Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 50 | Chương 52 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Giăng

 

Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời

 

Giăng đặc biệt nhấn mạnh vào thần tánh của Ðức Chúa Jêsus. Sách Tin Lành của ông phần lớn gồm những bài giảng dạy và cuộc đàm thoại của Ðức Chúa Jêsus. Sách chép những lời Ðức Chúa Jêsus phán hơn là những việc Ngài làm. "Những ông khác lo ghi chép, còn Giăng lo giải thích."

 

Tác giả

Tác giả không nói mình là ai; mãi đến cuối sách (21:20-24), ông mới nói rằng mình là "môn đồ mà Ðức Chúa Jêsus yêu," tức là Sứ đồ Giăng, người bạn thân thiết nhứt của Chúa. Cho tới ngày phái phê bình kim thời dấy lên, thì truyền thoại thời xưa và ý kiến liên tục theo sau truyền thoại đó vẫn công nhận Giăng là tác giả. Chính giới phê bình chối sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus do nữ đồng trinh, thần tánh Ngài và sự phục sanh của thân thể Ngài, cũng đã căn cứ giả thuyết của mình trên lời cổ thời, mơ hồ và khả nghi, đề cập đến một người tên là "Giăng, trưởng lão;" vậy, họ nhảy lên vì suy luận rằng tác giả không phải là Sứ đồ Giăng, mà là một Giăng khác ở Ê-phê-sô. Lẽ tự nhiên, giả thuyết nầy làm mất giá trị của sách nầy, khiến nó không còn làm chứng rằng Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời nữa. Lý thuyết trên dựa vào bằng cớ quá mỏng manh và ý muốn làm mất giá trị của sách Tin Lành Giăng quá rõ rệt đến nỗi nó chẳng đáng cho tín đồ Ðấng Christ xem xét cẩn trọng, và nó chỉ được đề cập ở đây vì là một tài liệu tuyên truyền "quí hóa" của một giới "học giả" ngày nay.

Niên hiệu.-- Người ta thường cho rằng sách Tin Lành Giăng được chép khoảng năm 90 S.C.. Trong bản dịch Kinh Thánh của Ferrar Fenton (Oixford Ấn quán), ông có phát biểu ý kiến rằng: Sách Tin Lành Giăng được chép đầu tiên trong cả bộ Tân Ước; thoạt tiên Giăng viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, sau khi Chúa sống lại ít lâu; ít năm sau, ông phát hành bản tiếng Hi-lạp, có thêm lời chú giải, và bản nầy là nguyên văn của hết thảy bản thảo còn lại tới ngày nay.

Ba sách Tin Lành cộng quan (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca) đã lưu hành được ít năm rồi. Một số chi hội có bản sao của cả ba sách ấy. Sách Tin Lành Giăng có tánh cách bổ sung, cung hiến rất nhiều tài liệu quí báu hơn hết không có trong ba sách kia, và khiến ta nhìn thấy trí óc và tấm lòng của Ðức Chúa Jêsus gần gũi hơn hết. Ông Schaff gọi sách Tin Lành Giăng là "văn phẩm quan trọng hơn hết từng được soạn thảo."

 

Giăng

Cha của ông tên là Xê-bê-đê (Ma-thi-ơ 4:21). Dường như mẹ của ông là Sa-lô-mê (Ma-thi-ơ 27:56; Mác 15:40); nếu đối chiếu với Giăng 19:25, thì bà nầy có thể là chị em của Ma-ri, mẹ Ðức Chúa Jêsus. Nếu vậy, thì Giăng là anh em đôi con dì của Ðức Chúa Jêsus, và vì ông sấp sỉ tuổi Chúa, nên chắc đã quen biết Ngài từ thời thơ ấu.

Giăng là một tay kinh doanh khá giả. Ông là một trong năm người hùn vốn làm nghề đánh cá khá lớn lao, có thể "mướn người làm thuê" (Mác 1:16-20). Ngoài cơ sở đánh cá ở Ca-bê-na-um, ông còn có nhà ở Giê-ru-sa-lem (Giăng 19:27), và quen biết thầy tế lễ thượng phẩm (Giăng 18:15, 16).

Ông vốn là môn đồ của Giăng Báp-tít (Giăng 1:35, 40). Nếu ông là anh em đôi con dì của Ðức Chúa Jêsus, như có ngụ ý trong những khúc Kinh Thánh kể trên kia, thì cũng có lẽ ông là bà con của Giăng Báp-tít (Lu-ca 1:36), và chắc phải biết những lời thiên sứ báo tin liên quan đến Giăng Báp-tít và Ðức Chúa Jêsus (Lu-ca 1:17, 32). Vậy, khi Giăng Báp-tít xuất hiện trên bờ sông Giô-đanh, kêu la rằng Nước Thiên đàng đã đến gần, thì Giăng, con trai của Xê-bê-đê, sẵn sàng chung một lập trường với ông.

Ðến khi nghe Giăng Báp-tít làm chứng, thì ông lập tức trở thành môn đồ của Ðức Chúa Jêsus (Giăng 1:35-51). Giăng là một trong năm môn đồ đầu tiên của Chúa, và đã cùng Chúa trở về xứ Ga-li-lê (Giăng 2:2, 11). Lúc đó, dường như ông trở lại nghề đánh cá. Về sau, có lẽ chừng một năm, Ðức Chúa Jêsus kêu gọi ông bỏ công cuộc kinh doanh mà đi theo Ngài khắp đó đây. Từ đó về sau, ông ở với Ngài luôn, nhờ vậy, chính mắt ông được chứng kiến mọi việc chép trong sách Tin Lành nầy.

Ðức Chúa Jêsus đặt cho ông biệt hiệu là "Con trai của sấm sét" (Mác 3:17), dường như để ngụ ý rằng thiên tánh ông hăng hái, nóng nảy. Việc ông cấm người lạ dùng Danh Ðấng Christ để trừ quỉ (Mác 9:38) và việc ông muốn xin lửa từ trời giáng xuống tiêu diệt người Sa-ma-ri (Lu-ca 9:54), thật đã chứng minh thiên tánh ông một cách hào hứng.

Ông là một trong ba môn đồ thân cận nhứt với Chúa và được nhìn nhận là gần gũi Ðức Chúa Jêsus hơn hết. Năm lần ông được xưng là "môn đồ mà Ðức Chúa Jêsus yêu" (Giăng 13:23; 19:26; 20:2; 21:7, 20). Chắc ông là người có những đức tánh hiếm lạ, nên mới được Ðức Chúa Jêsus tâm giao như vậy.

Ông và Phi-e-rơ được nhìn nhận đứng đầu 12 Sứ đồ, và dầu hai ông có thiên tánh khác hẳn nhau, nhưng lại thường ở và đi chung với nhau (Giăng 20:2; Công vụ các sứ đồ 3:1, 11; 4:13; 8:14).

Ông đã lấy Giê-ru-sa-lem làm nơi cư trú chánh khá lâu năm. Theo truyền thoại đáng tin, thì lúc cao tuổi, ông ở tại thành Ê-phê-sô. Người ta không biết chi hết về ông làm gì và đi đâu trong khoảng giữa hai thời gian ở Giê-ru-sa-lem và ở Ê-phê-sô. Tại Ê-phê-sô, ông sống rất lâu, viết sách Tin Lành, 3 thơ tín, và sách B (xem thêm ở dưới I Giăng).

 

Ðoạn 1:1-3 -- Ðức Chúa Jêsus hằng có đời đời và là Ðức Chúa Trời

Khúc sách tuyệt diệu nầy nhắc ta nhớ mấy lời mở đầu sách Sáng-thế Ký. Ðây Ðức Chúa Jêsus được xưng minh bạch là "Ðức Chúa Trời" và "Ðấng Tạo Hóa" (xem ở dưới Giăng 7). Giăng nói rất quả quyết rằng Ðức Chúa Jêsus là một Thân vị có từ đời đời. Ðức Chúa Jêsus phán về "sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian" (Giăng 17:5), dường như Ngài mong mỏi chấm dứt thời kỳ cư trú trên thế gian buồn tẻ mà trở về quê hương. Danh hiệu "Ngôi Lời" của Ðức Chúa Jêsus có ngụ ý rằng Ngài là chính Ðức Chúa Trời tự tỏ mình cho loài người biết.

 

Ðoạn 1:4-13 -- Ðức Chúa Jêsus là Sự Sáng của thế gian

Giăng thường nghe Ðức Chúa Jêsus phán như vậy (8:12; 9:5; 12:46). Ðó là một trong những yếu điểm tư tưởng của Giăng đối với Ðức Chúa Jêsus (I Giăng 1:5-7). Chữ "sự sáng" ứng dụng cho Ðức Chúa Jêsus, thì có ngụ ý rằng Ngài là Ðấng làm tỏ rõ ý nghĩa và số phận của đời người.

 

Ðoạn 1:14-18 -- Sự thành nhục thể

Ðức Chúa Trời trở nên một Người để dắt đem loài người trở về cùng Ngài. Ðức Chúa Trời có thể dựng nên loài người có trực giác làm theo ý chỉ Ngài; nhưng trái lại, Ngài muốn ban cho loài người cái quyền tự định đoạt thái độ của mình đối với Ðấng Tạo Hóa. Luật pháp sanh tồn thứ nhứt là người thọ tạo phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí kính mến Ðấng Tạo Hóa. Nhưng Ðức Chúa Trời là Thần; và loài người bị bao vây bởi những sự hạn chế của một thân thể vật chất, và chỉ có một quan niệm kém cỏi về Thần là Ðấng thể nào. Vậy, Ðấng Tạo Hóa ngự đến cùng loài người mà Ngài đã dựng nên, dưới hình thức một Người như họ, để ban cho họ một ý niệm về Ngài là Ðấng thể nào. Ðức Chúa Trời giống như Ðức Chúa Jêsus.

 

"Con người"

Ðây là danh hiệu mà Ðức Chúa Jêsus ưa dùng để chỉ về Ngài. Danh hiệu nầy được dùng chừng 80 lần trong 4 sách Tin Lành: Ma-thi-ơ 30 lần; Mác 5; Lu-ca 25; Giăng 10.

Danh hiệu nầy cũng dùng ở Ða-ni-ên 7:13, 14, 27, để chỉ về Ðấng Mê-si hầu đến. Người ta cho rằng Ðức Chúa Jêsus nhận lấy Danh hiệu ấy tức là Ngài tự nhận là Ðấng Mê-si.

Danh hiệu nầy cũng gợi ý rằng Ðức Chúa Jêsus vui thỏa vì được từng trải làm Ðức Chúa Trời hiện thân trong hình Người, và chia xẻ cuộc sống thông thường của loài người. Ngài đem Danh hiệu ấy về Thiên đàng (Công vụ các sứ đồ 7:56; B 1:13; 14:14).

Một sứ giả của Thiên đàng đã dùng danh hiệu ấy mà kêu Ê-xê-chi-ên chừng 90 lần (Ê-xê-chi-ên 2:1, 3, 6, 8 v.v...), ngụ ý rằng so sánh với Ðức Chúa Trời, thì loài người rất thấp thỏi.

 

Phạm vi sanh hoạt của Ðức Chúa Jêsus

Dầu Ðức Chúa Jêsus là Công dân của vũ trụ và quen biết các đại lộ của Ðức Chúa Trời trong không gian vô biên đầy tinh tú, nhưng khi sống ở trần gian nầy, Ngài chỉ ở một miền rất nhỏ hẹp, mặc dầu rất quan trọng về chiến lược. Xứ Pa-lét-tin là nơi ba đại lục gặp nhau, nằm giữa Ðịa-trung-hải và sa mạc Ả-rập rộng lớn, cũng là nơi gặp gỡ của những đại lộ trên thế giới. Ðương thời Ðức Chúa Jêsus, xứ Pa-lét-tin gồm 4 phần, đều ở dưới quyền cai trị của đế quốc La-mã:

Xứ Giu-đê, là Nam phần, thành trì của phái Do-thái thủ cựu.

Xứ Ga-li-lê, là Bắc phần, có nhiều dân Hi-lạp ở xen lẫn.

Xứ Sa-ma-ri ở giữa, cư dân là giống lai, có một phần huyết thống Do-thái.

Xứ Pê-rê ở phía Ðông hạ lưu sông Giô-đanh, có nhiều đô thị La-mã thạnh vượng. Hê-rốt cai trị xứ Ga-li-lê và xứ Pê-rê. Phi-lát cai trị xứ Giu-đê và xứ Sa-ma-ri.

Thành Alexandrie, đô thị thứ hai của đế quốc La-mã, ở cách 300 dặm, về phía Tây nam. Thành An-ti-ốt, đô thị thứ ba của đế quốc La-mã, ở cách 300 dặm về phía Bắc. Nền thương mại và các đạo quân của thế giới chuyển vận dọc theo bờ biển Pa-lét-tin và qua xứ Ga-li-lê. Ngoài lần chạy trốn xuống Ai-cập khi còn thơ ấu (và Ngài đã từ đó hồi hương lúc lên 2 hoặc 4 tuổi) thì không có chỗ nào chép Ngài đi xa Na-xa-rét quá 70 dặm. Giê-ru-sa-lem ở phía Nam, Si-đôn ở phía Bắc, Ðê-ca-bô-lơ và xứ Pê-rê ở phía Ðông, là giới hạn các cuộc du hành của Ngài theo như ta được biết.

Xứ Ga-li-lê.-- Sử gia Josèphe ước lượng dân số xứ Ga-li-lê có 3 triệu người. Xứ nầy có nhiều đô thị Hi-lạp rất giàu có. Ðây là một trung tâm quan trọng của nền văn hóa thế giới. Thủ đô của chánh quyền La-mã và cung điện của vua Hê-rốt ở tại Sepphoris, chỉ cách Na-xa-rét 4 dặm.

