Trang Đầu | Mục Lục | << Chương 62 | Chương 64 >> | Hướng Dẫn

THÁNH KINH

Thơ  II Ti-mô-thê

 

 

Lời nói cuối cùng của Phao-lô

Tiếng kêu la khải hoàn của ông lúc gần qua đời

 

Sách Công vụ các sứ đồ chấm dứt lúc Phao-lô ở tù tại thành Rô-ma, khoảng năm 63 S.C.. Người ta thường tin rằng ông được phóng thích, trở về Hi-lạp và Tiểu-á-tế-á, rồi sau bị bắt lại, bị giải về La-mã, và bị xử tử khoảng năm 66 hoặc 67 S.C.. Thơ này viết đang khi ông chờ ngày tuận đạo.

Bối cảnh của thơ tín nầy. Cơn bắt bớ dưới đời trị vì của Néron. Hỏa hoạn lớn ở kinh thành La-mã đã xảy ra năm 64 T.C.. Chính Néron đã đốt thành. Dầu hung tàn, vô nhân đạo như con thú, nhưng hắn là một tay đại kiến thiết. Muốn xây một kinh thành La-mã mới mẻ và vĩ đại hơn, hắn đã đốt kinh thành cũ và dạo chơi vui vẻ khi thấy cảnh lửa cháy. Nhân dân bèn nghi ngờ hắn; và các sử gia đều chung ý kiến cho hắn là kẻ phạm trọng tội ấy. Ðể tránh khỏi bị người ta nghi ngờ mình, hắn bèn tố cáo tín đồ Ðấng Christ đã thiêu đốt kinh thành La-mã.

Kinh Thánh không chép về Néron bắt bớ tín đồ Ðấng Christ, mặc dầu cuộc bắt bớ nầy xảy ra đang lúc chép Kinh Thánh và là bối cảnh trực tiếp của rất ít là hai sách Tân Ước (I Phi-e-rơ và II Ti-mô-thê). Chính cuộc bắt bớ nầy đã làm cho Phao-lô tuận đạo và -- theo một vài truyền thoại -- cả Phi-e-rơ nữa. Nguồn tài liệu của chúng ta là sử gia Tacite, người La-mã. Ông biết rằng tín đồ Ðấng Christ chẳng đốt kinh thành La-mã. Nhưng phải có một người nào gánh lấy trọng tội của Hoàng đế Néron. Ðây có một phái người mới mẻ, bị khinh dễ, phần nhiều thuộc về giai cấp thấp hèn, không có uy tín hoặc thế lực chi, mà lắm kẻ trong số đó lại làm tôi mọi. Néron tố cáo họ đốt kinh thành La-mã, và ra lịnh trừng phạt họ.

Ở trong và ở quanh thành La-mã, vô số tín đồ Ðấng Christ đã bị bắt và bị xử tử bằng những cách tàn bạo hơn hết. Họ bị đóng đinh vào Thập tự giá. Hoặc bị cột vào da thú và quăng vào đấu trường, bị bầy chó vờn giỡn cho đến chết, để làm trò chơi cho dân chúng. Hoặc bị quăng cho thú dữ cắn xé. Hoặc bị cột vào trụ trong vườn của Néron, đổ nhựa thông vào thân thể, rồi đốt làm đuốc soi sáng ban đêm, đang khi bạo chúa nầy trần truồng ngồi trên xe ngựa, phóng túng theo cuộc hoan lạc lúc đêm khuya, và khoan khoái trước sự hấp hối của các nạn nhân.

Chính lúc cơn bắt bớ nầy khởi lên, thì Phao-lô lại bị bắt tại Hi-lạp hoặc Tiểu-Á-tế-á, có lẽ tại thành Trô-ách (II Ti-mô-thê 4:13), và giải về kinh thành La-mã. Lần nầy bởi các cán bộ của chánh phủ La-mã, chớ không bởi người Do-thái như lần trước. Lần nầy "như người phạm tội" (2:9), chớ không phải vì vi phạm luật pháp Do-thái về phương diện kỹ thuật như lần trước. Theo chỗ chúng ta biết, thì sự bắt ông liên quan đến vụ đốt thành La-mã. Vì Phao-lô há chẳng phải thủ lãnh của những người đang bị hình phạt về trọng tội kia sao? Và Phao-lô há chẳng ở thành La-mã suốt hai năm trước khi xảy ra nạn cháy sao? Rất dễ đổ tội nầy cho Phao-lô. Nhưng chúng ta chẳng biết có phải ông bị cáo tội ấy chăng? Cuộc xét xử ông đã tiến hành rất xa đến nỗi ông biết không có hy vọng thoát khỏi. Ðang khi ở trong ngục tối La-mã để chờ giờ "đi về Nước Chúa," ông đã viết bức thơ cuối cùng nầy cho Ti-mô-thê, là thiết hữu và bạn đồng sự mà ông tin cậy, để khuyên Ti-mô-thê bất cứ ở hoàn cảnh nào, hãy trung tín với chức vụ Mục sư do Ðấng Christ trao cho, và hãy kíp đến kinh thành La-mã trước mùa đông (4:21).

