Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 12 | Hướng Dẫn

Bài 13

Mang Thập Tự Giá

Ma-thi-ơ 10:34-42; Lu-ca 12:51-53, 14:26-33

 

Kính Thưa Quý vị: Trong những tuần vừa qua, chúng ta đã học về trách nhiệm chính của người tín đồ, đó là đi ra rao giảng Tin Lành. Chúng ta thấy đây không phải là một điều dễ làm, vì cũng như Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ gặp nhiều sự chống đối hay bách hại. Thật ra, tin Chúa nói chung không phải là một điều dễ làm. Ði ra làm chứng, nếu chỉ hứa hẹn với người nghe những điều tốt lành trên đời, chúng ta lừa dối họ. Vâng, tin Chúa có thể chấm dứt một số khó khăn trên đời; nhưng tin Chúa cũng bắt đầu một số khó khăn khác. Trong các đoạn Kinh thánh Ma-thi-ơ 10:34-42, Lu-ca 12:51-53 và 14:26-33 chúng ta học ngày hôm nay, Chúa Giê-xu dạy rằng tin vào Ngài có thể phải trả một giá rất đắt, vì phải từ bỏ một số điều xem ra có giá trị lớn lao trên đời.

 

Ma-thi-ơ 10

34Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.

35Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia;

36và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.

37Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta;

38ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.

39Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.

40Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Ðấng đã sai ta.

41Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.

42Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.

 

Lu-ca 12

51 Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng thà đem sự phân rẽ.

52Vì từ nay về sau, nếu năm người ở chung một nhà, thì sẽ phân li nhau, ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba;

53cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ; bà gia nghịch cùng dâu, dâu nghịch cùng bà gia.

26Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.

27Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.

28Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?

29E khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười,

30và rằng: Người nầy khởi công xây, mà không thể làm xong được!

31Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi một muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn cùng chăng sao?

32Bằng chẳng nổi, khi vua kia còn ở xa, sai sứ đi xin hòa.

33Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.

 

I.                   Từ bỏ gia đình

 

Trích Mi-chê 7:6, Chúa phán, “34Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. 35Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; 36và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.” Ðược nói lên từ miệng một nhà lãnh đạo tôn giáo đã từng dạy dỗ nhiều điều về tình yêu thương, quả thật câu này là một nghịch lý. Thế thì chúng ta phải giải thích làm sao?

Trước hết, chúng ta ghi nhận rằng Chúa Giê-xu thật hiếu hòa. Ngài dạy trong Ma-thi-ơ 5:9, “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Ðức Chúa Trời!” Ngài khuyên chúng ta trong Ma-thi-ơ 5:39- 42, “Ðừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.” Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, sau khi Phi-e-rơ rút gươm chém đứt tai hữu của người đầy tớ thầy thượng phẩm, Chúa ra lệnh, “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.” (Ma-thi-ơ 26:52).

Chúa Giê-xu muốn mọi người sống trong bình an. Nhưng sự bình an mà Ngài nhắm đến không phải là sự bình an chính trị. Ngài xuống thế gian không để làm thỏa nguyện lời van xin của người Do thái, giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Ngài xuống thế gian cũng không để làm một cuộc cách mạng kinh tế hay xã hội, giải thoát con người khỏi sự bất công hay đói kém. Mục đích chính của Ngài là để con người có sự bình an với Ðức Chúa Trời. Phao-lồ viết trong thơ Cô-lô-se rằng, “1:20Bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Ðức Chúa Trời.”

Chính vì ưu tiên tối hậu của Ngài là cho chúng ta sự bình an với Ðức Chúa Trời, đôi khi nó làm chúng ta mất sự hòa thuận với nhau. Chúa Giê-xu đã kinh nghiệm điều này trước. Mác 3:20-22 ghi, “Ðức Chúa Giê-xu cùng môn đồ vào trong một cái nhà; đoàn dân lại nhóm họp tại đó, đến nỗi Ngài và môn đồ không ăn được. Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn. Có các thầy thông giáo ở thành Giê-ru-sa-lem xuống, nói rằng: Người bị quỉ Bê-ên-xê-bun ám, và nhờ chúa quỉ mà trừ quỉ.” Trong Giăng 15:18-19 Chúa cảnh cáo các sứ đồ, “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi.”