 

Ðoạn 1:19-34 -- Lời làm chứng của Giăng

Sau khi giải luận ngắn ngủi và tổng quát về Ðức Chúa Jêsus là Ðức Chúa Trời thực hữu từ trước vô cùng và thành nhục thể, thì sách Tin Lành Giăng bỏ qua tất cả truyện tích về Ðức Chúa Jêsus giáng sanh, sống thời thơ ấu, chịu lễ báp-têm và chịu cám dỗ, mà bắt đầu bằng lời làm chứng của Giăng Báp-tít trước ủy ban do tòa Công luận cử đến rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðức Chúa Trời.

Việc nầy xảy ra khi đã chấm dứt 40 ngày cám dỗ. Không có chỗ nào chép rằng Ðức Chúa Jêsus đã từ đồng vắng, nơi Ngài bị cám dỗ, trở về sông Giô-đanh, là nơi Giăng đang làm lễ báp-têm. Ba sách Tin Lành cộng quan đi thẳng từ sự cám dỗ đến chức vụ ở xứ Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 4:11-12; Mác 1:13-14; Lu-ca 4:13-14). Nhưng ba lần chép: "qua ngày sau" (câu 29, 35, 43), rồi chép: "cách ba ngày sau" (2:1) để chỉ về lúc Chúa tới xứ Ga-li-lê, thì tỏ rõ rằng trước khi đi xứ Ga-li-lê, Ðức Chúa Jêsus đã từ đồng vắng trở lại chỗ Giăng đang giảng dạy.

"Ðấng Tiên tri" (câu 21) là một Danh hiệu tiên tri của Ðấng Mê-si, và dân chúng đương thời Ðức Chúa Jêsus thường hiểu theo nghĩa đó (Giăng 6:14).

Hãy chú ý sự khiêm nhường sâu xa của Giăng Báp-tít trong khi ông sùng bái Ðức Chúa Jêsus (câu 27), -- thậm chí ông tự nhận "chẳng đáng mở dây giày Ngài." Lời ấy rất đáng chú ý, nên đã được ghi chép trong cả 4 sách Tin Lành Ma-thi-ơ 3:11; Mác 1:7; Lu-ca 3:16). Nếu hết thảy các ông Truyền đạo có thể tỏ lòng khiêm cung sùng kính dường ấy đối với Chúa mà họ rao giảng, thì phước cho thế giới biết bao!

 

Ðoạn 1:35-51 -- Các môn đồ đầu tiên

Có năm môn đồ đầu tiên: Giăng, Anh-rê, Si-môn, Phi-líp, và Na-tha-na-ên. Họ đã được dự bị bởi lời giảng dạy của Giăng Báp-tít, và về sau cả năm đã được phong chức Sứ đồ. Ðó là một trong những sự đóng góp của chức vụ Giăng Báp-tít cho công việc của Ðấng Christ. Tuy nhiên, họ đã tạm thời quay về nghề nghiệp thường xuyên của mình. Chừng một năm sau, họ mới được kêu gọi đi theo Ðấng Christ luôn. Xem lời chú giải ở dưới Ma-thi-ơ, đoạn 10.

Người ta đoán rằng Sứ đồ Giăng chính là môn đồ không được nêu tên (câu 40). Nếu ông là anh em họ của Ðức Chúa Jêsus (xem lời chú giải giới thiệu sách Tin Lành nầy), chắc ông đã biết Ngài từ trước.

"Giờ thứ mười" tức là 10 giờ sáng. Giăng dùng thì giờ La-mã, cũng như thì giờ chúng ta dùng ngày nay, tính từ nửa đêm hoặc giữa trưa (4:6; 19:14).

Si-môn là người kinh doanh chung với Giăng, có lẽ đã biết Ðức Chúa Jêsus một cách riêng; nhưng ông không biết rằng Ngài là Ðấng Mê-si cho tới lúc nầy, là lúc Giăng Báp-tít tuyên bố công khai như vậy. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên có chép trong Kinh Thánh đây, Ðức Chúa Jêsus đã ban cho Si-môn một tên mới, thì dường như tỏ ra rằng Ngài đã có ý chọn ông làm Sứ đồ.

Na-tha-na-ên đã trở lại theo Chúa chắc vì thấy vẻ oai nghiêm rõ rệt của cá nhân Ðức Chúa Jêsus (câu 46-49). Lời Ðức Chúa Jêsus phán về thiên sứ (câu 51) tỏ ra NgàiCon Ðường lớn nối liền trái đất với Thiên đàng. Tham khảo Sáng-thế Ký 28:12.

 

Dung mạo của Ðức Chúa Jêsus

Trong dung mạo của Ðức Chúa Jêsus có một cái gì có ảnh hưởng tức khắc trên Na-tha-na-ên (1:49). Tân Ước không nói chi tới dung mạo Ðức Chúa Jêsus, tới thế kỷ thứ 4 mới có bản đầu tiên mô tả dung mạo Ngài với tánh chất thần thoại. Ðây là một bức thư ngụy tác gán cho Publius Lentulus, bạn của Phi-lát, đã viết gởi tới Thượng nghị viện La-mã. Một phần như sau đây:

"Lần nầy hiện ra có một Người có quyền phép lớn. Tên Ngài là Jêsus. Môn đồ Ngài gọi Ngài là Con Ðức Chúa Trời. Vóc giạc của Ngài cao quí và cân đối, mắt đầy nhân ái, nhưng cương quyết, nên kẻ ngắm xem Ngài vừa kính mến, vừa sợ hãi Ngài. Tóc Ngài màu rượu vang, mọc thẳng và không bóng, nhưng ngang tai thì xoăn và láng. Trán Ngài phẳng và nhẵn, mặt Ngài không tì vít, nhuận sắc tươi trẻ điều hòa, dáng vẻ thật thà và nhân ái. Mũi và miệng không có khuyết điểm nào. Râu rậm, cùng màu với tóc; mắt xanh lơ, sáng tuyệt vời. Khi Ngài quở trách, thì thật là khủng khiếp; khi khuyên bảo và dạy dỗ, thì giọng nói nhu mì, dễ thương. Không hề có ai thấy Ngài cười, nhưng trái lại, nhiều người thấy Ngài khóc. Thân Ngài cao, bàn tay đẹp và thẳng. Khi nói thì quả quyết, nghiêm nghị, và ít lời; về vẻ đẹp, thì Ngài trổi hơn hầu hết mọi người."

Còn có nhiều truyền thoại khác: Nào Ngài thẳng người và đẹp đẽ, nào Ngài gù lưng và xấu xí. Dầu dung mạo Ngài thể nào đi nữa, vẻ mặt và dáng điệu Ngài cũng có một cái gì oai nghiêm, hiển hách, thiên thượng. Lời tiên tri ở sách Ê-sai, đoạn 53, ngụ ý dung mạo Ngài không đẹp đẽ; nhưng đó chắc nói đến cách sanh hoạt khiêm tốn, giản dị của Ngài mặc dầu Ngài là Vua, hơn là nói đến dung mạo Ngài.

Ngài làm thợ mộc, nên chắc phải có sức khỏe lắm. Ngài phán dạy rất hữu hiệu cho đoàn dân đông đúc giữa trời, thì ta tưởng tượng Ngài phải có tiếng nói rất hùng mạnh. Căn cứ vào các bài giảng, lời dạy và cuộc đàm thoại của Ngài, thì ta nghĩ rằng Ngài luôn luôn tự chế, không vội vàng, nhưng hoàn toàn bình tĩnh, nhất cử nhất động đều chậm chạp và oai nghiêm.

Còn như thần thoại trưng dẫn trên đây nói rằng người ta thường thấy Ngài khóc, chớ không hề thấy Ngài cười, thì Tân Ước xác nhận rằng Ngài thật có khóc, thí dụ như khóc vì thành Giê-ru-sa-lem, và khóc trước mộ phần La-xa-rơ; còn như Ngài không hề cười, thì Kinh Thánh không có chép. Tuy nhiên, có mấy chỗ ngụ ý rằng Ngài thật có óc hài hước.

 

Các giai đoạn trong đời Ðức Chúa Jêsus

Mọi việc đã chép về Ðức Chúa Jêsus đều có thể sắp vào các giai đoạn đặc biệt của đời Ngài như sau đây:

Lúc Ngài giáng sanh và thời thơ ấu của Ngài.

Ngài chịu lễ báp-têm, chịu cám dỗ và bắt đầu chức vụ công khai.

Phần đầu chức vụ của Ngài ở xứ Giu-đê, -- 8 tháng.

Chức vụ của Ngài ở xứ Ga-li-lê, -- chừng 2 năm (?).

Chức vụ của Ngài ở xứ Pê-rê và phần cuối chức vụ của Ngài ở xứ Giu-đê, -- chừng 4 tháng (?).

Tuần lễ cuối cùng của Ngài.

Chức vụ của Ngài sau khi sống lại.

 

Ðoạn 2:1-11 -- Nước biến thành rượu

Ca-na cách thành Na-xa-rét chừng 4 dặm về phía Ðông bắc. Na-tha-na-ên quê ở Ca- na (Giăng 21:2). Ông không có ý kiến tôn trọng thành Na-xa-rét kế cận (1:46). Rõ ràng lắm, đây là tiệc cưới trong gia đình một bạn hữu hay bà con của Ðức Chúa Jêsus, hoặc của Na-tha-na-ên. "Cách ba ngày sau" (câu 1), -- thành Ca-na cách hạ lưu sông Giô-đanh ba ngày đường.

"Hỡi đờn bà kia" (câu 4) là một cách xưng hô tôn trọng, thông dụng đương thời ấy. Ðức Chúa Jêsus lại xưng hô như vậy trên Thập tự giá, nhằm lúc không thể nào có mùi vị bất kính (Giăng 19:26). Ngài dường như nhận xét như vầy: "Thí dụ, hết rượu, thì điều đó có liên quan gì với Ta? Ðó không phải việc của Ta. Thì giờ Ta làm phép lạ chưa đến." Có lẽ Ngài mới nói cho bà biết quyền phép mới mẻ, lạ lùng đã ban phú cho Ngài bởi Ðức Thánh Linh giáng xuống khi Ngài chịu lễ báp-têm (xem lời chú giải về Ngài chịu cám dỗ, -- Ma-thi-ơ 4:1-11). Bà thấy tình hình ấy là một cơ hội cho Ngài. Dầu Ngài làm phép lạ nầy theo lời đề nghị của bà, nhưng chừng 4 tháng sau mới tới "giờ" (câu 4) Ngài sử dụng toàn thể quyền phép lạ lùng, nhằm lúc chánh thức bắt đầu chức vụ công khai tại Giê-ru-sa-lem, trong kỳ Lễ Vượt Qua (câu 13).

"Hai, ba lường nước" (câu 6). Mỗi lường ước chừng 36 lít. Ché đá bằng cỡ nửa thùng (104 lít).

Ý nghĩa của phép lạ nầy: Trong 40 ngày, Ðức Chúa Jêsus đã phải nghe mọi lời Sa- tan có thể xui giục Ngài sử dụng quyền phép lạ lùng, nhưng Ngài rất cương quyết không chịu sử dụng nó để thỏa mãn nhu cầu riêng của mình. Rồi từ đồng vắng, Ngài đi thẳng tới tiệc cưới. Dầu các phép lạ tiếp theo sau của Ngài phần lớn cốt để làm nguôi dịu đau đớn, nhưng phép lạ đầu tiên nầy đã làm giữa tiệc cưới, trong dịp khánh hỉ, để phục vụ sự vui mừng của loài người, khiến họ được sung sướng; ấy dường như Ðức Chúa Jêsus muốn bố cáo ngay từ lúc khởi đầu rằng đạo mà bây giờ Ngài đem vào thế giới không phải là đạo khổ tu, mà là đạo có sự vui vẻ thiên nhiên. Ðó là phước lành của Ðức Chúa Jêsus ban cho hôn nhân.

"Phép lạ thứ nhứt" (câu 11). Các truyện tích hoang đường, ngu dại về phép lạ Ngài làm lúc thơ ấu, có chép trong những sách ngụy tác, chỉ là giả tạo hoàn toàn.

"Tỏ bày sự vinh hiển của mình" (câu 11) theo tư cách Ðấng Tạo Hóa. Phép lạ nầy gồm một phương thức hỏa tốc, đòi hỏi quyền sáng tạo thực sự. Về lời chú giải các phép lạ của Ðức Chúa Jêsus, xin xem ở dưới Mác 5:21-43.

"Môn đồ bèn tin Ngài" (câu 11). Họ đã tin Ngài rồi, nhưng phép lạ nầy khiến họ vững tin rằng Ngài là Ðức Chúa Trời.

 

Ðoạn 2:12 -- Ngụ tại Ca-bê-na-um ít lâu

Ðây là một cuộc thăm viếng gia đình, gồm có mẹ và các em trai Ngài, có lẽ là tới nhà Giăng, hoặc Phi-e-rơ, hoặc môn đồ nào khác, để đặt kế hoạch cho công việc tương lai của Ngài. Chừng một năm sau, Ca-bê-na-um trở thành nơi cư ngụ chánh của Ngài. Ngài không làm phép lạ nào khác nữa ở xứ Ga-li-lê cho tới lúc Ngài trở về đó, sau khi thi hành chức vụ ở xứ Giu-đê (Giăng 4:54).

 

Phần đầu chức vụ tại xứ Giu-đê (2:13-4:3)

Phần nầy chỉ có chép trong sách Tin Lành Giăng. Nó kéo dài 8 tháng, bắt đầu nhằm kỳ Lễ Vượt Qua (2:13), tức là tháng 4 dương lịch, và chấm dứt "4 tháng" trước mùa gặt (4:3, 35) tức là tháng 12 dương lịch. Nó gồm có sự dẹp sạch Ðền thờ, cuộc thăm viếng của Ni-cô-đem, và chức vụ ở bờ sông Giô-đanh.

 

Ðoạn 2:13-22 -- Ðức Chúa Jêsus dẹp sạch Ðền thờ

Rõ ràng lắm có hai lần dẹp sạch Ðền thờ cách nhau 3 năm. Lần nầy nhằm lúc Chúa bắt đầu chức vụ công khai (chú ý chữ "kế đó" -- 3:22); còn lần kia nhằm lúc kết liễu chức vụ công khai, tức là trong tuần lễ cuối cùng của Chúa (Ma-thi-ơ 21:12-16; Mác 11:15-18; Lu-ca 19:45-46). Lần nầy, Ngài đuổi súc vật đi, còn lần kia, Ngài đuổi người buôn bán. Lần nầy, Ngài gọi Ðền thờ là "nhà buôn bán," còn lần kia, Ngài gọi nó là "ổ trộm cướp."