Khúc nhạc đức tin toàn thắng của Phao-lô đương giờ tối tăm đó là một trong những khúc sách cao quí nhứt của Kinh Thánh. Ông bị xử tử vì một trọng tội mà mình không hề phạm. Bạn hữu lìa bỏ ông, để ông chịu khổ một mình. Chánh nghĩa mà ông hiến trọn đời mình cho đó đang bị trừ diệt ở Tây phương bởi cơn bắt bớ, còn ở Ðông phương thì đang bị sự bội đạo phá hại. Tuy nhiên, ông không hề tỏ ý hối tiếc đã dâng cuộc đời hầu việc Ðấng Christ và Hội Thánh. Ông chẳng chút nghi ngờ, nhưng tin quyết rằng dầu hiện nay Hội-Thánh dường như thất bại, song một ngày kia, sẽ toàn thắng.Ông cũng chẳng chút nghi ngờ, nhưng tin quyết rằng lúc đầu bị chặt khỏi thân thể, thì ông sẽ bay thẳng vào cánh tay của ÐẤNG mà mình đã kính mến và hầu việc tận tụy biết bao! Thơ tín nầy là tiếng kêu la khải hoàn của một người chiến thắng sắp từ giã đời nầy.

 

Ðoạn 1 -- "Ta Biết... Ðấng ấy."

Sự sống (câu 1). Trong thơ I Ti-mô-thê, ông mở đầu đã nói đến "sự trông cậy" của mình (1:1); còn trong thơ Tít, thì ông mở đầu nói đến lẽ "trông cậy sự sống đời đời" (1:2). Cũng một thể ấy, ở đây trí óc ông chăm chú vào "ngày đó" (câu 12, 18; 4:8).

Ông cầu nguyện cho Ti-mô-thê (câu 3-5). Phao-lô mở đầu hầu hết các thơ tín bằng lời cầu nguyện và cảm tạ như vậy (Rô-ma 1:9-10; I Cô-rinh-tô 1:4-8; II Cô-rinh-tô 1:3-4; Ê-phê-sô 1:3; Phi-líp 1:3, 9-11; Cô-lô-se 1:3-10; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:2-3; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3). "Nước mắt con" (câu 4), có lẽ nhằm lúc họ chia tay nhau tại Trô-ách (4:13). Khi Phao-lô viết thơ I Ti-mô-thê, thì ông ở xứ Ma-xê-đoan, còn Ti-mô-thê ở tại thành Ê-phê-sô. Có lẽ về sau hai ông gặp nhau tại Trô-ách, và có lẽ tại đây quân lính La-mã đã bắt Phao-lô, giải về kinh thành La-mã, vì ông bị cáo tội nhục nhã, là đốt kinh thành nầy.

Lòng tin quyết của Phao-lô (câu 6-14). Ông đã thấy Ðấng Christ. Ông đã chịu khổ vì Ngài. Ðấng Christ mà hiện nay ông không thấy. Lại là Thực sự hiển nhiên trong đời ông, không nghi ngờ chi hết, là Bạn thân mật và thiết thực của ông. Ông "biết Ðấng ấy" y như người ta biết bạn tốt nhứt của mình. "Người giảng đạo, Sứ đồ, và giáo sư" (câu 11). "Người giảng đạo" là người rao truyền Tin Lành cho những ai chưa được nghe, hoặc là giáo sĩ ở ngoại quốc; "Sứ đồ" nhận được quyền hành trực tiếp từ nơi Ðấng Christ; "giáo sư" là người dạy dỗ các cộng đồng tín hữu đã thành lập, tức là Mục sư của chúng ta vậy.

Sự mất lòng thương mến tại Ê-phê-sô (câu 15-18). Ðây là một điều buồn thảm hơn hết trong đời Phao-lô tại Ê-phê-sô, nơi ông làm công việc lớn lao hơn hết và hầu như đã đưa dẫn tất cả nhân dân đến cùng Ðấng Christ. Các giáo sư giả đã thắng thế đến nỗi có thể lợi dụng việc Phao-lô bị bắt mà khiến Hội Thánh xây lại nghịch cùng ông trong lúc ông cần lòng yêu thương và thiện cảm của Hội Thánh ấy hơn hết.

