Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 29 | Chương 31 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Ô-sê

 

Nước Y-sơ-ra-ên bội đạo sẽ bị xua bỏ
Nhiều nước khác sẽ được kêu vô

 

 

Ô-sê là một tiên tri của nước phía Bắc: Ông gọi vua nước ấy là "vua chúng ta" (7:5). Ông truyền giảng cho nước phía Bắc, và thỉnh thoảng có nói đến nước Giu-đa .

 

Niên hiệu của Ô-sê

Vào khoảng 40 năm sau chót của nước phía Bắc. Ông bắt đầu chức vụ khi nước Y-sơ- ra-ên, dưới đời trị vì của Giê-rô-bô-am II, lên tới tuyệt điểm hùng cường (xem ở dưới II Các vua 14). Như vậy, ông chứng kiến lúc nước ấy suy vong mau lẹ. Ông đồng thời với A-mốt, nhưng trẻ tuổi hơn. Ông cũng đồng thời với Ê-sai và Mi-chê, nhưng cao tuổi hơn hai ông nầy. Lúc còn là con trẻ, có lẽ ông được biết Giô-na. Ông đã nói tiên tri dưới đời trị vì của Ô-xia, Giô-tham, A-cha, Ê-xê-chia, là các vua Giu-đa, và dưới đời trị vì của Giê-rô-bô-am II, vua Y-sơ-ra-ên. Niên hiệu suýt soát của các vua nầy là:

 

Các vua của Y-sơ-ra-ên, nước phía Bắc

Giê-rô-bô-am II (790-749). Một đời trị vì rất thạnh vượng. Ô-sê bắt đầu chức vụ.

Xa-cha-ri (748). Trị vì 6 tháng. Bị Sa-lum giết.

Sa-lum (748). Trị vì 1 tháng. Bị Ma-ha-nem giết.

Ma-na-hem (748-738). Tàn ác không thể nói xiết. Là bù nhìn của A-si-ri.

Phê-ca-hia (738-736). Bị Phê-ca giết.

Phê-ca (748-730). Bị Ô-sê giết. Dân xứ Ga-li-lê bị bắt làm phu tù (734).

Ô-sê (730-721). Thành Sa-ma-ri sụp đổ (721). Nước phía Bắc cáo chung.

 

Các vua của Giu-đa, nước phía nam

Ô-xia (787-735). Một vua tốt. Ô-sê bắt đầu chức vụ.

Giô-tham (749-734). Một vua tốt.

A-cha (741-726). Rất gian ác. Dân xứ Ga-li-lê bị bắt làm phu tù (734).

Ê-xê-chia (726-697). Một vua tốt. Thành Sa-ma-ri sụp đổ (721).

Một vài niên hiệu nầy lấn qua niên hiệu khác và rất lộn xộn. Vậy, thời gian tối đa mà Ô-sê có thể đã nói tiên tri là từ 790 đến 697 T.C., và thời gian tối thiểu là từ 750 đến 725 T.C.. Giả định rằng chức vụ ông kéo dài qua một phần lớn đời trị vì của Giê-rô-bô-am và Ê-xê-chia, thì có lẽ ta đặt ông vào khoảng 760-720 là chắc đúng hơn. Ô-sê sống tới đời trị vì của Ê-xê-chia, và cũng đồng thời với 6 vua của nước phía Bắc theo sau Giê-rô-bô-am. Những vua nầy không được kể tên ra có lẽ vì đời họ trị vì rất ngắn: 6 vua trong vòng 20 năm, mà 4 vua bị mưu sát. Ðó là một thời kỳ hung bạo, dã man kèm theo sự hấp hối của quốc gia.

 

Tình hình

Chừng 200 năm trước thời Ô-sê, 10 chi phái trong số 12 chi phái đã ly khai với nước Ða-vít và lập một nước độc lập, lấy bò con vàng làm thần chánh thức của nước. Trong thời gian ấy, Ðức Chúa Trời đã sai các tiên tri, Ê-li, Ê-li-sê, Giô-na, A-mốt, và bây giờ Ô-sê đến cùng dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng họ kiên quyết không chịu quay về với Ðức Giê-hô-va, và đã sa xuống hố thờ lạy hình tượng gớm ghiếc ngày càng sâu hơn.