Nhơn những cuộc thăm viếng Giê-ru-sa-lem trước đây, chắc Ngài đã kinh khủng trước sự vô đạo của giai cấp đang nhơn Danh Ðức Chúa Trời mà cai trị. Khi chánh thức bắt đầu chức vụ công khai, Ðức Chúa Jêsus đã có một hành động mà Ngài định dùng làm dấu hiệu báo cáo cho toàn dân rằng Ngài là Ðấng Mê-si (vì ai nấy trông mong Ðấng Mê-si làm như vậy -- Ma-la-chi 3:1-3); hành động ấy công khai và hoàn toàn đố thách giai cấp thống trị; bọn nầy lập tức dấy lên chống đối Ngài, nhưng Ngài dường như chẳng hề lo dẹp sự chống đối ấy. Ngài đã bắt đầu chức vụ như vậy, và cũng đã chấm dứt chức vụ như vậy.

Dung mạo Ðức Chúa Jêsus phải có một cái gì rất oai nghiêm, hoặc có lẽ hơn nữa, chính là nhờ quyền phép lạ lùng của Ngài, nên một Người Lạ cô độc, chỉ có cái roi trong tay, lại có thể dẹp sạch và kiểm soát khu Ðền thờ đến nỗi (lần thứ hai) "không ai" dám "đem đồ gì đi ngang qua Ðền thờ" (Mác 11:16). Cả đến bọn người canh gác cũng khiếp sợ mà làm thinh.

Trong Ðền thờ có cái gì làm cho Ðức Chúa Jêsus bất mãn như vậy? Họ buôn bán những thứ cần thiết cho sự dâng tế lễ ở Ðền thờ, để cho những kẻ từ xa tới được thuận tiện. Nhưng điểm hư tệ là họ buôn bán ngay trong khu thánh đã được biệt riêng cho các công tác khác, và họ cũng đầu cơ quá đáng đến nỗi cả cuộc thờ lạy Ðức Chúa Trời đã bị thương mại hóa và bị gièm pha. Xem thêm ở dưới Ma-thi-ơ 21:12-17.

Ðền thờ do các vua dòng Hê-rốt xây cất bằng cẩm thạch và bằng vàng, thật là nguy nga quá trí tưởng tượng. Chung quanh Ðền thờ có bốn hành lang, cái nọ thấp hơn cái kia, dành cho các thầy tế lễ, người Y-sơ-ra-ên, phụ nữ và người dân ngoại. Chung quanh có dãy cột bằng cẩm thạch trắng muốt, trên có mái che; mỗi cột cao chừng 13 thước tây, và làm bằng một phiến đá nguyên khối. Dãy cột ở phía Ðông gọi là cổng Sa-lô-môn, là nơi có người buôn bán. Cả khu nầy có vách cao ngất bao bọc, mỗi bề hơn 300 thước tây, tức là bằng cỡ bốn chòm nhà ở một đô thị hạng trung bình.

 

Ðoạn 2:23-25 -- Các phép lạ tại thành Giê-ru-sa-lem

Cho tới lúc nầy, Ðức Chúa Jêsus mới làm có một phép lạ tại xứ Ga-li-lê (2:11; 4:54). Nhưng bây giờ cùng với sự mở chiến dịch bằng một cuộc biểu thị uy quyền rầm rộ trong Ðền thờ, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ đến nỗi lắm người sẵn sàng tiếp nhận Ngài là Ðấng Mê-si. Song Ngài biết quá rõ họ mong mỏi những gì ở nơi Ðấng Mê-si.

 

Ðoạn 3:1-21 -- Ni-cô-đem

Sự dẹp sạch Ðền thờ và các phép lạ cặp theo đã có ấn tượng sâu xa trên dân Giê-ru-sa-lem. Ni-cô-đem, một người Pha-ri-si và nhân viên tòa Công luận, có quyền thế, đã tìm cách cẩn thận trò chuyện riêng với Ðức Chúa Jêsus. Ông chú ý đến Chúa, nhưng muốn biết Ngài có phải thật là Ðấng mà Ngài tự xưng chăng? Chúng ta không biết ông đã tin Chúa tới mực nào. Hai năm sau, ông đã binh vực Ðức Chúa Jêsus trước hội nghị (7:50-52). Về sau, ông và Giô-sép, một người khác có chơn trong tòa Công luận, đã an táng Ðức Chúa Jêsus (19:39). Ông là một môn đồ kín giấu trong những ngày đức tin ông đang được tạo dưỡng, song về sau ông vui lòng công khai chia sẻ sự sỉ nhục của Thập tự giá với Ðức Chúa Jêsus. Trong giờ phút Ðức Chúa Jêsus bị hạ thấp, trong khi các Sứ đồ chạy trốn, thì ông đã từ bóng tối xuất hiện, liều chính mạng mình mà hầu việc Chúa lần chót một cách kính mến diệu hiền; (1)nó là một trong những hành động cao thượng hơn hết có chép ở Kinh Thánh. Chắc ông đã đền tội trước kia có ý giấu giếm lòng tin Chúa, nhứt là nếu ta xét rằng ông có chơn trong tòa Công luận, và ở ngay trung tâm của "trại quân thù." Chúng tôi nghĩ rằng Ni-cô-đem sẽ có một địa vị cao trọng ở Thiên đàng, và không thích nghe các ông Truyền đạo nêu ông lên làm gương xấu về sự hèn nhát. Trái lại, ông làm cho hết thảy chúng ta phải hổ thẹn.

Sự "sanh lại" mà Ðức Chúa Jêsus giải luận đây không phải chỉ là một ẩn dụ (métaphore), nhưng là một thực sự do Thánh Linh của Ðức Chúa Trời dầm thấm lòng người ta (xem ở Rô-ma 8:1-11). Chắc Ni-cô-đem cũng chung quan niệm thông thường rằng Nước của Ðấng Mê-si phải là một nước chánh trị, trong đó dân Ngài sẽ được giải phóng khỏi sự đô hộ của người La-mã. Ðức Chúa Jêsus cố tỏ cho ông biết tánh chất thiêng liêng của Nước Ngài, thật khác hẳn ý tưởng của Ni-cô-đem, đến nỗi ông nầy không hiểu Ngài giải luận điều chi đó. Ông không thể hiểu tại sao ông, một người hiền đức, một người Pha-ri-si chánh hiệu, một trong những người cai trị dân tộc của Ðấng Mê-si, lại không được nhiệt liệt hoan nghinh vào Nước Ðấng Mê-si nguyên trong tình trạng ấy. Ông không thể nào chịu nhận rằng trái lại, ông phải hoàn toàn xây dựng lại ý tưởng của mình và chính thân mình nữa.

"Bị treo lên" (câu 14). Ðây là lời báo cáo, ngay lúc Ðức Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ, rằng Thập tự giá sẽ là ngôi của Ðấng Mê-si. Ðây Chúa nhắc đến con rắn bằng đồng mà những kẻ bị rắn lửa cắn nhìn vào và được sống (Dân số ký 21:9), và Ngài có ý phán rằng sự "sanh lại" (mà Ngài mới giải luận đó) để được hưởng sự sống đời đời sẽ do sự chết của Ngài mà có. Sự "sanh lại" gợi cho Giăng câu yêu quí hơn hết trong cả Kinh Thánh (Giăng 3:16).

 

Ðoạn 3:22-36 -- Chức vụ của Ðức Chúa Jêsus ở hạ lưu sông Giô-đanh

Người ta cho rằng đây chính là nơi Ngài đã chịu lễ báp-têm khoảng 6 tháng trước. Trong lúc ấy, Giăng Báp-tít đã tiến về thượng lưu sông Giô-đanh, cách chừng 40 cây số, tới một chỗ gọi là Ê-nôn (xem bản đồ số 45, ở dưới Ma-thi-ơ 3:13-17). Chúa và Giăng Báp-tít cùng giảng một đề mục: Nước Thiên đàng dự ngôn từ lâu nay đã đến rồi! Chẳng bao lâu, Ðức Chúa Jêsus có đông người theo hơn Giăng, chắc một phần vì cớ các phép lạ của Ngài (Giăng 10:41), và một phần vì Ngài là Ðấng Mê-si mà Giăng đã rao giảng, và cũng vì cá nhân của Ngài oai phong hơn.

Sau 8 tháng, Giăng Báp-tít bị hạ ngục (Ma-thi-ơ 4:12); các nhà cầm quyền ở Giê-ru-sa-lem chú ý tới Chúa (Giăng 4:1), và nếu Ðức Chúa Jêsus cứ ở vùng đó, thì có cơ nguy hiểm cho Ngài. Ðể khỏi bị giết sớm, tức là trước khi làm xong công việc, Ngài bèn lui về xứ Ga-li-lê, là nơi Ngài bị họ can thiệp ít hơn.

Thời gian nầy gồm 8 tháng, xin chứng tỏ như vầy: Nó bắt đầu khoảng kỳ Lễ Vượt Qua, tức là tháng 4 dương lịch (Giăng 2:13; 3:22) và kết liễu "4 tháng trước mùa gặt," tức là tháng 12 dương lịch (Giăng 4:35).

 

Ðoạn 4:1-42 -- Người đờn bà Sa-ma-ri

Có lẽ vì thận trọng, nên Ðức Chúa Jêsus trở về xứ Ga-li-lê qua xứ Sa-ma-ri, chớ không đi đường họ thường đi, tức là ngược thung lũng sông Giô-đanh. Xứ Sa-ma-ri ở ngoài quyền cai trị của Hê-rốt, là vua vừa mới bỏ tù Giăng Báp-tít. Ðức Chúa Jêsus không tới đó để giảng. Ngài chỉ đi qua đó, trên đường tới xứ Ga-li-lê. Cuộc đàm thoại của Ngài với người đờn bà Sa-ma-ri chỉ là tình cờ. Ðây là một trong những truyện tích tốt đẹp nhứt, lý thú nhứt và hữu ích nhứt của đời Ðức Chúa Jêsus.

Người Sa-ma-ri là dân di cư, thuộc về một chủng tộc ngoại bang do quân A-si-ri đem tới đó ở từ 700 năm trước (II Các Vua 17:6, 24, 26, 29; E-xơ-ra 4:1, 9, 10). Họ đã công nhận Ngũ kinh của Môi-se, và đã theo đạo Do-thái một phần nào. Họ trông mong Ðấng Mê-si sẽ đặt thủ đô của chánh phủ Ngài tại Sa-ma-ri, chớ không phải tại Giê-ru-sa-lem.

Những kẻ cai trị chính nước Ðức Chúa Jêsus đã nhìn Ngài bằng con mắt nghi ngờ; nhưng đây, người Sa-ma-ri bị họ khinh dể đã vui vẻ tiếp đón Ngài, kể cả người đờn bà đang sống trong cảnh lẻ mọn bất hợp pháp. Trong các sách Tin Lành có một mâu thuẫn tái diễn luôn luôn, ấy là những kẻ bảo tồn tôn giáo trong nước Ðức Chúa Jêsus thì chối bỏ Ngài, còn những kẻ bị xã hội loại bỏ, những tội nhân và thường dân thì tiếp nhận Ngài.

Giếng của Gia-cốp vẫn còn đó, sâu chừng 33 thước tây, và đường kính chừng 3 thước tây. Nó thuộc trong một số ít chỗ có liên quan đến truyện tích Ðức Chúa Jêsus mà ta có thể chỉ đúng vị trí.

"Giờ thứ sáu" (câu 6) tức là thì giờ La-mã, cũng như thì giờ của chúng ta, là 6 giờ chiều.

Cuộc thăm viếng của Ðức Chúa Jêsus đặt nền tảng cho sự vui lòng tiếp nhận Tin Lành bởi người Sa-ma-ri mấy năm sau (Công vụ các sứ đồ 8:4-8).

 

Ðoạn 4:43-54 -- Con trai quan thị vệ

Trên đường từ xứ Sa-ma-ri đến thành Ca-na, Ðức Chúa Jêsus chắc phải đi qua Na- xa-rét (xem bản đồ số 46 ở dưới Mác 3:7-12). Ca-na cách Na-xa-rét 4 dặm về phía Ðông bắc. Ca-na là quê hương của Na-tha-na-ên và là chỗ mà một năm trước, Ðức Chúa Jêsus đã làm phép lạ đầu tiên (Giăng 2:1-11). Quan thị vệ nầy làm việc dưới quyền Hê-rốt, tại thành Ca-bê-na-um. Ca-bê-na-um cách Ca-na 15 dặm về phía Ðông bắc. Do lời miệng Chúa phán, phép lạ nầy được thực hiện trên một người ở cách xa 15 dặm. "Phép lạ thứ hai" (câu 54) đây có nghĩa là phép lạ thứ hai mà Ngài làm tại xứ Ga-li-lê. Giữa hai phép lạ nầy, Ngài đã làm nhiều phép lạ khác tại thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 2:23).

Sau phép lạ nầy, dường như Ðức Chúa Jêsus trở về Na-xa-rét và ở đó một thời gian (Lu-ca 4:16-30). Dân chúng Na-xa-rét có nghe về Chúa chữa bịnh cho con quan thị vệ tại thành Ca-bê-na-um, và họ muốn Ngài tái diễn phép lạ ấy ở chính quê hương Ngài (Lu-ca 4:23).

 

Ðoạn 5 -- Chúa làm một phép lạ tại thành Giê-ru-sa-lem trong ngày Sa-bát

Phép lạ nầy xảy ra trong một ngày lễ (câu 1). Những ngày lễ mà dân Do-thái cử hành đương thời Ðức Chúa Jêsus và chắc Ngài thường dự, là:

Lễ Vượt Qua.-- Tháng 4 dương lịch. Kỷ niệm sự ra khỏi Ai-cập, 1400 năm trước.