* * *

II Ti-mô-thê 2

Ðoạn 2 -- Lời Khuyên Bảo Ti-mô-thê

Hãy tránh sự rắc rối trong công vụ (câu 1-7). Phao-lô khuyên Ti-mô-thê hãy nhận lãnh trợ cấp cho chức vụ Mục sư của mình, là điều Phao-lô không chịu làm trong phần lớn của chức vụ ông, trước khi các chi hội được thành lập vững vàng. Có lẽ Ti-mô-thê thuộc về một gia đình khá giả, nhưng lúc nầy vì nạn bắt bớ, nên đã mất hết tiền của. Vì Ti-mô-thê thận trọng về vấn đề nhận trợ cấp, nên có lẽ cần lời khuyên bảo nầy của Phao-lô.

Hãy chịu khổ (câu 8-12). Lúc đó Phao-lô đang chịu sự đau đớn tàn khốc hơn hết dành cho một thiện nhân, tức là bị cáo là kẻ phạm trọng tội (câu 9). Nhưng hãy chú ý, tâm trí ông chăm vào "sự vinh hiển đời đời" (câu 10). Câu 11-13 có lẽ là trưng dẫn lời của một bản thánh ca.

Hãy dùng Lời Chúa cho đúng cách (câu 14-22). Chớ bẻ sai ý nghĩa tự nhiên của Lời Chúa để ủng hộ những giáo lý mà mình ưa thích. Hội Thánh sẽ tẻ tách khỏi sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Nhưng đương thời Hội Thánh hữu hình trong lịch sử, Ðức Chúa Trời sẽ có một thiểu số tín đồ chân thực (câu 19).

Hãy mềm mại (câu 22-26). Trong tay của một Mục sư sẵn lòng mềm mại chân thực của Ðấng Christ, thì Lời Ðức Chúa Trời sẽ phá tan sự chống đối và gìn giữ Hội Thánh trên đường chánh đáng.

 

Ðoạn 3 -- Những Thời Kỳ Khó Khăn

Sự bội đạo hầu đến (câu 1-14). Một trong những gánh nặng của Tân Ước là loài người quyết cố gắng làm hư hoại Tin Lành và cản trở công việc của Ðấng Christ. Kinh Thánh nói đi nói lại đến sự cố gắng ấy (Ma-thi-ơ 7:15-23; II Tê-sa-lô-ni-ca 2; I Ti-mô-thê 4; II Phi-e-rơ 2; Giu-đe; Khải Huyền 17). Bức tranh khủng khiếp ở câu 2-5, ngoại trừ một vài kỳ cải cách tạm thời, chính là bức tranh tả đúng toàn thể Hội Thánh hữu hình cho tới ngày nay. "Gian-nét" và "Giam-be" (câu 8) là tên cổ truyền của các thuật sĩ dưới quyền Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:11-22). "Lít-trơ" (câu 11) là nơi Phao-lô đã bị ném đá, nơi Ti-mô-thê sanh trưởng, và có lẽ Ti-mô-thê đã chứng kiến lúc chúng ném đá Phao-lô. "Mọi người muốn sống cách nhơn đức trong Ðức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ" (câu 12). Kinh Thánh nhắc đi nhắc lại điều ấy cho chúng ta (Ma-thi-ơ 5:10-12; Giăng 15:20; Công vụ các sứ đồ 14:22; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:4), để khi cơn bắt bớ xảy đến, thì chúng ta sẵn sàng đối xử.

Kinh Thánh (câu 14-17) là vị thuốc duy nhứt chống lại sự bội đạo và sự bại hoại trong Hội Thánh. Giáo hội kia đã loại bỏ Kinh Thánh, nên Hắc ám Thời đại mới diễn ra. Hội Thánh Cải chánh đã lại tìm thấy Kinh Thánh, nhưng bây giờ lại xao lãng Kinh Thánh. Sự coi thường Kinh Thánh lan tràn trong Hội Thánh thời nay thật là kinh khủng. Nhiều thủ lãnh hữu danh của Hội Thánh chẳng những xao lãng Kinh Thánh, song còn lấy sự kiêu ngạo trí thức quá mức, nhơn danh "giới học giả kim thời" mà dùng mọi phương pháp có thể tưởng tượng để phá hoại căn nguyên thiên thượng của Kinh Thánh và loại bỏ Kinh Thánh, coi như một mớ "tư tưởng Hê-bơ-rơ" chấp vá lại.

