Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Hướng Dẫn

Bài 4

Duy Trì Mối Tương Thông Trong Gia Đình

Kinh Thánh: I Phi-e-rơ 3:1-12

Câu gốc: ''Lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận; còn lời xẳng-xớm trêu thạnh-nộ thêm. Lưỡi người khôn ngoan truyền ra sự tri thức cách phải; nhưng miệng kẻ ngu-muội chỉ buông đều điên-cuồng'' (Châm-ngôn 15:1-2).

Chúng ta đang sống trong thế kỷ truyền thông tiến bộ và nhanh chóng. Có thể nói chưa bao giờ con người được hưởng lấm tiện nghi vật chất, như trong thời đại hiện nay của chúng ta. Quí vị nói chuyện với người thân của mình qua điện thoại viễn liên xa hàng ngàn dậm vẫn nghe rõ ràng từng tiếng. Ngày nay quí vị chỉ cần bấm nút máy vô truyến truyền hình chúng ta thấy xuất hiện trên màn ảnh những sanh hoạt đang xảy ra cách chúng ta ngàn dặm. Chúng ta thấy các phi hành gia Hoa Kỳ trên các phi thuyền con thoi, họ đang thí nghiệm và đi trên không gian, gởi hình ảnh và tiếng nói qua không gian ngày nay không còn là giấc mơ nữa. Con người phát minh và đạt được những tiến bộ khoa học ấy, là vì họ có một sự tương thông đặc biệt với nhau.

Con Người trên thế giới có một sự tương thông (Communication) với nhau, chính là một phần của sự kỳ diệu mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại chúng ta, Thánh Kinh chép rằng. ''Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài'' (Hê-bơ-rơ 1:1-2a). Lời Chúa cho chúng ta biết, Thượng Đế đã khải thị và Ngài truyền đạt lời phán của Ngài qua các đấng tiên tri. Đức Chúa Trời tiếp tục dạy dỗ và hướng con dân Ngài qua Thánh Kinh và qua những kinh nghiệm mà con dân Ngài từng trải bằng đức tin và sự vâng phục.

Sự từng trải và kinh nghiệm của chúng ta đạt được là qua sự cầu nguyện và học lời của Đức Chúa Trời hằng ngày. Lòng tin của chúng ta không chỉ đến gần ngôi ân điển trong khi cầu nguyện, ăn năng, xưng tội, ngợi khen, và cầu xin, ngoài ra cầu nguyện còn có ý nghĩa, chúng ta cần phải lắng nghe, lời phán êm diệu của Ngài nữa. Đức Chúa Trời rất mong muốn chúng ta đến tương giao với Ngài và tìm cầu Ngài.

I. quá trình của sự giao thông đưa đến kết quả hôn nhân.

Trong tự điển Anh-Việt hiện Đại (Modern English-Vietnamese Dictrionary) từ ngữ Communication trong tiếng Anh dịch ra Việt ngữ: Sự truyền đạt, sự giao thiệp, sự thông tri, sự giao thông.

Tôi xin chia sẽ cùng quí vị, tầm quan trọng của sự truyền đạt, vô cùng hệ trọng trong hôn nhân, nếu thiếu sự truyền đạt, ''ông nói gà, bà nói vịt'' thì hậu quả hôn nhân vô cùng tai hại.

Kinh nghiệm chúng ta thường thấy, kết quả hai người yêu nhau họ trãi qua một thời gian, tìm hiểu nhau và thông cảm cho nhau.

Trước khi đi đến hôn nhân, đôi trai gái có sự giao thông mật thiết với nhau. Qua thời gian tỏ tình và tìm hiểu, họ thường chia sẽ với nhau và hoạch định làm sau cho cuộc sống được toàn vẹn, để tạo một hạnh phúc cho tương lai được bền vững.

Từ lúc tìm hiểu, cho đến hôn nhân có rất nhiều hình thức để biểu lộ tình cảm, giữa nam và nữ như ánh mắt, nụ cười, nắm tay qua những lời tâm sự, qua điện thoại, qua thư, và họ còn có thể truyền đạt với nhau qua những kỹ vật. Qua sự tương thông, tìm hiểu, yêu đương của người nam và người nữ, đến một thời điểm họ quyết định đi đến hôn nhân. Hôn nhân thánh phải được xây dựng trên nền tảng tình yêu của chính Chúa Jesus Christ.. Tình yêu ấy mà sứ đồ Phao-lô phán dạy trong Cô-rinh-tô chính là lời truyền đạt từ Thiên Chúa đến với con người như sau: ''Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm đều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về đều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự'' (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Nếu quí vị làm theo nền tảng tình yêu của Phao-lô dạy ở trên, thì hôn nhân của quí vị sẽ được hạnh phúc lâu dài.

II. Hiểm họa trong gia đình vì thiếu sự giao thông.

Sau đây là những nguyên nhân mà nhiều người bị thất bại trong hôn nhân và gia đình:

Vì thiếu sự cảm thông, thiếu khả năng, thiếu kiến thức và thiếu sự chăm sóc. Có nhiều người vì quá quan tâm lo cho tương lai, hoặc vì việc làm mà họ quên đi không mấy bận tâm về tình yêu của nhau nữa. Có nhiều gia đình chồng làm buổi sáng, vợ làm buổi chiều, con thì giao cho trường học dạy dỗ, họ thường nói chuyện với nhau qua tủ lạnh. Thông thường sự quan tâm lẫn nhau sẽ đưa đến tình cảm tốt trong quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Muốn thành công trong đời sống hôn nhân và gia đình, hai vợ chồng, cha mẹ, và con cái phải có lòng bao dung, chân thật và tâm đầu ý hợp. Tục ngữ Việt Nam có câu:

Đồng vợ đồng chồng tác biển đông cũng cạn.