Lễ Ngũ Tuần.-- Tháng 6 dương lịch, 50 ngày sau. Kỷ niệm sự ban bố Luật pháp.

Lễ lều tạm.-- Tháng 10 dương lịch. Ăn mừng mùa gặt.

Lễ Khánh thành (Ðền thờ).-- Tháng 12 dương lịch. Cũng gọi là lễ "Ðuốc." Do ông Giu-đa Macchabée thiết lập.

Lễ Phu-rim.-- Trước Lễ Vượt Qua ít ngày. Các sách Tin Lành không hề chép về lễ nầy.

Ðức Chúa Jêsus đã trở về xứ Ga-li-lê nhằm tháng 12 dương lịch, vào khoảng lễ Khánh thành (xem ở Giăng 3:22-36). Ngày lễ theo sau đó là lễ Phu-rim, thường được cử hành khắp xứ và không ai buộc phải tới thành Giê-ru-sa-lem. Sau đó là Lễ Vượt Qua, và ai nấy thường nhìn nhận đó là cơ hội Chúa viếng thăm thành Giê-ru-sa-lem lần nầy.

Một năm trước, Ðức Chúa Jêsus đã dẹp sạch Ðền thờ, để làm dấu hiệu trọng đại giới thiệu Ngài là Ðấng Mê-si. Lần nầy, Ngài làm một phép lạ nhằm ngày Sa-bát, dường như cốt để cố ý đả phá ý tưởng của họ đối với ngày Sa-bát. Như vậy, bọn người cầm quyền sẽ chú ý đến Ngài, và lời Ngài tự nhận là Ðức Chúa Trời sẽ được đồn rộng hơn hết khắp cả thủ đô Giê-ru-sa-lem. Nhơn dịp nầy, dân chúng nghe Ngài giải thích tường tận rằng Ngài là Ðức Chúa Trời, và kết quả tòa Công luận quyết định giết Ngài (câu 18). Mãi 2 năm sau, họ mới thi hành được quyết định ấy.

Theo truyền thoại, ao Bê-tết-đa ở ngay phía Bắc Ðền thờ. Song một vài học giả cho nó chính là nơi ngày nay gọi là Ao Trinh nữ, ở ngay phía Nam Ðền thờ, bây giờ vẫn còn là một suối nước giao động không chừng. Trong bản thảo Sinaitique, không có câu 4 nói về thiên sứ.

Ðức Chúa Jêsus nhắc đến phép lạ nầy, đến ý họ quyết định giết Ngài một năm rưỡi sau, và kêu gọi họ chú ý đến lòng hay dời đổi của họ, vì họ làm phép cắt bì nhằm ngày Sa-bát, nhưng đồng thời lại phản đối việc Ngài chữa bịnh trong ngày Sa-bát. Ðó là một trong những điểm tranh chấp chánh của kẻ thù nghịch Ngài (Giăng 9:14; Lu-ca 13:14). Họ toan mưu giết Ngài vì Ngài đã chữa lành người teo tay trong ngày Sa-bát (Mác 3:6).

Trong Kinh Thánh chỉ chép có một lần Ðức Chúa Jêsus "giận" (Mác 3:5), vì họ phản đối Ngài chữa bịnh trong ngày Sa-bát. Còn lần khác, khi môn đồ toan ngăn cản con trẻ đến cùng Ngài, thì Ngài "nổi bất bình" (Mác 10:14 -- theo bản tiếng Anh).

 

Các lần chữa bịnh trong ngày Sa-bát

Chúa của ngày Sa-bát đã chữa bịnh bảy lần trong ngày Sa-bát theo như có chép dưới đây:

Người bị quỉ ám tại Ca-bê-na-um (Mác 1:21-27).

Bà gia của Phi-e-rơ, tại Ca-bê-na-um (Mác 1:29-31).

Người đau, tại thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 5:1-9).

Người teo tay (Mác 3:1-6).

Người đờn bà còng lưng (Lu-ca 13:10-17).

Người bị thủy thũng (Lu-ca 14:1-6).

Người mù từ thuở sanh ra (Giăng 9:1-14).

 

Ðoạn 6 -- Chúa cho 5000 người ăn no nê

Ðây là phép lạ duy nhứt của Ðức Chúa Jêsus có chép trong cả bốn sách Tin Lành (Ma-thi-ơ 14:13-33; Mác 6:32-52; Lu-ca 9:10-17).

Phép lạ nầy làm ở bờ Ðông bắc của biển Ga-li-lê, tại một chỗ cách cửa sông Giô- đanh 2 dặm về phía Ðông nam.

Ðây nhằm kỳ Lễ Vượt Qua (6:4), một năm trước khi Ðức Chúa Jêsus chịu chết, trong lúc dân chúng đông đảo đang đi đường lên thành Giê-ru-sa-lem. Chính Ðức Chúa Jêsus không lên thành Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua lần nầy, vì trong kỳ viếng thăm trước, chúng đã toan mưu giết Ngài (Giăng 5:1, 18). Có lẽ đây là Lễ Vượt Qua thứ nhứt mà Ngài không lên thành Giê-ru-sa-lem để dự kể từ khi Ngài 12 tuổi.

Ngài giữ Lễ Vượt Qua nầy bằng cách làm phép lạ lớn lao nhứt để giúp đoàn dân đông đảo đang đi dự Lễ Vượt Qua.

Hãy chú ý: Ðức Chúa Jêsus ưa thích trật tự. Ngài truyền lịnh cho dân chúng ngồi xuống từng nhóm 50 và 100 người (Mác 6:39-40), có lẽ họ được sắp đặt chung quanh Ngài thành hình tròn hoặc hình bán nguyệt.

Cũng hãy chú ý nữa: Dầu Ngài có thể làm phép lạ, nhưng Ngài không phí phạm. Ngài truyền thâu lượm những miếng còn thừa (câu 12-13).

Phép lạ nầy đã có ảnh hưởng lớn lao. Dân chúng muốn tôn Ngài làm Vua lập tức (câu 14-15). Chắc họ định ý xin Ngài dẫn đầu họ lên thành Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua.

Ðức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt nước (câu 16-21). Việc nầy xảy ra "lối canh tư" (Mác 6:48), tức là sau 3 giờ sáng.

Ðức Chúa Jêsus đã ở một mình trên núi gần suốt đêm để cầu nguyện (Mác 6:46).

Các môn đồ đang chèo thuyền về Ca-bê-na-um (Giăng 6:17), do phía Bết-sai-đa (Mác 6:45). Bết-sai-đa ở cửa sông Giô-đanh. Ca-bê-na-um cách cửa sông Giô-đanh chừng 5 dặm về phía Tây nam (xem bản đồ số 47, ở dưới Mác 6:45-52). Họ chèo sát bờ vì cớ cơn bão nổi lên. Khi Ðức Chúa Jêsus hiện ra, thì họ "đã chèo ra độ chừng 25 hay là 30 ếch-ta-đơ," tức là chừng 3 hoặc 4 dặm, và được nửa đường rồi.

Khi Phi-e-rơ thấy Ðức Chúa Jêsus đi trên mặt nước, thì ông cũng muốn đi như vậy. Ông Phi-e-rơ thân mến, đáng yêu và nóng nảy biết bao! Nhưng ông bắt đầu chìm xuống. Ðức Chúa Jêsus bèn quở trách ông thiếu đức tin. Ðối với chúng ta, thì dường như Phi-e-rơ có đức tin khá lớn, nên mới dám thử như vậy. Ðối với cách loài người xét xem sự vật, thì là nhiều đức tin, nhưng đối với Ðức Chúa Jêsus, thì là ít quá!

Ðức Chúa Jêsus giảng luận về "Bánh của Sự Sống" (câu 22-71). Ðức Chúa Jêsus đã làm phép lạ lớn lao kia, dùng nó làm khung cảnh để phán dạy minh bạch với môn đồ và toàn thể dân chúng về sứ mạng thật của Ngài trong thế gian nầy.

Dầu Ngài đã để nhiều thì giờ phục vụ các nhu cầu của thân thể loài người, nhưng mục đích thật của Ngài đến thế gian nầy chính là để cứu linh hồn họ. Khi Ngài bảo họ như vậy, thì họ bắt đầu mất hứng thú. Ðang khi Ngài nuôi nấng thân thể họ, thì họ tưởng Ngài là cao trọng. Họ muốn Ngài làm Vua của mình.

Dường như nói chung, nhân dân trông đợi Ðấng Mê-si thiết lập một chế độ xã hội trong đó người ta có thể được bánh ăn mà không phải làm việc. Thật là kỳ diệu biết bao, nếu họ có thể có một Vua hằng ngày làm phép lạ cho họ ăn no nê, y như Ngài đã làm hôm trước và y như Môi-se đã ban ma-na hằng ngày! Những người như vậy chưa chết hết đâu.

 

Ðoạn 7 -- Ðức Chúa Jêsus lại tới thành Giê-ru-sa-lem

Việc nầy xảy ra nhằm lễ Lều tạm, tháng 10 dương lịch, cách lần trước 1 năm rưỡi, và 6 tháng trước khi Ngài chịu chết.

Trong kỳ thăm viếng trước, Ngài đã chữa lành một người nhằm ngày Sa-bát, và đã báo cáo cho các bậc cầm quyền biết Ngài là Con Ðức Chúa Trời (Giăng 5:18); vì cớ đó, họ lập mưu giết Ngài. Từ ngày ấy, Ngài đã ở xa thành Giê-ru-sa-lem, cả trong kỳ Lễ Vượt Qua mới rồi (Giăng 6:4).

Nhưng bây giờ, công việc Ngài đã gần xong, và Ngài lại đến thủ đô của nước Ngài để xác nhận một lần nữa rằng Ngài do Ðức Chúa Trời sai tới. Tuy nhiên, giờ Ngài chịu chết chưa điểm. Ngài biết họ toan mưu giết Ngài (vì ai ai cũng biết điều đó -- Giăng 7:25), nên Ngài đã vi hành cho đến khi xuất hiện giữa đoàn dân đông đảo trong Ðền thờ. Rồi mở đầu bài giảng thuyết, Ngài nhắc đến việc họ toan mưu giết Ngài một năm rưỡi trước, khi Ngài chữa lành một người trong ngày Sa-bát (7:19-23).

Khi nghe điều đó, các bậc cầm quyền bèn sai binh lính đi bắt Ngài. Nhưng chúng thấy dung mạo Ngài, thì sợ sệt một phần nào, và Ngài cứ tiến bước, rao truyền sứ điệp của Ðức Chúa Trời.

Ðức Chúa Jêsus Là Ðức Chúa Trời

Cả bốn sách Tin Lành xưng Ðức Chúa Jêsus là "Con Ðức Chúa Trời": --

Ma-thi-ơ 3:17; 4:3, 6; 8:29; 14:33; 16:16; 17:5; 26:63; 27:54.

Mác 1:1, 11; 3:11; 5:7; 9:7; 14:61, 62.

Lu-ca 1:32, 35; 3:32; 4:41; 9:35; 22:70.

Giăng 1:34, 49; 3:16, 18; 5:25; 9:35; 10:36; 19:7; 20:31.

Ðức Chúa Jêsus tự xưng là "Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 5:25), "làm ra mình bằng Ðức Chúa Trời" (Giăng 5:18). Ba lần Ðức Chúa Jêsus cương quyết phán rằng: "Ta là CON ÐỨC CHÚA TRỜI" (Mác 14:61, 62; Giăng 9:35-37; 10:36).

Ðể chỉ về chính mình Ngài, Ðức Chúa Jêsus đã nhiều lần dùng những câu chỉ có thể dùng cho Ðức Chúa Trời mà thôi.

"Ta là Lẽ Thật" (Giăng 14:6).

"Ta là Ðường Ði" (đến Ðức Chúa Trời) (Giăng 14:6).

"Ta là Cái Cửa; nếu ai bởi Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào, ra, và gặp đồng cỏ" (Giăng 10:9).

"Chẳng bởi Ta, thì không ai được đến cùng Cha" (Giăng 14:6).

"Ta là Bánh của Sự Sống" (Giăng 6:35, 38).

"Ta là Sự Sống" (Giăng 11:25; 14:6).

"Ta là Sự Sống Lại" (Giăng 11:25).

"Ai sống và tin Ta, thì không hề chết" (Giăng 11:26).

"Ta chính là Ðấng đó" (Ðấng Mê-si) (Giăng 4:25-26).

"Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có Ta" (Giăng 8:58).

Ðây là một lời tuyên bố lạ lùng, vượt quá sự hiểu biết hữu hạn của loài người, loại bỏ sự trôi qua của thời gian, hợp Quá khứ và Tương lai thành một Hiện tại đời đời.

"Cha ôi! Bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha" (Giăng 17:5). Ðây Chúa nhớ rõ sự thực hữu của Ngài trước khi thành nhục thể.

"Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha" (Giăng 14:9).

"Ta với Cha là một" (Giăng 10:30).

"Ta có quyền tha tội" (Mác 2:10).

"Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta" (Ma-thi-ơ 28:18).

"Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế" (Ma-thi-ơ 28:20).

Có người nào khác có thể nói những điều thể ấy về chính mình chăng? Ta có thể nói những điều thể ấy về người nào khác chăng?

Mác xưng Ðức Chúa Jêsus là "Con Ðức Chúa Trời" (Mác 1:1).

Giăng xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 3:16, 18; 20:31).

Giăng Báp-tít xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 1:34).

Na-tha-na-ên xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 1:49).

Phi-e-rơ xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 16:16).

Ma-thê xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 11:27).

Các môn đồ xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 15:33).

Thiên sứ Gáp-ri-ên xưng Ngài là "Con Ðức Chúa Trời" (Lu-ca 1:32, 35).

Bởi một tiếng phán từ trời, Chính Ðức Chúa Trời xưng Ðức Chúa Jêsus là "CON YÊU DẤU của Ngài" (Ma-thi-ơ 3:17; 17:5; Mác 1:11; 9:7; Lu-ca 3:22; 9:35).

Các tà linh thuộc về thế giới vô hình cũng xưng Ðức Chúa Jêsus là "Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 8:29; Mác 3:11; 5:7; Lu-ca 4:41). Xem về "Các quỉ sứ" ở dưới Mác 5:1-20.

