Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Bài 4 >> | Hướng Dẫn

Bài 3

1:7-12 ĐỨC CHÚA CON CỨU CHUỘC

7 Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, 8 mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng, 9 khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhân từ Ngài — 10 để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn — hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.

11 y cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán, 12 hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen.

 

1. Xin cho biết điểm giống nhau giữa câu 6, 12 và 14. Điểm giống nhau nầy cho thấy điều gì?

2. Xin cho biết những điều chúng ta có trong Đấng Christ (c. 7).

3. “Khôn ngoan thông sáng” (c. 8) nói đến điều gì?

4. Xin giải thích “sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài” (c. 9a).

5. “Kỳ mãn” (c. 10a) là khi nào?

6. Xin giải thích những chữ “kẻ dự phần kế nghiệp” (c. 11a).

7. “Theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán” (c. 11b) nghĩa là thế nào?

8. Xin cho biết điểm giống nhau của câu 6 và 12. Nói lên điều gì?

Khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài là điều được nhắc đến trong các câu 6, 12 và 14:

Để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài (c. 6)

Sự vinh hiển của Ngài… được ngợi khen (c. 12)

Để khen ngợi sự vinh hiển Ngài (c. 14)

Cụm từ Khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài cho thấy vai trò của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi nhân loại:

·      Đức Chúa Cha lựa chọn (c. 3-6)

·      Đức Chúa Con cứu chuộc (c. 7-12)

·      Đức Thánh Linh ấn chứng (c. 13-14)

Hai điều Chúa Giê-xu làm cho chúng ta trong chương trình cứu rỗi (c. 7):

 

ĐIỀU CHÚA LÀM

CĂN BẢN

Cứu chuộc

Huyết Ngài

Tha tội

Ân điển Ngài

 

Hai điều nầy được thực hiện trong Đấng Christ (c. 7a) nghĩa là qua Chúa Giê-xu, nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta được cứu chuộc và tha tội. Cứu chuộctha tội nói đến những khía cạnh khác nhau của sự cứu rỗi.

Cứu chuộc là bỏ tiền ra để mua nô lệ (Xuất 21:8; Lê 25:48). Chúa Giê-xu đã chuộc chúng ta bằng huyết của Ngài. Huyết hay máu nói đến sự sống. Giá Chúa Giê-xu phải trả để chuộc chúng ta là chính mạng sống của Ngài.

Tha tội là tháo gỡ sự ràng buộc, buông tha, tha thứ. Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta dựa trên ân sủng của Ngài. Ân sủng là ơn ban cho người không đáng được. Phao-lô gọi ân sủng đó là ân sủng dư dật. Đức Chúa Trời chẳng những ban ơn, nhưng Ngài ban ơn cách đầy dẫy, dư dật. Dư dật mang ý nghĩa giàu có, vô hạn. Phao-lô viết tiếp:

Mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng (c. 8).

Ân sủng của Chúa chẳng những dư dật (c. 7b) nhưng cách Đức Chúa Trời ban ân sủng đó là phong phú, hào phóng: Rải ra đầy dẫy (c. 8a).

Ba khía cạnh của sự cứu rỗi Phao-lô trình bày là: (1) Được làm con của Đức Chúa Trời, c. 5. (2) Được cứu chuộc, c. 7a. (3) Được tha tội, c. 7b. Thêm vào đó là: Cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng (c. 8b).

Khôn ngoan (sophia) là khả năng thấy được chiều sâu của vấn đề còn thông sáng (phronesis) mang ý nghĩa “hiểu biết đưa đến hành động đúng.” Sự khôn ngoan Đức Chúa Trời ban cho chúng ta không phải chỉ là hiểu biết của lý trí nhưng là khả năng áp dụng những hiểu biết đó vào đời sống hằng ngày (Francis Foulkes).

