Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1118

Chạy Để Giật Giải

Vậy, hãy chạy sao cho thắng cuộc. 1Côrinhtô 9:24

Bạn và tôi đang ở trong cuộc đua đầy thách thức. Như đoạn Kinh Thánh 1Côrinhtô trên cho thấy, cuộc đua là thuộc mỗi người. Đó là cuộc đua của bạn và cuộc đua của tôi.

Chúng ta không cạnh tranh nhau mà cạnh tranh với các thế lực muốn chúng ta không kết thúc tột đẹp. Bạn và tôi sống trong một thế giới sa ngã mà chắc chắn là có sự chống đối. Chúng ta đang chiến trận. Bản The New King James dịch câu này, "Hãy chạy cách nào để anh em có thể nhận được giải.”

Để ý cụm từ của sứ đồ Phaolô, cách nào. Chúng ta phải chạy cách nào đây? Chúng ta phải chạy cách kiên trì. Tác giả thư Hebơrơ nói rõ hơn ý này : "Kiên trì chạy trong cuộc đua đã dành sẵn cho mình” (Hê 12:1).

Tôi là một vận động viên suốt cả đời, trong số nhiều người bạn của tôi có người là vận động viên nghiệp dư và có người là chuyên nghiệp. Những người chuyên nghiệp thì tập siêng năng, kiên trì qua bao khó khăn và chịu sự huấn luyện gay gắt. Phaolô viết, "Mỗi lực sĩ đều theo kỹ luật khắt khe về đủ mọi thứ” (1Cô 9:25). Tại sao các lực sĩ làm điều này ? Sứ đồ trả lời, "Họ chịu như vậy để đoạt mão hoa chiến thắng.”

Đối với vận động viên bóng đá, giải chính là giật được giải Super Bowl. Đối với vận động viên chơi gôn, đó là giật được giải PGA, giải Master hay các giải quan trọng khác. Đối với vận động viên khúc côn cầu, đó là giải Stanley Cup, và đối với vận đông viên thế vận hội Olympic thì đó là huân chương vàng. Khải tượng giật được giải là động cơ thúc đẩy họ. Những người mà nhắm khải tượng của họ vào giải thưởng sẽ luyện tập kiên trì và chịu đựng gian lao gay gắt – hơn là những người không có khải tượng và không được thúc đẩy để giật giải.

Bắt đầu tốt đẹp cũng quan trọng, nhưng trong cơ chế của Chúa chúng ta kết thúc như thế nào mới có ý nghĩa hơn.

Tôi đã thấy một vận động viên khúc côn cầu bị đau mắt cá nhưng anh nài nỉ huấn luyện viên băng bó vết thương để anh tiếp tục tranh giải Stanley Cup. Anh cố chịu cơn đau dữ dội mà một người bình thường không chịu nổi. Tôi đã thấy một vận động viên bóng đá bị dập mũi nhưng anh băng lại để tiếp tục tranh tài; khải tượng giật được giải Super Bowl lấn át cơn đau dữ dội. Chúng ta thảy đều chứng kiến những điều này lúc này hay lúc khác, dù đó là trong thể thao hay trong những nổ lực khác. Khải tượng là động cơ thúc đẩy quan trọng. Đó chính là yếu tố khiến người này khác người kia. Đó cũng là điều khiến họ thành những nhà vô địch. Chỉ những ai có cái nhìn rõ ràng nơi giải thưởng mới chịu những gian nan như thế. Là công dân vương quốc tranh chiến mỗi ngày với các thế lực đầy quyền lực; vô cùng lợi hại của satan, chúng ta phải biết chúng ta đang chiến đấu với điều gì. Điều gì thúc đẩy chúng ta kết thúc tốt đẹp ? Tại sao chúng ta duy trì sự trung tín là quan trọng ? Là dân sự Chúa mỗi chúng ta mong đợi điều gì ? Tại sao cuộc đua mà Chúa đặt trước chúng ta lại quan trọng đối với bức tranh lớn lao của Nước Chúa ?

Phaolô cho chúng ta biết rằng câu trả lời cho mỗi câu hỏi này thì cũng giống như những câu hỏi cho một vận động viên. Chúng ta làm việc để được giải hay phần thưởng : "Hãy chạy sao cho giật được giải thưởng.” Những năm cuối đời, sứ đồ Giăng ghi lại mạng lệnh tương tự của Chúa :Anh em hãy đề phòng, đừng đánh mất thành quả mà anh em đã dày công gây dựng, nhưng hãy cố gắng để lãnh trọn phần thưởng nơi Chúa. (2Gi 1:8 – BDY).