Người ta thường nhìn nhận rằng Ngài tự xưng là Con Ðức Chúa Trời:

"Nếu ngươi phải là Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 4:3, 6).

"Thầy thật là Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 14:33).

"Nếu ngươi là Con Ðức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây Thập tự" (Ma-thi-ơ 27:40).

"Nó đã nói rằng: Ta là Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 27:43).

"Thật Người nầy là Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 27:54).

"Hắn tự xưng là Con Ðức Chúa Trời" (Giăng 19:7).

Các Ðấng tiên tri Cựu Ước đã dự ngôn Ngài là Ðức Chúa Trời: "Ngài sẽ được xưng là... Ðức Chúa Trời Quyền năng, là Cha đời đời" (Ê-sai 9:6). "Người ta sẽ xưng Danh Ðấng ấy (Chồi hầu đến trong nhà Ða-vít) là: Ðức Giê-hô-va, Sự Công bình chúng ta" (Giê-rê-mi 23:6; 33:16). "Trong ngày đó,... nhà Ða-vít sẽ như Ðức Chúa Trời" (Xa-cha-ri 12:8).

"Ðá" (dịch là "Vầng Ðá" thì đúng hơn) mà Ðức Chúa Jêsus phán rằng Ngài sẽ lập Hội Thánh Ngài trên đó (Ma-thi-ơ 16:18), chính là chân lý về Ngài là Con Ðức Chúa Trời.

Chính Ðức Chúa Jêsus được xưng là "Ðức Chúa Trời" (Giăng 1:1; 10:33; 20:28; Rô- ma 9:5; Cô-lô-se 1:16; 2:9; I Ti-mô-thê 1:17; Hê-bơ-rơ 1:8; I Giăng 5:20; Giu-đe 25).

Như vậy, hoặc Ðức Chúa Jêsus, hoặc Kinh Thánh đều không để chút chi nghi ngờ về bổn tánh của Thân vị Ðấng Christ. Tại sao không công nhận y như Kinh Thánh đã chép? Nếu Ngài chỉ là một Người tốt lành, đạo đức thì Ngài không thể làm chi cho chúng ta, trừ ra nêu trước mắt ta một tấm gương. Nhưng nếu Ngài thật là Ðức Chúa Trời, thì Ngài có thể vừa làm Cứu Chúa chúng ta, vừa treo gương tốt cho ta.

 

Ðoạn 8:1-11 -- Người đờn bà bị bắt đang khi phạm tội tà dâm

Truyện nầy không có trong các bản thảo cổ nhứt, nhưng thường được kể là chân chánh. Có ba trường hợp Ðức Chúa Jêsus xử trí với những người đờn bà đã lầm đường lỡ bước: Người đờn bà nầy, người đờn bà tội lỗi trong sách Lu-ca 7:36-50, và người đờn bà Sa-ma-ri (Giăng 4:18). Trong cả ba trường hợp, Ðức Chúa Jêsus đã tỏ lòng ân cần, từ ái tột bậc. Xem ở dưới Lu-ca, đoạn 15.

Ngôn ngữ trong câu 7 có thể ngụ ý, dầu không cần thiết, rằng Ðức Chúa Jêsus biết những kẻ tố cáo người đờn bà nầy cũng phạm chính tội mà họ buộc cho bà. Bao phen chính chúng ta cũng có những điểm bất toàn mà mình lên án gắt gao nơi kẻ khác!

 

Ðoạn 8:12-59 -- Ðức Chúa Jêsus tiếp tục giảng luận Ngài là Con Ðức Chúa Trời

Những lời quả quyết và lạ lùng mà Ngài phán về chính mình Ngài đã chọc giận bọn cầm quyền, nên chúng toan ném đá Ngài (câu 59).

Ngoài các lời tuyên bố ghi ở các trang trước đây, Ðức Chúa Jêsus còn phán nhiều lời khác để tự nhận là Ngài ngang hàng với Ðức Chúa Trời.

 

Các lời Ðức Chúa Jêsus phán tỏ ra Ngài ngang hàng với Ðức Chúa Trời

"Ta là Sự Sáng của thế gian" (Giăng 8:12).

"Ta là Người Chăn hiền lành" (Giăng 10:9).

Các ngươi bởi dưới mà có, còn Ta bởi trên mà có. Các ngươi thuộc về thế gian nầy, còn Ta không thuộc về thế gian nầy" (Giăng 8:23).

"Cha các ngươi, là Áp-ra-ham, đã nức lòng nhìn thấy ngày của Ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ" (Giăng 8:56).

"Ấy là về Ta mà người (Môi-se) đã chép" (Giăng 5:46).

"Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đo được Sự Sống đời đời; ấy là Kinh Thánh làm chứng về Ta vậy" (Giăng 5:39).

"Chính Cha, là Ðấng đã sai Ta, cũng làm chứng về Ta" (Giăng 5:37).

"Các việc Cha đã giao cho Ta làm trọn, tức là các việc Ta làm đó, làm chứng cho Ta" (Giăng 5:36).

"Ví thử Ta không làm giữa họ những việc mà chưa có người khác làm, thì họ vô tội" (Giăng 15:24).

"Nếu các ngươi chẳng tin Ta là Ðấng đó, thì chắc sẽ chết trong tội lỗi các ngươi" (Giăng 8:24).

"Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy! Vì Ta nói cùng các ngươi, có nhiều Ðấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe" (Lu-ca 10:23-24).

"Ðến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một Người tôn trọng hơn Giô-na! Ðến ngày phán xét, nữ hoàng nam phương sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì người từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan vua Sa-lô-môn; mà đây nầy, có một Người tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn!" (Ma-thi-ơ 12:41-42).

 

Các danh hiệu và phẩm tước mà Kinh Thánh ứng dụng cho Ðấng Christ

"Ðấng Christ;" "Ðấng Mê-si;" "Cứu Chúa;" "Ðấng Cứu chuộc;" "Ðấng Lạ lùng;" "Ðấng Mưu luận;" "Ðấng làm chứng thành tín;" "Lời Ðức Chúa Trời;" "Lẽ thật;" "Sự Sáng của thế gian;" "Ðường đi" (đến cùng Ðức Chúa Trời); "Người Chăn hiền lành;" "Ðấng Trung bảo;" "Ðấng Giải cứu;" "Thầy Tế lễ Thượng phẩm lớn;" "Cội rễ và Cuối cùng của đức tin;" "Ðấng làm Cội rễ sự cứu rỗi;" "Ðấng Cầu Thay;" "Con Ðức Chúa Trời;" "Con Người;" "Ðức Chúa Trời;" "Ðấng Thánh của Ðức Chúa Trời;" "Con Một;" "Ðức Chúa Trời Quyền năng;" "Hình bóng của bổn thể Ðức Chúa Trời;" "Cha Ðời Ðời;" "Chúa;" "Chúa muôn vật;" "Chúa vinh hiển;" "Chúa của mọi Chúa;" "Ðấng Chủ tể hạnh phước và có một;" "Vua của Y-sơ-ra-ên;" "Vua của mọi vua;" "Chúa sự sống;" "Chúa Bình an;" "Con Ða-vít;" "Chồi;" "Ða-vít;" "Chồi và Hậu tự của Ða-vít;" "Sao Mai sáng chói;" "Em-ma-nu-ên;" "A-đam sau hết;" "Chiên Con của Ðức Chúa Trời;" "Sư tử của chi phái Giu-đa;" "An-pha và Ô-mê-ga;" "Ðấng trước hết và Ðấng sau cùng;" "Ðấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Ðức Chúa Trời;" "Ðấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên;" "Ðấng A-men."

 

Nã-phá-luân đã nói gì về Ðấng Christ?

(Khúc sách dưới đây thường được công nhận là lời của Nã-phá-luân. Tuy nhiên, cũng có người ngờ là không phải).

"Tôi quen biết rất nhiều người, và tôi xin nói với anh em rằng Ðức Chúa Jêsus không phải là một Người. Ngài truyền lịnh cho chúng ta phải tin, và không viện ra một lý do nào khác ngoài lời Ngài phán kinh khủng rằng: Ta Là Ðức Chúa Trời. Các nhà triết học muốn giải quyết các sự mầu nhiệm của vũ trụ bằng lời biện thuyết trống rỗng của họ. Họ thật điên dồ, và giống đứa trẻ khóc đòi cho được mặt trăng làm đồ chơi. Ðấng Christ chẳng bao giờ ngập ngừng. Ngài phán có quyền hành cặp theo. Ðạo Ngài là một sự mầu nhiệm, nhưng đạo ấy cứ tồn tại bởi chính năng lực của nó. Ngài tìm kiếm và tuyệt đối đòi hỏi sự yêu thương của người ta, là cái khó được hơn hết trong thế gian nầy.

"A-lịch-sơn đại đế, Sê-sa và Hannibal đã chiếm được thế giới, nhưng chẳng có bạn hữu. Ðương thời tôi đây, có lẽ chỉ có một mình tôi yêu mến ba ông ấy. A-lịch-sơn đại đế, Sê-sa, Charlemagne và chính mình tôi đã sáng lập những đế quốc, nhưng trên cái gì? Trên võ lực. Còn Ðức Chúa Jêsus sáng lập đế quốc Ngài trên sự Yêu thương, và chính giờ nầy, hàng bao nhiêu triệu người vui lòng chết vì Ngài. Chính tôi cũng đã làm cho rất nhiều người tríu mến, đến nỗi họ vui lòng chết vì tôi. Nhưng tôi cần phải có mặt. Bây giờ tôi ở đảo Sainte-Hélène nầy, thì bạn hữu tôi đâu? Tôi bị lãng quên, chẳng bao lâu sẽ trở về bụi đất và làm đồ ăn cho dòi bọ. Có một vực sâu rộng lớn giữa cảnh khốn nạn của tôi và Nước đời đời của Ðấng Christ! Ngài được tuyên cáo, kính mến, thờ lạy, và Nước Ngài đang lan rộng khắp trái đất. Ðây có phải sự chết chăng? Tôi xin nói với anh em: Sự chết của Ðấng Christ chính là sự chết của Ðức Chúa Trời. Tôi xin nói với anh em nữa: "Ðức Chúa Jêsus Christ Chính Là Ðức Chúa Trời!"

 

Renan đã nói gì về Ðấng Christ?

"Bất cứ trong tương lai có những sự bất ngờ nào, cũng sẽ không hề dấy lên, y như đã không hề dấy lên, một người nào giống như Ðức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét!"

 

Sử gia Josèphe đã nói gì về Ðấng Christ?

Josèphe là một sử gia Do-thái (37-100 S.C.), sanh ra và được giáo dục tại Giê-ru-sa-lem. Ông là một tướng lãnh trong quân đội Do-thái, và bị bắt qua kinh thành La-mã khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Lời ông nói về Ðức Chúa Jêsus, trưng dẫn dưới đây, được nhiều nhà học giả kể là của chính ông, nhưng cũng có một số người tưởng đó có lẽ là thêm vào về sau. Ðây, lời ông nói: --

"Vào khoảng thời gian nầy, có Ðức Chúa Jêsus, một Người khôn ngoan, nếu pháp luật ta gọi Ngài là một Người, vì Ngài là Ðấng làm nhiều việc lạ lùng. Ngài là Ðấng Christ. Theo lời đề nghị của các yếu nhân giữa vòng chúng ta, Phi-lát đã lên án đóng đinh Ngài vào Thập tự giá. Ðến ngày thứ ba, Ngài lại sống và hiện ra với những kẻ theo Ngài. Ngày nay, các Cơ-đốc-nhân, gọi như vậy theo Danh Ngài, không bị tiêu diệt."

 

Ðoạn 9 -- Ðức Chúa Jêsus chữa lành một người mù từ thuở sanh ra

Trong một lần thăm viếng thành Giê-ru-sa-lem trước đây (5:9), Ðức Chúa Jêsus đã chữa một người đau trong ngày Sa-bát. Vì cớ đó và vì cớ Ngài tự nhận là Con Ðức Chúa Trời, nên chúng toan ném đá Ngài cho chết (Giăng 8:52-59). Bây giờ Ngài lại làm một phép lạ lớn hơn nữa trong ngày Sa-bát (9:14). Ngài biết làm như vậy thì chọc giận người Pha-ri-si, vì họ có quan điểm sai lạc đối với ngày Sa-bát.

 

Ðoạn 10:1-21 -- Ðức Chúa Jêsus là Người Chăn hiền lành

Ðây là phần tiếp tục bài giảng nhơn cơ hội chữa lành người mù. Ðức Chúa Jêsus tuyên bố Ngài là Ðấng chăn loài người, nghĩa là Ngài chăn giữ mọi người chịu nhận Ngài làm Ðấng chăn giữ họ. Ðây là một ẩn dụ tuyệt mỹ mà tín đồ ưa mến mãi mãi; nó tỏ ra Ðức Chúa Jêsus săn sóc con cái Ngài một cách từ ái và tận tụy.

 

Ðoạn 10:22-39 -- Tại lễ Khánh thành

Giữa câu 21 và câu 22 có một khoảng cách 3 tháng. Lễ lều tạm cử hành nhằm tháng 10 dương lịch. Giăng 7:2 đến 10:21 chép về lần Ngài thăm viếng Giê-ru-sa-lem trong kỳ lễ nầy. Bây giờ tới lễ Khánh thành (tháng 12 dương lịch). Trong thời gian giữa hai lễ nầy, Ðức Chúa Jêsus đã trở lại xứ Pê-rê, hoặc xứ Ga-li-lê và miền ở phía Bắc xứ Ga-li-lê, thì có lý hơn.Tại đây, Ngài hóa hình để làm vững đức tin của 12 Sứ đồ lần chót trước sự chết hầu gần của Ngài.

 

Ðoạn 10:40-42 -- Bên kia sông Giô-đanh

Ðây là miền mà Ðức Chúa Jêsus đã ở 8 tháng, lúc bắt đầu chức vụ công khai (Giăng 3:22). Có lẽ Ngài ở đây chừng 2 tháng. Miền nầy đông cư dân, có nhiều đô thị La-mã phồn thạnh, ở dưới quyền cai trị của Hê-rốt, chớ không liên quan gì với các bậc cầm quyền tại Giê-ru-sa-lem. Sách Lu-ca, đoạn 11 đến đoạn 18, chép về thời gian nầy.

