Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Hướng Dẫn

Bài 8

NGÀY CHÚA ĐẾN

II PHI-E-RƠ 3:1-10

 

Kính thưa quý vị, bây giờ chúng ta đang ở vào tháng 7 năm 2001, chỉ có 7 tháng sau khi thiên niên kỷ thứ 3 bắt đầu. Mới năm ngoái, chúng ta lo về vấn đề đầu năm 2000, gọi là Y2K. Khi đối diện với những móc nối thời gian như vậy, chúng ta thường nghĩ về tương lai, đặc biệt là về việc Chúa trở lại. Đây là một vấn đề rất quan trọng, và là tương lai của chúng ta. Trong khi mong chờ vào ngày đó, xin chúng ta xem kinh thánh dạy gì. Bây giờ chúng ta học Phi-e-rơ đoạn 3 bàn về chuyện Chúa trở lại này. Tôi xin đọc từ câu 1 đến câu 10:

1. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nầy là thơ thứ hai tôi viết cho anh em. Trong thơ nầy và thơ kia, tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em,

2. hầu cho ghi lấy lời nói trước của Chúa và Cứu Chúa chúng ta, đã cậy các sứ đồ của anh em mà truyền lại.

3. Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình,

4. đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế.

5. Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước,

6. thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt.

7. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác.

8. Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.

9. Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.

10. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

Trong câu 3, Phi-e-rơ dùng chữ “những ngày sau rốt.” Chúng ta thường nghĩ những chữ này nói đến những thế kỷ sau cùng trước khi Chúa trở lại. Nhưng không phải như vậy. Chữ này bắt nguồn từ Cựu Ước. Khi các tác giả trong Cựu Ước nhìn đến tương lai, họ không thấy sự khác nhau giữa sự đến của Chúa lần thứ nhất và lần thứ hai. Họ không biết Chúa đến hai lần: Lần thứ nhất để chết cho tội lỗi của chúng ta, và lần thứ hai để trị vì một cách vinh quang. (Vì thế, trong khi mong chờ một Đấng Mê-si đến thế gian, người Do Thái không chấp nhận Chúa Giê-xu, vì Đấng Mê-si của họ không thể nào phải chịu chết một cách nhục nhã trên thập tự giá như thế.) Trong kinh thánh, chữ “những ngày sau rốt” nói đến giai đoạn giữa sự hai sự đến của Chúa, kéo dài từ thế kỷ thứ nhất đến ngày hôm nay. Ngày sau rốt là lúc Phi-e-rơ viết thư này, cũng là lúc chúng ta đọc thư này.

Phi-e-rơ viết trong câu 3, “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?” Cùng một câu hỏi, nhưng có thể gói ghém hai thái độ khác nhau. Một thái độ mà Phi-e-rơ nói ở đây là sự gièm chê, diễu cợt, nhạo báng Chúa của những người không tin Ngài. Người ta nói như thách, “Chúa ơi, trở lại đây cho tôi coi.” Ngược lại, người tín đồ chúng ta phải có một thái độ khác hẳn. Chúng ta phải hỏi câu hỏi đó với một thái độ mong chờ, “Chúa ơi, con mong chờ Chúa trở lại. Xin Chúa trở lại.”

Bây giờ chúng ta tự hỏi tại sao những người không tin Chúa lại đem chuyện Chúa trở lại để diễu cợt. Phi-e-rơ giải thích là tại vì họ “theo tình dục riêng của mình.” Nếu hiểu được ý nghĩa của ngày Chúa trở lại, chúng ta không thể coi thường ngày này. Đó sẽ là một ngày kinh thiên động địa, trong đó tất cả mọi việc làm, ý tưởng của chúng ta sẽ được phơi bày ra trước mặt Chúa, và chúng ta sẽ phải trả lời cho những hành động, ý tưởng này. Vì thế, người thật sự tin Chúa sẽ trở lại không dám sống trong tình dục riêng của mình, và người sống trong tình dục riêng của mình không muốn nghĩ đến ngày Chúa trở lại. Nếu nghĩ đến, họ chỉ dùng nó làm đề tài diễu cợt.

Tôi xin giới thiệu với quý vị một chữ trong tiếng Anh, đó là Deism, nói đến một lý thuyết thần học là, sau khi Thượng Đế tạo dựng con người, Ngài bỏ đi, không còn để ý gì đến thế gian nữa. Có một ví dụ thường được dùng là ví dụ của một người sáng tạo chiếc đồng hồ. Người theo thuyết Deism tin là, như có người sáng tạo chiếc đồng hồ, có một Đấng Sáng Tạo thế gian. Nhưng Đấng này cũng giống như một người sáng tạo đồng hồ, lên dây thiều, rồi bỏ đi, không để ý đến nó nữa, để nó tự chạy. Lý thuyết này khác với điều chúng ta tin, đó là Theism, nói rằng Thượng Đế tạo dựng con người, và Ngài luôn luôn gìn giữ thế gian này; nếu Chúa bỏ đi, thì thế gian này sẽ không còn nữa. Vũ trụ không giống như chiếc đồng hồ, có thể tự chạy được sau khi được tạo dựng nên. Vũ trụ cần Chúa liên tục. Vì thế, sự khác nhau giữa DeismTheism là giờ đây Chúa có còn quan trọng trong sự sống còn của thế gian hay không.

Lúc Phi-e-rơ viết thư này, chưa có lý thuyết Deism. Nhưng những người không tin Chúa lúc đó có cùng ý với Deism khi họ nói, “Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế.” Người ta nói Chúa tạo dựng thế gian, nhưng vì không có dấu hiệu gì chứng tỏ Ngài có liên hệ với thế gian, thành ra Ngài sẽ không trở lại.

Dầu Phi-e-rơ nhận xét rằng người ta nói như thế để nhạo báng Chúa, theo tư dục riêng của mình. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không thèm trả lời câu hỏi đó. Thật ra, chúng ta phải có câu trả lời chính mình nữa, để niềm tin của mình không bị lung lay. Vì thế Phi-e-rơ đưa ra 3 câu trả lời.

1. Chúa đã trừng phạt thế gian

Nếu nghe câu, “Bây giờ 50 đã tuổi, nhưng tôi chưa bao giờ bị bệnh hết. Thành ra tôi sẽ không chết,” chúng ta có thể phải nhắc người nói câu đó, “Bạn ơi, bạn quên rồi sao? Bạn có nhớ lúc 10 tuổi, bạn đã bị bệnh sưng phổi thập tử nhất sinh không?” Cũng vậy, nghe câu nhạo báng trên, liên quan đến việc Chúa trở lại, Phi-e-rơ nhắc “5. Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt.” Chúng ta không thể nói Chúa đã quên chúng ta: Đã có lần, trong thời Nô-ê, Ngài đã làm thế gian bị chìm đắm trong trận đại hồng thủy.

Tôi muốn nhấn ở trong đây một điều: Phi-e-rơ nói “7. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác.” Sống trong xã hội này, nhiều khi chúng ta lo sợ rằng sẽ có một ông tổng thống khùng khùng nào đó bấm một nút phóng hỏa tiễn từ Mỹ qua Nga, và Nga bắn ngược lại, làm thế gian bị hủy phá. Nhưng kinh thánh không nói đây là cách thế gian chấm dứt. Kinh thánh nói thế gian sẽ bị hủy phá bởi lời của Đức Chúa Trời. Chính lời của Đức Chúa Trời sáng tạo thế gian, chính lời của Đức Chúa Trời làm cho nước lụt, cảnh cáo thế gian, và cũng bởi chính bởi lời của Đức Chúa Trời hủy phá thế gian. Tương lai của chúng ta không tùy thuộc vào một người nào nổi hứng bấm nút nguyên tử, nhưng tùy thuộc vào lời Chúa; tương lai của chúng ta không tùy thuộc vào sự điên dại của một người, nhưng tùy thuộc vào chương trình khôn ngoan, lâu dài của Thượng Đế. Chúa đã định đoạt ngày Ngài trở lại.

2. Chúa ở bên ngoài thời gian

Câu trả lời thứ hai của Phi-e-rơ là như thế này là “8. Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.” Phi-e-rơ bảo chúng ta đừng nhìn theo lối nhìn của mình, nhưng theo lối nhìn của Chúa. Chúng ta đang sống trong một không gian ba chiều, và trong một thời gian một chiều. Chúng ta có quá khứ, có hiện tại, có tương lai. Nhưng Chúa không bị giới hạn trong thời gian một chiều đó. Ngài đứng ngoài thời gian. Trong cùng một lúc, Chúa nhìn thấy thời gian từ trước đến sau, và biết tất cả mọi điều, ngay cả những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Đối với Chúa, một ngàn năm như một ngày, và một ngày như ngàn năm.

Hồi nãy chúng ta đọc Thi Thiên 90, câu 10, “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi, Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.” Nhưng đối với Chúa lại khác. Chúng ta đọc câu thứ nhất, “Lạy Chúa, từ đời này qua đời kia, Chúa là nơi ở của chúng tôi. Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa trời.” Chúa có trước thời gian, và có sau thời gian. Chúa có quyền trên thời gian.

Tôi xin kể một câu chuyện vui để thay đổi không khí: Một hôm có người gặp Chúa, và hỏi, “Chúa ơi, có phải một phút của Chúa giống như một ngàn năm, còn một ngàn năm giống một phút?” Chúa nói, “Đúng vậy.” Ông bèn nói, “Chúa ơi, có phải 1 cent của Chúa giống 1 triệu đô-la, con 1 triệu đô-la giống 1 cent?” Chúa nói, “Đúng vậy.” Ông nói thêm, “Chúa ơi, bây giờ con chỉ xin Chúa cho con một điều nhỏ thôi, ấy là con xin Chúa cho con 1 cent của Chúa thôi. Như vậy là con thỏa mãn rồi.” Chúa nói, “Được, ta sẽ cho, nhưng con ráng chờ ta một phút nhé!”

