Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 113 | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Cuộc Nhóm Họp Thờ Phượng Sáng Chúa Nhật Tại Nhà Thờ 3

GIẢNG

Giảng là chức vụ quan trọng hơn hết trong Hội Thánh. Không bao giờ có gì thay thế được lời giảng, vì là môi giới chánh yếu để truyền bá Tin Lành Ðấng Christ. Nhưng giảng phải là Dạy, chớ chẳng phải nói rỗng tuếch. Tòa Giảng Là Môi Giới Dạy Dỗ của Hội Thánh. Nói cách bình dân, thì "giảng" nhiều quá, mà "dạy" thì không đủ.

Bài giảng theo câu gốc.-- Nói bóng, nói ẩn ý, tìm đề mục kỳ lạ cho một câu Kinh Thánh hoặc một phần câu Kinh Thánh, lặp đi lặp lại mãi, đi loanh quanh nó, lớn tiếng thay đổi từ ngữ của nó, dùng nó như "nhãn hiệu đúng Kinh Thánh" dán trên những ý tưởng riêng của ông Truyền dạo đối với chân lý Ðấng Christ, -- đó là loại bài giảng thạnh hành trong các nhà thờ của chúng ta. Giáo hữu chung thân ngồi dưới sự giảng dạy như vậy, nên vẫn dốt đặc Kinh Thánh. Nhiều khi chúng ta tự hỏi có phải các ông Truyền đạo cho rằng cử tọa hoàn toàn không có trí khôn chăng?

Bài giảng giải thích là một phương thức hoặc kỹ thuật rao truyền chân lý của Lời Ðức Chúa Trời có giá trị bội phần hơn kỹ thuật bài giảng theo câu gốc. Ðề mục của bài giảng giải thích thường là một phần Kinh Thánh có giá trị, một đoạn, một phần đoạn, hoặc mấy đoạn, hoặc một sách, hoặc một phần sách; bài giảng nầy nêu lên những thực sự và bài học chánh yếu trong đoạn sách đã lựa chọn. Ðó mới thật là giảng. Ít ra, nó cũng có vẻ hiến cho Lời Ðức Chúa Trời một địa vị ưu thế.

Một Mục sư đã từng nghe Spurgeon, Beecher, Phillips Brooks, Joseph Parker, và hết các vị Truyền đạo trứ danh của thế hệ trước; có lần ông nói với tôi rằng bài giảng có quyền phép hơn hết mà ông được nghe trong đời mình là của Alexander Whyte, nhà Truyền đạo trứ danh của xứ Tô-cách-lan. Trong bài giảng ấy, ông chỉ đọc thơ Phi-líp, và thỉnh thoảng thêm lời bình luận. Ðó là một bài học quí báu biết bao cho các ông Truyền đạo ngày nay! Nhưng ông Truyền đạo nào ngày nay dám thử làm như vậy, thì hãy để rất nhiều thì giờ sửa soạn trước đã.

Một bài giảng hay nhất mà tôi từng được nghe đã lấy ở một đoạn thơ Ê-phê-sô. Về sau, ông Mục sư giảng bài ấy tỏ cho tôi biết rằng khi soạn bài, ông đã đọc đoạn sách đó Trên Một Trăm Lần, nghiên cứu những ý tưởng trọng yếu của nó, rồi viết ra, sắp đặt đi, sắp đặt lại, tóm tắt, viết lại cho nó có hình thức chung kết, sẵn sàng giảng ra. Cử tọa của ông thỏa mãn, nào có lạ gì.

Buổi thờ phượng sáng Chúa nhật là một lớp Kinh Thánh đông đúc.-- Tại sao không có như vậy? Há có thể làm gì tốt hơn? nếu ông Mục sư có một hội chúng gồm toàn những người chuyên cần đọc Kinh Thánh như trên kia đã nói, nếu hội chúng có một ông Mục sư hợp tác với họ trong các bài giảng của ông bằng cách lấy lòng từ ái dạy Lời Ðức Chúa Trời đang khi họ đọc, thì phước biết bao nhiêu!

20 phút! Thỉnh thoảng có những cơ hội đặc biệt, ta có thể giảng bài dài hơn. Song trong các buổi nhóm họp thường xuyên ở nhà thờ, là nơi phần nhiều cùng một đám người họp lại để nghe cùng một ông Truyền đạo hết tuần nầy qua tuần khác, tháng nọ qua tháng kia, năm nầy tới năm khác, thì bài giảng 20 phút là đủ dài rồi.

Dùng quá nhiều sức trên tòa giảng.-- Nhiều người không soạn kỹ bài giảng, nên phải cố gắng để nhấn thật mạnh, nào kêu la, nào đập bàn, nào nhảy lên, nào xoay tròn, nào nói hung hăng, nào vẫy tay, nào huơ tay trên không khí, dường như trong một trận đấu quyền Anh. Không cần phải làm như vậy. Tinh thần khiêm nhường, giản dị xứng hợp với ông Truyền đạo bội phần hơn tinh thần hung hăng, mạt sát. Làm điệu bộ chừng nào cũng không bù đắp được sự thiếu Ý Tưởng.

Viết cả bài giảng.-- Nếu Mục sư không thể tập "nói mà không luôn luôn dừng lại, nếu ông ngập ngừng và lặp lại luôn, thì tốt hơn là ông viết bài giảng ra mà đọc. Nếu bài giảng viết khéo và đọc hay, thì cũng có thể có sức mạnh như một bài giảng ứng khẩu. Ta sẽ ngạc nhiên vì thấy nếu bài giảng được xem đi xem lại, viết đi viết lại nhiều lần, thì biết bao lời có thể tóm tắt rất ngắn!