 

Ðoạn 11 -- Ðức Chúa Jêsus kêu La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại

Có lẽ chừng một tháng trước khi Ngài chịu chết. Ðây là lần thứ ba mà Ngài làm cho kẻ chết sống lại: Con gái Giai-ru vừa mới chết (Mác 5:21-43); con trai bà góa ở Na-in đang đem chôn (Lu-ca 7:11-17); và La-xa-rơ chết đã 4 ngày. Tuyệt điểm của ba sự sống lại nầy là chính Ngài sống lại và không hề chết nữa. Phép lạ nầy kích động dân thành Giê-ru-sa-lem rất sâu xa, nhưng làm cho tòa Công luận quyết định lần chót sẽ giết Ngài đi (câu 53). Vậy, Ðức Chúa Jêsus lui về đồng vắng Ép-ra-im, cách thành Giê-ru-sa-lem chừng 12 dặm về phía Bắc, để cùng 12 Sứ đồ bình tĩnh chờ Lễ Vượt qua.

 

Ðoạn 12:1-8 -- Bữa ăn tối tại làng Bê-tha-ni

Giăng đặt bữa ăn tối nầy ở ngày trước khi Chúa ngự vào thành Giê-ru-sa-lem một cách khải hoàn (câu 12), tức là nhằm buổi tối thứ bảy (xem thêm ở Mác 14:3-9). Có lẽ là chừng 1 tháng sau khi Ngài khiến La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại. Si-môn, người phung, chắc hẳn đã được Ðức Chúa Jêsus chữa lành, là bạn thiết hoặc bà con của La-xa-rơ. Ðây là một gia đình giàu có. 300 đơ-ni-ê tính ra tiền Việt-nam, chừng 3600 đồng. Chỉ người giàu mới có thể dùng bình dầu thơm đáng giá chừng ấy. Có lẽ Ðức Chúa Jêsus đã phán về Ngài sắp bị đóng đinh vào Thập tự giá. Hết thảy cho lời Ngài phán đó là một thí dụ, và không để ý tới bao nhiêu. Ma-ri bình tĩnh, cẩn trọng, đáng mến, có lẽ nhận thấy tia buồn trong cặp mắt Ngài, nên tự nghĩ: "Ðây chẳng phải là thí dụ đâu. Ngài phán thật đó." Bà bèn đi, lấy vật quí hiếm nhứt trong nhà, đổ lên đầu và chơn Ngài, rồi lấy tóc mà lau. Có lẽ bà chẳng nói chi hết. Nhưng Ðức Chúa Jêsus hiểu. Ngài biết bà muốn tỏ với Ngài rằng lòng bà đau đớn biết bao! Ðức Chúa Jêsus rất cảm kích đến nỗi Ngài phán rằng việc bà làm đó sẽ được kể lại để nhớ đến bà ở bất cứ nơi nào Danh Ngài được rao giảng, cho tới đầu cùng trái đất và tới lúc hết thời gian.

 

Bê-tha-ni

Bê-tha-ni cách thành Giê-ru-sa-lem chừng 2 dặm, và ở trên sườn phía Ðông của núi Ô-li-ve. Từ trên dãy đồi Bê-tha-ni, Ðức Chúa Jêsus đã ngự lên trời.

Ðoạn 12:9-19. Chúa ngự vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn.-- Xem ở Ma-thi-ơ 21:1-11.

Ðoạn 12:20-26. Những người Hi-lạp muốn ra mắt Ðức Chúa Jêsus.-- Không chép khi nào, nhưng người ta cho rằng có lẽ là nhằm ngày thứ ba, trong Ðền thờ; lúc nầy sự chống nghịch của những kẻ cầm quyền đã rõ rệt lắm. Từ các xứ xa, người ta đều tỏ lòng tôn kính Ngài. Sự trạng ấy khiến chúng suy nghĩ và xôn xao bàn tán rằng cần phải giết Ngài. Ngài ghê sợ nó là dường nào!

Ðoạn 12:37-43 -- Sự không tin của kẻ cầm quyền

Chà, mặc dầu chứng cớ hiển nhiên do các phép lạ của Ðức Chúa Jêsus, bọn cầm quyền nước Do-thái vẫn không chịu tin Ngài. Ðó là một trong những vấn đề nan giải nhứt trong Kinh Thánh. Giăng giải đáp rằng ấy là để cho Kinh Thánh được ứng nghiệm.

Ðoạn 12:44-50 -- Lời giảng cuối cùng của Ðức Chúa Jêsus trong Ðền thờ

Có lẽ nhằm lúc Ngài dời khỏi Ðền thờ, chiều ngày thứ ba, và không hề bước vào đó nữa.

Ðoạn 13, 14 -- Bữa ăn tối cuối cùng

Xem tường tận hơn ở Ma-thi-ơ 26:17-29

Ðức Chúa Jêsus rửa chơn cho các môn đồ (13:1-20). Việc nầy là nhơn cơ hội họ cãi nhau xem ai sẽ được chức trọng quyền cao nhứt trong Nước Chúa. Ðó là một trong những vấn đề trọng yếu của họ (xem ở Lu-ca 9:46-48). Mặc dầu Ðức Chúa Jêsus nhiều lần tuyên bố rằng Ngài sắp bị đóng đinh vào Thập tự giá (xem ở Mác 9:30-32), nhưng cho đến giờ phút cuối cùng, bề nào họ cũng cho đó là thí dụ. Họ dường như nghĩ rằng sự Chúa ngự vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn 5 ngày trước, báo hiệu gần tới lúc Ngài làm một việc táo bạo, và bởi quyền phép lạ lùng, Ngài sẽ dựng ngôi Hoàng đế toàn thế giới tại thành Giê-ru-sa-lem. Họ mải lo xem ai sẽ lãnh chức gì? Thủ tướng, Bộ trưởng,v.v... Rốt lại, Ðức Chúa Jêsus phải quì gối xuống mà rửa chơn họ, tức là làm công việc hèn hạ của kẻ tôi mọi, để ghi khắc vào tâm trí họ rằng Ngài đã kêu gọi họ để hầu việc, chớ chẳng phải để cai trị. Ôi! Hội Thánh Chúa đã chịu đau khổ biết bao trải qua các thế kỷ vì lắm vị thủ lãnh của Hội Thánh đã bị tham vọng làm lớn thiêu cháy! Những tổ chức oai quyền và chức vụ cao quí đã được tạo nên để thỏa mãn dục vọng trần gian và vị kỷ của loài người. Nhiều người có chức lớn trong Giáo hội không chịu khiêm nhường phụng sự Ðấng Christ, nhưng đã dùng Danh Ngài để tự phụng sự mình, và vẫn còn làm như vậy.

Ðức Chúa Jêsus chỉ mặt tên phản bội (câu 21-30). Giu-đa đã giữ bí mật một cách khôn quỉ đến nỗi trong vòng môn đồ, chẳng một ai nghi ngờ nó. Xem ở Mác 14:10- 11. Giu-đa hiểu rằng Ðức Chúa Jêsus biết sự bí mật của nó. Nhưng với tấm lòng cứng như thép, nó cứ tiến bước mà phạm trọng tội đê tiện.

Ðức Chúa Jêsus từ giã các Sứ đồ lần chót (13:31 đến 17:26). Giu-đa đã đi rồi. 4 đoạn nầy chứa những lời êm dịu nhứt trong Kinh Thánh.

Chúa phán những lời trong đoạn 14 trong khi Ngài còn ngồi ăn bữa tối. Còn đoạn 15, 16, 17, thì Ngài phán trong khi đi đường từ phòng ăn bữa tối đến vườn Ghết-sê-ma-nê.

Ngài biết rằng rốt lại, sự cuối cùng đã đến, và Ngài sẵn sàng rồi. Ngài cho đó là "được vinh hiển" (13:31), chớ chẳng phải là "bị đóng đinh vào Thập tự giá." Ngài ghê sợ sự đau thương, nhưng mắt Ngài chăm chú sự vui mừng ở bên kia sự đau thương.

Các môn đồ bối rối vì nghe Chúa phán rằng Ngài sắp lìa khỏi họ. Ngài định phán chi đó? Ngài há chẳng phán bảo họ nhiều lần như vậy rồi sao? Chúng tôi tưởng lòng Chúa đau đớn vì các môn đồ hơn là vì nghĩ tới chính sự thương khó của Ngài.

Ông Phi-e-rơ thân mến và đáng yêu ngờ Ðức Chúa Jêsus có ý phán rằng Ngài đi thi hành một sứ mạng nguy hiểm, bèn tình nguyện theo Ngài, mặc dầu phải liều mạng sống mình. Ðiều nầy chắc làm vui lòng Ðức Chúa Jêsus sau khi Ngài buồn rầu vì cớ sự phản bội của Giu-đa. Nhưng Chúa nhắc nhở Phi-e-rơ rằng ông không nhận biết mình vừa mới nói chi.

 

Ðoạn 14 -- Nhà có nhiều chỗ ở

Ðây là đoạn Kinh Thánh được yêu quí hơn hết; nó đi cùng với chúng ta đang khi ta đến gần "trũng bóng chết." Như một Thợ giỏi tuyệt vời, Ðức Chúa Jêsus đang dự bị cung điện trên Thiên đàng cho ngày vinh hiển Ngài rước Tân phụ, là kẻ được lựa chọn của muôn đời, về ở với Ngài. Nhưng chính Tân phụ cũng cần được dự bị sẵn sàng. Hội Thánh phải được thâu nhóm, trưởng dưỡng, và nên trọn lành để xứng đáng ở Nhà Ðức Chúa Trời. Người đến ở, cũng như chỗ ở, đều phải được dự bị. Khi Ðức Chúa Jêsus ra đi để sắm sẵn Nhà Ở Ðời Ðời, thì Ngài hứa ban Ðức Thánh Linh xuống để huấn luyện, yên ủi và dắt dẫn các thánh đồ trên đường về Nhà Thiên thượng.

Bản đồ số 52 -- Những di chuyển trong đêm cuối cùng của Ðức Chúa Jêsus

1.    "Cô-na-qui-lâm" là tên của chỗ (theo truyền thoại) Ðức Chúa Jêsus và các môn đồ đã ăn bữa tối cuối cùng. Người ta cho rằng đây có lẽ là nhà Ma-ri, mẹ của Mác. Khoảng 8, 9 giờ tối, Chúa đã từ đây đi tới vườn Ghết-sê-ma-nê, cách một dặm đường. Các sự di chuyển của Ngài được chỉ rõ bằng những dòng chấm.

2.    Vườn Ghết-sê-ma-nê. Tại đây, Chúa qua cơn hấp hối suốt 2, hoặc 3, hoặc 4 giờ. Rồi Ngài bị bắt, đưa đến nhà thầy tế lễ thượng phẩm; nhà nầy ở gần nơi Ngài đã ăn bữa tối cuối cùng.

3.    Nhà thầy tế lễ thượng phẩm. Ðức Chúa Jêsus bị giữ ở đây từ nửa đêm tới lúc rạng đông. Ngài bị lên án, bị chế nhạo, bị nhổ vào mặt, bị Phi-e-rơ chối, và tới lúc rạng đông, Ngài bị chánh thức tuyên án và đưa đến Phi-lát, là quan Thống đốc La-mã.

4.    Công đường của Phi-lát, gọi là "Tháp của Antonio". Phi-lát muốn tránh trách nhiệm, nên cho giải Ðức Chúa Jêsus đến vua Hê-rốt.

5.    Cung điện của Hê-rốt. Tại đây, Ngài bị chế nhạo, và được đưa trở lại công đường Phi-lát.

4. Lại ở công đường của Phi-lát. Ngài bị đánh đòn và bị lên án đóng đinh vào Thập tự giá.

6. Núi Gô-gô-tha, ở ngay phía ngoài vách thành phía Bắc, là nơi Ngài bị đóng đinh vào Thập tự giá.

7. Phần mộ trong vườn, là nơi an táng Ngài.

 

Ðoạn 15, 16, 17 -- Trên đường đi tới vườn Ghết-sê-ma-nê

Những ý tưởng từng hồi từng lúc hiện lên trong mấy đoạn quí báu nầy là: Các môn đồ phải yêu thương lẫn nhau, phải giữ các điều răn của Ðấng Christ, phải ở luôn trong Ngài, phải trông chờ sự tỉa sửa và bắt bớ; Ngài cần phải ra đi, Ðức Thánh Linh sẽ thay thế Ngài, sự buồn rầu của họ sẽ đổi thành vui mừng, và đang khi Ngài vắng mặt, các lời cầu nguyện của họ sẽ được đáp lại lạ lùng. Chúa yêu dấu dấn mình vào sự buồn rầu, đau đớn vô ngần, nhưng cũng hết sức yên ủi các môn đồ đang ngơ ngác.

 

Ðoạn 17 -- Lời cầu thay của Ðức Chúa Jêsus

Chúa chấm dứt lời từ giã êm dịu bằng cách phó thác họ cho Ðức Chúa Trời. Ngài cầu nguyện vừa cho Ngài, vừa cho họ, đang khi Ngài xây đi để Một Mình đạp bàn ép rượu (Ê-sai 63:3). Ngài được can đảm vì nhớ lại sự thực hữu của Ngài trước khi làm Người và "vinh hiển" (câu 5) của sự thực hữu ấy. Ngài cầu nguyện cho kẻ thuộc về Ngài (câu 9), chớ không cầu nguyện cho thế gian. Ngài đến để cứu thế gian, song Ngài đặc biệt chăm chú tới những kẻ tin theo Ngài. Ngài gạch rõ một hàng phân cách người thuộc về Ngài với người không thuộc về Ngài. Ðiểm nầy thấu suốt cả các tác phẩm của Giăng. Xin xem lời chú giải về sự duy nhứt của tín đồ Ðấng Christ ở dưới Ê-phê-sô, đoạn 4.