Khôn ngoan và thông sáng nầy khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài (c. 9a). Sự mầu nhiệm (mysterion) được Phao-lô dùng nhiều lần trong các lá thư của ông (Rô. 16:25; I Cô. 2:7; Cô. 1:26: 2:2; 4:3). Mầu nhiệm không mang ý nghĩa bí mật hay giấu kín nhưng nói đến “điều trước kia không được tiết lộ hay không có chi tiết đầy đủ nhưng nay được trình bày rõ ràng” (Darrell Bock). Sự mầu nhiệm nầy là việc Dân Ngoại và người Do-thái được thừa hưởng một gia tài cứu rỗi như nhau (3:6). Đây là sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài nghĩa là điều Chúa đã hoạch định từ trước. Câu: Theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhân từ Ngài (c. 9b) dịch đúng hơn là: “Theo mục đích tốt đẹp mà Ngài đã định sẵn” (BHĐ).

Mục đích nầy được thực hiện khi kỳ mãn (c. 10a). Kỳ mãn là lúc lời hứa của Đức Chúa Trời được thực hiện (Ga-la-ti 4:4). Đến đúng thời điểm, mục đích của Chúa sẽ được thực hiện:

Hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất (c. 10b)

Chữ hội hiệp trong nguyên văn mang ý nghĩa gom góp lại để trình bày như một tổng thể (tóm lại, Rô-ma 13:9). Vật ở trên trời và vật ở dưới đất nói đến toàn thể tạo vật, thế giới vật chất cũng như thế giới thần linh. Mục đích cuối cùng trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời là: qua Chúa Giê-xu, toàn thể nhân loại và vũ trụ đều hiệp làm một trong Ngài, dưới quyền của Ngài. Phao-lô nói điều nầy hàm ý chống lại những chủ thuyết đương thời, phân chia vũ trụ thành nhiều phần khác nhau, với những thần linh khác nhau và những thần linh trung gian giữa nhân loại với Đức Chúa Trời.

Có thể nói kỳ mãn bắt đầu với việc Chúa Giê-xu giáng sinh (Ga-la-ti 4:4) và kết thúc lúc muôn vật được kết hợp hoàn toàn trong Ngài (Rô-ma 8:20-23).

Ba khía cạnh của sự cứu rỗi đã Phao-lô trình bày là: (1) Được làm con của Đức Chúa Trời, c. 5. (2) Được cứu chuộc, c. 7a. (3) Được tha tội (c. 7b) cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng (c. 8b). Ngoài ra, Phao-lô viết tiếp:

y cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, (c. 11a)

(4) Nên kẻ dự phần kế nghiệp (c. 11a). Nên kẻ dự phần kế nghiệp cũng có thể dịch là “nên phần cơ nghiệp” nghĩa là không phải chúng ta HƯỞNG cơ nghiệp nhưng chúng ta LÀ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (God’s own possession, bản dịch NET). Y-sơ-ra-ên là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước (Thi thiên 33:12; 135:4), ngày nay, những người tin nhận Chúa Giê-xu (trong Ngài), không phân biệt Do-thái hay Dân Ngoại, tất cả chúng ta đều là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Hai điều Phao-lô nói về việc chúng ta là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là:

(1) Đã được định trước cho chúng ta (c. 11b): “Được định sẵn theo kế hoạch của Đức Chúa Trời” (BHĐ).

(2) Theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán (c. 11c): “Hoàn thành mọi sự theo mục đích Ngài muốn” (BHĐ).

Sự cứu rỗi của chúng ta vì vậy nằm trong chương trình và ý định đời đời của Đức Chúa Trời và chính Ngài định trước cho chúng ta.

Điểm giống nhau của câu 6 và 12 là: Khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài:

·      Để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài (c. 6)

·      Sự vinh hiển của Ngài… được ngợi khen (c. 12)

Tương tự như vậy trong câu 14:

·      Để khen ngợi sự vinh hiển Ngài (c. 14)

Điều nầy chẳng những cho thấy vai trò của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi nhân loại nhưng cũng cho thấy mục đích tối hậu của chương trình cứu rỗi là vinh quang của Đức Chúa Trời. Vinh quang hay vinh hiển nói đến sự cao trọng của Đức Chúa Trời trong bản chất và hành động của Ngài, đặc biệt nói đến ân sủng của Chúa: Khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài (c. 6). Sự cứu rỗi đến với chúng ta nhưng vinh hiển dành cho Đức Chúa Trời: Sự vinh hiển của Ngài… được ngợi khen (c. 12).