Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Bài 5 >> | Hướng Dẫn

Bài 4

1:13-14 ĐỨC THÁNH LINH ẤN CHỨNG

13 Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, 14 Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài.

 

1. “Đạo Tin Lành” và “đạo chân thật” (c. 13a) chỉ về điều gì?

2. “Được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh nghĩa là thế nào?

3. “Của cầm về cơ nghiệp” (c. 14a) nói về điều gì?

4. “Kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được” (c. 14b) là khi nào?

 

Ê-phê-sô 1:3-14 cho thấy những phương diện cứu rỗi qua vai trò của Đức Chúa Cha (c. 3-6), Đức Chúa Con (c. 7-11) và Đức Thánh Linh (c. 13-14). Đức Chúa Cha lựa chọn, Đức Chúa Con cứu chuộc và Đức Thánh linh ấn chứng.

Nói về Đức Thánh Linh ấn chứng, Phao-lô viết:

y lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa (c. 13)

Ba điều Phao-lô nói trong câu nầy là nghe, tinđược ấn chứng.

(1) Nghe: Anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em (c. 13a). Một người cần phải nghe trước khi tin (Rô-ma 10:14). Điều các tín hữu Ê-phê-sô nghe là đạo chân thật, là đạo Tin Lành. Đạo chân thật là “lời chân lý” (BHĐ) còn đạo Tin Lành là Phúc Âm cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Phúc Âm của Chúa Giê-xu là lời chân lý mà người Ê-phê-sô đã nghe.

(2) Tin: y là trong Ngài mà anh em đã tin (c. 13b). Tin hàm ý tiếp nhận và ký thác nơi Chúa Giê-xu (trong Ngài).

(3) Được ấn chứng: Được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa (c. 13c). Ấn chứng nghĩa là “đóng dấu ấn,” chỉ về quyền sở hữu, như cách người ta dùng sắt nung đỏ đóng tên người chủ lên lưng đàn súc vật của người đó. Nô lệ ngày xưa có khi cũng được đóng dấu ấn như vậy. Khi tin nhận Chúa, Đức Chúa Trời đóng dấu ấn cho chúng ta bằng cách ban Đức Thánh Linh đến ngự vào lòng chúng ta. Đây là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta thuộc quyền sở hữu của Ngài (Rô-ma 8:16).

Đức Thánh Linh được gọi là của cầm về cơ nghiệp chúng ta (c. 14a). Của cầm (arrabon, nhẫn đính hôn trong tiếng Hy-lạp ngày nay) là danh từ thương mại chỉ về tiền đặt cọc hay bảo chứng cho món hàng mua. Đức Thánh Linh được gọi là của cầm về cơ nghiệp chúng ta: “Đấng ấy là bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta” (BHĐ). Nói như vậy nghĩa là, khi nghe Phúc Âm và tin nhận, chúng ta được đảm bảo mình là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (c. 11a). Đảm bảo đó là sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống.

Cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được (c. 14b) nghĩa là “cho đến khi những người thuộc về Ngài nhận được sự cứu chuộc” (BHĐ). Đây là sự cứu chuộc toàn vẹn trong ngày cuối cùng (Rô-ma 8:23).

Ê-phê-sô 1:3-14 là lời ca ngợi Đức Chúa Trời về ơn phước thiêng liêng của Ngài, chủ yếu là sự cứu rỗi thực hiện qua Ba Ngôi: Đức Chúa Cha lựa chọn, Đức Chúa Con cứu chuộc và Đức Thánh linh ấn chứng. Sự cứu rỗi này chỉ nhằm một mục đích: ca ngợi vinh hiển Đức Chúa Trời. Đời sống của người tin Chúa là đời sống ca ngợi. Ca ngợi vì Chúa đã lựa chọn và cứu chuộc chúng ta. Ngài cũng đảm bảo cho chúng ta gia sản đời đời trên trời và chính chúng ta cũng là gia sản của Ngài. Không còn phước hạnh nào lớn hơn!