 

Ðoạn 18: 1-12 -- Chúa bị bắt

Cũng có chép ở Ma-thi-ơ 26:47-56; Mác 14:43-50 và Lu-ca 22:47-53. Việc xảy ra vào khoảng nửa đêm. Ðội quân trú phòng La-mã gồm chừng 5 hoặc 6 trăm người, có chỉ huy trưởng dẫn đầu và bọn thám tử của thầy tế lễ thượng phẩm đi theo; rõ ràng lắm, chúng tưởng mình đi thi hành một nhiệm vụ nguy hiểm, và có Giu-đa đưa đường cho chúng tới nơi Ðức Chúa Jêsus ẩn dật. Ðang khi chúng ồ ạt kéo ra ngoài cửa Ðông, đi xuôi đường tới khe Xết-rôn, cầm đèn, đuốc và khí giới, thì từ vườn Ðức Chúa Jêsus ẩn dật, có thể trông thấy chúng rất rõ. Khi chúng đến gần, thì bởi quyền phép vô hình của Ngài, Ðức Chúa Jêsus làm cho chúng té xuống đất, để khiến chúng hiểu rằng nếu Ngài chẳng khứng, thì chúng không bắt Ngài được. Ðể cho chúng nhận ra đúng Ðức Chúa Jêsus, Giu-đa đã hôn Ngài làm hiệu. Khi chúng tra tay trên Ngài, thì Phi-e-rơ rút gươm ra. Can đảm thay Phi-e-rơ, một mình ông dám giao chiến với cả đội quân trú phòng La-mã!

Ðoạn 18:22 đến 19:16. Cuộc xét xử Ðức Chúa Jêsus.-- Xem ở Mác 14:53.

 

Ðoạn 18:15-27 -- Phi-e-rơ chối Chúa

Việc nầy xảy ra trong công đường của thầy tế lễ thượng phẩm, đang khi Ngài bị lên án. Phi-e-rơ vừa mới sẵn lòng một mình đánh cả đội quân trú phòng La-mã. Ông chẳng phải là kẻ hèn nhát đâu. Ông đã "đi theo Ngài xa xa" (Lu-ca 22:54). Các môn đồ khác, trừ ra Giăng, không theo Ngài chi hết. Vậy, Phi-e-rơ đáng khen một phần nào. Chúng ta không bao giờ có thể biết những mối xúc động đã quay cuồng và xâu xé linh hồn Phi-e-rơ đêm đó. Ông không thể hiểu biết tại sao Ðức Chúa Jêsus, Vị Chủ tể của sóng, gió và những đoàn dân đông, lại không chịu dùng quyền năng của Ngài trong lúc cấp bách ấy. Ðang khi Phi-e-rơ hăng hái chối rằng mình không biết Ðức Chúa Jêsus, vừa nguyền rủa, vừa chửi thề, thì Ngài xây lại mà nhìn ông. Cái nhìn ấy làm tan nát lòng Phi-e-rơ.

 

Ðoạn 19:17-37 -- Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh vào Thập tự giá

Cũng xem những lời chú giải sách Ma-thi-ơ 27:33-56, Mác 15:21-41 và Lu-ca 23:32- 49. Ống chơn của hai tên trộm cướp đã bị đánh gãy (câu 32) để cho chúng mau chết; bằng không, thì mãi 4, 5 ngày sau mới chết được.

 

Ðoạn 19:33-34 -- "Máu và Nước."

Khi ngọn giáo đâm ngang sườn Ðức Chúa Jêsus, thì Ngài đã chết rồi, sau khi bị treo trên Thập tự giá 6 giờ. Một vài nhà y học trứ danh đã nói rằng chỉ trong trường hợp vỡ trái tim, thì máu mới tụ ở tâm nang, là màng bọc ngoài trái tim, chia thành một thứ máu đóng cục và huyết thanh. Nếu quả thật như vậy, thì lý do vật thể trực tiếp gây nên sự chết của Ðức Chúa Jêsus chính là trái tim Ngài bị vỡ. Trái tim Ngài tan vỡ vì sự đau đớn dữ dội và vì áp lực của huyết chạy dồn dập, hỗn loạn. Có lẽ sự đau đớn vì tội lỗi loài người đã vượt quá sức chịu đựng của thân thể Ngài.

Có lẽ ở đây có sự tương đồng thần bí với sách Sáng-thế Ký 2:21-22. Trong khi A- đam ngủ, Ðức Chúa Trời đã lấy ngang sườn ông cái chất Ngài dùng tạo thành người vợ cho ông; cũng một thể ấy, trong khi Ðức Chúa Jêsus ngủ trên Thập tự giá, Ðức Chúa Trời đã lấy ở ngang sườn Ngài cái chất dùng tạo thành Hội Thánh, là Tân phụ của Ðấng Christ.

 

Ðoạn 19:38-42 -- An táng Chúa

Xin xem lời chú giải nơi an táng Chúa ở trang sau. Giô-sép và Ni-cô-đem, cả hai là nhân viên của tòa Công luận, và là môn đồ kín giấu (kín giấu đang khi Ðức Chúa Jêsus được dân chúng hoan nghinh), bây giờ, trong thì giờ Ngài bị sỉ nhục, đã dạn dĩ bước ra để cùng Ngài chia sẻ sự hổ thẹn của Thập tự giá. Hoan hô Giô-sép! Hoan hô Ni-cô-đem! Xem thêm ở dưới Giăng 3:1-21.

"Tấm vải liệm thánh".-- Tạp chí "The Scientific American." số tháng 3, 1937, có đăng bài của một nhà khoa học Pháp viết về tấm vải hiện nay để trong một nhà thờ kia ở Turin, nước Ý; ông tin rằng đó chính là tấm vải liệm thi hài Ðức Chúa Jêsus. Ông mô tả rằng nó dài gần 5 thước, rộng hơn 1 thước, có hình phía trước và phía sau của thân thể một người lớn, tỏ ra người ấy đã được đặt nằm trên nửa tấm, còn nửa tấm thì xếp phủ lại cả bề dài. Ông quả quyết rằng các hình ấy không phải là hình vẽ, mà là hình in bởi hơi lỗ tinh (ammoniaque), do chất niếu tố (urée) lên men, và chất nầy tiết ra rất nhiều trong mồ hôi vì đã đau đớn dữ dội. Trên tấm vải có những mảnh một dược và vấy huyết. Các lằn roi, các vết thương trên bàn tay, đầu, ngang sườn đều thấy rất rõ, và có chứng cớ rõ ràng rằng huyết thanh và huyết đã từ vết thương chảy ra. Không còn lầm lẫn chi nữa, đây là hình một người bị đóng đinh vào Thập tự giá, có mọi chi tiết phù hợp trọn vẹn với truyện tích Kinh Thánh và có vẻ mặt của một người cao quí. Tấm vải nầy xuất hiện lần đầu tiên ở nước Pháp, năm 1355, và có ghi chú rằng người ta đã thấy nó ở Constantinople, năm 1204. Nó không phải là một sản phẩm mà nhà khảo cổ đào bới lên từ giữa đống hoang tàn của thời đại mà họ gán nó cho. Trái lại, người ta thường cho nó là một vật tạo ra ở thế kỷ thứ 14.

 

Ðoạn 19:41-42 -- Phần mộ của Ðức Chúa Jêsus

"Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai." Ấy nghĩa là phần mộ an táng Ðức Chúa Jêsus rất gần chỗ Ngài bị đóng đinh vào Thập tự giá. Xem ở dưới Mác 15:21-41.

Năm 1881, Ðại tướng Christian Gordon tìm thấy một "cái vườn" ở chơn phía Tây của "Ðồi Sọ" (Gô-gô-tha). Ông truyền lịnh cho một người đào bới, và ở dưới đống hoang tàn chừng 1 thước rưỡi, họ đã thấy một ngôi mộ thời La-mã, đục trong vách bằng đá cứng, phía trước có một cái hào, tại đó vầng đá đã lăn ra cửa.

Phần mộ là một căn phòng rộng gần 5 thước, sâu hơn 3 thước, và cao chừng 2 thước rưỡi. Khi bước vào, thì ở bên phải có hai ngôi mộ, một gần vách phía trước, còn một ở gần vách phía sau. Hai ngôi mộ nầy hơi thấp hơn sàn của căn phòng, giữa có vách thấp ngăn cách. Ngôi mộ ở phía trước dường như không hề được hoàn thành. Theo các dấu tích, thì chỉ có ngôi mộ phía sau đã từng được sử dụng, và tại đây không có chi chứng tỏ tình trạng hư nát do sự chết. Phần mộ rộng đủ cho một nhóm phụ nữ và hai thiên sứ đứng trong đó, và cũng có đủ chỗ cho hai thiên sứ, một vị đứng đằng đầu, và một vị đứng đằng chơn (Mác 16:5; Giăng 20:12). Bên mặt cửa ra vô có một cửa sổ, và lúc hừng đông, ánh mặt trời do đó mà chiếu vào phần mộ đã sử dụng. Mỗi chi tiết đều đúng với truyện tích Kinh Thánh.

Hơn nữa, theo Eusèbe, năm 135 S.C., đang khi bắt bớ tín đồ Ðấng Christ, Hoàng đế La-mã Hadrien đã xây cất miễu thờ nữ thần Vénus phía trên phần mộ an táng Ðức Chúa Jêsus. Năm 330 S.C., Constantin, Hoàng đế tin theo Ðấng Christ đầu tiên, đã hủy phá miễu thờ Vénus. Trong đống di tích lấy ra khỏi phần mộ, Ðại tướng Gordon tìm thấy một phiến đá thường dùng ở miễu thờ Vénus ; ông cũng thấy dấu tích tỏ ra đã có một công trình xây cất ở bên trên phần mộ. Bên trên cửa phần mộ có hai khám đục trong tường để đặt tượng, là đặc điểm của miễu thờ Vénus.

Hơn nữa, trong một hầm mộ kế cận phần mộ nầy và đụng sát nó ở dưới đất, người ta thấy một mộ chí có ghi mấy chữ: "An táng gần bên Chúa."

Như vậy, theo mọi chi tiết trên đây, dường như có một căn bản rất vững chắc để chứng tỏ rằng "Phần mộ trong Vườn" có thể thật là nơi Ðức Chúa Jêsus đã được an táng, và nhằm buổi sáng Phục sanh hạnh hỉ đầu tiên, Ngài đã Sống Lại và từ đó bước ra. Cho nên đối với tín đồ Ðấng Christ, đó là nơi chí thánh trên mặt đất, là chỗ phát ra lòng tin quyết có Sự Sống không hề chết.

 

Ðoạn 20:1-2 -- Ma-ri Ma-đơ-len đi tới phần mộ

Có một số phụ nữ cùng đi với bà. Xem ở Ma-thi-ơ 28:1-8 và lời chú giải về "Thứ tự của các Biến cố" ở dưới Mác, đoạn 16.

 

Ðoạn 20:3-10 -- Phi-e-rơ và Giăng chạy tới phần mộ

Cũng có chép ở Lu-ca 24:12. Có lẽ hai ông ở gần phần mộ hơn những môn đồ khác, và có lẽ là tại nhà của Giăng, là nơi mẹ của Ðức Chúa Jêsus cũng đang ở (19:27).

 

Ðoạn 20:11-18 -- Ðức Chúa Jêsus hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len

Ðây là sự hiện ra đầu tiên của Ngài. Các bà khác đã đi khỏi rồi. Chỉ còn Ma-ri ở đó, khóc lóc dường như trái tim bà sắp tan vỡ. Bà không hề nghĩ rằng Ðức Chúa Jêsus đã sống lại. Bà không được nghe thiên sứ báo tin Ngài sống. Chính Ðức Chúa Jêsus đã nhiều lần phán rằng đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Bề nào bà cũng không hiểu lời Ngài phán. Nhưng, ôi! bà kính mến Ngài biết bao! Và bây giờ Ngài chết rồi. Cả đến thi hài của Ngài cũng mất nốt. Trong lúc đau đớn, sầu thảm đó, Ðức Chúa Jêsus đứng bên cạnh bà, và kêu tên bà. Bà nhận biết tiếng Ngài, và kêu la vui mừng khôn xiết. Ðức Chúa Jêsus không chết, nhưng đang sống!

"Chớ rờ đến Ta" (câu 17). Một lúc sau, các bà khác "ôm chơn Ngài và thờ lạy Ngài" (Ma-thi-ơ 28:9-10). Buổi tối đó, Ngài phán cùng các Sứ đồ rằng: "Hãy rờ đến Ta" (Lu-ca 24:39), hầu cho họ có thể tin chắc rằng đó không phải là một vị thần. Chúng ta không biết tại sao Ngài không cho phép Ma-ri rờ đến Ngài. Có lẽ Ngài ngụ ý phán rằng bây giờ tình bằng hữu, quen thuộc trần gian phải nhường cho những mối liên lạc thiêng liêng, thiên thượng sâu xa hơn.

Sau đó một chút, Ngài hiện ra với những bà khác (Ma-thi-ơ 28:9-10).

Buổi chiều đó, Ngài hiện ra với hai môn đồ (Lu-ca 24:13-32).

Và với Phi-e-rơ (Lu-ca 24:32-35).

 

Ðoạn 20:19-25 -- Ðức Chúa Jêsus hiện ra với các Sứ đồ

Chính buổi tối đó, tại Giê-ru-sa-lem. Thô-ma không có mặt. Sự hiện ra nầy được ghi chép 3 lần: Ở đây, ở Mác 16:14, và Lu-ca 24:33-44. Xem lời chú giải những khúc sách nầy. Ðức Chúa Jêsus vẫn có thân thể như cũ, có vết thương trên bàn tay, bàn chơn, ngang sườn, và Ngài ăn. Tuy nhiên, Ngài có quyền phép để đi qua vách nhà, hiện ra và biến đi tùy ý. "Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho" (câu 23). Xem ở Ma-thi-ơ 16:19.

 

Ðoạn 20:26-29 -- Chúa hiện ra với các Sứ đồ

Một tuần sau, tại Giê-ru-sa-lem, có mặt Thô-ma. Không một nhà phê bình kim thời nào có thể "có óc khoa học hơn Thô-ma."