Khá nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh người chồng tính tình quá nóng giận không cầm được miệng lưỡi, lời qua tiếng lại xúc phạm nhau nên đưa đến hậu quả gia đình đỗ vỡ. Lời Thánh Kinh chép: ''Sống chết ở nơi quyền của lưỡi'' (Châm-ngôn 18:21a).

Tục ngữ Việt Nam có câu vầy:

Chim khôn kêu tiếng rảng rang,

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe,

Một câu nhịn chín sự lành.

Có nhiều gia đình vì vợ chồng thiếu sự tế nhị với nhau nên đưa đến kết quả, anh đi đường anh, em đi đường em. Quí vị cẩn thận đừng vội phê bình chỉ trích nặng nề lẫn nhau, sẽ dể gây ra lòng hận thù. Sứ đồ Gia-cơ nói về tội của lưỡi: ''Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô-hội của tội ác ở giữa các quan-thể chúng ta, làm ô-uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy'' (Gia-cơ 3:6). Trong thời gian tìm hiểu quí vị thường cổ võ và khích lệ lẩn nhau. Khi đã thành vợ chồng rồi thì quí vị hãy tiếp tục khích lệ, kính trọng lẫn nhau, ''Em thuận anh hoà nhà có phúc.''

Quí vị đừng quá độc đoán, đừng nói mỉa mai châm chích lẫn nhau, nhưng phải có thái độ quan tâm, và chiếu cố lẫn nhau. Có một người đàn ông nói với vọng mỉa mai về vợ ông rằng: ''Vợ tôi nàng tự hào rằng chưa bao giờ có lầm lỗi trong 15 năm của cuộc hôn nhân nầy. Nàng là người đàn bà độc đoán và không bao giờ tự nhận mình đã có lỗi lầm.''

Hành động lăng mạ, khiêu khích trả đủa lẫn nhau, khi tức giận sẽ không ích lợi chi cả, chỉ đưa đến hậu quả càng thêm nghiêm trọng. Lời Chúa dạy: ''Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay-nghiệt với người'' (Cô-lô-se 3:19). Chúng ta nên suy xét kỷ mỗi lời nói của mình. Tục ngữ cũng có câu:

Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời vàng ngọc mà vua Sa-lô-môn chép trong Châm-ngôn: '' Lời nói phải, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc'' (Châm-ngôn 25:11).

III. Xây dựng mối giao thông tốt trong gia đình.

Khi tình nghĩa vợ chồng thiếu đi sự tương thông. Lúc ấy họ rất cần cha mẹ, anh em, bạn bè và Mục Sư quan tâm, chăm sóc và nâng đỡ tinh thần họ. Có hai vợ chồng đến gặp Mục sư nhờ sự giúp đỡ.

Họ nói ''Thưa Mục Sư, ông có nghĩ rằng chúng tôi có quá rồ dại lắm không? Chúng tôi không muốn ly hôn, nhưng không biết làm sao cuộc sống hôn nhân của chúng tôi, đã mất đi mộng đẹp ban đầu. Giờ đây không còn tuyệt vời như lúc mới cưới nhau, xin Mục sư giúp đỡ chúng tôi?'' Mục sư vui vẽ nói với hai vợ chồng rằng. Anh chị đã có sự từng trải, thấy rõ và hiểu được nan đề trong đời sống vợ chồng.

Sau đó Mục sư gợi ra một ít nguyên tắc để hai vợ chồng nối lại tình cảm và sự tương thông mà họ đã khốn-khổ bấy lâu nay. Những ý kiến của Mục sư ấy có thể tóm tắc giúp ít chúng ta trong cuộc sống hôn nhân:

Cầu xin Chúa phù giúp. Vợ chồng mỗi ngày để một thời gian đặt biệt tương giao với Chúa. Cầu xin Đức Chúa trời quan phòng và giải quyết những nan đề trong cuộc sống.

B.Hãy thực tế vì mọi người đều bất toàn. Đừng quá đặt triễn vọng, mọi việc đều phải hoàn hảo.

Biết nhận lỗi lầm khi đã gây ra sự tổn thương. Hãy cầu xin Chúa giúp vợ chồng mạnh dạn nói lên lời '' I'm sorry.''

Hãy sẵn sàng tha thứ nhau. Thánh Kinh chép rằng, ''Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jesus mà hỏi rằng:Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy'' (Ma-thi-ơ 18:21-22). Đây là câu Kinh dạy chúng ta phải có tấm lòng tha nhứ nhau, không chỉ có bảy lần mà nhiều lần.

Hãy chú ý và lắng nghe. Đừng thờ ơ trong cuộc đối thoại hãy lắng nghe, góp ý và xây dựng với nhau.

Để ý và khen tặng. Đừng bao giờ bỏ qua những lời khen tặng, khi vợ chồng giúp đỡ lẫn nhau. Hãy bày tỏ lòng biết ơn, tuyệt dối không bao giờ nói xấu lẫn nhau.

Kết Luận:

Good Communication là cuộc đối thoại chứ không phải đoạn độc thoại. Muốn được hạnh phúc mỗi người trong gia đình phải giữ mối tương thông và nhận định sự truyền đạt là tầm quan trọng trong cuộc sống, thì mới có hạnh phúc. Nếu gia đình quí vị bấy lâu nay mất đi tình yêu, hạnh phúc, vì thiếu sự truyền đạt. Vậy thì ngay bây giờ quí vị hãy nối lại mối dây tương thông trong quan hệ gia đình quí vị. Amen.

Rev. Trọng Ngọc Châu