Xin đừng nói là tại vì 2 ngàn năm nay Chúa chưa đến, thành ra Chúa đã quên lời hứa của Ngài. Có một em nọ được ba em hứa sẽ mua cho một món quà. Ông hứa như vậy, vì tối nay ông có chuyện đi ra ngoài. Sau đó, trên đường về nhà, ông sẽ ghé tiệm mua cho em món quà. Nhưng nghe lời hứa đó rồi, cứ mỗi 5 phút em lại hỏi, “Ba ơi, quà của con đâu rồi? Tại sao ba chưa đi mua quà?” Em hỏi vì em sợ ba em quên lời hứa đó. Chúng ta cũng vậy, sống trong thời gian một chiều của chúng ta, nhiều khi thấy một ngàn năm qua rồi, rồi hai ngàn năm, giờ đây là bắt đầu thiên niên kỷ thứ 3, chúng ta sợ Chúa đã quên lời hứa của Ngài. Nhưng thật ra, chính chúng ta đã quên là một ngàn năm đối với Chúa như một phút, một phút như ngàn năm, và Chúa có chương trình, thời khóa biểu của Ngài.

3. Chúa nhịn nhục chờ đợi

Phi-e-rơ đưa ra câu trả lời thứ ba như vầy, “9. Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Chúa trì hoãn lại việc trở lại, vì Ngài không muốn ai bị chết mất. Chữ “anh em” ở đây nói đến những người chưa biết Chúa. Chúng ta có thể hiểu điều này, khi liên tưởng đến câu chuyện của Nô-ê. Chúa bảo Nô-ê đóng tàu, vì Ngài sẽ diệt thế gian qua trận đại hồng thủy. Quý vị có biết Nô-ê đóng tàu trong bao nhiêu năm không? Theo Sáng Thế Ký đoạn 6 câu 3, chúng ta có thể đoán là thời gian này kéo dài 120 năm ròng rã. Nếu Chúa chỉ muốn cứu ông, Ngài chỉ cần kéo ông ra, rồi diệt hết thế gian lúc đó. Nhưng tại sao Chúa lại để ông phải làm việc suốt 120 năm như vậy? Hai tuần trước chúng ta nghe Phi-e-rơ gọi Nô-ê là “thầy giảng đạo công bình.” Ông được gọi như thế vì, trong lúc ông đóng tàu, chắc sẽ có người đến hỏi ông đóng tàu để làm gì? Nhờ đó, ông có thể giảng với họ về tình yêu, và sự cứu rỗi của Chúa. Chúa thương yêu những người đồng thời với Nô-ê, không muốn họ bị hư mất, nên đã chờ đến 120 năm mới ban trận đại hồng thủy, sau khi Nô-ê đã có dịp giảng dạy cho họ.

Tôi làm giáo sư đã hơn 25 năm. Mỗi lần cho thi, tôi đặt giới hạn thì giờ. Có bài thi tôi cho nửa tiếng, có bài 45 phút, có bài một tiếng. Đó là quyền của tôi. Cũng vậy, Chúa có quyền trên thời gian, và là tác giả của thời gian; Chúa muốn trở lại để chấm dứt thời gian lúc nào, thì Chúa trở lại lúc đó. Hôm nọ, tôi cho thi, và thấy sinh viên gãi đầu gãi tai, có vẽ làm bài không kịp. Thấy thương hại, tôi cho thêm 5 phút. Trong trường hợp đó, không một sinh viên nào phàn nàn, “Ông thầy này sao ác quá! Thầy hứa cho 40 phút, bây giờ lại đổi ý cho thêm 5 phút. Sao thầy thất hứa như vậy? Lời hứa của thầy đâu rồi?” Nếu không có người sinh viên nào phàn nàn như vậy, tại sao lại có người phàn nàn rằng Chúa thất hứa, đã trì hoãn việc Ngài trở lại.

Câu trả lời thứ ba này nhắc nhở, thúc giục chúng ta rất nhiều. Đáng lẽ Chúa đưa chúng ta lên thiên đàng tức thì, ngay khi chúng ta tin Ngài. Nhưng không, Ngài giữ chúng ta trên thế gian này, để chúng ta đem tin lành đến những người xung quanh. Nếu chúng ta muốn nói như tác giả Thi Thiên 90, trong câu 13, “Đức Giê-hô-va ơi, xin hãy trở lai. Cho đến chừng nào?” thì xin chúng ta chứng tỏ bằng hành động của mình, đi ra làm chứng với người khác, đem họ về với Chúa. Vì đây là lý do của sự Chúa trì hoãn sự trở lại của Ngài: Chúa không muốn thấy những người đáng bị chết mất phải bị chết mất. Chúa muốn chờ, để họ có dịp tin Ngài qua chúng ta.

Hy vọng rằng, sau khi học được bài học này, chúng ta càng biết chắc là Chúa sẽ trở lại. Không những thế, chúng ta sẽ tích cực hơn trong việc khuyến khích lẫn nhau đem tin lành đến mọi người xung quanh. Vì chỉ khi chúng ta làm như vậy, Chúa mới sớm trở lại.

Mục Sư Đỗ Lê Minh