 

Ðoạn 20:30-31 -- Mục đích của sách nầy

Ðây là lời tác giả tuyên bố minh bạch rằng mục đích của ông là biểu thị và chứng minh rằng Ðức Chúa Jêsus chính là Ðức Chúa Trời.

 

Các Môn Ðồ Chậm Tin Rằng Ðức Chúa Jêsus Ðã Sống Lại

Họ không trông chờ biến cố ấy, mặc dầu Ðức Chúa Jêsus đã nhiều lần phán bảo họ rõ ràng rằng đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại (Ma-thi-ơ 16:21; 17:9, 23; 20:19; 26:32; 27:63; Mác 8:31; 9:31; Lu-ca 18:33; 24:7). Chắc họ cho lời Ngài phán đó là một thí dụ có một ý nghĩa mầu nhiệm. Khi các bà đi đến phần mộ, thì không phải để xem Ngài đã sống lại chăng, nhưng để sửa soạn an táng thi hài Ngài vĩnh viễn.

Trong số hết thảy môn đồ, chỉ có Giăng tin khi thấy mồ mả trống (Giăng 20:8).

Ma-ri Ma-đơ-len chỉ có một ý nghĩ, là có kẻ đã dời thi hài của Chúa đi (Giăng 20:13, 15).

Khi các bà thuật lại rằng Ðức Chúa Jêsus đã sống lại, thì các môn đồ "cho lời ấy như là hư không' (Lu-ca 24:11).

Khi hai môn đồ từ Em-ma-út tới bảo 11 Sứ đồ rằng Ðức Chúa Jêsus đã hiện ra với họ, thì "ai nấy cũng không tin" (Mác 16:13).

Phi-e-rơ thuật lại rằng Ðức Chúa Jêsus đã hiện ra với ông (Lu-ca 24:34). Nhưng họ vẫn chẳng tin (Mác 16:14).

Như vậy, Ðức Chúa Jêsus đã dự ngôn nhiều lần. Các thiên sứ đã báo tin. Mộ phần trống không. Thân thể Ngài biến mất. Ma-ri Ma-đơ-len đã thấy Ngài. Các bà khác đã thấy Ngài. Cơ-lê-ô-ba và bạn ông đã thấy Ngài. Phi-e-rơ đã thấy Ngài. Vậy mà toàn thể môn đồ vẫn không tin. Ðối với họ, dường như không thể nào tin được.

Rồi buổi tối đó, khi Ðức Chúa Jêsus hiện ra với mười Sứ đồ, thì Ngài quở trách họ cứng lòng, không chịu tin những kẻ đã thấy Ngài, (Mác 16:14). Họ vẫn còn tưởng Ngài chỉ là một Vị Thần, nên Ngài bảo họ hãy nhìn gần bàn tay, ngang sườn, bàn chơn Ngài, và hãy "rờ đến" Ngài. Rồi Ngài bảo đem đồ ăn tới, và Ngài "ăn trước mặt môn đồ" (Lu-ca 24:38-43; Giăng 20:20).

Sau mọi sự đó, Thô-ma vốn tánh buồn rầu, cứng đầu và đa nghi, chắc rằng có một sự lầm lẫn ở chỗ nào đó, nên không chịu tin cho đến khi chính mắt ông thấy Ðức Chúa Jêsus một tuần lễ sau (Giăng 20:24-29).

Vậy, những người đầu tiên tuyên bố truyện tích Ðức Chúa Jêsus phục sanh lại hoàn toàn không sẵn sàng tin truyện tích ấy, quyết định không tin truyện tích ấy, nhưng sau buộc phải tin. Sự trạng nầy tỏ ra không thể nào truyện tích Chúa sống lại đã phát xuất từ trí tưởng tượng bị kích thích và đang trông chờ. Không thể nghĩ ra cách nào để biện minh căn nguyên của truyện tích Ðức Chúa Jêsus sống lại, trừ ra cách nhìn nhận đó là Một Sự Thực. Chính chúng ta một ngày kia, bởi ân điển của Ngài, cũng sẽ sống lại.

Ông DeWette nói rằng: "Dầu trong sự sống lại của Ðức Chúa Jêsus có một lẽ mầu nhiệm không sao làm tiêu tan được, song căn cứ vào chứng cớ xác thực của lịch sử, ta không thể nào nghi ngờ sự sống lại ấy, cũng như không thể nào nghi ngờ vụ mưu sát Jules César."

Ông Edersheim nói rằng: "Ta có thể không chút ngần ngại mà tuyên bố sự sống lại của Ðấng Christ là thực sự vững chắc hơn hết trong lịch sử."

Ông Ewald nói rằng: "Về phương diện lịch sử, không có gì chắc hắn hơn là Ðức Chúa Jêsus đã sống lại và hiện ra với các môn đồ Ngài." 

Ông John A. Broadus nói rằng: "Nếu chúng ta không biết rằng Ðức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét đã từ kẻ chết sống lại, thì chúng ta cũng không biết một điều chi có tánh chất lịch sử."

 

Ðoạn 21 -- Ðức Chúa Jêsus hiện ra với 7 Sứ đồ

Lúc nầy các môn đồ đã trở về xứ Ga-li-lê, theo mạng lịnh của Ðức Chúa Jêsus (Ma- thi-ơ 28:7, 10; Mác 16:7), để chờ đợi huấn thị mới. Ngài đã chỉ định một hòn núi kia (Ma-thi-ơ 28:16), và có lẽ Ngài cũng đã hẹn ngày, giờ. Trong khi chờ đợi, họ lại làm công việc cũ. Có lẽ ở ngay hoặc ở gần chỗ mà 2 hoặc 3 năm trước, lần đầu tiên Ngài đã kêu gọi họ trở nên tay đánh lưới người (Lu-ca 5:1-11). Lần nầy cũng như lúc đầu, Ngài làm phép lạ cho họ kéo được rất nhiều cá. Có lẽ Ngài định dùng sự kéo cá nầy để tượng trưng cho kết quả lớn lao của phong trào cứu chuộc ở giữa loài người mà họ sắp sửa phát động.

"Lần thứ ba" (câu 14), nghĩa là Ngài hiện ra với các môn đồ đang nhóm lại lần nầy là lần thứ ba, hai lần kia có chép ở Giăng 20:19, 26. Nếu kể các cá nhân mà Ngài đã hiện ra với, tức là Ma-ri Ma-đơ-len, các bà, hai môn đồ, và Phi-e-rơ, thì đây là Chúa hiện ra lần thứ bảy.

"Hơn những kẻ nầy chăng?" (câu 15). Trong nguyên văn tiếng Hi-lạp, cũng có nghĩa là: "Hơn những vật nầy chăng?" Không thể nói rằng ở đây Chúa dùng chữ theo nghĩa nào. "Ngươi yêu Ta hơn những môn đồ kia yêu Ta chăng?" Hay là: "Ngươi yêu Ta hơn là ngươi yêu công việc đánh cá nầy chăng?" Phải chăng Ðức Chúa Jêsus trách Phi-e-rơ đã chối Ngài ba lần? Hay là Ngài nhẹ nhàng quở ông đã quay về công việc đánh cá? Chúng tôi muốn nghĩ rằng điều thứ hai là đúng.

"Ngươi yêu Ta chăng?" (câu 15, 16, 17). Chúa dùng chữ "agapan," còn Phi-e-rơ dùng chữ "philein." Ðây là hai chữ Hi-lạp cùng nghĩa là "yêu," nhưng "agapan" tỏ ra một tấm lòng tận tụy hơn. Phi-e-rơ không chịu dùng chữ ấy. Lần thứ ba, Ðức Chúa Jêsus hạ thấp mà dùng chữ "philein" của Phi-e-rơ.

"Hãy chăn chiên Ta" (câu 15, 16, 17). Ba lần Chúa phán có khác nhau. Ý tưởng của Chúa dường như là: "Hỡi Phi-e-rơ, ngươi yêu Ta hơn là ngươi yêu công việc đánh cá nầy chăng? Vậy, hỡi Phi-e-rơ, tốt hơn là ngươi hiến thì giờ để chăn bầy chiên của Ta, để làm công việc Ta, chớ đừng làm công việc ngươi nữa."

Lời tiên tri của Ðức Chúa Jêsus về Phi-e-rơ tuận đạo (câu 18-19). Lời tiên tri nầy đã ứng nghiệm lâu lắm trước khi Giăng chép sách Tin Lành nầy. Xem lời chú giải về thơ I Phi-e-rơ .

Căn cước của tác giả (câu 24). Ðây là lời đặc biệt chỉ quyết rằng Giăng, vị Sứ đồ yêu dấu, là tác giả sách nầy.

"Còn lại nhiều việc nữa" (câu 25). Ðây là cách nói quá sự thực, nhưng chắc hẳn là lời mạnh mẽ mô tả các việc phước đức trong đời sống của Cứu Chúa ở trần gian.

Về sau, Ngài hiện ra với 11 Sứ đồ tại xứ Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 28:16-20).

Với Gia-cơ tại một chỗ và nhằm một ngày ta không biết (I Cô-rinh-tô 15:7).

Và Ngài hiện ra lần cuối cùng, rồi ngự lên trời, tại làng Bê-tha-ni (Lu-ca 24:44-51).

Năm đoạn quan trọng nhứt trong cả Kinh Thánh, theo ý chúng tôi, thì là Ma-thi-ơ 28, Mác 16, Lu-ca 24, Giăng 20 và 21; vì những đoạn nầy kể lại biến cố quan trọng nhứt của lịch sử loài người, tức là Sự Sống Lại của Ðấng Christ từ kẻ chết, yếu cương của cả Kinh Thánh.

*  *  *

Sự Sống Lại Của Ðấng Christ

Sự Sống lại của Ðấng Christ từ kẻ chết là điểm Quan Trọng Hơn Hết trong kho tàng trí thức của loài người; đó là biến cố vĩ đại của muôn đời, -- tất cả lịch sử từ trước qui hướng về biến cố ấy, và tất cả lịch sử về sau tìm được ý nghĩa trong biến cố ấy. Truyện tích Ðấng Christ sống lại đã thấu suốt các thế kỷ và thay đổi bộ mặt của trái đất. Xem lời chú giải I Cô-rinh-tô, đoạn 15.

Có phải là một sự thực chăng? Ngài thật đã sống lại từ trong kẻ chết chăng? nếu Ngài chẳng sống lại, thì thân thể Ngài đã ra sao? Nếu kẻ thù ăn cắp thân thể Ngài, chắc chúng đã đem ra, vì chúng chẳng từ điều chi để biếm truất truyện tích Chúa sống lại, thậm chí hạ sát những người thuật truyện tích ấy. Nếu bạn hữu ăn cắp thân thể Ngài, thì họ phải biết là mình tin một sự giả dối; song chẳng ai chịu bỏ mạng vì cớ những điều mình biết là giả dối.

Có một điều chắc chắn: Những người đầu tiên rao truyền truyện tích Ðức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết đều TIN rằng đó là một sự thực. Họ lập đức tin chẳng những trên phần mộ trống, song cũng trên cái thực sự rằng chính họ đã THẤY Ðức Chúa Jêsus SỐNG sau khi được an táng; không phải một, hai lần, nhưng rất ít là 10 lần có chép trong Kinh Thánh. Cũng không phải chỉ một người thấy, mà từng nhóm 2, 7, 10, 11 và 500 người.

Ảo giác phải chăng? Có thể là một trạng thái thất thần, một chiêm bao, một sự kỳ lạ do trí tưởng tượng bị kích thích, một sự hiện hình của thần linh, chăng? Nhiều nhóm người khác nhau không thể cứ ở trạng thái thất thần như nhau. 500 người trong một đám đông không thể cùng chiêm bao một lúc. Hơn nữa, họ không trông chờ sự trạng ấy. Thoạt tiên, họ coi là truyện "hư không" (Lu-ca 24:11); họ không tin cho đến khi buộc phải tin.

Phải chăng Chúa chỉ ngất đi? Có thể rằng khi họ chôn Ðức Chúa Jêsus, thì Ngài chưa thật chết, và Ngài đã tỉnh lại chăng? Trong trường hợp nầy, vừa yếu đuối, vừa mòn mỏi, Ngài chắc không thể dời phiến đá nặng chận cửa phần mộ mà ra khỏi. Trái lại, Ngài có quyền năng mới mẻ, chưa từng phát lộ trước kia, để hiện ra và biến đi qua cửa khóa chặt. Mười một Sứ đồ (hoặc 120 môn đồ tất cả?) đã chính mắt thấy Ngài lần lần cất lên khỏi mặt đất và biến mất sau đám mây.

Các bản tường thuật giả mạo chăng? Có thể rằng sự sống lại là một phần về sau thêm vào truyện tích Ðấng Christ chăng? Lâu năm về sau người ta đã bịa đặt ra để tôn vinh một anh hùng đã chết chăng? Do những tài liệu lịch sử ở ngoài Kinh Thánh, người ta biết rằng có một giáo phái, gọi là Cơ-đốc-nhân, xuất hiện dưới đời trị vì của Tibère, và sở dĩ họ xuất hiện là vì họ tin rằng Ðức Chúa Jêsus đã sống lại từ trong kẻ chết. Sự sống lại của Ðấng Christ không phải là về sau mới thêm vào đạo Tin Lành, nhưng chính là nguyên nhân và khởi điểm của đạo ấy. Họ lập đức tin không phải trên sách vở ghi chép, nhưng trên cái chính mắt họ đã thấy. Sách vở ghi chép là kết quả của đức tin họ, chớ không phải là nguyên nhân. Nếu không có sự sống lại của Ðấng Christ, thì không có Kinh Thánh Tân Ước và Hội Thánh.

Hào quang vinh hiển biết bao chiếu trên đời sống nhân loại do sự tín ngưỡng đơn sơ nầy! Hy vọng được sống lại và được sự sống đời đời của chúng ta không lập trên lẽ phỏng đoán triết lý về sự bất diệt, nhưng lập trên một thực sự lịch sử!

 



(1) Chỉ về sự an táng Chúa.