Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 87

Ba Thái Độ Cần Có




Rô-ma 12:12, "Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện."

Sách Rô-ma là bức thư do sứ đồ Phao-lô viết gởi cho những tín hữu tại thành Rô-ma, viết vào khoảng năm 56-58 S.C.. Thư Rô-ma được xem là sách quan trọng nhất về mặt thần học trong toàn Tân Ước. Về mặt lịch sữ, thư Rô-ma có ảnh hưởng lớn nhất trong các sách của Kinh Thánh. Thánh Augustine đã hoán cải nhờ đọc Rô-ma 13:13-14. Martin Luther đã phát động cuộc cải cách Tin Lành khi ông hiểu được sự công bình của Đức Chúa Trời và "người công bình sẽ sống bởi đức tin" (Rô-ma 1:17). Một mục sư thuộc phái Trưởng Lão (Presbyterian), John Calvin, đã viết, "Ai hiểu được thư tín này, thì được mở cho con đường thênh thang để hiểu toàn Kinh Thánh." Thư Rô-ma là một tác phẩm kinh điển. Nó giải nghĩa rõ ràng cho người chưa được cứu biết được tình trạng tội lỗi hư mất của họ, biết được kế hoạch công bình của Đức Chúa Trời để cứu họ. Tân tín hữu thì học được sự hiệp nhứt với Đấng Christ và chiến thắng nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Tín hữu trưởng thành được thỏa thích bất tận trong phạm vi chân lý Cơ Đốc rất rộng của thư: về giáo lý, lời tiên tri, và sống đạo.

Sách Rô-ma có 16 chương; 8 chương đầu nói về giáo lý Tin Lành của Đức Chúa Trời; chương 9 đến 11, nói đến kỳ định giữa Tin Lành và dân Y-sơ-ra-ên; từ chương 12 đến 16, sứ đồ Phao-lô luận về bổn phận của Cơ Đốc Nhân - đời sống thật phải thể hiện ra Tin Lành của Đức Chúa Trời. Chương 12 là một chương rất quan trọng cho đời sống Cơ Đốc Nhân, nó nhắc nhở tín nhân "trong sự dâng mình" cho Chúa (12:1-2); "trong sự phục vụ qua các ân tử thuộc linh" (12:3-8); và đối với xã hội – "bổn phận về sự yêu thương" (12:9-21). Trong câu 12, sứ đồ Phao-lô nói đến 3 thái độ mà Cơ Đốc Nhân cần có: "Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện."

Thái độ thứ nhứt là chúng ta cần phải "vui mừng" trong khi trông đợi, hy vọng, và tin cậy vào chương trình, lời hứa, sự trả lời, và ngày Chúa trở lại. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín luôn giữ lời hứa; Ngài không chậm trễ trong sự trả lời; Ngài luôn đáp lại điều tốt nhứt và đúng thời điểm. Chúa là Đấng đáng được thờ phượng và tôn vinh. Không có lý do gì mà chúng ta phải buồn rầu trong khi trông đợi Ngài. Khi chúng ta vui mừng trong sự hy vọng, trông cậy Ngài, chúng ta có sự vững lòng, vì biết chắc rằng Chúa là Đấng đáng tin cậy, chúng ta không nãn lòng. Một điều luôn là lý do để chúng ta vui mừng đó là được cứu rỗi bởi đức tin vào Chúa Giê-xu. Thêm vào đó sự sống đời đời với Ngài trên Thiên Đàng là sự vinh hiển đời đời của chúng ta trong Chúa. Chúng ta hãy vui mừng mãi mãi trong sự trông cậy nơi Ngài!