Sự bất hòa có thể xảy ra ngay trong gia đình. Vâng có nhiều trường hợp tin Chúa đem lại hòa thuận trong gia đình. Một trường hợp là khi một người tin Chúa, và gia đình người đó đã tin Ngài trước. Một trường hợp khác là khi một người đã có sự bất hòa trong gia đình trước khi tin Chúa, và trở về nhà như một người mới, tìm cách làm hòa với gia đình. Nhưng ở đây Chúa Giê-xu muốn nói đến một trường hợp xảy ra thường hơn, đặc biệt trong thế kỷ này, đó là sự liên hệ của một người tin Chúa với gia đình không tin, nhất là khi người đó còn là vị thành niên, phải tùy thuộc vào cha mẹ. Tại những nước Hồi giáo, một người con tin Chúa sẽ bị cha mẹ xem như là đã chết rồi. Tại nước Mỹ có một người đàn bà vô thần rất nổi tiếng tên là Madalyn Murray O'Hair. Bà lãnh đạo những vụ kiện đưa đến việc cấm đoán cầu nguyện tại các trường học công lập. Khi người con trai của bà tên William J. Murray tin Chúa năm 1980, bà từ con và coi đây như một “việc phá thai sau khi sanh nở của người mẹ” (“postnatal abortion on the part of a mother”). Mặc dầu Chúa Giê-xu nói đến gia đình, nhưng sự bất hòa cũng có thể đến giữa những mối liên hệ trong trường học, hay sở làm.

Không những nói trước rằng Chúa có thể không đem lại sự hòa thuận trong gia đình, Ngài nói thêm rằng Ngài có thể “đem gươm giáo.” Ở đây, Chúa không muốn nói đến những sự bất hòa xảy ra hoàn toàn vì lỗi của người tín đồ. Có người quá hăng say đến nỗi coi thường người không tin, và trở thành một “mũi nhọn,” hết phê phán người này đến người khác. Nhưng Chúa muốn nói đến những người đã tin Ngài, và không thể nín lặng, nhìn gia đình tiếp tục sống trong tăm tối, nên phải nói với họ về Chúa Giê-xu trong khiêm nhường và khôn khéo. Dầu vậy, Tin Lành vẫn có thể làm người ta nổi giận, vì như tác giả Hê-bơ-rơ viết, “4:12Lời của Ðức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” Lời Chúa cho con người biết mình tội lỗi, không tự cứu mình được, vì thế phải nhờ đến dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu trên thập tự giá để được làm hòa thuận với Ðức Chúa Trời. Nếu gia đình không chấp nhận được điều này, dầu chúng ta có khôn khéo bao nhiêu, họ cũng sẽ không thân thiện với chúng ta.

Nếu gặp sự chống đối từ gia đình, chúng ta phải làm gì? Xin cho tôi khuyến khích quý vị cứ giữ vững niềm tin. Trước sự chọn lựa giữa người thân và Chúa Giê-xu, chúng ta phải chọn Chúa. Vâng, chúng ta phải sống hòa thuận với người khác, nhưng đây không có nghĩa là chúng ta phải trả giá bằng cách từ bỏ niềm tin, để đánh mất sự hòa thuận với Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nói thêm, “37Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta.” Ngài phấn mạnh hơn trong Lu-ca 14:26, “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” Ở đây, Chúa không muốn dạy chúng ta ghét gia đình mình, nhưng yêu Ngài hơn. Chữ “ghét” chỉ có nghĩa tương đối là “yêu ít hơn,” như Phục-truyền Luật-lệ Ký 21: 15 viết, “Khi một người nam nào có hai vợ, vợ nầy được thương, vợ kia bị ghét.”

Thật ra, càng yêu Ðức Chúa Trời nhiều hơn, chúng ta càng yêu gia đình nhiều hơn. Tình yêu gia đình thiếu ánh sáng của Tin Lành có thể đưa đến ích kỷ, và kiềm chế. Chỉ khi biết yêu Ðức Chúa Trời nhiều hơn, chúng ta mới học được từ Ngài loại tình-yêu-mặc-dầu agape, và tập áp dụng vào sự liên hệ với người thân.

Không những chỉ giữ vững niềm tin, và yêu Ðức Chúa Trời hơn gia đình bạn bè, chúng ta cũng phải thể hiện niềm tin của mình trong đời sống. Trước sự chống đối của những người chưa biết Chúa, chúng ta phải để Ðức Thánh Linh uốn nắn, cho chúng ta thêm những “trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Lúc đầu, người thân có thể nghĩ rằng chúng ta đóng kịch, nhưng lần lần sẽ thấy niềm tin chân thật trong chúng ta, nên kính trọng chúng ta hơn, và nhờ đó có cảm tình với Tin Lành hơn.

 

II.                Từ bỏ chính mình

 

Không những phải chọn Ðức Chúa Trời trên người thân, chúng ta cũng phải chọn Ngài trên chính mình. Chúa nói tiếp, “38Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.” Dầu biết rằng Ngài đang nói đến cây thập tự giá theo nghĩa bóng ở đây, nhiều người vẫn hiểu lầm câu nói này, như có người than rằng vợ hay chồng mình là cây thánh giá mình phải mang.

Lúc đó thập tự giá là một khí cụ tử hình, và người mang thập tự giá là người sắp đi đến cái chết. Ðây là một cái chết thật đau đớn, chỉ những người phạm tội cực nặng mới phải chịu. Người mang thập tự giá cho Chúa Giê-xu là người coi như mình đã chết. Ngài không nói, “Hãy theo ta. Ta sẽ cho ngươi được sung sướng, giàu có và khỏe mạnh.” Ngược lại, Ngài đã chết thế cho chúng ta, và đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng chịu tử đạo vì Ngài.

