyết định hay bất cứ điều gì.

Chính vì vậy mà thái độ sống của con người khi còn sống trên cõi đời tạm nầy đối với Đấng Tạo Hoá là rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định số phận của họ ở đời sau lâu dài, vĩnh viễn, không thay đổi được. Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện đáng nhớ giữa số phận đã được ấn định của một người giàu có vô tín và La-xa-rơ, một người nghèo khó nhưng có lòng tin thờ Đức Chúa Trời như sau: " Người nghèo chết, các thiên sứ đem đặt vào lòng Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết và được chôn cất. Bị khổ hình nơi Âm Phủ, người giàu ngước mắt nhìn lên, thấy Áp-ra-ham ở đàng xa, có La-xa-rơ đang ở trong lòng. Người giàu kêu xin: "Tổ phụ Áp-ra-ham ơi, xin thương xót con, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước, thấm mát lưỡi con, vì con bị đau đớn quá trong lửa này!" Nhưng Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ khi còn sống con đã hưởng những điều sung sướng; còn La-xa-rơ phải chịu những điều khổ cực; nhưng bây giờ La-xa-rơ được an ủi, còn con chịu đau đớn. Hơn nữa, giữa chúng ta và con, có một vực thẳm bao la, hai bên cách biệt hẳn, nên ai muốn từ đây qua đó, hoặc từ đó qua đây đều không được." (Lu-ca 16: 22 – 26, Bản Dịch Mới)

Câu chuyện nói đến cái chết của hai con người đã từng sống trên trần gian nầy là một người giàu có, không nêu tên và một người nghèo khó nhưng có tên rõ ràng là La-xa-rơ. Câu chuyện nói đến cảnh đời của hai con người khi còn sống và sau khi đã chết. Người giàu vô danh kia khi còn sống đã sống trong sung sướng, đầy đủ vật chất, sống trong gấm vóc lụa là, hằng ngày tiệc tùng xa xỉ. Nhưng có điều là vô đạo, không có niềm tin vào Thiên Chúa, hay nói rõ hơn là chối từ Đấng Tạo Hoá, loại Ngài ra khỏi đời sống mình. Còn người nghèo khó được nêu tên La-xa-rơ kia thì phải đi ăn xin trước cổng người nhà giàu nọ và thèm ăn những mảnh đồ ăn vụn rớt dưới bàn của người nhà giàu, nhưng cũng không được, thật là tội nghiệp biết bao! Dù nghèo khó, nhưng La-xa-rơ có một niềm tin nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên ông. Thật đúng là hai cảnh đời trái ngược nhau vô cùng. Giàu có hay nghèo khó gì rồi theo luật định của Đấng Tạo Hoá "loài người đều phải chết một lần, rồi chịu phán xét." (Hê-bơ-rơ 9: 27), hay nói như thi sĩ Tường Lưu "Giàu hay nghèo đi vào lòng đất hết." Cả hai người đều chết.

Khi ông Trời đã gọi thì mọi người đều phải răm rắp: "Dạ", dù muốn hay không.

Ở trong cõi đời đời sau khi chết, cảnh trạng của hai người ngược lại với nhau so với khi còn sống trên trần gian. Người giàu trước kia sống trong gấm vóc lụa là, bây giờ phải ở nơi khổ hình có lửa cháy không hề tắt vô cùng đau đớn. Còn người nghèo khổ La-xa-rơ kia, bây giờ được ở trong lòng Áp-ra-ham, một nơi vô cùng sung sướng để bù lại những năm tháng đã sống khổ sở trên trần gian. Người giàu đau đớn quá, không chịu nổi, xin Áp-ra-ham cho La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ xuống cho mát lưỡi và bớt đau đớn, nhưng Áp-ra-ham khẳng định điều đó là không thể được, vì "giữa chúng ta và con, có một vực thẳm bao la, hai bên cách biệt hẳn, nên ai muốn từ đây qua đó, hoặc từ đó qua đây đều không được."