Thái độ thứ hai là chúng ta cần phải "nhịn nhục trong hoạn nạn". Trên bước đường theo Chúa, ít nhiều gì thì mỗi Cơ Đốc Nhân đều phải trải qua những hoạn nạn, thứ thách, khó khăn, bắt bớ, giận ghét, dèm pha, bịnh tật… Chúng ta biết rằng Chúa là Đấng toàn năng – làm được mọi việc , "Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được" (Lu-ca 1:37); Ngài thường chăm sóc chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:7, "lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em"); Ngài không để cho chúng ta quá sức chịu đựng nhưng thêm sức cho chúng ta vượt qua mọi nan đề. Như vậy, nếu biết Chúa luôn ở cạnh và săn sóc chúng ta, chúng ta phải chịu đựng cách can đảm, không phàn nàn, hay than phiền. Sự chịu đựng toàn vẹn, hay nhịn nhục hoàn thành thì sẽ "chinh phục được mọi điều và có thể biến nỗi khốn khổ lớn thành sự vinh hiển cho Chúa". Vua Đa-vít đã thể hiện sự nhịn nhục bằng cách, "Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi" (Thi-thiên 16:8),"Tôi đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; Người đời sẽ làm chi tôi?" (Thi-thiên 56:11).

Thái độ thứ ba đó là "bền lòng mà cầu nguyện". Cầu nguyện là cuộc nói chuyện giữa chúng ta với Chúa, là hơi thở hằng ngày của chúng ta. Chúng ta không thể nghỉ thở, vì khi đó chúng ta sẽ chết, hay nói khác hơn thì mối tương giao của chúng ta với Chúa sẽ đứt đoạn; và chúng ta xa cách Chúa, không còn nghe thấy Lời Ngài phán cho chúng ta! Chúa Giê-xu có phán một ví-dụ về sự bền lòng cầu nguyện trong Lu-ca 18:1-8, "ví-dụ về quan án không công-bình", người đàn bà góa kêu nài vị quan án không kính sợ Chúa và cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà. Sự bền đỗ cầu nguyện sẽ dẫn đến kết quả mỹ mãn! Vì thế, chúng ta cần phải cầu nguyện cách bền đổ và tỉnh thức (Cô-lô-se 4:2, "Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào"; Ê-phê-sô 6:18, "Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ"), "cầu nguyện không thôi" (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17), thường xuyên, không dứt, không sờn lòng! Lời cầu nguyện đem quyền năng đến trong đời sống chúng ta và đem bình an cho lòng chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện nhân Danh Đức Chúa Giê-xu, chúng ta được đến gần nhất với sự toàn năng mà con người hay hư nát này không thể đến được. Do đó, chúng ta sẽ tự hại mình nếu chúng ta không cầu nguyện thường xuyên!

Trong năm mới này, chúng ta hãy luôn có 3 thái độ được bày tỏ trong Rô-ma 12:12: "Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện." Chúng ta biết rằng, Chúa luôn ở cạnh, biết rõ mỗi nhu cầu, mỗi hoạn nạn; Ngài muốn nghe những lời kêu cầu của chúng ta, và sẽ đáp lại trong thời điểm của Ngài! Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn nhớ đến ân điển cứu chuộc, sự sống đời đời – là món qua ban cho không, để chúng ta luôn vui mừng, nhịn nhục khi gặp hoạn nạn, và bền lòng trình dâng cho Chúa mọi nhu cầu và kiên nhẫn chờ Ngài đáp lại! A-men!


Là người theo Đức Chúa Trời,
Ta nên sống đúng theo Lời Ngài khuyên,
Nghe rồi, cố gắng làm liền,
Đừng nên chậm trễ mà quên ơn Ngài!
Vui mừng trông cậy mỗi ngày,
Biết rằng Chúa vẫn ở ngay cạnh mình,
Ngài ban cứu rỗi tâm linh,
Hướng về Thiên Quốc an bình không thôi!


Ngọc-Huỳnh-Bích

Ghi-chú:

Phi-líp 4:4, "Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi."
1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16, "Hãy vui mừng mãi mãi"
"Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, 3 vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. 4 Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào" (Gia-cơ 1:2-4)
"Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; 14 nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó." – Rô-ma 13:13-14
Cô-lô-se 4:2, "Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào"
Ê-phê-sô 6:18, "Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ"
Rô-ma 1:17, "vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin."
"Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, 3 vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. 4 Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào." – Gia-cơ 1:2-4
"Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt" – Lu-ca 18:1
Thi-thiên 56:4, "Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; Tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì; Người xác thịt sẽ làm chi tôi?"