Việc mang thập tự giá không chỉ nói đến những khó khăn đau đớn chúng ta phải gánh chịu trên đời, nhưng cũng nói đến mục đích của nó là để “theo Ngài.” Người mang thập tự giá từ bỏ mình, để sống cho Chúa và tha nhân. Người mang thập tự giá không đếm các hậu quả đến với mình, nhưng các kết quả cho Chúa. “Chịu trận” với người vợ hay chồng khắc nghiệt mà không đem lại một lợi ích gì cho nước Ðức Chúa Trời không phải là mang thập tự giá cho Ngài. Làm một việc mình không thích để kiếm tiền cho mình cũng không là mang thập tự giá.

Như Chúa Giê-xu dạy trong đoạn trước, chịu sự bách hại khi đi ra rao giảng Tin Lành là mang thập tự giá cho Ngài. Nhưng chúng ta không cần phải làm những hành động tôn giáo lớn lao, phi thường để mang thập tự giá theo Chúa. Chúng ta có thể mang thập tự giá bằng cách làm những điều chúng ta không thích, biết rằng Chúa muốn chúng ta làm, như dâng hiến tiền bạc cho công việc Chúa, bỏ thì giờ học Kinh thánh, dạy trường Chúa Nhật, hay làm những việc có vẻ “thấp hèn” trong hội thánh. Mang thập tự giá là sống như cách Phao-lồ viết trong thơ Ga-la-ti 2:20, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Ðấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Ðấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.”

Trong phim Chariots of Fire, người chị của lực sĩ Eric Liddell khuyên ông bỏ chạy để đi làm giáo sĩ. Ông trả lời, “Không. Chúa cho em chạy nhanh, và muốn em chạy đua.” Tại Thế Vận Hội năm 1924 tại Paris, ông mang thập tự giá cho Chúa bằng cách từ bỏ huy chương vàng vì không chịu chạy cuộc đua 200 thước trong ngày Chúa Nhật. Vài năm sau, biết đã đến lúc, ông từ bỏ tất cả để sang Trung quốc làm giáo sĩ, và cuối cùng bị lính Nhật giết chết bên đó.

Chúa muốn chúng ta biết trước giá mình phải trả khi theo Ngài. Ngay sau lời dạy này, Lu-ca 14:33 ghi tiếp lời Ngài, “Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? E khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười, và rằng: Người nầy khởi công xây, mà không thể làm xong được! Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi một muôn lính có thể địch nổi vua kia đem hai muôn cùng chăng sao? Bằng chẳng nổi, khi vua kia còn ở xa, sai sứ đi xin hòa. Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.”

 

III.       Ðể được phần thưởng

 

Một đàng chúng ta phải biết giá mình phải trả, nhưng đàng khác cũng phải biết điều mình sẽ nhận được khi trả giá đó. Chúa dạy tiếp, “39Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.” Lu-ca 18:28-30 ghi, “Phi-e-rơ bèn thưa rằng: nầy chúng tôi đã bỏ sự mình có mà theo thầy. Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người nào vì cớ nước Ðức Chúa Trời mà bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con, thì trong đời nầy được lãnh nhiều hơn, và đời sau được sự sống đời đời.” Ngài muốn nói rằng khi chúng ta từ bỏ những điều xem ra có vẻ quý giá vì Ngài, Ngài sẽ ban lại bội phần. Gia đình và chính mạng sống mình thật ra ngắn hạn và không làm chúng ta hoàn toàn thỏa mãn; tiền bạc, của cải hay danh vọng không cho con người hạnh phúc. Nhưng nếu sẵn sàng đặt chúng vào bàn tay Ðức Chúa Trời, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự sống thật sự và tràn đầy ngay cả trên thế gian này. Ít nhất, sự sống thật này đến khi chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa, ngay cả giữa những khó khăn bách hại. Ý nghĩa này đến khi chúng ta biết rằng mang thập tự giá cho Chúa là làm đại sứ cho Ngài, như lời Ngài kết luận, “40Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Ðấng đã sai ta.” Ðại diện Ðức Chúa Trời, chúng ta gián tiếp được quyền “ban phần thưởng” cho người đón nhận mình. “41Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. 42Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.”

Nhưng chưa hết, chúng ta phải nói đến sự sống đời đời về sau. Không có sự hy sinh nào trên đời có thể so sánh được với điều chúng ta sẽ nhận được trên thiên đàng. Phao-lồ viết trong I Cô-rinh-tô, “2:9Song le, như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Ðức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”

Trong Ma-thi-ơ 13:44, Chúa Giê-xu so sánh “Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó.” Bán hết gia tài mình là mất hết, nhưng kết quả là có được của báu. Mang thập tự giá là mất hết, nhưng sự mất mát này không sao so sánh được với những điều Ðức Chúa Trời đền bù. Phao-lồ viết trong thơ Phi-líp 3:8, “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Ðức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Ðấng Christ.”

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh