Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Bài 3 >> | Hướng Dẫn

Bài 2

1:3-6 ĐỨC CHÚA CHA LỰA CHỌN

3 Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời, 4 trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, 5 bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài, 6 để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!

 

1. Phao-lô mở đầu lá thư với câu: “Ngợi khen Đức Chúa Trời” cho thấy điều gì?

2. Đức Chúa Trời được gọi là “Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.” Tại sao Phao-lô mô tả Đức Chúa Trời như vậy? Ngụ ý gì?

3. “Phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (c. 3b) là phước gì?

4. “Trước khi sáng thế” (c. 4a) là khi nào? Ngụ ý gì?

5. Xin cho biết mục đích Đức Chúa Trời chọn chúng ta (c. 4)?

6. “Được trở nên con nuôi” (c. 5a) là được điều gì? Có ý nghĩa gì?

7. Mục đích tối hậu Đức Chúa Trời chọn chúng ta là để làm gì (c. 6)? Nghĩa là thế nào?

 

Lời mở đầu Thư Ê-phê-sô là: Ngợi khen Đức Chúa Trời (c. 3a). Ngợi khen là lời ca ngợi, chúc tụng Đức Chúa Trời xuyên cả Cựu Ước: Sáng 9:26; Xuất 18:10; I Sa. 25:32; I Sử 29:10. Ngợi khen hay chúc tụng (BHĐ) một người nào là công bố lời ca ngợi hay nói lời tốt lành về người đó. Còn người nói lời chúc tụng là người nhận ơn phước từ nơi Đấng mình chúc tụng. Vì vậy, Ngợi khen Đức Chúa Trời mang ý nghĩa chúng ta chúc tụng Chúa về những gì Ngài đã làm và chúng ta là người nhận được những gì Ngài làm.

Đức Chúa Trời được gọi là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta nói lên mối quan hệ của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi: “Đức Chúa Trời… ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16).

Lý do Phao-lô chúc tụng Đức Chúa Trời là:

Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời (c. 3b)

Phước thiêng liêng nghĩa là “ơn phước tâm linh” hay “thuộc về Linh” với hai ý nghĩa:

·      Đây là những ơn phước liên quan đến phần sâu thẳm và quan trọng nhất trong con người. Đây là phần quyết định mọi tư tưởng và hành động của con người.

·      Ơn phước nầy do Chúa Thánh Linh tác động bên trong chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể nhận được những ơn phước nầy qua Chúa Giê-xu (trong Đấng Christ) và nguồn của các ơn phước nầy là thiên đàng (ở các nơi trên trời), không thể tìm thấy một nơi nào khác.

Phao-lô kể những ơn phước đó như sau:

Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời (c. 4)

Đây là ơn phước được Đức Chúa Trời lựa chọn: Ngài đã chọn chúng ta (c. 4a). Sự lựa chọn nầy xảy ra trước khi sáng thế (c. 4a). Trước khi sáng thế là trước khi tạo dựng trời đất, điều nầy cho thấy việc Chúa lựa chọn chúng ta nằm trong chương trình và ý định đời đời của Ngài, chúng ta không có phần gì trong đó cả!

Trong Đấng Christ nghĩa là qua Đấng Christ hay bởi Đấng Christ, trong mối quan hệ giữa chúng ta với Đấng Christ. Mục đích của sự lựa chọn nầy là: Đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời (c. 4b). Đức Chúa Trời chọn chúng ta để chúng ta được biệt riêng cho Ngài (nên thánh). Không chỗ trách được là từ chỉ về các con sinh không tì vết trong Cựu Ước. Đức Chúa Trời chọn chúng ta cho mục đích cao đẹp đó nên chúng ta không thể nói rằng vì đã được chọn, tôi muốn sống thế nào cũng được.

Giáo lý tiền định được trình bày rõ trong câu:

Bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, theo ý tốt của Ngài (c. 5)

Tiền định không phải là sản phẩm hay ý kiến của con người nhưng đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể không hiểu hết điều nầy nhưng phải chấp nhận những sự kiện sau:

·      Căn bản của việc Chúa định là tình yêu của Ngài: Bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta (c. 5a).

·      Mục đích Chúa định là để chúng ta được làm con của Chúa: Được trở nên con nuôi của Ngài (c. 5b). Từ con nuôi mang ý nghĩa danh phận làm con, quyền làm con (Giăng 1:12).

·      Việc Đức Chúa Trời định như vậy nằm trong chương trình đời đời của Ngài: Theo ý tốt của Ngài (c. 5c).

Mục đích tối hậu của việc Đức Chúa Trời lựa chọn và định trước là:

Để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài (c. 6)

 Khen ngợi hay ca ngợi mang ý nghĩa sùng bái, tôn thờ. Điều chúng ta khen ngợi là: Sự vinh hiển của ân điển Ngài (c. 6a). Vinh hiển nói đến danh tiếng hay uy tín. Ca ngợi vinh hiển của ân điển Ngài là chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời qua ân sủng Chúa ban cho chúng ta. Ân sủng nầy được nhấn mạnh là nhưng khôngtrong Con yêu dấu Ngài (c. 6b). Nhưng không nghĩa là quà tặng, không phải trả một giá nào. Những chữ trong Con yêu dấu Ngài trong nguyên văn là “trong Đấng yêu dấu.” Chúa Giê-xu là Đấng yêu dấu của chúng ta và là Con yêu dấu của Đức Chúa Trời.

Mục đích tối hậu của việc Đức Chúa Trời lựa chọn và định trước để chúng ta được làm con Chúa là để chúng ta ca ngợi Chúa và tôn thờ Ngài.