Ở cõi đời sau, con người không thể làm bất cứ điều gì để có thể thay đổi được số phận của mình. Số phận trong cõi đời sau của mỗi một con người đều phải được quyết định ở trong cõi đời sống tạm ngày hôm nay mà thôi. Muốn sống trong cõi đời sau trong Thiên đàng phước hạnh thì ngay ngày hôm nay trong cuộc sống tạm bợ nầy, khi Chúa đang cho còn sống, thì phải biết ơn Đức Chúa Trời, tin thờ Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình. Bằng không, thì cõi đời sau chắc chắn phải ở nơi hoả ngục khổ hình mãi mãi. Đó là một chân lý mà Kinh Thánh đã khẳng định.

Lời Kinh Thánh nhắc nhở, khuyên mời con người sớm đón nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời:

"Kìa, hiện nay là thời thuận tiện.
Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi."
(II Cô-rinh-tô 6: 2)

Bạn có đã sẵn sàng để bất cứ lúc nào ông Trời gọi thì vui lòng "Dạ" để từ giã cõi đời tạm nầy và vui vẻ bước vào cõi đời sau vĩnh cửu ở trong nơi phước hạnh hay chưa? Nếu đã sẵn sàng rồi, thì xin chúc mừng bạn. Còn nếu chưa, thì hôm nay, khi ông Trời còn cho sống động đây thì hãy quyết định bày tỏ lòng biết ơn Ngài bằng cách tin thờ Ngài trước khi Ngài gọi bạn, bạn nhé.

Vua Tự Đức ngày xưa đã từng than:

"Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê
Sống gởi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba thước đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê"

"Sống gởi rồi ra thác lại về". Ông cha ta cũng đã từng nói "sống gởi thác về, một cảnh hai quê" đó thôi, có nghĩa sống trên đời nầy là sống tạm, còn chết mới là thực là về nơi ở đời đời vĩnh viễn. Có "hai quê" để về.

Một trong hai quê đó chính là Thiên đàng phước hạnh dành cho những người tin thờ Thiên Chúa đến ở, và quê kia chính là địa ngục đau khổ đời đời dành cho những người không tin thờ Đấng Tạo Hoá. Có "hai quê" để con người đi về, nhưng con đường để đi về một trong hai quê đó khác nhau hoàn toàn, một con đường đi lên và một con đường đi xuống. Con đường đi lên là con đường hẹp, khó đi, nhưng là con đường phước hạnh vô cùng, vì con đường đó dẫn đến Thiên đàng, nơi có Chúa Giê-xu ngự. Còn con đường đi xuống là con đường rộng rãi, khoảng khoát, nhưng là con đường dẫn đến hoả ngục vô cùng đau khổ, và sự đau khổ đó kéo dài đời đời, không hề dứt. Trên trần gian tạm bợ nầy, bạn quyết định đi trên con đường nào thì sau khi qua đời, bạn sẽ về ở nơi quê đó. Không có chuyện trên cõi đời tạm bợ nầy, bạn quyết định đi trên con đường xuống hoả ngục mà sau khi qua đời, bạn lại được đi trên con đường bước vào Thiên đàng và ngược lại, cũng không hề có trên trần gian nầy, bạn quyết định đi trên con đường lên Thiên đàng mà sau khi qua đời, bạn lại ở trong con đường đi xuống hoả ngục. Chắc chắn không hề có sự thay đổi như thế bao giờ! Đi lên hay đi xuống, ở Thiên đàng hay ở hoả ngục, bạn phải quyết định ngay hôm nay, ngay khi còn sống, ngay khi còn có hơi thở trong lỗ mũi.

Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết những vần thơ đầy sức sống như sau:

"Ta muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Ta muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
...
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Ông như sợ mùa xuân tràn đầy sức sống qua đi mất, nên ông muốn làm tất cả để giữ mùa xuân lại, nào là muốn tắt nắng, muốn buộc gió, muốn ôm cả sự sống, muốn riết mây, muốn say với cánh bướm, muốn thâu những nụ hôn, đất trời, cây cỏ và muốn cắn vào xuân hồng, không cho xuân đi, để ông không phải già, không phải chết.

Dù thi sĩ có làm gì đi nữa, thì mùa xuân vẫn cứ đến rồi đi theo luật định của Tạo Hoá, không ai có thể cưỡng lại được. Cho nên cuối cùng, thi sĩ buồn bã than: "Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn". Và rồi thi sĩ như phát hiện ra:

"Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời."

Vâng, con người chỉ sống một thời gian ngắn ngủi rồi sẽ chết, sẽ qua đời để bước vào sống một trong hai quê mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn. Đó là điều chắc chắn mà bạn và tôi cần đáng dành thì giờ để tâm suy nghĩ mỗi một khi mùa xuân về.

Bạn ơi, nhìn kìa, ngoài kia muôn hoa đang khoe sắc mới, cây cối đang đâm chồi nẩy lộc, mùa xuân mới đang về với chúng ta rồi đó. Lại một mùa xuân nữa lại đến, có nghĩa là lại thêm một tuổi nữa ông Trời cho ta được hưởng phải không bạn? Hãy cảm tạ ông Trời về điều đó.

Một thi sĩ Cơ-đốc đã từng viết về mùa xuân như sau:

Xuân đã đến trên cành cây kẽ lá
Muôn hoa tươi khoe sắc một màu xuân
Lòng rộn rả mừng vui đến vô ngần
Cúi đầu xuống hát ca mừng Tạo Hoá.

Nếu có thể được, nào bây giờ, xin mời bạn hãy cùng tôi "cúi đầu xuống hát ca mừng Tạo Hoá" vì Ngài đã thương yêu chúng ta, ban cho mùa xuân đẹp đẽ nầy và cho chúng ta còn được sống để thưởng thức nó phải không bạn?

Thời gian thì qua mau, mà đời người thì ngắn ngủi. "Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua" (Xuân Diệu). Xuân tới đây rồi, nhưng xuân sẽ qua đi mau lắm lắm. Ai đó đã nói rằng:

"Mới vừa chị chị, anh anh đó
Nay đã ông ông, cụ cụ rồi."

Đời người thật chỉ như một thoáng mây bay, trôi qua rất nhanh. Ngày nào còn thơ bé, nay đã có gia đình, con cái đề huề. Ngày nào còn sức trẻ cường tráng, tóc xanh khoẻ mạnh, nay đã tuổi xế chiều, về già, tóc đã nhốm màu bạc gần hết rồi đây. Quả thật, thời gian không hề đứng lại đợi ai trong chúng ta!

Xuân Diệu đã từng kêu gào mọi người hãy nhanh chóng tận hưởng mùa xuân tươi đẹp, tận hưởng tuổi xuân tràn sức sống, vì nếu không, sẽ không còn cơ hội, vì thời gian sẽ qua đi mau lắm:

"Mau với chứ, thời gian không đứng đợi"

Ước ao ngay trong mùa xuân nầy, bạn sẽ quyết định cùng với tôi đi trên con đường bước vào Thiên đàng phước hạnh, để khi Ngài gọi chúng ta thì chúng ta vui vẻ đáp lời Ngài và cùng đi với Ngài vào hưởng phước đời đời miên viễn nơi Thiên đàng bạn nhé.

Chúc quý vị và các bạn một mùa xuân mới 2016 tràn đầy niềm vui và hạnh phước từ Thiên Chúa ban cho. Và chúc mọi người sẽ sớm có một quyết định khôn ngoan nhất cho cuộc đời mình ngay trong mùa xuân nầy chứ không phải là mùa xuân sau, bởi vì mùa xuân sau không thuộc về chúng ta.

Mong muốn vô cùng!

-Mục sư Nguyễn – Đình – Liễu –