 

Ðoạn 4 -- Những Lời Cuối Cùng Của Phao-Lô

Lời khuyên long trọng lúc từ biệt (câu 1-5). Phao-lô biết ngày mình bị xử tử gần tới. Ông không chắc có thể lại gặp mặt Ti-mô-thê, hay là có cơ hội viết một thơ nữa cho Ti-mô-thê, chăng? Ông nài khuyên Ti-mô-thê hãy để tâm trí vào ngày Chúa hiện ra và hãy chuyên cần rao giảng Ðức Chúa Jêsus luôn luôn. Ông lại nhắc đến các giáo sư giả, (câu 3, 4) Ôi! Bọn họ khuấy rối Phao-lô là dường nào! Thật người ta ngoan cố quyết định làm cho Tin Lành của Ðấng Christ phải bại hoại.

Bài diễn văn cáo biệt của Phao-lô (câu 6-8). Ðây là lời vĩ đại nhứt của người vĩ đại nhứt từng sống ở đời. Vị chiến sĩ cao niên của Thập tự giá, mang nhiều vết sẹo của chiến trường, nhìn lại một cuộc giao tranh lâu dài, gay go và gian khổ, bèn hớn hở la lên rằng: "Ta đã thắng trận!" Sau đó ít lâu, lưỡi rìu của tên đao phủ đã giải phóng linh hồn Phao-lô khỏi thân thể mòn mỏi, bầm nát để được hàng đoàn thiên sứ chở lên lòng Chúa yêu dấu. Chúng ta tưởng tượng sự mừng đón ông vào Thiên đàng trổi hơn bất cứ đám rước khải hoàn nào dành cho các vương tướng chiến thắng trở về mà ông đã được chứng kiến tại kinh thành La-mã. Chúng tôi đoán rằng khi ông tới Thiên đàng, thì hành động thứ nhứt của ông sau khi triều kiến Chúa là đi tìm kiếm Ê-tiên mà thành thật xin lỗi.

Những việc riêng (câu 9-22). Chúng ta không biết Ti-mô-thê có đến kinh thành La- mã trước khi Phao-lô tuận đạo chăng (câu 9). Chúng ta hy vọng rằng Ti-mô-thê đã đến kịp. Giai đoạn thứ nhứt của cuộc xét xử đã qua (câu 16). Ðối với ông, tình hình tuyệt vọng đến nỗi trong 4 bạn đồng hành, thì 3 người trốn mất, chỉ còn 1 người, là Lu-ca, ở lại (câu 10, 11). Không nói rõ Tít tự ý đi xứ Ða-ma-ti (câu 10), hay là Phao-lô sai Tít qua đó theo như hai ông có lẽ đã dự tính tại Ni-cô-bô-li (Tít 3:12). Ðó là những ngày tối tăm tại kinh thành La-mã. Những người tín đồ mà họ biết mặt, biết tên thì bị tàn sát để đền tội đốt kinh thành. Bây giờ chúng đem vị lãnh tụ của đạo Ðấng Christ ra xét xử. Nếu chúng thấy người nào ở chung với ông, thì nguy hiểm cho người ấy lắm. Phao-lô muốn gặp "Mác" (câu 11). Hai ông đã phân rẽ nhau lâu năm về trước (Công vụ các sứ đồ 15:36-41), nhưng Mác đã ở với Phao-lô lúc Phao-lô bị cầm tù tại thành La-mã lần thứ nhứt (Cô-lô-se 4:10). Mác và Phi-e-rơ đã làm việc chung với nhau, và nếu Mác tới La-mã, thì có lẽ Phi-e-rơ cũng tới đó. Theo một truyền thoại, thì Phi-e-rơ đã tuận đạo tại La-mã vào cùng khoảng với Phao-lô, hoặc sau ít lâu. "Áo choàng" (câu 13). Mùa đông gần tới (câu 21), và Phao-lô cần áo choàng ấy. "Những sách vở" (câu 13) có lẽ là những phần Kinh Thánh. "A-léc-xan-đơ" (câu 14) chắc là A-léc-xan-đơ mà Phao-lô "đã phó cho quỉ Sa-tan" (I Ti-mô-thê 1:20), lúc nầy hắn có cơ hội trả miếng. Và hắn đã trả miếng thật. Hắn đi trọn đường từ Ê-phê-sô đến kinh thành La-mã để làm chứng nghịch cùng Phao-lô; và hắn đã thành công mỹ mãn. "Sư tử" (câu 17) có lẽ ám chỉ Néron, hoặc có lẽ chỉ về Sa-tan (I Phi-e-rơ 5:8). "Trô-phim" (câu 20). Hào hứng thay, đây là một ánh sáng chiếu vào quyền phép của Phao-lô để làm phép lạ! Ở nhiều chỗ khác nhau, ông đã chữa lành không biết bao nhiêu người. Nhưng đây là một bạn hữu thân mến của ông mà ông không chữa lành được. "Li-nút" (câu 21) và mấy người khác: Ðây là một nhóm tín đồ ở thành La-mã đã tìm cách liên lạc được với Phao-lô.