Salômôn đánh mất phẩm chất không giật được giải do không kết thúc tốt đẹp. Mục tiêu đó không phải là sự chú tâm của ông.

Bắt đầu tốt đẹp cũng quan trọng, nhưng trong cơ chế của Chúa chúng ta kết thúc như thế nào mới có ý nghĩa hơn. Kết thúc tốt đẹp và nhận được phần thưởng đòi hỏi sự kiên trì và chịu đựng không chút nao sờn, cả hai đều được nung nấu bởi động cơ. Đây là chỗ để đưa ra một câu hỏi rất quan trọng : Chúng ta làm việc nhắm tới phần thưởng nào - phần thưởng nào mà chúng ta được cảnh báo là đừng để mất ?

Sau đó Lời Chúa công bố, "Anh chị em cũng được xem như những tảng đá sống được dùng để xây dựng nhà thiêng liêng” (1Phi 2:5). Nhà mà Phierơ nói đến là Siôn. Chúa Giê-su được hình bóng là hòn đá và chúng ta cũng vậy. Chúng ta là "tảng đá sống”, và Ngài là đá góc nhà. Song hành với Chúa Giê-su, cơ đốc nhân đang xây lên những vật liệu hình thành ngôi nhà mà Chúa sẽ ngự đời đời !

Thật vậy, bây giờ anh chị em không còn là người lạ hay kiều dân nhưng là người đồng hương với các thánh đồ và là người nhà của Đức Chúa Trời. Anh chị em được xây dựng trên nền tảng các sứ đồ và các tiên tri, còn chính Chúa Cứu Thế Giê-su là Đá góc nhà. Trong Ngài, cả tòa nhà được xây dựng chặt chẽ và phát triển thành đền thánh trong Chúa. Cũng trong Ngài, anh chị em được xây dựng nối kết với nhau thành ngôi nhà của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh. (Êph 2:19-22).

Công việc của cõi vũ trụ xoay quanh ngôi nhà này. Sự khôn ngoan và luật pháp cai trị toàn cõi tạo vật sẽ ra từ quyền lãnh đạo trong ngôi nhà này. Và có lẽ sự thật ngạc nhiên nhất : nhà của Chúa, Siôn, sẽ đẹp gấp tỉ, tỉ lần ngôi nhà mà bây giờ chúng ta thấy khi mới vừa xong vào ngày đầu tiên.

Chúng ta đang xây ngôi nhà mà sẽ trở thành trung tâm điểm của cả cõi vũ trụ cho đến đời đời.

Có một tôi tớ Chúa đầy ơn trung tín cho đến cuối cùng. Ông đã hầu việc Chúa kết quả hơn sáu mươi năm và nhận phần thưởng của ông (về Nước Chúa) lúc gần kết thúc thiên niên kỷ. Khoảng gần một năm trước khi ông qua đời, tôi đến giảng cho một hội thánh lớn ở miền Trung Tây, tại đây có một người hướng dẫn thờ phượng cho tôi hay rằng Chúa đã ban cho anh một giấc mơ rõ ràng. Trong giấc mơ anh lên thiên đàng và thấy vị đầy tớ Chúa đầy ơn này kết thúc tốt đẹp. Nở nụ cười, vị đầy tớ Chúa này nói với người hướng dẫn thờ phượng, "Phước hạnh hơn là tôi tưởng tượng.” Hai người nói chuyện vài phút, rồi vị đầy tớ Chúa này quay sang và chỉ ra công việc mà ông dự phần xây Siôn. Thật lớn lao. Ảnh hưởng của sự trung tín của vị đầy tớ Chúa này thật rộng lớn hơn ông mơ tưởng khi còn sống trên đất, và nó hiện ra ngay trước mắt ông. Ông có thể chỉ cho thấy công việc của ông, như những người thợ phụ kể cho tôi nghe về công việc xây những căn nhà họ phụ giúp. Thật là một phần thưởng lớn lao ! Thật là một giải thưởng lạ lùng !

Anh em hãy đề phòng, đừng đánh mất thành quả mà anh em đã dày công xây dựng, nhưng hãy cố gắng để lãnh trọn phần thưởng nơi Chúa. (2Gi 1:8 – BDY).

Chính Chúa đã phác thảo một cách để mỗi con cái Ngài có cơ hội nhận phần thưởng đầy đủ khi dự phần trong việc xây dựng ngôi nhà đời đời của Ngài. Công việc của bạn sẽ không bao giờ qua đi, không bao giờ lỗi thời, không bao giờ cần phải thay thế. Và công việc đó sẽ được hàng triệu người và thiên sứ ngưỡng mộ đến muôn đời.

JOHN BEVERE (Theo Không Nao Sờn)