 

Ðoạn 1, 2, 3 -- Vợ của Ô-sê

Ðức Chúa Trời truyền cho Ô-sê "hãy đi, lấy một người vợ gian dâm" (câu 1, 2 -- có thể dịch là: "vợ giang hồ"). Là "Tân phụ" của Ðức Giê-hô-va (Ê-xê-chi-ên 16:8-15), Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ Ngài, buông mình thờ lạy các thần khác, chẳng khác gì đờn bà có chồng lại hiến mình cho một người đờn ông khác. Vậy, "vợ gian dâm" là một danh hiệu thích hợp cho toàn thể quốc gia đã phạm tội tà dâm thiêng liêng, chớ không phải chỉ gồm ý rằng Gô-me là một người đờn bà phóng túng. Một vài nhà chuyên học Kinh Thánh giải thích khúc sách nầy theo nghĩa bóng, cho là một sự hiện thấy chứng minh tội bội đạo khủng khiếp, lìa xa Ðức Chúa Trời chơn thật.

Tuy nhiên, lời lẽ giản dị và tự nhiên gồm ý rằng đây là một sự từng trải thật trong đời sống của Ô-sê; lời giải thích thường được nhìn nhận là: Ô-sê, tiên tri của Ðức Chúa Trời, thật đã được Ngài truyền lịnh phải cưới một người đờn bà bất trinh để tượng trưng lòng yêu thương của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên. Hoặc giả người đờn bà nầy lúc đầu trinh khiết, nhưng sau, đã tỏ lòng bất trinh, lìa bỏ ông mà trở nên tình nhơn của một người có thể làm thỏa mãn sự ham chuộng xa hoa của nàng nhiều hơn. Nhưng Ô-sê vẫn yêu thương nàng và chuộc nàng lại (3:1-2). Sự thờ lạy hình tượng ở khắp xứ có kèm theo những thói tục vô đạo (4:11-14), nên đờn bà khó giũ mình trinh khiết, và chắc hầu hết phụ nữ đương thời ấy mắc tội "gian dâm" (giang hồ) theo nghĩa đen. Chắc Ô-sê phải cưới một người đờn bà thuộc loại ấy, hoặc không cưới ai hết.

Một phần lời lẽ ứng dụng cho gia đình Ô-sê theo nghĩa đen, một phần ứng dụng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên theo nghĩa bóng; lại một phần ứng dụng cho cả hai, nghĩa đen và nghĩa bóng kế tiếp nhau. "Các câu nói của Ô-sê rơi xuống như tiếng đập của trái tim tan vỡ."

Ô-sê chuộc vợ lại (3:1-5).-- Ông chuộc nàng lại, nhưng bảo nàng phải ở riêng trong một thời gian, để dự ngôn cụ thể về dân Y-sơ-ra-ên "sẽ trải qua nhiều ngày không vua, không quan trưởng, không của lễ" trước khi quay về với Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời mình, và Ða-vít, vua mình (câu 3-4).

Con cái.-- Chẳng những sự cưới vợ của Ô-sê minh chứng cho điều ông rao giảng, song ông cũng đặt tên cho con cái hợp với những sứ điệp chánh yếu của đời ông. "Gít-rê-ên" (1:4, 5) là con trai đầu lòng của ông. Gít-rê-ên là thành mà Giê-hu đã phạm tội đổ huyết rất tàn ác (II Các vua 10:1-14). Thung lũng Gít-rê-ên (ngày nay gọi là Ách-ca-lôn) là chiến trường lâu đời tại đó nước Y-sơ-ra-ên hầu sụp đổ. Bởi đặt tên con trai là Gít-rê-ên, Ô-sê nói với vua và toàn dân rằng: Giờ báo trả và hình phạt đã điểm!

"Lô-ru-ha-ma" (1:6) là tên đứa con thứ hai, và nghĩa là: "Không còn sự thương xót" cho Y-sơ-ra-ên nữa, mặc dầu Giu-đa được trì hoãn (câu 7). "Lô-am-mi" là tên đứa con thứ ba (1:9), nghĩa là: Chẳng phải là dân Ta nữa." Ðoạn, ở 2:1, Ô-sê nhắc lại hai tên không có chữ "Lô" (nghĩa là: không), để tỏ ra thời kỳ họ lại được làm dân của Ðức Chúa Trời. Và bằng lời song quan (jeu de mots), ông dự ngôn ngày mà nhiều dân khác sẽ được gọi là dân Ðức Chúa Trời (1:10). Phao-lô đã trưng dẫn câu nầy, cho là nó chỉ về sự rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại (Rô-ma 9:45).

 

Ðoạn 4 -- "Ép-ra-im sa mê thần tượng" (câu 17)

Sự thờ lạy hình tượng là nguồn gốc các trọng tội khủng khiếp của họ (câu 1-3). Các thầy tế lễ sống bằng tội lỗi của dân (câu 4-10). Các thiếu nữ là điếm đĩ; đờn bà có chồng rồi thì tiếp đờn ông khác, đờn ông thì đi tẻ với phường điếm đĩ (câu 11-14). Giu-đa (câu 15) không sa ngã vào vòng thờ lạy hình tượng quá thấp như Y-sơ-ra-ên, nên còn đứng được chừng 100 năm sau khi Y-sơ-ra-ên bị hủy diệt. "Ghinh ganh" (câu 15) là một trung tâm của sự thờ lạy hình tượng; người ta cho rằng Ghinh ganh ở cách Bê-tên chừng 7 dặm về phía Tây-bắc. "Bết-A-ven" (câu 15) là một tên khác của Bê-tên, "tổng hành dinh" thờ lạy hình tượng của nước phía Bắc. "Ép-ra-im" (câu 17) là chi phái rộng lớn nhứt và ở chính giữa các chi phái phía Bắc, nên đã trở thành tên của cả nước phía Bắc. "Gió" (câu 19) đã cuốn quốc gia tội lỗi dưới cánh nó để đem đi đến một xứ khác. Ðây là một cách nói bóng rất mạnh mẽ!

 

Ðoạn 5 -- "Ép-ra-im sẽ nên hoang vu" (câu 9)

Các thầy tế lễ, vua và dân đều "là kẻ bạn nghịch" cùng Ðức Chúa Trời (câu 1-3). Họ dầm mình trong tội lỗi, lấy thế làm kiêu hãnh, và "công việc chúng nó làm ngăn trở chúng nó về cùng Ðức Chúa Trời mình" (câu 4-5). "Những con cái ngoại tình" (câu 9) là con sanh với bọn đờn ông không phải là chồng mình. "Ðã bằng lòng theo điều răn của loài người" (câu 11): Câu nầy chỉ về các mạng lịnh mà Giê-rô-bô-am I đã "tự chọn lấy" (I Các vua 12:28-33) khi mới lập nước phía Bắc. "Ði đến cùng người A-si-ri" (câu 13): Vua cố gắng tiến cống quân A-si-ri để chúng kéo đi (II Các vua 15:19), nhưng vô hiệu.

 

Ðoạn 6 -- "Bọn thầy tế lễ cũng giết người và làm sự gian dâm" (câu 9, 10)

"Ngày thứ ba" (câu 2): Có nghĩa là sau một thời gian ngắn, Y-sơ-ra-ên sẽ được khôi phục. Người ta thường hiểu rằng đây là ngụ ý nói trước về Ðấng Mê-si sống lại nhằm ngày thứ ba. "Ga-la-át" (câu 8) và "Si-chem" (câu 9) là hai đô thị trọng yếu của xứ, và đặc biệt gớm ghiếc vì là trung tâm của hư hoại và hung bạo. "Khi Ta đem phu tù của dân Ta trở về" (câu 11): Có lẽ đây là đầu của câu 1, đoạn 6.

 

Ðoạn 7 -- "Hết thảy chúng nó đều tà dâm" (câu 4)

"Chúng nó thảy đều nóng hừng như lò lửa, nuốt các quan xét mình; hết thảy các vua chúng nó đều bị sụp đổ" (câu 4, 7): Có lẽ chỉ về thời kỳ dân phóng túng theo tình dục và hung bạo, trong đó, 4 vua của họ đã bị mưu sát mau lẹ liên tiếp, ngay cả lúc Ô-sê đang giảng dạy. "Bánh chưa quay" (câu 8): Bị thiêu cháy một bên, còn bên kia thì sống, không sao ăn được. "Tóc... lém đém" (câu 9) là triệu chứng của ngày cuối cùng gần đến. "Bò câu ngây dại" (câu 11) tìm kiếm sự tiếp trợ của Ai-cập, rồi của A-si-ri, là hai nước địch thủ.

 

Ðoạn 8 -- "Chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc" (câu 7)

"Chúng nó đã lập vua mà không bởi Ta" (câu 4). Ðức Chúa Trời đã chỉ định nhà Ða- vít cai trị dân Ngài. 10 chi phái nầy loạn nghịch và lập một dòng vua khác cho mình (I Các vua 12:16-33). "Ðã hối lộ cho những kẻ yêu nó" (câu 9): o bế người A-si-ri bằng cách tiến cống (II Các vua 15:19-20), song chỉ trì hoãn tai họa được ít lâu (câu 10).

 

Ðoạn 9 -- "Gớm ghiếc như vật chúng nó đã yêu" (câu 10)

"Trở về Ê-díp-tô" (câu 3), không phải theo nghĩa đen (xem 11:5), nhưng là mang ách tôi mọi của A-si-ri, giống như ách của Ai-cập trước kia, mặc dầu sau cuộc lưu đày, nhiều người Do-thái thật đã định cư ở Ai-cập.

"Kẻ tiên tri là dại dột" (câu 7): Hoặc đây là ý kiến của Ô-sê đối với các tiên tri giả, hay có lẽ đúng hơn, là ý kiến của dân chúng đối với Ô-sê. "Chúng nó bại hoại rất sâu" (câu 9) như đương thời thành Ghi-bê-a, tại đó một người đờn bà bị bọn đờn ông giống như thú vật cưỡng hiếp cả đêm (Các quan xét 19:24-26). "Chúng nó sẽ đi dông dài trong các nước" (câu 17): Sự lưu lạc nầy bắt đầu lúc Ô-sê còn sanh tiền, và cứ tiếp tục tới ngày nay, không chút giảm bớt, không chút xót thương.

 

Ðoạn 10 -- "Sự vinh hiển nó (Bê-tên) đã biến mất (câu 5)

"Những bò con của Bết-A-ven" (câu 5 -- Bết-A-ven tức là Bê-tên) sẽ bị bể nát (8:5). Gai gốc và chà chôm sẽ mọc trên bàn thờ chúng nó (câu 8). "San-man" (câu 14) có lẽ là Sanh-ma-na-se. "Bết-[1]t-bên) là một nơi trong miền Ga-li-lê, đã bị Sanh-ma-na-se đối đãi kinh khủng (II Các vua 17:3).

 

Ðoạn 11 -- "Thể nào Ta bỏ được ngươi?" (câu 8)

"Ra khỏi Ê-díp-tô" (câu 1): Câu nầy được trưng dẫn ở Ma-thi-ơ 2:15 để chỉ về việc cha mẹ của Ðức Chúa Jêsus chạy trốn qua Ai-cập. Dân tộc của Ðấng Mê-si được kêu gọi ra khỏi Ai-cập lúc còn ấu trĩ thể nào, thì chính Ðấng Mê-si cũng được kêu gọi ra khỏi Ai-cập lúc còn ấu trĩ thể ấy. "Dân Ta quyết ý trái bỏ Ta" (câu 7), nhưng lòng Ðức Chúa Trời vẫn thương xót họ (câu 8). "Ðến từ Ê-díp-tô" (câu 11): chắc chỉ về một thời sau, vì câu 5 vừa mới tỏ quyết rằng họ không bị lưu đày ở Ai-cập.

 

Ðoạn 12 -- "Ngài đã gặp người tại Bê-tên" (câu 5)

"A-si-ri" và "Ê-díp-tô" (câu 2): Nền ngoại giao xảo trá của Y-sơ-ra-ên kết ước bí mật với A-si-ri và Ai-cập, là hai nước cừu địch, thì chắc sẽ gây nên tai họa. "Bê-tên" (câu 4), trung tâm sự thờ lạy hình tượng gớm ghiếc của họ, là chính chỗ mà Gia-cốp, tổ phụ họ, đã dâng đời sống cho Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 28:13-15). "Các kẻ tiên tri" (câu 11) mà họ gọi là những người "dại dột" (9:7), thì đã cứu vớt và tạo lập Y-sơ-ra-ên (câu 13).

 

Ðoạn 13 -- "Chúng nó cứ phạm tội càng ngày càng thêm" (câu 2)

"Vì cớ Ba-anh mà phạm tội" (câu 1). Sự thờ lạy Ba-anh thêm vào sự thờ lạy bò con dưới đời trị vì của A-háp (I Các vua 16:31-33), là bịnh truyền nhiễm gây cho quốc gia phải chết mất. "Hỡi sự chết" (câu 14): Ðây là lời hứa cho quốc gia phục sanh, được trưng dẫn ở I Cô-rinh-tô 15:55, làm lời hứa về tín đồ Ðấng Christ được phục sanh phần thân thể.

 

Ðoạn 14 -- "Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy trở lại cùng

Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi" (câu 1)

Tân phụ ngoan cố của Ðức Giê-hô-va sẽ quay về với Chồng mình, và lại hưởng sự yêu thương của Ngài, y như đương thời thanh xuân của nàng (2:14-20).

Sách Ô-sê luận về 4 điểm: Dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy hình tượng, phạm tội ác, bị lưu đày và được khôi phục. Hầu hết mỗi câu là một khúc sách luận về một trong bốn điểm ấy, và dường như câu nọ chẳng có liên lạc với câu kia.

Ô-sê đã phải đối phó với một tình trạng lộn xộn và ô uế mà ta thấy bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh. Sự hư hoại tới mức thú vật của dân chúng thật đã vượt quá trí tưởng tượng, đến nỗi không thể tin là có như vậy. Tuy nhiên, Ô-sê chịu khó nhọc và đau khổ không ngừng để khiến họ thấy rằng Ðức Chúa Trời Còn Yêu Thương Họ. Thật là một quyển sách lạ lùng!